Báo cáo ngày 20 tháng 02 năm 2014 của Cục Thống kê tỉnh Đồng Tháp.
Trong 02 tháng đầu năm, ngoài việc tập trung triển khai các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, đầu tư xây dựng cơ bản năm 2014; Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức tốt các hoạt động mừng Đảng – Mừng xuân, chăm sóc trẻ em, người khuyết tật, các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội ... nhằm đảo bảo cho mọi người dân được đón xuân mới vui tươi; Tập trung chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp thực hiện tốt các chế độ lương, thưởng cho người lao động tránh để xảy ra các trường hợp lãn công, đình công; Khuyến cáo Nông dân ngoài việc đón tết, vui xuân cần quan tâm chăm sóc tốt vụ lúa Đông xuân và xuống giống Hè thu gắn với phòng, chống hiệu quả các dịch bệnh; Duy trì thực hiện công tác quản lý thị trường, kiểm tra chất lượng, giá cả hàng hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Tập trung thực hiện tốt đợt cao điểm tấn công các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, chủ động tổ chức triển khai kế hoạch bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau tết.
A. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 02-2014
1/ Sản xuất Nông nghiệp, thủy sản:
a. Sản xuất Nông nghiệp:
+Về trồng trọt:
Vụ Đông xuân 2013-2014: Tính đến ngày 15 tháng 02 toàn tỉnh đã cơ bản kết thúc xuống giống lúa vụ Đông xuân, diện tích xuống giống 207.538 ha đạt 100,75% kế hoạch; Đến nay đã thu hoạch được trên 45.935 ha, năng suất bình quân trên diện tích đã thu hoạch ước đạt 70,4 tạ/ha. Trên diện tích còn lại phần lớn lúa đang ở giai đoạn đòng trổ, một số diện tích bị nhiễm bệnh: rầy nâu 10.461 ha (trong đó có 240 ha nhiễm nặng), sâu cuốn lá 1.038 ha, bệnh đạo ôn lá 3.597 ha), bệnh cháy bìa lá 623 ha, ngoài ra còn có một số đối tượng gây hại khác như sâu đục thân, bệnh vàng lá, cháy bìa lá ... nhưng gây hại ở mức độ nhẹ.
Do vụ Thu đông năm 2013 được xuống giống với diện tích lớn nên đã ảnh hưởng đến thời vụ xuống giống vụ Đông xuân 2013-2014; Hiện nay lúa Đông xuân 2013-2014 của tỉnh phần lớn đang ở vào giai đoạn đòng trổ, diện tích thu hoạch đạt khoảng 45.935 ha bằng 43,32% cùng kỳ năm trước và bằng 22,13% diện tích xuống giống. Giá lúa Đông xuân đang khá ổn định, giá lúa loại I từ 5.900-5.950 đồng/kg, lúa loại II từ 5.600- 5.650 đồng/kg so với cùng thời điểm năm trước cao hơn từ 200-500 đồng/kg.
Ở các những vùng đã thu hoạch xong vụ Đông xuân, nông dân trong tỉnh bắt đầu xuống giống Vụ Hè Thu 2014, tính đến 15-02- 2014 toàn tỉnh đã xuống giống được 32.455 ha, bằng 97,48% cùng kỳ năm trước. Các giống lúa xuống giống chính gồm: OM4218, Jasmine85, VD20, OMCS2000 …
Trong dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 Quýt hồng Lai Vung đã tiêu thụ gần hết sản lượng với giá bán từ 30.000 – 32.000 đồng/kg, cao hơn năm trước từ 5.000 – 7.000 đồng/kg; Sau Tết còn khoảng 400 tấn Quýt chưa tiêu thụ được do giá giảm tại những ngày cận Tết, dự kiến số quýt này sẽ được tiêu thụ hết trong dịp rằm tháng Giêng âm lịch. Ngoài Quýt hồng của Lai Vung, Đồng Tháp cũng là nơi cung cấp nhiều mặt hàng tiêu dùng trong dịp tết như cây kiểng, hoa kiểng, dưa hấu và một số loại nông sản khác cho các địa phương trong cả nước, hầu hết các loại nông sản này đều có giá bán bằng hoặc cao hơn giá bán của năm trước vì vậy đã mang lại khá nhiều lợi nhuận cho bà con nông dân.
+ Chăn nuôi: Trước, trong các ngày tết không phát hiện các ổ cúm gia cầm hay các bệnh trên gia súc. Ngành Nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương chủ động tăng cường khâu kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm ở các chợ, tiêu độc sát trùng chuồng trại hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp trong các ngày tết, ngành thú y đã kiểm soát giết mổ được 15.298 con heo, 510 con trâu-bò và 8.873 con gia cầm; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập tỉnh được 3.986 con heo, 34 con trâu-bò, 30.400 con gia cầm; Phúc kiểm được 13.063 con heo, 486 con trâu bò, 26.940 con gia cầm, 470 kg thịt gia cầm; xử lý 87 kg thịt heo, 49 kg phủ tạng, 241 trứng gia cầm không đóng dấu kiểm soát giết mổ. Công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường tại chợ, các địa điểm tập kết, buôn bán gia súc, gia cầm được duy trì thực hiện.
Theo số liệu của cơ quan chức năng hiện nay trong cả nước đã có 12 tỉnh, thành xảy ra dịch cúm gia cầm, trong đó có 03 tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt có tỉnh Long An giáp giới với tỉnh Đồng Tháp. Hiện tại, thời tiết đang có những diễn biến phức tạp, độ ẩm không khí cao, môi trường lạnh tạo điều kiện cho virus cúm lây lan, phát triển vì vậy, công tác phòng chống dịch cúm gia cầm cần được các ngành chức năng tích cực, chủ động hơn nữa nhằm ngăn ngừa lây lan và phát triển dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh.
b. Chăn nuôi thủy sản:
Trong thời điểm Tết Nguyên đán các nhà máy chế biến tạm ngưng hoạt động một thời gian, vì vậy sản lượng cá tra thương phẩm thu hoạch trong tháng ước đạt 27.823 tấn, bằng 100,60% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại diện tích thả nuôi cá tra của tỉnh là 988 ha.
Đối với tôm càng xanh hiện tại diện tích thả nuôi trong từ đầu năm đến nay đạt khoảng 40 ha, đạt 4,04% kế hoạch năm với số lượng giống thả nuôi là 5.751 ngàn con. Hiện nay nguồn cung tôm thịt không còn nhiều và chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa.
Đối với các loài thủy sản nuôi khác như cá lóc, điêu hồng, do nhu cầu nguồn thực phẩm trong các ngày tết tăng nên sản lượng thu hoạch và giá các mặt đều tăng. Tuy giá tăng nhưng do lượng tiêu thụ không lớn nên không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng.
Sau Tết Nguyên đán các nhà máy chế biến đã hoạt động bình thường trở lại, nên tình hình thu mua cá tra nguyên liệu của các nhà máy và tiến độ thu hoạch đã tăng lên, hiện tại giá thu mua cá của các nhà máy vào khoảng 22.500 đến 23.500 đồng/kg đối với cá thịt trắng loại 0,7-0,8 kg/con.
Tình hình bệnh thủy sản trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhỏ lẻ ở một số nơi, các bệnh thường gặp như: Nhiễm khuẩn, ký sinh trùng trên cá tra gống, cá tra thương phẩm và cá điêu hồng. Hầu hết dịch bệnh xuất hiện ở mức độ nhẹ và đều khống chế được.
2/ Sản xuất Công nghiệp:
Hầu hết các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh đều cho công nhân nghỉ tết từ ngày 28-01-2014 (28 tết) và trở lại làm việc vào ngày 03-02-2014 (mồng 4 tết). Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng hầu hết các doanh nghiệp đã cố gắng thanh toán tiền lương tháng 01-2014 trước tết, phát quà tết, thưởng (bình quân 1 tháng lương/công nhân) cho công nhân nghỉ về quê ăn tết.
Theo khảo sát của cơ quan chức năng (trước Tết) trên 45 doanh nghiệp với 19.242 lao động làm việc thì tiền lương bình quân của một lao động trong năm 2013 là từ 3.300 - 7.000 ngàn đồng/người/tháng; Tiền thưởng Tết Nguyên đán dự kiến bình quân một lao động từ 2.400 - 5.000 ngàn đồng/người. Trong số 45 Doanh nghiệp khảo sát có 01 doanh nghiêp còn nợ lương năm 2013 của 49 người lao động với tổng số tiền là 832 triệu đồng.
Hiện nay cá tra nguyên liệu đang có giá bán từ 22.500 đến 23.500 đồng/kg đối với cá thịt trắng loại 0,7-0,8 kg/con, với mức giá này người nuôi đã hòa vốn và có thể có lãi nhẹ, với tình hình này diện tích nuôi trồng và sản lượng cá tra có thể sẽ tăng nhẹ trong năm 2014.
Giá trị sản xuất Công nghiệp tháng 02 năm 2014 ước tính 1.097.872 triệu đồng (theo giá cố định 1994), giảm 2,20% so với tháng trước nhưng tăng 34,93% so với cùng kỳ năm 2013. So với tháng trước giá trị sản xuất công nghiệp tháng này giảm ở hầu hết các thành phần kinh tế, ngoại trừ thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có giá trị sản xuất tăng nhẹ 1,06%. Nếu so với tháng cùng kỳ năm trước tất cả các thành phần kinh tế đều có giá trị sản xuất tăng, nguyên nhân chính là do thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán Qúy Tỵ nằm trọn trong tháng 02-2013, trong khi đó Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 thời gian nghỉ chỉ rơi một phần vào tháng 02-2014; Riêng thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài do có một Nhà máy mới đưa vào sản xuất từ đầu năm nên có tỷ lệ tăng trưởng tương đối cao đạt 122,11%. Nếu xem xét theo sản phẩm thì trong tháng 02-2014 chỉ có 02 sản phẩm có tăng trưởng so với tháng trước là: Gạo xay xát tăng 3,07%; Thức ăn gia sức, thủy sản tăng 0,83%; Nếu so với tháng cùng kỳ năm trước thì có 02 sản phẩm giảm là: Trang in opsep giảm 20,34%, Thuốc viên các loại giảm 0,47%, còn lại các sản phẩm khác đều tăng trưởng ở mức khá cao, vì vậy đã góp phần làm cho tăng trưỏng giá trị sản xuất so với tháng cùng kỳ năm trước đạt mức 34,93%.
Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2014 giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 2.220.451 triệu đồng (giá cố định 1994) tăng 9,78% so với cùng kỳ năm 2013. Mức tăng trưởng này tương đương so với cùng cùng kỳ năm 2013 (cùng kỳ năm 2013 tăng 9,50%). Nguyên nhân có mức tăng không cao so với cùng kỳ 2013 là do một số sản phẩm chủ lực của tỉnh có sản lượng sụt giảm so với cùng kỳ như: Thức ăn gia súc, thủy sản giảm 4,85%, Trang in opsep giảm 10,68%, Thuốc viên các loại giảm 8,77%; Một số sản phẩm có mức tăng trưởng không cao: Gạo xay xát tăng 0,83%, Quần áo may sẵn tăng 5,37%, Gạch xây dựng tăng 2,73%; Các sản phẩm còn lại tuy có mức tăng trưởng cao nhưng vẫn không thể làm cho tăng trưởng chung tăng cao so với cùng kỳ 2013 mà chỉ đạt 9,78%.
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của tỉnh (Thực hiện theo Thông tư số 07/2012/TT-BKHĐT ngày 17-05-2012 của Bộ kế hoạch và Đầu tư) tháng 02-2014 so với tháng trước bằng 97,97%, so với cùng kỳ năm trước bằng 119,47%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2014 chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 7,20%.
3/ Vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nhà nước quản lý:
Tổng mức thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản nhà nước quản lý trên địa bàn tháng 2-2014 ước tính 116.487 triệu đồng, giảm 12,05% so với tháng 01/2014 và giảm 14,75% so với cùng kỳ năm 2013 (Trong 2 tháng đầu năm 2014 vốn đầu tư của các đơn vị Trung ương quản lý chưa phát sinh). Trong đó vốn đầu tư thuộc ngân sách địa phương thực hiện 103.742 triệu đồng, giảm 3,75% so với tháng 01/2014 nhưng tăng 18,69% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản Nhà nước quản lý trên địa bàn 2 tháng đầu năm 2014 ước tính đạt 267.845 triệu đồng, bằng cùng kỳ năm trước; Trong đó, vốn ngân sách địa phương quản lý ước thực hiện 202.074 triệu đồng.
4/ Hoạt động Thương mại, Xuất nhập khẩu, giá cả và dịch vụ vận tải:
- Hoạt động thương mại:
Tình hình thị trường trong những ngày Tết nguyên đán tương đối ổn định, không có biến động lớn về giá cả. Hàng hóa phục vụ Tết Giáp Ngọ dồi dào về nguồn cung, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, chất lượng, giữa cung cầu tương đối cân bằng không có sự chênh lệch lớn, đáp ứng tất cả các nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp tết từ bình dân cũng như sang trọng và chủ yếu là hàng Việt Nam. Công tác quản lý thị trường chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng và công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường kiểm soát chặt chẽ. Sau tết, giá cả các loại hàng hóa đang trở lại bình thường. Theo đánh giá những mặt hàng tiêu thụ thiết yếu trong tết có sức mua tăng khoảng 15-20% so với ngày bình thường, giá cả cũng tăng nhẹ từ 10-15%; nếu so với tết Qúy Tỵ năm 2013 mức tiêu thụ trong Tết Giáp Ngọ này không tăng, nguyên nhân là do vụ Đông xuân 2013-2014 chưa vào thời điểm thu hoạch chính, giá lúa lại không cao, bên cạnh đó tình hình kinh tế khó khăn kéo dài trong nhiều năm liền cũng ảnh hưởng sức mua của người dân.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 02/2014 ước tính 4.501 tỷ đồng, giảm 2,06% so với tháng trước và tăng 2,61% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước ước tính 70 tỷ đồng, tăng 0,17% so với tháng trước nhưng giảm 0,34% so với cùng kỳ; kinh tế cá thể ước tính 2.375 tỷ đồng; kinh tế tư nhân ước tính 2.055 tỷ đồng. Việc giảm tổng mức bán lẻ của tháng 02-2014 so với tháng trước nguyên nhân là do hầu hết mua sắm cho kỳ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 của người dân đều rơi vào tháng 01/2014.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2014 tổng mức bán lẻ ước đạt 9.098 tỷ đồng tăng 3,98% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, ngành Thương mại tăng 1,45%, khách sạn nhà hàng tăng 14,22%.
- Hoạt động vận tải hàng hoá và hành khách:
Các hoạt động vận tải cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển và phục vụ đời sống của nhân dân. Các phương tiện vận tải công cộng như taxi, xe buýt ngày càng phát triển và hoạt động hiệu quả. Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 02/2014 ước tính 403 ngàn tấn, bằng 94,82% so với tháng trước và bằng 88,57% so với cùng kỳ năm 2013. Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 02/2014 ước tính 2.261 ngàn người, bằng 98,30% so với tháng trước và 92,51% so với cùng kỳ năm 2013. Tổng doanh thu vận tải và dịch vụ bốc xếp tháng 02/2014 ước tính 113.502 triệu đồng, bằng 100,41% so với tháng trước và tăng 4,19% so với cùng kỳ năm 2013.
- Hoạt động Xuất khẩu:
Tình hình xuất khẩu của tỉnh trong 02 tháng đầu năm 2014 tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tình hình kinh tế thế giới không thuận lợi. Đối với mặt hàng thủy sản tuy Việt Nam nói chung và Đồng Tháp nói riêng có nhiều thuận lợi trong sản xuất, nuôi trồng và chế biến, nhưng do khủng hoảng kinh tế thế giới kéo dài làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân các nước nhập khẩu, mặt khác mặt hàng này lại bị cạnh tranh gay gắt dưới nhiều hình thức của các nước có cùng mặt hàng này nên tình hình xuất khẩu vẫn chưa có nhiều khả quan. Đối với mặt hàng gạo do giá gạo xuất khẩu hiện nay trên thế giới đang ở mức thấp và bị cạnh tranh mạnh bởi các nước xuất khẩu gạo khác, nên dù trong nước Vụ lúa chính trong năm (vụ Đông xuân) đã bước vào thu hoạch với lượng lúa hàng hóa không ngừng tăng lên nhưng sản lượng gạo xuất khẩu vẫn không được như mong muốn.
Theo ước tính, trong tháng 2 năm 2014 kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chỉ bằng 91,46% so với tháng 1/2014 và bằng 108,30% so cùng kỳ năm 2013 (Nếu không tính hàng tạm nhập, tái xuất thì tương ứng là 90,25% và 129,69%). So với tháng trước tất cả các mặt hàng xuất khẩu chính đều có giá trị xuất khẩu giảm, giảm nhiều nhất là mặt hàng Gạo giảm hơn 50%; So với tháng cùng kỳ năm trước có 02 mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng là Thủy sản chế biến tăng 34,50%, Bánh phồng tôm tăng 41,70%, các mặt hàng còn lại đều có giá trị xuất giảm trên 20%, riêng mặt hàng gạo giảm tới 31,80%. Nhìn chung trong tháng 02-2014 giá trị xuất khẩu các mặt hàng chính của tỉnh đều có sự biến động lớn so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2014 kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 2,80% so với cùng kỳ năm 2013 (Nếu không tính hàng tạm nhập, tái xuất thì tăng đến 17,97%). Trong đó: Gạo tăng 33,80% về khối lượng và 37,10% về giá trị; Thủy sản chế biến có mức tăng 12,40% về giá trị và 11,90% về khối lượng.
- Hoạt động nhập khẩu:
Tổng trị giá hàng nhập khẩu tháng 02/2014 ước tính 32.944 ngàn USD, giảm 44,49% so với tháng trước (nguyên nhân chủ yếu do mặt hàng xăng dầu ước tính giảm 45,65% so với tháng trước). So với cùng kỳ năm 2013 thì giá trị nhập khẩu của tháng 02-2014 giảm 28,90%. Nguyên nhân, do mặt hàng xăng dầu giảm 33,40% về giá trị nhập (tuy khối lượng nhập chỉ giảm 3,40%) đã làm cho kim ngạch nhập khẩu tháng 02-2014 giảm so cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm 2014 kim ngạch nhập khẩu tăng 10,80% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, Xăng dầu tăng 8,50% về giá trị, sản lượng tăng 20,30%; Nguyên phụ liệu tân dược tăng 47,20% giá trị nhập; Vải may mặc tăng 202,80% về giá trị.
- Tình hình Giá cả:
Chuẩn bị đón tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, các ngành các cấp trong tỉnh đã tăng cường công tác quản lý thị trường, nhằm ngăn chặn kịp thời những trường hợp đầu cơ tăng giá, lạm dụng độc quyền, cạnh tranh không đúng pháp luật về giá; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đảm bảo nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng nhất là nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền. Bên cạnh đó các lực lượng chức năng vẫn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát phòng chống gian lận thương mại và hàng hóa không đảm bảo tiêu chuẩn lưu thông, tăng cường kiểm tra xử lý các vi phạm về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phát hiện các hiện tượng đầu cơ, găm hàng, nâng giá bán, tung tin thất thiệt ảnh hưởng xấu đến sản xuất kinh doanh và gây tâm lý hoang mang trên thị trường. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng chuẩn bị sẵn sàng các nguồn hàng như gạo, xăng dầu, thực phẩm, thuốc chữa bệnh … sẵn sàng cung cấp ra thị trường với chất lượng đảm bảo và giá cả phù hợp, các cơ quan chức năng cũng chú trọng công tác dự báo thị trường, kịp thời giải quyết và có các thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biến động giá cả trên thị trường của tỉnh góp phần giữ bình ổn giá trên thị trường trong những ngày tết.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 02 năm 2014 của tỉnh, tăng 0,68% so với tháng trước, tăng 1,24% so với tháng 12 năm 2013 và tăng 3,47% so với cùng tháng năm 2013; Bình quân cùng kỳ tăng 3,69%. Nếu so với chỉ số giá của tháng 02-2013 thì chỉ số giá của tháng 02-2014 có mức tăng thấp hơn (Chỉ số giá của tháng 02-2013 so với: tháng trước 1,11%; tháng 12 năm trước 1,83%; cùng tháng năm trước 6,41%; bình quân cùng kỳ 6,55%). Trong tháng có 01 nhóm hàng có chỉ số giá giảm so với tháng trước là: Nhóm hàng Nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD giảm 0,51%. Các nhóm hàng có chỉ số giá tăng từ 1% trở lên so với tháng trước là: Nhóm hàng thực phẩm tăng 1,86%; Nhóm hàng Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,27%. Đây là các nhóm hàng chịu ảnh hưởng mạnh bởi nhu cầu của người dân trong Tết Nguyên đán, nhất là nhóm hàng Thực phẩm. Nhu cầu của các nhóm hàng này sẽ trở lại bình thường sau kỳ tết Nguyên đán, vì vậy khả năng chỉ số giá trong tháng 03-2014 sẽ tăng thấp hơn trong tháng 02-2014.
Chỉ số giá vàng tháng 02 năm 2014 so với tháng trước tăng 1,11% và giảm 3,60% so với tháng 12-2013.
Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 02 năm 2014 so với tháng trước giảm 0,09% và giảm 0,11% so với tháng 12-2013.
5/ Tình hình Văn hóa – Xã hội:
- Ngành giáo dục và đào tạo: Các trường phổ thông trong tỉnh đã trở lại dạy và học bình thường sau một kỳ nghỉ tết khá dài so với mọi năm. Ngành đang tổ chức vận động các em nghỉ học sau tết trở lại trường đi học; Xem xét phấn đấu hoàn thành chương trình giảng dạy và học tập của năm học 2013-2014 đúng theo kế hoạch đề ra.
- Ngành Y tế: Phối hợp với các ngành có liên quan và các địa phương tăng cường công tác thanh tra và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đồng thời tiếp tục chủ động phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh trước, trong và sau dịp tết Nguyên đán nhất là các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh cúm.
- Ngành lao động - thương binh xã hội: Tham mưu cho UBND Tỉnh lập kế hoạch trích kinh phí hỗ trợ tiền Tết cho các hộ nghèo của năm 2014, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, trẻ em nghèo với kinh phí hơn 11 tỷ đồng. Công tác chăm sóc gia đình thương binh liệt sĩ và người có công, phong trào đền ơn đáp nghĩa tiếp tục được quan tâm nhất là trong những ngày trước tết Nguyên đán.
- Ngành văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch tập trung triển khai các hoạt động phục vụ nhân dân vui Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, đồng thời kết hợp tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2014, tuyên truyền cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tuyên truyền các thành tựu đạt được trong năm 2013 của địa phương …
- Trật tự an toàn xã hội: Theo số liệu thống kê của Ban an toàn giao thông Tỉnh từ ngày 16/12/2013 đến ngày 12/02/2014 toàn tỉnh đã xảy ra 25 vụ tai nạn giao thông, làm 28 người chết và bị thương 09 người, so với cùng kỳ năm trước giảm 01 vụ, 01 người chết, nhưng bị thương tăng 03 người. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy, nổ và các tệ nạn xã hội khác tiếp tục được tăng cường. Tình hình an ninh chính trị tại các địa phương trên địa bàn tỉnh được đảm bảo. Công an tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các địa phương tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp về phòng, chống tội phạm; Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm soát thị trường, phát hiện kịp thời các hiện tượng kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng chất lượng kém, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...
B. TÌNH HÌNH TẾT NGUYÊN ĐÁN GIÁP NGỌ 2014
Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014 gắn với kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, được tổ chức theo phương châm “vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm” nhằm đảm bảo cho mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh đều được đón Xuân mới.
1. Tình hình chăm lo đời sống, thăm và chúc tết các đối tượng chính sách:
Từ cuối tháng 11-2013 UBND tỉnh đã có Công văn số 720/UBND-KTTH ngày 27 tháng 11 năm 2013 về việc “Tăng cường chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại cuối năm 2013 và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014”; Công văn số 767/UBND-KTN ngày 11 tháng 12 năm 2013 về việc “Tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014”; Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 26/12/2013 về việc “Tổ chức đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014”, tất cả nhằm chuẩn bị tốt các điều kiện cho nhân dân trong tỉnh đón tết cổ truyền trong không khí phấn khởi, vui tươi, an toàn và tiết kiệm.
Theo kế hoạch trong những ngày trước Tết UBMTTQ tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh cùng với các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, Thành phố Cao Lãnh và các đoàn thể, tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh sẽ đi thăm hỏi và tặng quà cho các đối tượng là người có công với cách mạng, hộ gia đình nghèo, gia đình khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội nhằm giúp cho các gia đình vui xuân đón tết. Theo dự kiến đối tượng chính sách, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội được các tổ chức thăm, tặng quà và chúc tết với số tiền 1.011 triệu đồng; Đối tượng là hộ nghèo, hộ Việt kiều Campuchia, người tàn tật thăm và trợ cấp 72.509 đối tượng với số tiền trợ cấp 10.441 triệu đồng. Tính đến ngày 02 tháng 02 năm 2014 (mồng 03 Tết), tình hình thăm và tặng quà toàn tỉnh và một số huyện, thị, thành phố trong tỉnh như sau:
- Tặng quà cho Người có công với cách mạng: Toàn tỉnh tặng 38.993 người, trị giá quà tặng 9.716 triệu đồng, Trong đó: TP Sa Đéc 2.145 phần quà trị giá 654 triệu đồng; huyện Thanh Bình 1.386 hộ; huyện Hồng Ngự 1.929 suất quà với trị giá 411 triệu; huyện Cao Lãnh 9.470 phần quà trị giá 1.565 triệu đồng; TP Cao Lãnh 2.634 đối tượng; huyện Châu Thành tặng quà 3.507 đối tượng trị giá 714 triệu đồng.
- Tặng quà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn: Toàn tỉnh tặng 32.927 người, trị giá quà tặng 8.921 triệu đồng, Trong đó: TP Sa Đéc 1.117 lượt đối tượng, trị giá 335 triệu đồng; huyện Thanh Bình 3.845 hộ; huyện Hồng Ngự 4.295 suất trị giá 867 triệu đồng; huyện Cao Lãnh 3.932 phần quà, trị giá 1.164 triệu đồng; TP Cao Lãnh 3.287 hộ; huyện Châu Thành tặng quà 7.654 hộ trị giá 1.747 triệu đồng.
- Tặng quà cho đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi: Toàn tỉnh tặng 40.604 người, trị giá quà tặng 4.061 triệu đồng, Trong đó: TP Sa Đéc 2.648 lượt đối tượng, số tiền 493 triệu đồng; huyện Thanh Bình 3.053 đối tượng; huyện Hồng Ngự 3.286 suất với số tiền 328 triệu đồng; huyện Cao Lãnh 3.866 phần quà, trị giá 886 triệu đồng; TP Cao Lãnh 3.507 hộ; huyện Châu Thành tặng quà cho 5.550 đối tượng trị giá 455 triệu đồng.
- Tặng quà cây mùa xuân cho Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: Từ ngân sách tỉnh và vận động cho 4.822 trẻ, trị giá quà tặng 686 triệu đồng. Các huyện, thị. Thành phố: TP Sa Đéc 1.367 lượt trẻ, trị giá 170 triệu đồng; huyện Cao Lãnh 1.176 phần quà, trị giá 147 triệu đồng; TP Cao Lãnh 1.133 trẻ; huyện Châu Thành 2.509 lượt trẻ, trị giá 324 triệu đồng.
Ngoài ra còn thăm và tặng quà cho các cơ sở bảo trợ xã hội, nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người tàn tật trong và ngoài tỉnh, người có công với cách mạng đang điều trị tại các bệnh viện, trung tâm điều dưỡng, thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ … với số tiền và quà tặng khoảng 1.011 triệu đồng.
Trong những ngày tết UBMTTQ tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh cùng với các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, Thành phố Cao Lãnh và các đoàn thể đã tổ chức các đoàn đi viếng các Nghĩa trang liệt sĩ, thăm hỏi các đơn vị lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ, các tổ chức tôn giáo, các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng cùng các bậc lão thành cách mạng và đối tượng chính sách khác; thăm và chúc tết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, chúc các doanh nghiệp trong năm mới 2014 đạt nhiều thắng lợi đưa doanh nghiệp phát triển, góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế địa phương.
2. Lễ hội đón giao thừa và các họat động mừng Đảng, mừng xuân:
Lễ hội đón giao thừa – bắn pháo hoa đón Tết Giáp Ngọ năm 2014 gắn với kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức theo phương châm an toàn, tiết kiệm, vui tuơi. Khác với Tết Qúy Tỵ năm 2013, Tết Giáp Ngọ năm nay trên địa bàn tỉnh chỉ tổ chức 01 điểm bắn pháo bông (ít hơn 02 điểm so với Tết Qúy Tỵ 2013) trong đêm giao thừa (là TP Sa Đéc) thời điểm bắn pháo bông vào lúc 22h30’, nhờ vậy đã tạo điều kiện cho nhiều người được tham gia thưởng thức, đồng thời để mọi người có thời gian vui chơi sau khi xem bắn pháo hoa, từ đó làm giãn thời gian trở về nhà của người dân, góp phần làm giảm tai nạn giao thông trong các ngày tết.
Ngoài chương trình sân khấu phục vụ Lễ hội giao thừa Mừng Đảng – Mừng Xuân Giáp Ngọ với qui mô hoành tráng tại Quảng trường Văn Miếu, Phường 1, Thành phố Cao Lãnh đêm 30 tết với nhiều tiết mục được dàn dựng công phu, sắc màu rực rỡ do Đoàn Văn công Đồng Tháp thực hiện. Mặc dù năm nay Thành phố Cao Lãnh không tổ chức bắn pháo hoa như những năm trước nhưng vẫn thu hút được sự cổ vũ nồng nhiệt của 10.000 người đến xem. Lễ hội tổ chức trong thời gian 04 ngày từ 30/01/2014-02/02/2014 (30 tết đến mùng 3 Tết). Ngoài ra, trong các ngày Tết tại Quảng trường Văn miếu và Công viên Văn Miếu cùng các địa điểm vui chơi giải trí khác các đơn vị có liên quan cùng với các cơ ngành hữu quan cấp tỉnh, thành phố Cao Lãnh, UBND các xã, phường trên địa bàn thành phố Cao Lãnh tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao phong phú, hấp dẫn như: ca nhạc, múa lân, rồng, chiếu phim, đờn ca tài tử, triển lãm, biểu diễn võ cổ truyền … Riêng Đoàn văn công Đồng Tháp trong các ngày tết đã tổ chức biểu diễn phục vụ hơn 40.000 lượt người xem.
Tối 24/01 (nhằm ngày 24 Tết), với chủ đề “Sa Đéc Phố và Hoa”, Lễ hội Hoa xuân Sa Đéc năm 2014 đã diễn ra tại Công viên Sa Đéc (TP Sa Đéc). Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, các cấp Đảng ủy, chính quyền tỉnh, TP Sa Đéc cùng khoảng 150.000 người đã đến dự. Tại lễ hội có nhiều loại hoa kiểng, cây kiểng đẹp của các nghệ nhân đến từ một số tỉnh trong khu vực có thế mạnh về sinh vật cảnh như TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, An Giang, Long An, Bến Tre Cần Thơ tham gia dự thi và triển lãm. Trong suốt những ngày diễn ra lễ hội còn có các hoạt động khác như: hội thi ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật, triển lãm tranh, thi viết thư pháp, trò chơi dân gian, múa lân, cắm hoa nghệ thuật và chưng trái cây,... Lễ hội diễn ra đến hết ngày 02/02/2014 (nhằm ngày mùng 3 Tết). Qua Lễ hội đã xác lập Kỷ lục “Giỏ hoa tươi lớn nhất Việt Nam”, với chiều cao giỏ hoa 15,2m, chân giỏ hoa 8,8m, thân giỏ rộng 16,1m; Toàn bộ giỏ hoa được trang trí 3.150 giỏ hoa tươi các loại tăng 2.150 giỏ so với kỷ lục được xác lập năm 2013. Cũng tại Thành Phố Sa Đéc trong đêm 30 Tết Thành phố đã tổ chức bắn pháo hoa mừng xuân Giáp Ngọ tại Công viên Sa Đéc kết hợp với Lễ công bố Nghị quyết của Chính phủ về thành lập Thành phố Sa Đéc trực thuộc tỉnh và được phát trực tiếp trên Đài phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp. Tham dự Lễ hội có 700 quan khách các cấp Đảng ủy, chính quyền tỉnh, TP Sa Đéc cùng khoảng 438.000 lượt người trong và ngoài tỉnh đến xem.
Ngoài TP Cao Lãnh và Thành phố Sa Đéc, tại các huyện, thị khác trong tỉnh, các địa phương cũng đã tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí trong các ngày tết nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân đồng thời góp phần hạn chế các tệ nạn xã hội xảy ra trong các ngày lễ, tết.
3. Tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội:
Trong dịp tết tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn được đảm bảo, đặc biệt là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đêm Lễ hội giao thừa tại Công viên Văn Miếu Thành Phố Cao Lãnh, bắn pháo hoa tại Thành phố Sa Đéc với hàng chục đến hàng trăm ngàn người tham dự tại mỗi điểm (TP Cao Lãnh 10.000 người; Thành phố Sa Đéc 438.000 người).
Về tình hình tội phạm, xảy ra một số vụ trộm cắp, cướp giật, phạm pháp hình sự tại; tại hầu hết các huyện, thị, thành phố trong tỉnh còn lẻ tẻ xảy ra các tệ nạn cờ bạc, số đề, đá gà.
Trong thời gian tết an toàn cháy nổ trên địa bàn tỉnh được đảm bảo khá tốt, tuy nhiên vẫn ghi nhận 02 vụ cháy xảy ra trên địa bàn huyện Thanh Bình làm thiệt tài sản khoảng 230 triệu đồng.
4. Hoạt động vận tải và đảm bảo an toàn giao thông trong dịp tết nguyên đán:
Trong những ngày cận tết Nguyên đán hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách được tăng cường nhằm đảm bảo đảm bảo chuyên chở hết các hành khách có nhu cầu về quê ăn Tết, nhất là trên các tuyến đường liên tỉnh, các tuyến đường nối với các trung tâm kinh tế. Các lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra trên các tuyến đường, kịp thời xử lý các điểm ùn tắc, các trường hợp vi phạm an toàn giao thông. Các bến xe trên địa bàn tỉnh hoạt động bình thường, để tăng cường phục vụ hành khách trong dịp tết, các bến xe đã tăng tần suất, số lượng xe phục vụ trong dịp tết.
Hoạt động vận tải xe buýt được tăng cường đảm bảo thời gian phục vụ 15 giờ/ngày/tuyến từ 28 tết đến mùng 2 tết, riêng trong ngày 30 tết một số tuyến xe buýt hoạt động 24/24.
Bến phà Cao Lãnh đã đảm bảo vận chuyển kịp thời, an toàn, trật tự trong những ngày tết mặc dù số lượng người đi lại tăng nhiều so với ngày thường, đảm bảo để người dân không chờ quá lâu.
Về an toàn giao thông do các ngành chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra các phương tiện giao thông theo Nghị định 71 của Chính phủ, Kế hoạch 466/KH-UBATGTQG Về việc tổ chức đợt hoạt động cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp ngọ và Lễ hội xuân 2014 nên tai nạn giao thông nhìn chung trong các ngày tết đã giảm nhiều so với năm trước.
Trong 05 ngày cao điểm Tết, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp không phát hiện các trường hợp buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và đốt các loại pháo.
5. Hoạt động y tế, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm:
Từ trước tết UBND tỉnh đã có Công văn số 767/UBND-KTN ngày 11 tháng 12 năm 2013 về việc “Tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014” trên địa bàn tỉnh. Ngành y tế đã phối hợp với các ngành chức năng, các huyện, thị, Thành phố tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm; Trong đó chú ý kiểm tra các cơ sở chế biến thực phẩm, giết mổ động vật, sản phẩm hàng hóa là thực phẩm lưu thông trên thị trường, nhất là các sản phẩm chế biến từ gia súc và gia cầm.
Sở Y tế tỉnh tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn, kiểm tra thực phẩm bày bán tại các chợ, nhất là các chợ có lượng hàng bán ra lớn trong các ngày tết; các nơi bán thực phẩm phục vụ Tết, các nhà hàng, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; chống thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm không rõ nguồn gốc; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng phụ gia trong chế biến thực phẩm và thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa phương nhằm giảm tối đa số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong dịp Tết. Tuy vậy theo ghi nhận vẫn có một vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Phường 6 TP Cao Lãnh gồm 3 người do ăn uống.
Nhằm đảm bảo kịp thời yêu cầu khám, điều trị và cấp cứu trong những ngày tết, ngành y tế đã tổ chức trực cấp cứu 24/24 giờ đáp ứng được tất cả những nhu cầu cơ bản về chăm sóc sức khỏe của người dân trong những ngày tết trên địa bàn tỉnh.
Ngày 28/01/2014 bà Võ Thị U, 57 tuổi, ngụ tại ấp Tân Thạnh, xã Tân Long, huyện Thanh Bình đã tử vong với kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A H5N1; Trung tâm y tế huyện và Trạm thú y huyện đã tiến hành kịp thời các biện pháp phòng chống dịch. Tuy nhiên qua 33 mẫu giám sát gia cầm tại địa bàn bệnh nhân U tử vong đều cho kết quả âm tính với cúm A H5N1. Ngoài cas bệnh tử vong trên, trong thời gian tết còn xảy ra một số cas bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng phải đưa đến điều trị tại các cơ sở y tế.
Trong dịp Tết Nguyên đán đã xảy ra một số tai nạn được ghi nhận làm chết người như sau: chết đuối TP Cao Lãnh (01 người), huyện Châu Thành (01 người); điện giật huyện Châu Thành (01 người).
Tong dịp Tết Nguyên đán năm nay Ban chỉ đạo vận động HMTN tỉnh Đồng Tháp xây dựng kế hoạch hiến máu tình nguyện trong dịp Tết Nguyên đán 2014 trên địa bàn toàn tỉnh với dự kiến vận động ít nhất 3.600 người đăng ký hiến máu, cả tỉnh tổ chức thu nhận đạt 1.800 đơn vị máu từ người hiến máu tình nguyện.
6. Tình hình cung cấp điện, nước trong những ngày tết:
Ngành Điện lực đã có kế hoạch cấp điện phục vụ Tết, đặc biệt là tại các địa phương có tổ chức bắn pháo hoa hoặc diễn ra Lễ hội giao thừa. Theo báo cáo của ngành điện lực đến 7h ngày 02/02/2014, tình hình cung cấp điện an toàn, không xảy ra sự cố, lưới điện vận hành ổn định cung cấp điện đủ công suất cho các phụ tải trên địa bàn tỉnh, đảm bảo cấp điện đủ và an toàn tại các điểm có diễn ra lễ hội bắn pháo hoa.
Tình hình cung cấp nước tại các thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ của ngành cấp nước 24/24 giờ ngày đảm bảo đủ nhu cầu nước cho người dân trên các địa bàn, không để xảy ra tình trạng mất hoặc thiếu nước.
7. Thông tin liên lạc:
Thông tin liên lạc được bảo đảm ổn định trong những ngày tết, theo ghi nhận không có hiện tượng nghẽn mạng điện thoại di động trong những ngày tết như một số năm trước đây.
Hệ thống mạng diện rộng của tỉnh hoạt động ổn định, thông suốt, an toàn đảm bảo phục vụ hoạt động của Cổng thông tin điên tử và hệ thống mail của tỉnh.
Đài phát thanh truyền hình tỉnh có kế hoạch phát sóng mừng xuân Giáp Ngọ đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân, đồng thời phản ánh các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân trên địa bàn tỉnh.
Tóm lại trong những ngày Tết nguyên đán năm Giáp Ngọ 2014 an ninh chính trị và trật tự xã hội được đảm bảo, Lễ hội đón giao thừa Mừng Đảng – Mừng Xuân tại TP Cao Lãnh, bắn pháo hoa tại TP Sa Đéc đều bảo đảm an toàn tuyệt đối, lượng hàng hóa tiêu dùng dồi dào, giá cả tương đối ổn định đáp ứng tốt các nhu cầu của người dân, tai nạn giao thông trong dịp tết giảm. Tuy nhiên một số tệ nạn xã hội, phạm pháp vẫn xảy ra dù ở mức độ lẻ tẻ ở hầu hết các huyện, thị, thành phố.
Nhìn chung toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội – văn hóa trong dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 đã được triển khai thực hiện và diễn ra đúng như tinh thần “vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm”, đảm bảo tết đến với mọi người, mọi nhà./.
Cục Thống kê tỉnh Đồng Tháp