Mặc dù tháng Tư được coi là tháng trọng điểm về xuất khẩu gạo nhưng tháng Tư năm nay, việc xuất khẩu gạo đã không đạt kế hoạch đề ra là 700 ngàn tấn và thấp hơn cả tháng Ba.
|
Vận chuyển gạo xuất khẩu tại Xí nghiệp chế biến lương thực Tân Túc (TP.HCM).
(Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
|
Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), nguyên nhân là do giao hàng đến hầu hết các thị trường đều sút giảm mạnh, nhất là châu Phi, trừ Trung Quốc tăng 51%, nhưng không bù đắp được sự sút giảm từ nơi khác.
Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng Tư chủ yếu là Trung Quốc, chiếm 60%, còn lại là các thị trường khác. Chất lượng gạo xuất khẩu trong tháng Tư, đứng đầu là gạo trung bình 15% tấm, chiếm 30,85%; kế tiếp là gạo 5% tấm chiếm 25,70%, thứ ba là gạo thơm chiếm 25,23%, thứ tư là nếp chiếm 8,83% và thứ 5 là gạo cấp thấp 25% tấm chiếm 6,06%.
Giá gạo xuất khẩu giao dịch trong tháng Tư tăng nhẹ so với tháng Ba và biến động trong khoảng 385-395 loại 5% tấm, do giá trong nước ổn định với thực hiện mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ Đông Xuân.
Trong tháng 5, VFA dự báo gạo Việt Nam vẫn là nước chịu áp lực lớn nhất từ sự cạnh tranh của Thái Lan, nhất là đối với các loại gạo trắng cùng loại và cả loại gạo đồ mới bắt đầu phát triển. Riêng gạo thơm và nếp đã tạo được một thế đứng trên thị trường với sản lượng và thị phần ngày càng tăng.
Điểm sáng hiện nay là còn giữ được thị trường Philippines với số lượng trúng thầu 800.000 tấn vừa qua, mặc dầu chỉ giao hàng 200.000 tấn tháng từ tháng Năm đến tháng Tám nhưng đã góp phần tiêu thụ lúa gạo mua tạm trữ vụ Đông Xuân và thu hoạch vụ Hè Thu tới, giữ ổn định giá lúa gạo trong nước, giảm bớt áp lực ép giá từ thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên thị trường này cũng đang bị áp lực cạnh tranh rất lớn từ Thái Lan do nước này đang thúc đẩy thương mại gạo với chính phủ Philippines để giải quyết tồn kho.
Hiện nay, Trung Quốc đã trở thành thị trường gạo lớn nhất của Việt Nam trong hai năm qua và sẽ tiếp tục đứng đầu trong thời gian tới do nhu cầu ngày càng tăng và lợi thế thị trường gần, vận chuyển thuận lợi, đặc biệt là xuất khẩu qua biên giới, bù đắp sự sút giảm từ các thị trường khác do cạnh tranh của Thái Lan.
VFA dự báo, giá gạo xuất khẩu sang thị trường này sẽ ổn định trong tháng Năm và ngay cả tháng Sáu, trước khi sút giảm do kết hợp nhu cầu yếu từ Trung Quốc (bắt đầu thu hoạch) và thu hoạch vụ Hè Thu trong nước từ tháng Bảy, làm tăng áp lực giảm giá.
Căn cứ tình hình thị trường, sản lượng gạo hàng hóa và khả năng giao hàng, dự kiến kế hoạch xuất khẩu trong năm 2014 là 6,2 triệu tấn (chưa tính xuất khẩu qua biên giới Trung Quốc); trong đó quý 1 là 1,219 triệu tấn; quý 2 là 1,8 triệu tấn; quý 3 là 1,8 triệu tấn và quý 4 là 1,4 triệu tấn.
Tuy nhiên, mục tiêu hướng tới của VFA là xuất khẩu hết lúa gạo hàng hóa của nông dân./.
Liên Phương
TTXVN/Vietnam+