Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 01/12/2014-17:15:00 PM
Quốc hội: Cuối 2015, cơ bản hoàn thành cơ cấu lại nền kinh tế

Ngày 28/11, với 92,35% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế từ nay đến hết năm 2015, Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần tập trung thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 để đến cuối năm 2015 bảo đảm cơ bản hoàn thành cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh và bền vững, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Theo Nghị quyết này, qua hơn 3 năm thực hiện việc tái cơ cấu nền kinh tế đã mang lại kết quả bước đầu, khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu nền kinh tế là đúng đắn và kịp thời.

Việc xây dựng các đề án tái cơ cấu và hệ thống văn bản pháp luật đã nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm, tạo cơ sở quan trọng cho việc tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu. Phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ được bố trí tập trung cho các dự án quan trọng, cấp bách và các dự án đang thi công dở dang có hiệu quả. Huy động vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài vào các dự án khu vực đầu tư công nhiều hơn ở lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông.

Các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được sắp xếp, chấn chỉnh, đổi mới, tập trung vào ngành, nghề kinh doanh chính. Việc cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nghề kinh doanh chính có chuyển biến tích cực trong năm 2014.

Các tổ chức tín dụng cải thiện khả năng chi trả, bảo đảm an toàn hệ thống, xử lý nợ xấu ngân hàng thương mại đạt được kết quả bước đầu. Kết quả tái cơ cấu 3 lĩnh vực trọng tâm đã tác động toàn diện tới kinh tế-xã hội, tăng trưởng, tạo việc làm, giảm số lượng hộ nghèo, tăng thu nhập; tiềm lực khoa học công nghệ tiếp tục được tăng cường cả cơ sở vật chất và nhân lực.

Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu đã cho thấy rõ hơn thực trạng của nền kinh tế. Mô hình tăng trưởng mới chưa thực sự định hình. Chưa xác định được toàn diện mối quan hệ giữa tái cơ cấu ba lĩnh vực trọng tâm và tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế.

Công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng được yêu cầu, công nghiệp chế tạo phát triển chậm, công nghiệp lắp ráp còn chiếm tỷ trọng lớn. Chưa có giải pháp đột phá và đồng bộ để khai thác các lợi thế của sản xuất nông nghiệp. Khả năng cạnh tranh của nền kinh tế cải thiện chậm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo vẫn còn thấp so với nhu cầu tái cơ cấu nền kinh tế.

Chính sách chưa đủ mạnh để thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào khu vực công. Đầu tư vào ngành công nghệ cao, các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Tiến độ thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chậm, chưa có chuyển biến mang tính đột phá.

Việc phân công, phân cấp, phân quyền thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu nhà nước còn chồng chéo, quản trị doanh nghiệp chậm được đổi mới; một số giải pháp hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu chưa mang lại hiệu quả, chưa thật sự phối hợp chặt chẽ với các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công. Xử lý sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng còn chậm.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế từ nay đến hết năm 2015, Quốc hội yêu cầu c ùng với việc bổ sung, hoàn thiện Đề án tái cơ cấu trong đó lượng hóa nội dung mô hình tăng trưởng, nêu rõ mục tiêu, lộ trình, phương thức phân bổ lại nguồn lực, huy động sự tham gia của xã hội, gắn quá trình tái cơ cấu nền kinh tế với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, gắn tái cơ cấu ngành công nghiệp và dịch vụ với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chính phủ hoàn thành phê duyệt các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực và từng địa phương chậm nhất là cuối quý II năm 2015; tạo chuyển biến mạnh mẽ ngay từ năm 2015 trong việc áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cả trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, chế biến và dịch vụ nông nghiệp nhằm phát triển nông nghiệp bền vững; tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng, triển khai các đề án cụ thể và hệ thống chính sách khuyến khích thu hút đầu tư ngoài nhà nước nhằm phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội thay dần một phần quan trọng cho đầu tư công đồng thời hoàn thiện và triển khai mạnh các hình thức hợp tác công tư (PPP); tiếp tục rà soát, đầu tư dứt điểm các công trình, dự án đầu tư công có hiệu quả kinh tế-xã hội đang dở dang; tập trung đầu tư cho khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực và không để phát sinh nợ đọng đối với nợ xây dựng cơ bản.

Liên quan đến doanh nghiệp Nhà nước, Chính phủ cũng hoàn thành theo tiến độ kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, quan tâm giải quyết tốt vấn đề lao động dôi dư; nâng cao hiệu quả của cơ chế đại diện chủ sở hữu nhà nước theo hướng tách chức năng chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu và quản lý nhà nước.

Tăng cường giám sát tài chính, giám sát hoạt động và đổi mới đội ngũ lãnh đạo quản lý doanh nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Thực hiện kế hoạch và lộ trình cổ phần hóa đối với loại hình doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xã hội phát triển. Nghiên cứu đề xuất kế hoạch sử dụng nguồn vốn thu được từ quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước để đầu tư cho một số dự án, công trình cấp bách, giảm gánh nặng nợ công, báo cáo Quốc hội.

Đối với lĩnh vực ngân hàng, Chính phủ cũng cần sắp xếp, tổ chức cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém , tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm nợ xấu và đến cuối năm 2015 còn dưới 3% trong tổng dư nợ . Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế hoạt động của Công ty quản lý tài sản của tổ chức tín dụng. Khẩn trương bổ sung, hoàn chỉnh các quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo, phát triển thị trường mua bán nợ.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với tổ chức tín dụng, giám sát chặt chẽ vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo, xử lý kịp thời các vi phạm và ngăn chặn rủi ro phát sinh. Cuối năm 2015 cơ bản kiểm soát sở hữu chéo, đầu tư chéo theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế 5 năm 2011-2015, Chính phủ xây dựng kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2015).

Trong những năm tiếp theo, triển khai mạnh mẽ các giải pháp để bảo đảm đạt các mục tiêu, định hướng trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, triển khai hiệu quả, đồng bộ ba đột phá chiến lược, chú trọng các yếu tố góp phần thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế gồm phát triển tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, giá trị sản phẩm công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, yếu tố năng suất tổng hợp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có trình độ khoa học, công nghệ cao , coi đây là nhân tố quyết định để tăng năng suất lao động./.

Thảo Nguyên - Thu Hằng
TTXVN

    Tổng số lượt xem: 1073
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)