Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 19/05/2014-10:25:00 AM
Phát triển nông nghiệp hướng đến mô hình tăng cầu
Một trong những khó khăn lớn nhất của nông nghiệp hiện nay là vấn đề thị trường. Phát triển thị trường bao gồm phần đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện tại và làm tăng nhu cầu tiềm năng đối với sản phẩm nông nghiệp. Sự gia tăng nhu cầu là yếu tố quan trọng cho phát triển nông nghiệp.
Người tiêu dùng chọn các sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Đó là nhận định của tiến sỹ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ vừa cho biết tại Hội thảo “Giải pháp phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao” do Báo Nhân Dân phối hợp Ngân hàng Nhà nước, Viện Chính sách Phát triển Nông nghiệp Nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tổ chức sáng nay (15/5), tại Hà Nội.

Theo tiến sỹ Võ Hùng Dũng, ngành nông nghiệp cần thay đổi quan niệm phát triển thị trường bằng cách làm gia tăng nhu cầu trong và ngoài nước. Sản xuất phải dựa trên các đánh giá nhu cầu của thị trường, tránh để xảy ra tình trạng “được mùa mất giá - được giá lại mất mùa.”
“Phát triển thị trường là phải tìm cách tăng nhu cầu. Bên bán phải có các hoạt động kích thích tiêu dùng, các hình thức quảng bá sản phẩm. Những hoạt động này với nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp trong thời gian qua rất kém,” tiến sỹ Võ Hùng Dũng thẳng thắn cho biết.
Do đó, tiến sỹ Võ Hùng Dũng cho rằng sản xuất dựa trên nhu cầu thị trường phải bao gồm yếu tố số lượng, chất lượng và chủng loại. Nghĩa là sản phẩm phải đa dạng và phải đảm bảo sự an toàn cho người tiêu dùng nhằm tạo sự thu hút người tiêu dùng gắn kết với các sản phẩm nông nghiệp.
Đồng quan điểm, tiến sỹ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn cho rằng, ngoài những yếu tố như đất đai, tín dụng, ứng dụng khoa học công nghệ và cơ sở hạ tầng thì yếu tố con người - nguồn nhân lực cũng rất quan trọng trong quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
“Bước đột phá ở đây chính là cần thay đổi tư duy sản xuất và tư duy quản lý, hướng sản xuất tập trung vào cái thị trường cần và nâng cao giá trị gia tăng. Theo đó, sản phẩm cũng đảm bảo chất lượng theo chuỗi phát triển bền vững,” tiến sỹ Đặng Kim Sơn nhấn mạnh.
Thạc sỹ Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp Nông thôn - Ban kinh tế Trung ương cũng cho rằng, để xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao cần tiếp tục đầu tư phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp; xây dựng, nâng cao hiệu quả các khu nông nghiệp công nghệ cao đáp ứng nhu cầu của thị trường.
“Phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần có sự liên kết chặt chẽ giữa 5 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà tư vấn và nhà nông, trong đó sự năng động, sáng tạo của doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm của phát triển nông nghiệp công nghệ cao tạo cầu nối cho các sản phẩm nông nghiệp tiếp cận với thị trường; từ đó sẽ tạo nguồn động lực hỗ trợ người nông dân áp dụng sản xuất,” Vụ trưởng Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh./.
Hiện nay, Việt Nam có 29 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được xây dựng, đưa vào hoạt động và quy hoạch tại 12 tỉnh, thành phố; một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Hậu Giang.
Thanh Tâm
Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 776
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)