Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 09/06/2014-10:14:00 AM
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2014: Từ Chương trình tới Hành động – Chuẩn bị cho các Hiệp định Thương mại mới
(MPI Portal) – Ngày 05/6, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2014 với chủ đề “Từ Chương trình tới Hành động – Chuẩn bị cho các Hiệp định Thương mại mới” đã diễn ra tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự và có bài phát biểu tại Diễn đàn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa và Giám đốc khu vực Tổ chức Tài chính Quốc tế Simon Andrews đồng chủ trì Diễn đàn. Tham dự Diễn đàn còn có đại diện các Bộ, ngành, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, nhà tài trợ, các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài và các cơ quan thông tấn, báo chí. Ngoài ra, Diễn đàn năm nay có sự tham gia của đoàn đại biểu Chính phủ Mi an ma sang tham khảo và học tập kinh nghiệm tổ chức đối thoại.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, VBF đang phát triển lớn mạnh, trở thành kênh đối thoại chính sách thường xuyên, liên tục của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài, góp phần tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Diễn đàn lần này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư ở Việt Nam. Ngay sau khi xẩy ra sự việc, Chính phủ Việt Nam đã có những chỉ đạo quyết liệt với các bộ, ngành, địa phương nhằm đưa ra những biện pháp cụ thể để lấy lại niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp như miễn giảm thuế, đơn giản hóa thủ tục hải quan, hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại do một số kẻ quá khích lợi dụng tình hình gây ra. Việt Nam đánh giá cao nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn đồng hành, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là các nhà đầu tư Đài Loan.

Đưa ra những khuyến nghị hỗ trợ doanh nghiệp, bà Virginia Foote, Đồng Chủ tịch Liên minh VBF cho rằng, trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam cần tập trung vào ba giải pháp: Thứ nhất, giải pháp để các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đang đàm phán, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Điều này có thể mang lại lợi ích tốt nhất cho doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam. Thứ hai, đẩy nhanh thực hiện các giải pháp và giải quyết các thủ tục hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp bị thiệt hại tại một số địa phương, khẳng định lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư Việt Nam. Thứ ba, triển khai mạnh mẽ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tiếp tục khẳng định sự ổn định, thân thiện và hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Đại diện Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/5/2014 về giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Việc ban hành những văn bản này đã xác định mục tiêu rõ ràng trong từng giai đoạn, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể gắn với trách nhiệm của từng Bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, nhấn mạnh các biện pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp cũng như chuyển giao một số dịch vụ công cho Hiệp hội.

Ông Marc Townsend, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, trong năm 2013, tình hình giao thương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tăng khoảng 20%, đạt 29,7 tỷ đô la Mỹ. Thương mại song phương trong ba tháng đầu năm 2014 đã tăng 14%. Nếu xu hướng hiện nay tiếp tục được duy trì và TPP được ký kết, thương mại song phương về hàng hóa có thể đạt 60,2 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020, và có thể lên đến gần 70 tỷ đô la Mỹ năm 2030.

AmCham tin tưởng rằng, TPP sẽ mang đến một hướng phát triển tốt cho nền kinh tế Việt Nam, sẽ giúp GDP của Việt Namtrong năm 2025 cao hơn 28,4% so với mức GDP không có sự hỗ trợ từ TPP, đồng thời, gia tăng 35,7% xuất khẩu của Việt Nam. Với TPP và các Hiệp định Thương mại khác sẽ đem lại nhiều cơ hội mới hỗ trợ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa. Những hiệp định này có thể hỗ trợ quá trình gỡ bỏ các rào cản thương mại trong các lĩnh vực như tiếp cận thị trường và mua sắm Chính phủ. Đồng thời, quá trình này cũng giúp phát triển các chuẩn mực mới trong hệ thống quy định chặt chẽ, quyền của người lao động, bảo vệ môi trường và quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho TPP và các Hiệp định Thương mại khác, Việt Nam cần lưu ý đến các vấn đề như: tham nhũng, thực hiện các cam kết WTO, thiếu hụt cơ sở hạ tầng (cụ thể là năng lượng và giao thông vận tải), thiếu lực lượng lao động có tay nghề cao và thiếu hụt sự phối hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong việc cải tiến khu vực nội địa.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Amcham mong muốn môi trường kinh doanh Việt Nam minh bạch hơn, tăng cường sự tương tác giữa cơ quan nhà nước, bộ máy nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Đối thoại với người dân và doanh nghiệp phải được mở rộng dưới nhiều hình thức để thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Từ đó, đưa ra những và chính sách, pháp luật phù hợp hơn với thực tế.

Nêu ra những kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội cho rằng, Việt Nam đang trong tiến trình đàm phán các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với tiềm năng thúc đẩy nền kinh tế đáng kể. FTA giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam đang có những bước tiến thuận lợi. Sau khi FTA giữa Việt Nam và EU được ký kết, ước tính GDP của Việt Nam có thể tăng hơn 15%, tiền lương thực tế của lao động có tay nghề cao tăng khoảng 12%, tiền lương thực tế của lao động phổ thông tăng khoảng 13% và giá trị xuất khẩu có thể tăng lên gần 35%. Tuy nhiên, các lợi ích tiềm năng này có thể bị suy yếu nếu Việt Nam không cam kết thực hiện toàn diện các điều khoản thương mại quốc tế và đảm bảo việc thi hành hiệu quả các điều khoản này. Điều quan trọng là Việt Nam phải đảm bảo việc ký kết và thi hành các FTA, trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thành lập vào năm 2015. Trong khuôn khổ đó, Việt Nam cần đảm bảo các doanh nghiệp của mình có sức cạnh tranh không chỉ ở thị trường nội địa mà cả thị trường quốc tế. Do đó, các chính sách bảo hộ cần được lược bỏ nhanh chóng để các doanh nghiệp Việt Nam có thể thích ứng với các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, giá cả, thương hiệu…

Đại diện cho Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham), Chủ tịch Kim Jung In cho rằng, Việt Nam đang trong quá trình đàm phán TPP, FTA với EU và Hàn Quốc. KorCham tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ có những đóng góp lớn cho nền kinh tế thế giới. Hàn Quốc cũng đang cố gắng kết thúc đàm phán và ký kết FTA với Việt Nam trong năm 2015. Đối với ngành dệt may và giầy dép mà các công ty Hàn Quốc đang tập trung đầu tư, quy tắc xuất xứ trong đàm phán FTA chưa có sự thống nhất. KorCham hy vọng, Chính phủ Việt Nam cung cấp những thông tin về tình hình đàm phán FTA không chỉ với những bên của Hiệp định mà còn với cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, từ đó, để họ có thể hoạch định kế hoạch kinh doanh tổng thể cho tương lai và tiến hành đầu tư đúng thời điểm. Các khu kinh tế, các địa phương cần phải có những chính sách kinh tế và khuôn khổ pháp lý lành mạnh để thu hút đầu tư quốc tế, thúc đẩy giao thương và tăng cường phát triển kinh tế - xã hội. KorCham luôn có cách nhìn tích cực về các chính sách đầu tư của Việt Nam, tuy nhiên, các chính sách đó vẫn có một số vấn đề cần được cải thiện hơn nữa. Thông qua sự cải thiện này, KorCham tin rằng Việt Nam là quốc gia được nhiều kỳ vọng và đầy tiềm năng.

Ông Yoshihisa Maruta, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) cho rằng, Việt Nam hiện đang ở vào một giai đoạn rất quan trọng khi AEC sẽ được thông qua vào năm 2015, cũng như Hiệp định TPP hiện đang đi vào những vòng đàm phán cuối cùng. Đặc biệt, kể từ năm 2015 trở đi, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh toàn cầu gay gắt khi phần lớn các loại thuế nhập khẩu sẽ được dỡ bỏ từ năm 2015 theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Trước tình hình đó, nếu Chính phủ Việt Nam không có định hướng rõ ràng về phát triển công nghiệp cũng như xử lý triệt để vấn đề mức tiền lương và quy định làm ngoài giờ chặt chẽ hơn các nước phát triển thì lợi thế cạnh tranh của Việt Nam về những ngành có hàm lượng lao động cao có thể sẽ giảm, dẫn đến Việt Nam sẽ khó khăn trong việc thu hút vốn đầu tư cho công nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các hiệp hội doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, tình hình kinh tế - xãhội của Việt Nam năm 2013 và những tháng đầu năm 2014 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đúng hướng. Kinh tế vĩ mô ổn định và vững chắc hơn; lạm phát đã được kiểm soát tốt; xuất khẩu trong 3 năm (2011 - 2013) trung bình tăng trên 20%; tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam tăng mạnh, bảo đảm trên 12 tuần nhập khẩu từ năm 2013 đến nay; cán cân thanh toán tổng thể thặng dự lớn; lãi suất giảm mạnh theo tín hiệu của kiểm soát lạm phát, phù hợp với kinh tế thị trường; nợ xấu của hệ thống ngân hàng từng bước được kiểm soát và xử lý. Bên cạnh đó, cùng với phát triển kinh tế, tiến bộ công bằng xã hội tiếp tục được cải thiện. Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế khó khăn nhưng Việt Nam đã hoàn thành nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc trước thời hạn. Điều này đã được Liên Hợp Quốc, cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Chính trị xã hội ở Việt Nam tiếp tục ổn định, được bảo đảm vững chắc trên cơ sở sự đồng tình ủng hộ của người dân đối với các chính sách phát triển của Nhà nước.

Chia sẻvề sựviệcđáng tiếc xảy ra vừa qua đối với một số doanh nghiệp,Thủtướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ,việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, gây phẫn nộ đối với cả dân tộc Việt Nam. Một số nơi người dân biểu tình phản đối hành động ngang ngược này của Trung Quốc, lợi dụng việc biểu tình yêu nước của người dân, một số người manh động đã vi phạm pháp luật phá hoại tài sản của doanh nghiệp. Việt Nam đã ngăn chặn kịp thời và không để tái diễn tình trạng này, đồng thời đã chia sẻ, hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ và các doanh nghiệp bị thiệt hại, hầu hết đã trở lại sản xuất, kinh doanh bình thường.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia, cộng đồng quốc tế, đồng thờisẽ tiếp tục đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững; phát triển kinh tế đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội. Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên trong thời gian tới,Việt Nam sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách, trong đó tập trung 5 chính sách, giải pháp chủ yếu: Thứnhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường một cách đầy đủ hơn, hiệu quả hơn, năng động hơn. Song song với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, Việt Nam sẽ chủ động đẩy nhanh hiệu quả tiến trình hội nhập sâu rộng với cộng đồng quốc tế, với nền kinh tế thế giới. Việt Nam sẽ thực hiện đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, nhất là thực hiện cơ chế giá theo kinh tế thị trường và phân bổ nguồn lực theo cơ chế kinh tế thị trường. Đồng thời, với thực hiện cơ chế kinh tế thị trường, Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện các công cụ, các giải pháp điều tiết, định hướng nền kinh tế để thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Cùng với đó, tiếp tục tập trung chỉ đạo cải cách, nhất là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng hơn, minh bạch hơn, bình đẳng hơn, cạnh tranh hơn, phù hợp với tinh thần kinh tế thị trường và phù hợp với các cam kết hội nhập quốc tế, thông lệ quốc tế.

Thứ hai, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế với mục tiêu để cạnh tranh cao hơn, hiệu quả cao hơn, Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển doanh nghiệp tư nhân, coi đây là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện để thu hút mạnh hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Thứba, Việt Nam sẽ thực hiện quy chế khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế, cả trong nước và ngoài nước đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng, cả hạ tầng kinh tế và xã hội, trong đó hết sức khuyến khích hợp tác theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Chính phủViệt Nam cũng đang tập trung dành nguồn lực thỏa đáng để đẩy nhanh đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, nhu cầu của các doanh nghiệp.

Thứtư, trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Việt Nam sẽ bảo đảm và phát huy quyền dân chủ trực tiếp của người dân cũng như quyền dân chủ của người dân thông qua các tổ chức tự nguyện và hợp pháp của mình và trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền, đồng thời đặc biệt coi trọng hoàn thiện xây dựng thể chế, chính sách, cải cách hành chính...

Thủtướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam tiếp tục bảo đảm, tăng cường ngày càng vững chắc về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảođảm môi trường sống yên bình cho mọi người dân; bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho các tổ chức, các doanh nghiệp, người nước ngoài đang công tác, làm việc, học tập, làm ăn sinh sống ở Việt Nam.

Tại Diễn đàn, cộng đồng doanh nghiệp đã đối thoại với Chính phủ Việt Nam về môi trường đầu tư, thương mại, thuế và hải quan, lao động và việc làm, ngân hàng và thị trường vốn, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, du lịch./.

Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1075
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)