I. TÌNH HÌNH KINH TẾ
1. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
- Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) năm 2013 theo giá so sánh 1994 ước đạt 12.110 tỷ đồng, tăng 8,56% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,9%, đóng góp 0,85 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của tỉnh; nhóm ngành công nghiệp và xây dựng tăng 9,46%, đóng góp 3,08 điểm phần trăm; nhóm các ngành còn lại tăng 12,15%, đóng góp 4,63 điểm phần trăm.
Nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước đạt 3.362 tỷ đồng, tăng 2,9% so với cùng kỳ. Nhóm ngành này tăng chậm do giá trị tăng thêm (VA) của ngành nông nghiệp chỉ tăng 0,7% chủ yếu vì diện tích gieo trồng lúa năm 2013 giảm 8.696 ha so với năm trước. Trong đó, diện tích lúa Đông Xuân giảm 1.926 ha, diện tích lúa Hè Thu giảm 4.751 ha và diện tích lúa Vụ Mùa giảm 2.019 ha đã làm cho sản lượng lúa cả 3 vụ giảm hơn 45 ngàn tấn. Bên cạnh đó, hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng gặp không ít khó khăn.
Nhóm ngành công nghiệp và xây dựng ước đạt 3.983 tỷ đồng, tăng 9,46% so với cùng kỳ, riêng giá trị tăng thêm (VA) ngành công nghiệp tăng 8,17%. Nhìn chung sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong năm đã duy trì được mức tăng trưởng tích cực. Trong đó, giá trị tăng thêm (VA) ngành công nghiệp khai khoáng tăng 6,89%, ngành công nghiệp chế biến tăng 9,21%, riêng ngành sản xuất và phân phối điện chỉ tăng 2,96% vì thiếu hụt nguồn nước.
Nhóm các ngành còn lại ước đạt 4.765 tỷ đồng, tăng 12,15% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành thương nghiệp tăng 10,23%, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 10,18%, ngành vận tải kho bãi tăng 10,48%, ngành hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 2,54%...
- Tổng sản phẩm trong tỉnh theo giá hiện hành ước đạt 51.901 tỷ đồng. Trong đó nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 15.339 tỷ đồng, chiếm 29,6%; nhóm ngành công nghiệp và xây dựng ước đạt 16.150 tỷ đồng, chiếm 31,1%; nhóm các ngành còn lại ước đạt 20.412 tỷ đồng, chiếm 39,3%.
Trong năm 2013, tình hình sản xuất và kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bình Định đã từng bước ổn định và duy trì mức tăng trưởng nhất định. Tuy nhiên, khó khăn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp vì điều kiện khách quan do nắng nóng, thiếu nước tưới đã làm diện tích gieo trồng giảm mạnh, nuôi trồng thủy sản gặp một số khó khăn. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng chậm đã dẫn đến tỷ trọng của khu vực này giảm từ 33,6% của năm 2012 xuống còn 29,6% năm 2013; ngược lại, tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng tăng từ 26,9% lên 31,1%.
2. Tài chính, ngân hàng
2.1 Thu chi ngân sách
Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2013 ước đạt 9.050 tỷ đồng, vượt 18,5% so với dự toán năm, tăng 3,9% so với cùng kỳ. Trong đó, thu bổ sung ngân sách từ Trung ương ước đạt 3.852 tỷ đồng, vượt 25,5% so với dự toán năm, tăng 12,2% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách Nhà nước từ kinh tế phát sinh trên địa bàn ước đạt 4.663 tỷ đồng, vượt 5,1% dự toán năm, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 3.611 tỷ đồng, vượt 15,7% dự toán năm, tăng 5,3% so với cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu ước đạt 822 tỷ đồng, bằng 74,9% dự toán năm, tăng 4,3% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết ước đạt 80 tỷ đồng, vượt 14,3% dự toán năm, nhưng giảm 3,6% so với cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách Nhà nước địa phương ước đạt 7.948 tỷ đồng, vượt 21,4% so với dự toán năm, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Trong đó, chi thường xuyên ước đạt 4.570 tỷ đồng, vượt 7,9% dự toán, tăng 8,2% so với cùng kỳ; chi đầu tư phát triển ước đạt 872 tỷ đồng, vượt 24,0% dự toán năm, giảm 8,3% so với cùng kỳ.
2.2 Hoạt động ngân hàng
Tổng nguồn vốn hoạt động của các ngân hàng trên địa bàn ước tính đến ngày 31/12/2013 là42.226 tỷ đồng, tăng 6,53% so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn huy động 24.231 tỷ đồng, tăng 3,02% so với đầu năm.
Tổng dư nợ ước tính đến 31/12/2013 là 35.610 tỷ đồng, tăng 10,23% so đầu năm.
Tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn ước tính khoảng 3,0% so với tổng dư nợ.
Thực hiện Thông tư 14/2010/TT-NHNN ngày 14/06/2010 của Ngân hàng Nhà nước về cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, ước tính đến ngày 31/12/2013 tổng dư nợ cho vay đạt 6.855 tỷ đồng, tăng 3,5% so với đầu tháng. Trong đó, nợ xấu chiếm khoảng 1,9% trong tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn.
3. Đầu tư và xây dựng
3.1 Đầu tư
Tổng mức thực hiện vốn đầu tư phát triển trên địa bàn năm 2013 ước thực hiện 20.760 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn Nhà nước 5.365 tỷ đồng, chiếm 25,8% (vốn Trung ương quản lý 1.490 tỷ đồng, vốn địa phương quản lý 3.875 tỷ đồng); vốn ngoài Nhà nước 15.169 tỷ đồng, chiếm 73,1%; vốn đầu tư nước ngoài 226 tỷ đồng, chiếm 1,1%.
Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn năm 2013 chủ yếu tập trung vào đầu tư xây dựng cơ bản 14.081 tỷ đồng, chiếm 67,8%; tiếp đến là vốn đầu tư mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất không qua XDCB ước đạt 2.765 tỷ đồng, chiếm 13,3%; vốn đầu tư bổ sung vốn lưu động ước đạt 2.227 tỷ đồng, chiếm 10,7%.
Hiện nay, chủ đầu tư và các nhà thầu xây dựng vẫn còn gặp một số khó khăn do giá xăng dầu biến động, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng vẫn còn những ràng buộc nhất định. Do đó, một số dự án, công trình được đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tiến độ thực hiện còn chậm.
Để đảm bảo cho việc thực hiện đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các công trình, dự án thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước hoàn thành đúng thời gian đã cam kết và đạt hiệu quả cao, các ngành chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ thi công, thanh toán kịp thời đối với khối lượng công trình hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà thầu. Nhờ vậy đã có nhiều dự án, công trình trên địa bàn được đẩy nhanh tiến độ.
Thu hút đầu tư nước ngoài FDI: Trong năm đã thu hút được 8 dự án FDI với tổng số vốn 1.030 triệu USD. Các dự án FDI chủ yếu đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 3 dự án với vốn đăng ký 1.011 triệu USD, ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác 3 dự án với vốn đầu tư 10 triệu USD.
3.2 Xây dựng
Giá trị sản xuất xây dựng năm 2013 theo giá hiện hành ước đạt 14.554 tỷ đồng. Trong đó, kinh tế Nhà nước ước đạt 111 tỷ đồng, chiếm 0,8%; kinh tế ngoài Nhà nước ước đạt 14.443 tỷ đồng, chiếm 99,2%.
Giá trị sản xuất xây dựng chia theo công trình: Công trình nhà ở chiếm 37,6%; công trình nhà không để ở chiếm 16,1%; công trình kỹ thuật dân dụng chiếm 41,6% và hoạt động xây dựng chuyên dụng chiếm 4,7%.
Trong năm, điều kiện thời tiết khá thuận lợi cho hoạt động xây dựng nên hầu hết các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, nhất là các dự án, công trình trọng điểm có tầm ảnh hưởng tích cực đến quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, các công trình vượt lũ. Đến nay do ảnh hưởng lũ lụt các hoạt động xây dựng trên địa bàn có phần chậm lại.
4. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
4.1. Nông nghiệp
Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2013 (theo giá so sánh 1994) ước đạt 3.694 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị sản xuất trồng trọt 1.981 tỷ đồng, giảm 2,4%; giá trị hoạt động chăn nuôi 1.591 tỷ đồng, tăng 5,0%.
a) Trồng trọt
Tổng diện tích gieo trồng năm 2013 ước đạt 160.413 ha, giảm 3,3% so với cùng kỳ.
Năm nay do điều kiện khách quan, thời tiết nắng nóng kéo dài, nguồn nước tưới không đảm bảo đã làm cho diện tích không canh tác được cao nhất từ trước đến nay.
Diện tích gieo trồng lúa cả 3 vụ ước đạt 102.547 ha, giảm 8.696 ha. Trong đó, vụ Đông Xuân 45.774 ha, giảm 1.926 ha, diện tích lúa Hè Thu 38.190 ha, giảm 4.751 ha và diện tích lúa Vụ Mùa 18.613 ha, giảm 2.019 ha đã làm cho sản lượng lúa cả 3 vụ giảm hơn 45 ngàn tấn.
Tổng sản lượng lúa cả năm đạt 606,6 ngàn tấn, giảm 6,9% so với cùng kỳ.
Mặc dù diện tích, sản lượng lúa năm 2013 giảm mạnh, nhưng nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng trừ sâu bệnh, hợp lý hóa cơ cấu giống… nên năng suất lúa cả năm 2013 ước đạt 59,2 tạ/ha, tăng 1% so với năm 2012.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi từ cây lúa sang các loại cây trồng cạn phù hợp với điều kiện bất lợi của thời tiết, hầu hết diện tích các loại cây trồng cạn năm nay cao hơn so với cùng kỳ như cây ngô 8.399 ha, tăng 1,7%; cây sắn ước đạt 13.833 ha, tăng 1,8%; cây lạc 10.226 ha, tăng 13,7%; cây vừng 2.651 ha, tăng 43,5%; đậu các loại 2.108 ha, tăng 6,1%.
Trong năm đã phát sinh một số bệnh trên cây trồng do thời tiết diễn biến bất thường như sâu, rầy… nhưng chỉ phát sinh cục bộ, mức độ gây hại không đáng kể. Nhìn chung các loại cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt.
b) Chăn nuôi
Trong những tháng đầu năm, trên địa bàn đã xảy ra vài ổ dịch cúm gia cầm riêng lẻ ở một số địa phương. Để tránh lây lan, các ngành chức năng quyết tâm dập tắt được dịch, giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất. Đến nay chỉ xảy ra một số loại bệnh thông thường trên gia súc, gia cầm và vật nuôi chủ yếu do thời tiết và các hộ chăn nuôi chưa tiêm phòng. Phần lớn các loại bệnh đã được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, giá bán các sản phẩm chăn nuôi trong năm không cao nên người dân chưa thực sự đầu tư mạnh, do đó tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi còn chậm.
Toàn tỉnh đã triển khai các đợt tiêm phòng năm 2013. Tiêm lở mồm long móng cho gia súc, tiêm dịch tả cho con lợn, tiêm cúm H5N1 cho đàn gia cầm theo đúng kế hoạch. Bên cạnh đó, ngành Thú y cũng đã thực hiện tiêu độc khử trùng định kỳ, quản lý lò ấp, kiểm soát giết mổ, kiểm dịch xuất nhập tỉnh.
Đàn trâu những năm gần đây được người chăn nuôi đầu tư vì mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng năm 2013 ước đạt 1.251 tấn, tăng 11,0% so với cùng kỳ.
Đàn bò trong tỉnh đang có xu hướng ổn định và tăng nhẹ. Để đạt được kết quả này là nhờ có các chương trình, dự án cạnh tranh nông nghiệp đã và đang đi vào hoạt động phát huy hiệu quả. Trong đó, dự án nuôi bò vỗ béo đã giúp nông dân phương thức chăn nuôi bò thịt, rút ngắn thời gian chăm sóc và đạt hiệu quả cao nhất. Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng năm 2013 ước đạt 26.209 tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ.
Đàn lợn cũng đang tăng trưởng nhưng còn chậm, quy mô nuôi lợn tăng lên đáng kể, nhiều hộ nuôi tập trung với số lượng lớn. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 2013 ước đạt 97.548 tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ. Thị trường tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm đang dần được phục hồi, giá thịt lợn hơi hiện tăng khoảng 6,5% so với cuối năm 2012
Chăn nuôi gia cầm hiện đang phát triển, sức tiêu thụ các sản phẩm gia cầm trên thị trường ngày càng tăng. Sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng trong ước năm 2013 ước đạt 13.500 tấn, tăng 8,5% so với cùng kỳ.
Mô hình chăn nuôi trang trại cũng không ngừng phát triển cả về quy mô và số lượng. Tính đến ngày 01/10/2013, toàn tỉnh có 49 trang trại chăn nuôi, tăng 23 trang trại so với cùng kỳ.
Trang trại chăn nuôi lợn toàn tỉnh có 43 trang trại (Hoài Ân 23 trang trại, Tây Sơn 11 trang trại, Phù Cát và An Nhơn 3 trang trại/huyện, thị xã, Hoài Nhơn 2 trang trại, Quy Nhơn 1 trang trại).
Trang trại chăn nuôi gia cầm toàn tỉnh có 6 trang trại gia cầm (Phù Cát 2 trang trại, An Nhơn 2 trang trại, Phù Mỹ và Vân Canh 1 trang trại/huyện).
Bình quân một trang trại chăn nuôi: 269 con lợn/trang trại, 11,7 nghìn con gà/trang trại, 3,8 nghìn con vịt/trang trại.
Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 2.937 gia trại chăn nuôi lợn và gia cầm (2.115 gia trại lợn, 819 gia trại gia cầm, 3 gia trại chim cút), tập trung tại các huyện Hoài Ân 1.161 gia trại, Tuy Phước 471 gia trại, Hoài Nhơn 339 gia trại, Phù Cát 331 gia trại, An Nhơn 269 gia trại... Bình quân một gia trại chăn nuôi 62 con lợn/gia trại, 1,9 nghìn con gia cầm/gia trại.
4.2 Lâm nghiệp
Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2013 (giá so sánh 1994) ước đạt 310 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động trồng và nuôi dưỡng rừng 72 tỷ đồng, tăng 24,3%; khai thác gỗ và lâm sản khác 196 tỷ đồng, tăng 8,3%; thu nhặt các sản phẩm từ rừng và dịch vụ lâm nghiệp 42 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ.
Từ đầu năm 2013, ngành Lâm nghiệp đã tiến hành khảo sát và thiết kế nội dung về kỹ thuật lâm sinh, bố trí vùng trồng, khoán quản lý bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, chuẩn bị vật tư, cây giống cho công tác trồng và chăm sóc rừng. Hiện có 99 đơn vị trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện sản xuất kinh doanh cây giống lâm nghiệp. Từ đầu năm đến nay đã sản xuất được hơn 85 triệu cây giống các loại.
Diện tích rừng được chăm sóc năm 2013 là 9.685 ha (rừng phòng hộ 350 ha; rừng sản xuất 9.335 ha), giảm 20,9% so với cùng kỳ.
Tổng diện tích khoán quản lý bảo vệ rừng là 101.713 ha, giảm 1,0% so với cùng kỳ. Tổng diện tích khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên là 7.509 ha. Hầu hết các diện tích khoanh nuôi đều sinh trưởng và phát triển tốt.
Sản lượng khai thác gỗ ước năm 2013 ước đạt 447.546 m3, tăng 11,1% so với cùng kỳ. Trong đó, khai thác gỗ rừng tự nhiên ước đạt 4.000 m3, giảm 41,1%; khai thác gỗ rừng trồng 443.546 m3, tăng 12,0% so với cùng kỳ.
4.3 Thủy sản
Giá trị sản xuất thủy sản năm 2013 (giá so sánh 1994) ước đạt 1.783 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị nuôi trồng thủy sản 359 tỷ đồng, tăng 2,0%; khai thác thủy sản 1.391 tỷ đồng, tăng 8,9%, dịch vụ thủy sản 33 tỷ đồng, giảm 16,4% so với cùng kỳ.
a) Nuôi trồng thuỷ sản
Tình trạng hạn hán kéo dài trong năm đã làm cho diện tích nuôi trồng thủy sản giảm ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Tổng diện tích mặt nước được đưa vào nuôi trồng thủy sản ước đạt 4.520 ha, giảm 1,5% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích nuôi tôm sú 1.213 ha (-5,5%), nuôi tôm thẻ chân trắng 685 ha, tăng 13,1% so với cùng kỳ.
Tình hình dịch bệnh thủy sản diễn biến phức tạp, chủ yếu là các bệnh do môi trường và bất lợi của thời tiết gây ra. Mặt khác, người nuôi thủy sản không tuân thủ lịch thời vụ và thả nuôi với mật độ dày nên khó khống chế được dịch bệnh. Từ đầu năm đến nay đã có hơn 47 ha diện tích nuôi tôm bị nhiễm bệnh. Số diện tích tôm nhiễm bệnh đã được các ngành chức năng kịp thời xử lý.
Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2013 ước đạt 8.576 tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng cá 2.726 tấn, tăng 1,5%; tôm đạt 5.501 tấn, tăng 2,0%. Ước tính năng suất bình quân tôm sú 0,46 tấn/ha; tôm thẻ 7,1 tấn/ha.
b) Khai thác thủy sản
Ngành thủy sản tiếp tục thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ xăng dầu cho tàu có công suất lớn, đánh bắt trên các vùng biển xa bờ nên bà con ngư dân yên tâm bám biển, bám ngư trường. Số tàu thuyền khai thác thủy sản có động cơ của tỉnh là 6.345 chiếc; trong đó, có 2.540 tàu thuyền công suất lớn từ 90 CV trở lên.
Sản lượng khai thác thuỷ sản năm 2013 ước đạt 181 ngàn tấn, tăng 8,4% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng cá đạt 142 ngàn tấn, tăng 7,8%; tôm khai thác 1.662 tấn, tăng 5,5%; thủy sản khác ước đạt hơn 37 ngàn tấn, tăng 10,8%. Riêng sản lượng cá ngừ đại dương ước đạt 8.600 tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ.
5. Công nghiệp
Tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2013 dần ổn định và tăng trưởng nhanh hơn so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 1994 ước đạt 8.762 tỷ đồng, tăng 8,76%. Trong đó, thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh nhất 18,03%.
Công nghiệp khai khoáng tăng 6,89%, do sản lượng một số sản phẩm khai thác tăng như tinh quặng Titan tăng 18,94%, quặng Titan tăng 6,0%, đá xây dựng khai thác tăng5,81%. Bên cạnh đó, khối lượng đá granite khai thác giảm 3,18% do một số doanh nghiệp hết hạn giấy phép khai thác, quy mô sản xuất thu hẹp do lượng tồn kho nhiều.
Đầu năm 2013, Chính phủ cho phép xuất khẩu tinh quặng Inmenhite nên nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã tập trung sản xuất, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm này. Tuy nhiên, nguồn khoáng sản ngày càng ít và khó khai thác, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc không mạnh như những tháng đầu năm nên tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ. Việc khai thác khoáng sản đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng chung của tỉnh nhưng cũng đã để lại những hệ quả không tốt, trong đó môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng 9,21%. Nhiều sản phẩm tăng khá do chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ ổn định như tôm đông lạnh tăng 36,04%, phi lê cá tăng 14,17%, đường RS tăng 13,24%, thức ăn gia súc, gia cầm 37,78%, sản phẩm may mặc tăng hơn 16,96%, dăm gỗ tăng 22,18%.
Hiện nay khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp là chi phí đầu vào tăng cao như điện, nước, xăng dầu, dịch vụ vận chuyển... Nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh có mức tăng trưởng thấp. Ngành chế biến lâm sản gặp nhiều khó khăn do nguồn nguyên liệu đầu vào khan hiếm, nhiều doanh nghiệp phải nhập khẩu từ nước ngoài, thị trường tiêu thụ không ổn định. Doanh nghiệp quá phụ thuộc vào thị trường Mỹ và Châu Âu, hiện tại sức mua giảm so với nhiều năm trước. Khả năng cạnh tranh của sản phẩm không cao do nhiều thương hiệu chưa được xây dựng và quảng bá. Rào cản thương mại được áp đặt liên quan đến giá tiêu thụ và chất lượng sản phẩm. Lượng sản phẩm tồn kho chưa tiêu thụ được đã làm cho nhiều doanh nghiệp không thể mở rộng sản xuất. Các sản phẩm bằng gỗ tăng trưởng khoảng 5% so với cùng kỳ.
Một số sản phẩm có sản lượng sản xuất giảm như bia đóng chai giảm 4,2% do giảm kế hoạch sản xuất 2013, dung dịch đạm huyết thanh giảm 7,49%, đá lát đá khối giảm 0,57%, cấu kiện thép giảm 2,48%.
Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,96%; trong đó, điện thương phẩm tăng 9,42%, trong khi đó điện sản xuất giảm 39,23% do thiếu nước.
Ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,45%; trong đó, sản lượng nước tăng trưởng 28,75% so với cùng kỳ.
Trong năm 2013, tình hình tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp chế biến có những chuyển biến tích cực hơn, chỉ số tồn kho giảm ở nhiều ngành. Tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp có biến động nhưng không đáng kể.
6. Thương mại, dịch vụ và giá cả
6.1. Tổng mức bán lẻ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2013ước đạt 37.547 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ.
Theo khu vực kinh tế: Doanh thu cao nhất là kinh tế cá thể chiếm 75,1%, tăng trưởng 13,3%; kinh tế tư nhân chiếm 21,0%, tăng trưởng 12,8%; kinh tế Nhà nước chiếm 3,7%, tăng trưởng 10,4%; kinh tế tập thể chiếm 0,1%, tăng2,0% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 0,1%, tăng trưởng 6,8% so với cùng kỳ.
Theo ngành kinh doanh: Doanh thu cao nhất là ngành thương nghiệp chiếm 81,5%, tăng trưởng 13,4%; khách sạn, nhà hàng chiếm 12,2%, tăng trưởng 8,5%; doanh thu dịch vụ chiếm 6,2%, tăng trưởng 19,5%, doanh thu du lịch chiếm 0,1%, tăng trưởng 7,3% so với cùng kỳ.
6.2. Xuất nhập khẩu
Tình hình xuất nhập khẩu của tỉnh trong năm 2013 đạt giá trị khávà tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu có xu hướng tăng do ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu với nhiều mặt hàng có giá trị cao.
a) Xuất khẩu
Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 ước đạt 620 triệu USD, tăng 8,0% so với cùng kỳ. Trong đó, kinh tế Nhà nước chiếm 10,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tăng trưởng -10%; kinh tế tư nhân chiếm 84,3%, tăng trưởng 11,7%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 4,8%, tăng trưởng -4,3% so với cùng kỳ.
Hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu có giá trị cao đều đạt tăng trưởng khá. Trong đó, nhóm các sản phẩm bằng gỗ chiếm tỷ trọng lớn nhất 32,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng 8,9%; nhóm hàng nông sản khác chiếm 16,1%, tăng trưởng15,3%; dăm gỗ chiếm 10,8%, tăng trưởng18,8%; hàng thủy sản chiếm 9,5%, tăng trưởng13,0%; hàng dệt may chiếm 7,1%, tăng trưởng 25,7%…
Tuy nhiên, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm như thuốc tây giảm 51,8%; khoáng sản giảm 24,2%; gạo giảm 20%...
Hiện nay hàng hóa trong tỉnh được xuất khẩu qua 85 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung nhiều nhất ở 2 thị trường Châu Á và Châu Âu. Trong đó, xuất khẩu sang các quốc gia thuộc Châu Á chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
b) Nhập khẩu
Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2013 ước đạt 164 triệu USD, giảm 14,1% so với cùng kỳ. Trong đó, kinh tế Nhà nước chiếm 11,9%, tăng trưởng -63,0%; kinh tế tư nhân chiếm 79,4%, tăng trưởng 2,3%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 8,7%, tăng trưởng 34,0%.
Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu đầu vào sản xuất. Các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh như phân bón giảm 71,9%, thức ăn gia súc giảm 31,8%,phụ liệu hàng may mặc giảm 5,8%...
Ngược lại, nhiều nhóm hàng có giá trị nhập khẩu tăng khá như gỗ nguyên liệu tăng 9,1%, phụ liệu giày dép tăng 23,9%, nguyên phụ liệusản xuất tân dược tăng 15,7%…
6.3. Giao thông vận tải
Tổng lượng hành khách vận chuyển năm 2013 ước đạt 26.717 nghìn hành khách, luân chuyển 2.464 triệu HK.km; so với cùng kỳ vận chuyển tăng 4,7%, luân chuyển tăng 5,2%. Trong đó, vận tải hàng khách đường bộ là chủ yếu, chiếm 99,6%.
Tổng lượng hàng hóa vận chuyển năm 2013 ước đạt 13.792 nghìn tấn, luân chuyển 2.096 triệu tấn.km; so với cùng kỳ khối lượng vận chuyển tăng 2,4%, luân chuyển tăng 5,4%. Trong đó, vận tải hàng hóa đường bộ chiếm 97,8%.
Hàng hoá thông qua cảng biển năm 2013 ước đạt 7,5triệu TTQ, tăng 18,7% so với cùng kỳ. Trong đó, hàng hóa thông qua Cảng Quy Nhơn 6,7triệu TTQ, tăng 18,9%; Cảng Thị Nại 0,8 triệu TTQ, tăng 16,8% so cùng kỳ.
Hàng hóa thông qua cảng chủ yếu là sản phẩm bằng gỗ, sắn lát xuất khẩu, dăm gỗ xuất khẩu, khoáng sản, phân bón nhập khẩu, xi măng, gỗ nguyên liệu nhập khẩu…
II. TÌNH HÌNH XÃ HỘI
1. Dân số
Dân số trung bình tỉnh Bình Định năm 2013 ước tính có 1.506.652 người; trong đó, nam có 734.466 người, chiếm 48,7%, nữ có 772.186 người, chiếm 51,3% trong tổng dân số.
Tốc độ đô thị hóa ngày càng cao đã đưa tỷ trọng dân số khu vực thành thị ngày lớn hơn. Năm 2013 tỷ trọng dân số khu vực thành thị của tỉnh Bình Định chiếm 30,8%, quy mô dân số thành thị có 464.750 người, tăng 0,4% so với năm trước. Dân số khu vực nông thôn chiếm 69,2%, quy mô dân số khu vực nông thôn có 1.041.902 người, tăng 0,3% so với năm 2012.
Tổng tỷ suất sinh (số con sinh ra bình quân của một phụ nữ) năm 2013 đạt mức 2,20 con/phụ nữ, giảm 0,06 con/phụ nữ so với năm 2012.
2. Lao động, việc làm
Đồng hành với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh đã có xu hướng giảm tỷ trọng lao động thuộc khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân năm 2013 là 888.977 người, tăng 2,1% so với năm trước. Trong đó, lao động làm việc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 482.052 người, giảm 0,2%; khu vực công nghiệp và xây dựng 181.725 người, tăng 3,6%; khu vực dịch vụ 225.200 người, tăng 6,4%.
Tỷ lệ thất nghiệp năm 2013 là 2,9%, giảm 0,2% so với năm trước. Trong đó, thất nghiệp ở khu vực thành thị là 3,8%, giảm 0,3%; thất nghiệp ở khu vực nông thôn là 2,6%, giảm 0,2% so với năm trước.
Trước sự khởi sắc của tình hình kinh tế xã hội của địa phương, trong năm 2013 thu nhập và đời sống các tầng lớp nhân dân trong tỉnh từng bước được cải thiện.
Bắt đầu từ ngày 01/7/2013 đối tượng hưởng lương từ khu vực Nhà nước được nâng mức lương tối thiểu từ 1.050.000 đồng lên 1.150.000 đồng cũng góp phần nhất định vào việc cải thiện mức sống của các đối tượng hưởng lương và chính sách xã hội.
Thu nhập bình quân một tháng của một nhân khẩu trên địa bàn tỉnh là 1.878 nghìn đồng, tăng 9,1% so với năm trước. Trong đó, khu vực thành thị có thu nhập 2.797 nghìn đồng/nhân khẩu/tháng, tăng 14,5%; khu vực nông thôn có thu nhập 1.528 nghìn đồng/nhân khẩu/tháng, tăng 6,5%.
3. Giáo dục và đào tạo
Tiếp tục thực hiện chủ trương cải cách và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, trong những năm qua hoạt động giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh đã được một số kết quả nhất định. Cơ sở vật chất của ngành giáo dục từng bước được đầu tư theo hướng hiện đại, chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng được nâng lên, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp học và tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng hơn.
Năm 2013, toàn tỉnh có 444 trường học phổ thông, tăng 3 trường so với năm trước. Trong đó, trường tiểu học tăng 1 trường, trường THCS tăng 2 trường.
Số lớp học phổ thông có 8.781 lớp, tăng 0,7% so với cùng kỳ. Trong đó, số lớp ở bậc Tiểu học tăng 3,9%; ngược lại, số lớp học ở bậc THCS giảm 1,0% và số lớp ở bậc THPT giảm 5,9%.
Số học sinh phổ thông năm 2013 có 280.286 học sinh, giảm 2,4% so với năm trước. Trong đó, học sinh bậc THCS có 95.027 học sinh, giảm 2,1%, bậc học THPT có 61.117 học sinh, giảm 9,5%; ngược lại, học sinh tiểu học có 124.142 học sinh, tăng 1,1% so với cùng kỳ.
Số giáo viên tiểu học có 6.261 giáo viên, tăng 0,4% so với năm trước. Bình quân 19,8 học sinh/giáo viên, năm 2012 là 19,7 học sinh/giáo viên.
Trong lĩnh vực đào tạo, số học sinh ở các trường Trung học chuyên nghiệp ngày càng giảm, trong khi đó số lượng sinh viên ở bậc Cao đẳng, Đại học tăng lên cho thấy tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” chẳng những chưa được khắc phục mà còn có xu hướng ngày càng bộc lộ rõ ở thanh niên khi chọn ngành, nghề và bậc đào tạo.
Năm 2013 số học sinh Trung học chuyên nghiệp trên địa bàn có 2.679 người, giảm 0,2% so với năm học trước. Trong khi đó, số sinh viên Đại học, Cao đẳng có 38.643 người, tăng 1,5%.
Bên cạnh sự gia tăng số lượng sinh viên, đội ngũ giảng viên ở các trường Đại học, Cao đẳng và THCN ngày càng được củng cố cả về số lượng và chất lượng. Số giảng viên các trường Đại học, Cao đẳng năm 2013 có 1.139 người, tăng 3,5%; giảng viên các trường THCN có 90 người, tăng 12,5% so với cùng kỳ.
4. Y tế
Số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh năm 2013 có 187 cơ sở. Trong đó, bệnh viện 12, phòng khám đa khoa khu vực 6, trạm y tế xã, phường, thị trấn 159 trạm.
Số cán bộ ngành y năm 2013 có 4.148 người, tăng 16 người (+0,5%) so với năm trước. Trong đó, có 861 bác sĩ, tăng 4 bác sĩ (+0,5%); y sĩ 643 người, tăng 1,3%; y tá 1.858 người, tăng 0,2%, hộ sinh 440 người, tăng 1,4%.
Nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn cho hoạt động y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân, hệ thống cơ sở và trang thiết bị y tế ngày càng được đầu tư nâng cấp, đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường cho tuyến dưới ngày càng được chú trọng, hoạt động y tế tuyến xã ngày càng được cải thiện về nhân lực.
Tỷ lệ xã, phường, thị trấn có bác sĩ năm 2013 đạt 96,2%, tăng 0,6% so với năm trước. Tỷ lệ xã, phường, thị trấn có hộ sinh hoặc y sĩ sản đạt 96,2%, tăng 1,2%. Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế là 26,4%, tăng 15,7%./.
Website Cục thống kê Bình Định