Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 25/11/2013-10:25:00 AM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 năm 2013 tỉnh Bình Định
I. NÔNG LÂM NGHIỆP VÀ THUỶ SẢN
1. Nông nghiệp
a) Trồng trọt
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Mùa ước đạt 30.444 ha, giảm 2.134 ha (-6,6%) so vụ Mùa năm trước; trong đó, giảm tập trung chủ yếu ở diện tích cây lúa.
Diện tích lúa vụ Mùa năm 2013 ước đạt 18.613 ha, giảm 2.019 ha (-9,8%) so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến diện tích lúa vụ Mùa giảm mạnh do chuyển đổi từ diện tích lúa 3 vụ trước đây sang canh tác 2 vụ/năm (không sản xuất vụ Mùa); một số diện tích do thiếu nước không gieo sạ được; mặt khác, do lo ngại yếu tố rủi ro của mùa mưa, bão, lũ trong vụ nên nông dân không sản xuất….
Có 10/11 huyện, thị xã, thành phố có diện tích lúa Mùa giảm so với cùng kỳ. Trong đó, các địa phương có diện tích giảm mạnh Hoài Ân giảm 536 ha (-38,6%), An Nhơn giảm 476,6 ha (-39,2%), Phù Cát giảm 441,7 ha (-11,7%), do chuyển đổi vụ và thiếu nước.
Mặc dù diện tích giảm mạnh so với cùng kỳ, nhưng nhờ thực hiện đúng lịch thời vụ và đưa vào canh tác các loại giống mới nên năng suất lúa vụ Mùa năm nay ước đạt 46,1 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha (+0,4%).Có 9/11 huyện, thị xã, thành phố ước năng suất lúa tăng, riêng thị xã An Nhơn và huyện Hoài Nhơn có năng suất giảm. Các huyện đồng bằng, trung du năng suất lúa ước tính hầu hết trên 45 tạ/ha; hai huyện miền núi Vĩnh Thạnh và Vân Canh có năng suất lúa ước đạt thấp (tương ứng với năng suất 39,3 tạ/ha và 33,7 tạ/ha) do huyện có gieo trồng lúa nương chiếm khá lớn trong tổng diện tích lúa gieo trồng của huyện (Vĩnh Thạnh chiếm 20,4%, Vân Canh chiếm 60,5%).Các địa phương có năng suất lúa Mùa tăng khá, trên mức tăng chung của tỉnh là Hoài Ân tăng 2,8 tạ/ha (+7,0%), Tuy Phước tăng 0,5 tạ/ha (+1,1%), Phù Mỹ tăng 0,3 tạ/ha (+0,6%)
Ước sản lượng lúa vụ Mùa toàn tỉnh đạt 85.813 tấn, giảm 8.876 tấn (-9,4%) so cùng kỳ. Sản lượng lúa giảm do diện tích giảm.
Hầu hết các loại cây trồng cạn có quy mô diện tích lớn như ngô, sắn, rau các loại… đều đạt năng suất, sản lượng cao hơn vụ Mùa năm trước. Trong đó, so với cùng kỳ, cây ngô: Diện tích ước đạt 2.968 ha tăng 95 ha (+3,3%), năng suất 52,2 tạ/ha tăng 1,1 tạ/ha (+2,2%), sản lượng 15.501 tấn tăng 822 tấn (+5,6%);cây sắn: Diện tích 2.678 ha giảm 374 ha (-12,2%), năng suất 224,4 tạ/ha tăng 8,7 tạ/ha (+4,0%), sản lượng 60.092 tấn giảm 5.750 tấn (-8,7%); rau các loại: Diện tích 4.279 ha tăng 146 ha (+3,5%), năng suất 130,5 tạ/ha tăng 3,2 tạ/ha (+2,5%), sản lượng 55.826 tấn tăng 3.235 tấn (+6,2%)
Ngoài việc mở rộng vùng nguyên liệu phát triển theo hướng ổn định và bền vững, trong thời gian qua các nhà máy chế biến từ nguồn nguyên liệu nông sản đã thực hiện thu mua với giá đảm bảo có lãi cho nông dân. Trong tháng 11 năm 2013, Công ty cổ phần chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định đã thu mua trong tỉnh 8.000 tấn sắn tươi, giảm 11,1% (-1.000 tấn) so với cùng kỳ. Giá thu mua bình quân 1,96 triệu đồng/tấn có hàm lượng tinh bột 30%, tăng 12% (+0,21 triệu đồng/tấn) so với cùng kỳ. Tính chung từ đầu năm đến nay Công ty đã thu mua được 54.682 tấn sắn tươi; trong đó, thu mua trong tỉnh đạt 37.272 tấn, chiếm 68,2%.
b) Chăn nuôi
Hiện nay toàn tỉnh đang triển khai công tác tiêm phòng đợt II/2013; từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã tiêm lở mồm long móng trên đàn trâu, bò được 227.421 con; tiêm LMLM trên đàn lợn 80.452 con; tiêm phòng dịch tả lợn 358.523 liều; tiêm phòng cúm gia cầm (H5N1) được 1.095.217 con. Ngoài ra, Chi cục Thú y tỉnh đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, tăng cường quản lý đàn, quản lý lò ấp, tiêu độc sát trùng định kỳ, quản lý tốt công tác giết mổ tại các lò tập trung được 9.460 con trâu, bò, lợn 255.489 con, gà 291.270 con.
Từ đầu năm đến nay, công tác kiểm dịch động vật xuất nhập qua địa bàn tỉnh tiếp tục được chú trọng, lượng kiểm dịch nhập xuất là 27.663 con trâu, bò; 950.729 con lợn; gần 8,6 triệu con gà, vịt; số trứng được kiểm dịch gần 42 quả. Số lượng kiểm dịch quá cảnh là 29.110 con trâu, bò; trên 1 triệu con lợn; trên 7,7 triệu con gà, vịt; trứng các loại gần 32 triệu quả.
Tại thời điểm ngày 01/10/2013:
Đàn trâu của tỉnh có 20.994 con, gần bằng cùng kỳ năm trước, tăng 2,1% so với năm 2011. Tốc độ tăng đàn trâu bình quân hàng năm thời kỳ 2009-2013 xấp xỉ 1,8%/năm. Xu hướng vài năm gần đây bà con nông dân nuôi trâu trở lại vì nuôi trâu đạt hiệu quả kinh tế hơn. So với các vật nuôi khác, trâu dễ nuôi và có sức đề kháng tốt nên ít bị bệnh. Các huyện miền núi và các xã, vùng trũng (tại các huyện đồng bằng) nuôi trâu mục đích dùng làm sức kéo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và vận chuyển vật liệu thay thế cho các loại xe độ chế đã cấm sử dụng. Bên cạnh đó, giá thịt trâu hơi luôn ở mức cao, thị trường tiêu thụ ổn định ở các tỉnh phía Bắc.
Đàn bò của tỉnh Bình Định 246.723 con, tăng 0,2% so với 1/10/2012. Đàn bò ổn định và tăng nhẹ trở lại sau nhiều năm giảm liên tục. Nguyên nhân giá bò hơi luôn ổn định ở mức cao người chăn nuôi có lãi, nên một số hộ nông dân chuyển sang chăn nuôi bò làm cho tổng đàn bò của tỉnh bắt đầu có xu hướng tăng.
Đàn lợn: Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bình Định chỉ xảy ra một số bệnh thông thường trên đàn lợn, chủ yếu do thời tiết và các hộ dân chưa tiêm phòng dịch. Chi cục Thú y tỉnh chỉ đạo Trạm Thú y các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn người chăn nuôi tiêu độc khử trùng và phát pháp đồ điều trị các bệnh thường gặp trên đàn lợn để hạn chế dịch bệnh. Tổng đàn lợn của tỉnh có đến 1/10/2013 là 715.851 con, tăng 0,7% so với thời điểm 1/10/2012, tăng 5,5% so với thời điểm 1/4/2013. Với kết quả này tổng đàn lợn của tỉnh đạt cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, huyện Hoài Ân có 182.184 con, chiếm 25,4% tổng đàn lợn của tỉnh.
Đàn gia cầm: Hiện nay, giá cả hồi phục trở lại nên chăn nuôi gia cầm bắt đầu có lãi. Tổng đàn gia cầm toàn tỉnh có 6.615 nghìn con, giảm 0,5% (-31,3 nghìn con) so với thời điểm 1/10/2012. Trong đó, gà 4.423 nghìn con, tăng 4% (+170,3 nghìn con) so với thời điểm 1/10/2012; vịt 2.126 nghìn con, giảm 9% (-209,3 nghìn con) so với thời điểm 1/10/2012; ngan, ngỗng66 nghìn con, tăng 13,2% (+7,7 nghìn con) so với thời điểm 1/10/2012.
Mô hình chăn nuôi trang trại cũng không ngừng phát triển cả về quy mô và số lượng. Tính đến ngày 01/10/2013, toàn tỉnh có 49 trang trại chăn nuôi, trong đó có 43 trang trại lợn (Hoài Ân 23 trang trại, Tây Sơn 11 trang trại, Phù Cát và An Nhơn 3 trang trại/huyện, thị xã, Hoài Nhơn 2 trang trại, Quy Nhơn 1 trang trại) và 6 trang trại gia cầm (Phù Cát 2 trang trại, An Nhơn 2 trang trại, Phù Mỹ và Vân Canh 1 trang trại/huyện). Số lượng trang trại toàn tỉnh năm 2013 tăng 23 trang trại so với năm 2012.
Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 2.937 gia trại lợn và gia cầm (2.115 gia trại lợn, 819 gia trại gia cầm, 3 gia trại chim cút), tập trung tại các huyện Hoài Ân 1.161 gia trại, Tuy Phước 471 gia trại, Hoài Nhơn 339 gia trại, Phù Cát 331 gia trại, An Nhơn 269 gia trại...
2. Lâm nghiệp
a) Trồng và chăm sóc rừng
Vụ trồng rừng 2013, các điều kiện cần thiết như đất đai, giống cây lâm nghiệp,... đã được các ngành chức năng, các Công ty Lâm nghiệp chuẩn bị chu đáo. Dự ước cả năm toàn tỉnh trồng 8.500 ha rừng tập trung, đến nay đã xử lý thực bì 8.435 ha, cuốc hố 7.845 ha và trồng được 7.614 ha.
Tổng diện tích khoán quản lý bảo vệ năm 2013 là 101.713 ha, giảm 1,0% (-980 ha) so với cùng kỳ. Hầu hết diện tích khoán quản lý đều được bảo vệ tốt, tuy nhiên vẫn còn hiện tượng bị chặt phá rừng.
Tổng diện tích khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 2013 là 7.509 ha, bằng so với cùng kỳ. Hầu hết các diện tích khoanh nuôi đều sinh trưởng và phát triển tốt.
b) Khai thác lâm sản
Dự ước từ đầu năm đến nay, tổng số gỗ khai thác ước 397.710 m3, tăng 12,8% (+45.093 m3) so với cùng kỳ; Trong đó: Gỗ rừng tự nhiên khai thác được 4.000 m3, giảm 41% (-2.787 m3); gỗ rừng trồng 392.910 m3, tăng 13,4% (+46.293 m3) so với cùng kỳ.
Tổng số củi khai thác 11 tháng đầu năm 2013 ước đạt 443.485 ster, tăng 2,8% (+11.975 ster) so với cùng kỳ.
c) Thiệt hại rừng
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ cháy rừng, giảm 7 vụ (-50%), diện tích rừng bị cháy 5,2 ha, giảm 22,8 ha (-81,4%); tổng giá trị thiệt hại 56 triệu đồng, giảm 159 triệu đồng (-74%) so với cùng kỳ.
Tình trạng chặt phá rừng làm nương rẫy vẫn xảy ra phổ biến và có chiều hướng tăng, nhất là đối với các huyện miền núi và các vùng sâu, vùng xa. Số vụ chặt phá rừng làm nương rẫy từ đầu năm đến nay 145 vụ, tăng 4 vụ; diện tích rừng bị chặt phá 29,4 ha, tăng 1,4 ha với giá trị thiệt hại 228 triệu đồng, tăng 40 triệu đồng so với cùng kỳ.
3. Thuỷ sản
a) Nuôi trồng thủy sản
Sản lượng nuôi trồng thủy sản 11 tháng đầu năm ước đạt 7.800 tấn, tăng 0,1% (79 tấn) so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 15/11/2013, trên địa bàn tỉnh đã thả nuôi tôm vụ 2 được 319 ha, giảm 26,3% so với cùng kỳ, với số lượng tôm giống 297,9 triệu con; Trong đó, chủ yếu là diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng. Diện tích tôm đã thu hoạch đạt 210 ha. Sản lượng thu hoạch vụ 2 ước đạt 869 tấn; lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 5.238 tấn, giảm 2,7% (-146 tấn).
Tổng diện tích nuôi tôm bị dịch 60,4 ha (bệnh virus đốm trắng 15 ha, bệnh môi trường 45,4 ha), giảm 62,7% (-101,4 ha). Số diện tích tôm bị bệnh đến nay đã được ngành chức năng xử lý.
b) Khai thác thủy sản
Trong tháng 11, do ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 14, hầu hết tàu thuyền đều neo đậu tránh, trú bão. Một số tàu thuyền vào bờ tu bổ, sửa chữa trong mùa mưa bão.
Sản lượng khai thác thủy sản trong 11 tháng đầu năm 2013 ước đạt 154.987 tấn, tăng 3,7% (+5.503 tấn); riêng sản lượng khai thác cá ngừ đại dương ước đạt 7.650 tấn, giảm 9,6% (-810 tấn) so với cùng kỳ.
Từ đầu vụ đến nay, nghề khai thác tôm hùm giống ở các xã ven biển được ngư dân tích cực tham gia, nhưng năm nay sản lượng tôm hùm giống giảm mạnh. Sản lượng khai thác toàn tỉnh khoảng 23.606 con, giảm 80,5% (-149.530 con) so với cùng kỳ. Sản lượng khai thác ít nên giá bán tôm hùm giống khá cao khoảng 230.000 đồng/con.
Tiếp tục thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ xăng dầu cho tàu có công suất lớn, đánh bắt trên các vùng biển xa bờ nên bà con ngư dân yên tâm bám biển, bám ngư trường, từ đầu năm đến nay ngành chức năng đã tiếp nhận 6.519 hồ sơ, thực hiện thẩm định 4.229 hồ sơ và phê duyệt 3.640 hồ sơ tương ứng mức kinh phí hỗ trợ 161 tỷ đồng; trong đó 3.408 hồ sơ đề nghị hỗ trợ nhiên liệu, với số tiền 154,5 tỷ đồng; 232 hồ sơ mua máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa đạt yêu cầu, với số tiền hỗ trợ 6,4 tỷ đồng.
c) Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai các hoạt động quản lý nguồn lợi thủy sản có sự tham gia của cộng đồng, phối hợp với cảnh sát giao thông đường thủy, Bộ đội Biên phòng và đội phòng chống xung điện xiếc máy khu vực đầm Thị Nại, đầm Trà Ổ và ngư trường Quy Nhơn.


II. CÔNG NGHIỆP
1. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 năm 2013 so với tháng trước
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 tăng 24,89% so với tháng trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 0,64%, ngành công nghiệp chế biến tăng 28,58%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,44%, ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,42%.
Ngành công nghiệp khai thác tăng 0,64% so với tháng trước. Trong đó, khai thác quặng kim loại tăng 1,75%, khai khoáng khác giảm 2,26%.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất tăng 28,58% so với tháng trước. Trong đó, các ngành có chỉ số sản xuất tăng khá như sản xuất chế biến thực phẩm tăng 195,57%, sản xuất giường tủ bàn ghế tăng 34,51%, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 15,67%.
Ngành sản xuất và phân phối điện có chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 tăng 2,44% so với tháng trước. Sản lượng điện sản xuất đã bắt đầu tăng trở lại sau thời gian suy giảm do tháng 11 có mưa lớn, các hồ tích đủ nước sản xuất. Sản lượng điện sản xuất tháng 11 ước đạt 33,9 triệu kwh, tăng 14,14% so với tháng trước.
Ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,42% so với tháng trước. Trong đó, hoạt động thu gom xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 0,96%, khai thác xử lý và cung cấp nước tăng 0,30%.
2. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 năm 2013 so với cùng kỳ
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 so với cùng kỳ tăng 8,61%. Trong đó, công nghiệp khai khoáng giảm 8,16%, công nghiệp chế biến tăng 9,53%, công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 16,31%, ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 18,39%.
Ngành công nghiệp khai khoáng có chỉ số sản xuất giảm 8,16% so với cùng kỳ. Trong đó, khai thác quặng kim loại giảm 9,94%, khai khoáng khác giảm 1,39%.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất tăng 9,53% so với cùng kỳ. Trừ một số ngành như chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn hầu hết các ngành còn lại đều tăng khá so với cùng kỳ như sản xuất chế biến thực phẩm tăng 73,35%, sản xuất đồ uống tăng 11,45%, sản xuất trang phục tăng 27,19%, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 38,64%, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 42,01%...
Chỉ số sản xuất ngành sản xuất và phân phối điện tăng 16,31% so với cùng kỳ. Trong đó, điện sản xuất tăng 38,93%, điện thương phẩm tăng 15,24%.
Ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 18,39% so với cùng kỳ. Trong đó, khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 23,71%, hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 11,31%.
3. Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2013 so với cùng kỳ
Trong 11 tháng năm 2013, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7,29% so với cùng kỳ.
Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 4,25% so với cùng kỳ. Trong đó, khai thác quặng kim loại tăng 13,85% chủ yếu do sản lượng khai thác tinh quặng Titan tăng 19,01% và quặng Titan tăng 7,71%. Riêng ngành khai khoáng khác giảm 17,98% do sản lượng khai thác đá granit giảm 27,46% so với cùng kỳ.
Sau thời gian dài sản phẩm inmenite xuất bán chậm, đến tháng 10 thị trường xuất khẩu chuyển biến tích cực, giải phóng tình trạng tồn kho cao, kéo dài. Hiện nay, dây chuyền sản xuất xỉ Titan được một số công ty lắp đặt và đưa vào sử dụng, góp phần hạn chế xuất khẩu thô, nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,09% so với cùng kỳ. Nhiều ngành có chỉ số sản xuất tăng khá do chủ động được nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ ổn định như ngành chế biến thực phẩm tăng 17,30%, sản xuất trang phục tăng 17,40%, chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 17,39%, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 13,30%...
Sản lượng một số sản phẩm chủ lực của tỉnh tăng khá như phi lê cá tăng 15,69%, tôm đông lạnh tăng 31,53%, thức ăn chăn nuôi tăng 39,94%, sản phẩm may mặc tăng 17,40%, dăm gỗ tăng 20,61%, đá ốp lát tăng 21,99%, đường RS tăng 15,03%, ghế gỗ tăng 3,79%, bàn gỗ tăng 3,42%...
Tuy nhiên, một số sản phẩm có sản lượng sản xuất giảm so với cùng kỳ như bia đóng chai giảm 4,26%, dung dịch đạm huyết thanh giảm 8,30%, gạch xây giảm 1,88%, đồ nội thất bằng gỗ khác giảm 2,09%…
Tôm đông lạnh và thủy sản ướp đông tăng cao so cùng kỳ do chủ động nguồn nguyên liệu, kể cả nhập khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam đang có lợi thế trên thị trường thế giới nhờ hưởng lợi từ sự sụt giảm sản lượng tôm Thái Lan – nước sản xuất tôm lớn nhất thế giới.
Hoạt động xuất khẩu bàn, ghế gỗ tăng chậm do giá thành sản phẩm tăng cao, trong khi đó giá bán sản phẩm chỉ tăng nhẹ, thị trường tiêu thụ lớn tại Châu Âu gặp nhiều khó khăn do nhu cầu giảm, các rào cản kỹ thuật ngày càng cao.
Ngành sản xuất và phân phối điện giảm 5,69% chủ yếu do sản lượng điện sản xuất giảm 45,27%, trong khi đó sản lượng điện thương phẩm tăng 9,19% so với cùng kỳ.
Ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 16,55% so với cùng kỳ. Trong đó, khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 18,39%, hoạt động thu gom xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 15,70%./.

Website Cục thống kê Bình Định

    Tổng số lượt xem: 1557
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)