Sáu tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam ước đạt 10,21 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2013.
|
May hàng xuất khẩu tại Xí nghiệp May 2 - Tổng Công ty May 10. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
|
Kết quả này được ông Trần Việt, Trưởng Ban Thị trường Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết trong cuộc họp công bố kết quả sản xuất kinh doanh do Tập đoàn tổ chức chiều 16/6 tại Hà Nội.
Cũng theo ông Trần Việt, từ đầu năm đến nay, trong khi tăng trưởng nhập khẩu dệt may của các thị trường chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc không cao, thì xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang các quốc gia này lại hết sức lạc quan. Mức tăng trưởng tại các thị trường trên lần lượt là 14,5%, 11,3%, 11,6% và 30,1%. Điều này cho thấy ngành dệt may Việt Nam ngày càng có uy tín và sức cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.
Riêng Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), kim ngạch xuất khẩu trong sáu tháng đầu năm đạt 1,62 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu cũng tăng 7% so với cùng kỳ. Doanh thu nội địa ước đạt 11 nghìn tỷ đồng.
Để đẩy nhanh tiến độ phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) và đón đầu các Hiệp định kinh tế, Tập đoàn chú trọng đẩy nhanh tiến độ dự án trên các lĩnh vực cốt lõi như sợi, dệt, nhuộm, may phân phối theo chiến lược tăng giá trị, theo hướng ODM (thiết kế và chế tạo sản phẩm theo đơn đặt hàng) và đáp ứng yêu cầu của Hiệp định TPP.
Bên cạnh đó, Vinatext triển khai các dự án sản xuất nguyên liệu dệt may, cung cấp đầu vào cho ngành dệt may.
Trong sáu tháng đầu năm, Vinatex đã triển khai 9 dự án sợi, 11 dự án dệt nhuộm, 12 dự án may, tăng năng lực sản xuất thêm 600 tấn sợi/tháng; 400 tấn vải dệt nhuộm/tháng và 2 triệu sản phẩm may/tháng.
Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng cho biết, đã xây dựng kế hoạch và các mốc thời gian cụ thể cho việc IPO, ngày 23/6 sẽ tiến hành công bố thông tin trước đấu giá.
Ngày 22/7, Vinatex sẽ chính thức IPO tại Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh./.