Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng 5,62% trong chín tháng đầu năm 2014. Hoạt động kinh tế còn được hỗ trợ bởi đầu tư trong lĩnh vực chế tạo, lĩnh vực chiếm khoảng 70% tổng FDI. Dệt may, hóa chất, nông nghiệp và thủy sản là những lĩnh vực mà Việt Nam đang tìm kiếm đầu tư từ Ấn Độ.
Việt Nam cũng mong muốn Ấn Độ đầu tư vào những lĩnh vực mới mà Ấn Độ có lợi thế như hạ tầng, phát dẫn điện, công nghệ thông tin, giáo dục và nghiên cứu về dược phẩm.
Kim ngạch thương mại hai chiều Ấn-Việt đã đạt 8 tỷ USD trong năm 2013-2014 và hai nước đã nâng mục tiêu lên 15 tỷ USD trước năm 2020. Việt Nam và Ấn Độ đang dự tính ký Hiệp định mậu dịch ưu đãi (PTA) nhằm giảm thuế quan hơn nữa.
Hàn Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Hãng Samsung của Hàn Quốc đã đầu tư gần 8 tỷ USD vào Việt Nam, trong khi tập đoàn siêu thị Lotte Mart có kế hoạch tăng gấp đôi số cửa hàng tại nước này so với hiện nay. Bên cạnh lĩnh vực chế tạo, lĩnh vực bất động sản đứng thứ hai về thu hút FDI, chiếm 11%, tương đương 1,2 tỷ USD.
Hiện nay có một số dự án bất động sản lớn, trong đó có Smart Complex của Lotte tại khi vực Thủ Thiêm của Thành phố Hồ Chí Minh, với vốn đầu tư 2 tỷ USD; dự án Amata City Long Thành thuộc tỉnh Đồng Nai (530 triệu USD) đang được triển khai và các nhà đầu tư Ấn Độ có thể thăm dò khả năng đầu tư.
Thị trường chứng khoán Việt Nam nằm trong số 5 thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Việt Nam đã nhanh chóng phục hồi sau ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 và trong hơn bốn năm qua, chính phủ Việt Nam đã thành công trong việc triển khai thực hiện chính sách bình ổn kinh tế vĩ mô, do đó, giữ được mức tăng trưởng cao 5-6%/năm, thu hút 23 tỷ USD vốn FDI trong năm 2013, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia.
Việt Nam hiện nay là một trong những điểm đến đầu tư hàng đầu trong khối ASEAN; là một trong ba nước đứng đầu ASEAN về xuất khẩu tới Mỹ, trên cả Thái Lan và Malaysia. Việt Nam chiếm 20% giá trị xuất khẩu của ASEAN tới Mỹ và nếu xu hướng này tiếp tục, giá trị xuất khẩu sẽ tăng lên hơn 30% vào năm 2020.
Nền kinh tế Việt Nam đã bình ổn dần dần, với các chỉ số kinh tế vĩ mô cải thiện so với năm 2013. Kết quả tích cực này là nhờ sự điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô một cách hợp lý của Chính phủ Việt Nam. Trong chín tháng đầu năm 2014, số hộ gia đình sống dưới mức nghèo khổ tại Việt Nam đã giảm 21,7% so với cùng kỳ năm trước.
Phòng Thương mại Mỹ tại Singapore cho biết, Việt Nam là điểm đến được ưa chuộng thứ hai của các doanh nghiệp Mỹ trong số các nước ASEAN và việc Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ có ảnh hưởng tích cực đối với các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam.
Việt Nam có thể đạt tăng trưởng kinh tế 6% trong năm 2015 và 6-7% trong giai đoạn 2016-2017. Tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam đã giảm từ hơn 20% trong năm 2010-2011 xuống còn 6% trong năm 2013./.