PHẦN 1: TÌNH KINH KINH TẾ XÃ HỘI THÁNG 5 VÀ 5 THÁNG ĐẦU NĂM 2012:
1. Sản xuất Nông nghiệp:
Sản xuất nông nghiệp bước vào thực hiện kế hoạch năm 2012 với việc xuống giống vụ Đông xuân 2011-2012 cũng không được thuận lợi do ảnh hưởng của lũ lụt trong năm 2011, ở cuối vụ mưa và gió lớn đã làm một số diện tích lúa bị đổ, ngã ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch, bên cạnh đó nguy cơ cao về tái phát các bệnh dịch ở trên gia súc và gia cầm luôn thường trực đe dọa. Áp lực về việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu (điện, xăng dầu), thức ăn gia súc, các loại vật tư cũng ảnh hưởng đáng kể tới sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Giá lúa tuy có mức cao ở đầu năm nhưng lại sụt giảm khi vào vụ thu hoạch vụ Đông xuân, Nhà nước đã có sự can thiệp kịp thời bằng cách mua tạm trữ nhờ đó giá lúa ổn định trở lại nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước
Ngành trồng trọt: Vụ Đông xuân 2011-2012 toàn tỉnh đã xuống giống 216.249 ha, tăng894 ha (hay tăng 0,42%) so với vụ Đông xuân 2010-2011; Trong đó diện tích Lúa 208.322 ha, tăng 1.467 ha (tăng 0,71%), so với kế hoạch đạt 101,13%; Đến cuối tháng 4-2012, toàn tỉnh đã thu hoạch dứt điểm lúa Đông xuân, chậm hơn so với vụ Đông xuân năm trước. Mặc dù có gặp một số bất lợi trong sản xuất từ đầu vụ và mưa gió lớn ở cuối vụ, nhưng theo kết quả điều tra năng suất bình quân chung toàn vụ đạt 72,23 tạ/ha tăng 0,58 tạ/ha so với vụ Đông xuân 2010-2011. Sản lượng lúa thu hoạch vụ Đông xuân 2011-2012 đạt 1.504.758 tấn tăng hơn so với vụ Đông xuân 2010-2011 là 22.745 tấn (hay tăng 1,53%).
Ngoài cây lúa, trong vụ Đông xuân 2011-2012 toàn tỉnh còn xuống giống được 7.927 ha hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày, giảm 573 ha so với vụ trước. Bao gồm một số cây chủ yếu như: Bắp (Ngô) 1.257 ha, sản lượng 10.029 tấn; Khoai lang 513 ha, sản lượng 11.323 tấn; Đậu nành 65 ha, sản lượng 144 tấn; Rau các loại 4.401 ha, sản lượng 85.480 tấn ... Đến nay các loại hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày vụ Đông xuân đã thu hoạch xong.
Vụ Hè thu 2012, đến ngày 15/5 toàn tỉnh đã xuống giống 209.260 ha thấp hơn 2.709 ha so với cùng kỳ vụ Hè thu năm trước. Trong đó diện tích lúa xuống giống là 195.576 ha, nhiều hơn 0,14% (hay 279 ha) so với vụ Hè thu năm 2011 và đạt 102,9% kế hoạch xuống giống. Hiện nay, cơ bản các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã xuống giống xong lúa hè thu, ở một số trà lúa hè thu sớm của các huyện Cao Lãnh, Tháp Mười đã cho thu hoạch (4.664 ha), năng suất trên diện tích đã thu hoạch ước đạt 61,5 tạ/ha. Hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày vụ Hè thu toàn tỉnh đã xuống giống 13.684 ha, thấp hơn 2.988 ha so với vụ Hè thu năm trước, các cây trồng chính là: Đậu nành, Mè, Rau dưa các loại ...
Về sâu bệnh trên vụ Hè thu 2012: Một số loại sâu bệnh gây hại trên cây lúa như: Rầy nâu gây hại 382 ha lúa giai đoạn đẻ nhánh đòng trỗ với mật độ từ 750-1.500 con/m2; Bệnh đạo ôn lá gây hại với diện tích nhiễm 4.185 ha; Bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá gây hại 820 ha; Các loại bệnh khác như: sâu cuốn lá nhỏ ... cũng xuất hiện và gây hại nhẹ. Đối với cây màu các loại bệnh như: bọ trĩ, rầy mềm, sâu ăn tạp, sương mai, thán thư ... xuất hiện rải rác và gây hại cho cây trồng ở mức độ nhẹ.
Về chăn nuôi: Ngành chăn nuôi trong những tháng đầu năm đã gặp một số khó khăn nhất định như nguy cơ tái phát bệnh dịch trên đàn gia cầm, bệnh lở mồm long móng trên gia súc và gần đây là nguy cơ bùng phát của bệnh heo tai xanh (một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện bệnh cúm gia cầm). Giá heo hơi đứng ở mức cao trong các tháng đầu năm, nhưng giảm mạnh và khó tiêu thụ trong tháng 4 và tháng 5 (do có các thông tin bất lợi trên các phương tiện thông tin đại chúng) đã gây ra nhiều khó khăn cho người chăn nuôi. Các khó khăn này cùng với một số khó khăn khác như con giống, nguồn vốn sản xuất, giá thức ăn đã phần nào hạn chếngười chăn nuôi đầu tư vào mở rộng sản xuất, gia tăng sản lượng do vậy việc khôi phục và gia tăng số lượng đàn heo trên địa bàn tỉnh càng gặp nhiều khó khăn. Tuy các tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc và gia cầm, ngành nông nghiệp vẫn tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc và gia cầm như tăng cường công tác kiểm dịch, giám sát chặt chẽ công tác giết mổ và buôn bán gia súc, gia cầm, tiêu độc, khử trùng môi trường, tiêm phòng ...
Trong những tháng đầu năm cơ quan chức năng đã tổ chức tiêm phòng cho đàn heo, trâu, bò các loại bệnh: Bệnh tụ huyết trùng: 74.315 con heo và 5.485 con trâu, bò; LMLM: 15.825 con; Bệnh tai xanh: 9.275 con heo; Dịch tả heo 83.700 con; Cúm gia cầm trên gà 191.634 con mũi chính, cúm gia cầm trên vịt: 1.170.925 con mũi 1 và 107.691 con mũi 2. Ngoài ra ngành chức năng thực hiện tốt khâu cấp sổ quản lý đối với các đàn vịt chạy đồng nhằm kiểm soát được dịch bệnh, tính từ đầu năm đến nay đã cấp được 429 sổ, gồm 318 sổ vịt đẻ với 259.607 con và 111 sổ vịt thịt với 81.615 con.
2. Lâm nghiệp:
Hiện nay trên địa bàn tỉnh đang ở thời điểm giao mùa giữa mùa khô và mùa mưa, ngành Lâm nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện trồng cây phân tán và chăm sóc rừng. Song song đó ngành Lâm nghiệp đã tổ chức tuyên truyền phòng chống cháy rừng qua các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức tuần tra kiểm tra tại những khu vực có nguy cơ cháy, nhằm giảm thiểu nguy cơ gây cháy. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và công tác bảo vệ rừng nên từ đầu năm đến nay chưa xảy ra vụ cháy rừng nào.
Trong những năm gần đây do giá cừ tràm khá thấp và khó tiêu thụ, chi phí Nhà nước hỗ trợ trồng rừng thấp không đủ bù đắp chi phí sản xuất, cho nên diện tích rừng tràm sản xuất đến kỳ thu hoạch, sau khai thác, người dân không trồng rừng lại mà có xu hướng chuyển sang trồng lúa và nuôi trồng thủy sản.
3. Thủy sản:
Tình hình phát triển và tiêu thụ thủy sản trong những tháng đầu năm 2012 tương đối thuận lợi cho người nuôi trồng, giá cá tra ở mức khá cao dao động từ 26.500 – 28.000 đồng hầu hết các hộ nuôi đều có lãi với mức giá này. Tuy nhiên từ cuối tháng 3 đầu tháng 4-2012 đến nay giá cá tra liên tục giảm và hiện đứng ở mức 23.000 – 24.500 đồng/kg, trong khi các yếu tố đầu vào như thuốc, thức ăn, con giống, nhiên liệu đều không giảm nên người nuôi cá chỉ hòa vốn, thậm chí có hộ lỗ từ 1.000 – 2.000 đồng/kg. Ước tính từ đầu năm đến nay sản lượng cá tra thu hoạch trong toàn tỉnh là 127.918 tấn. Diện tích tôm thả nuôi từ đầu năm đến nay là 514 ha, với số lượng tôm giống đã thả nuôi là 66.935 ngàn con. Trên diện tích thả nuôi, các loại thủy sản phát triển tốt không xảy ra dịch bệnh. Khả năng trong thời gian tới diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh sẽ không có sự tăng trưởng mạnh do giá thức ăn thủy sản còn ở mức cao kéo theo giá thành sản xuất cao, trong khi giá bán lại thấp, nguồn giống tốt và sạch bệnh thiếu, bên cạnh đó khả năng tiếp cận nguồn vốn của người nuôi trồng cũng rất khó khăn, thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản chế biến vẫn còn nhiều rủi ro bởi các hàng rào phi thuế quan của các nước nhập khẩu và bản thân các khó khăn của các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong nước.
4. Sản xuất Công nghiệp:
Giá điện tăng, giá xăng dầu tăng, nguyên liệu, chi phí vốn, chi phí lao động tăng, tồn kho thành phẩm tăng là các khó khăn mà các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp gặp phải trong những tháng đầu năm 2012. Trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng sản xuất công nghiệp của tỉnh đã giảm đi rất nhiều trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2012. Ước tính trong tháng 5-2012 giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 1.151.621 triệu đồng (giá cố định 1994), tăng 2,10% so với tháng 04-2012 nhưng chỉ bằng 97,97% so với cùng kỳ năm trước. Thành phần kinh tế Nhà nước có giá trị sản xuất tăng 0,86% so với tháng trước và tăng 10,39% so với cùng kỳ năm trước; Thành phần kinh tế ngoài quốc doanh có mức tăng 2,21% so với tháng trước nhưng giảm 2,28% so với cùng kỳ năm trước; Thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có mức tăng 0,37% so với tháng trước nhưng giảm đến 14,29% so với cùng kỳ năm trước. Các sản phẩm chính của tỉnh trong tháng 5-2012 có tăng trưởng so với tháng 4-2012 là: Thủy sản đông lạnh 0,64%, Bánh phồng tôm tăng 51,71%, Thức ăn gia súc thủy sản 1,31%, Thuốc lá điếu có đầu lọc 13,02%, Quần áo các loại 1,76%, Thuốc viên các loại 5,16%, Gạch xây dựng 0,12%; Các sản phẩm có khối lượng sản xuất giảm so với tháng 4-2012 là: Cát khai thác 1,51%, Gạo xay xát 9,11%, Trang in opsep giảm 2,17%. Nếu so với cùng kỳ năm trước thì các sản phẩm sụt giảm là: Cát khai thác, Thủy sản đông lạnh, Thuốc viên các loại, các sản phẩm còn lại đều tăng trưởng hoặc tương đương cùng kỳ. Nhìn chung hầu hết các sản phẩm công nghiệp của tỉnh trong tháng 05-2012 vẫn duy trì được mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước nhưng không cao, tuy nhiên do mặt hàng Thủy sản đông lạnh bị sụt giảm nên đã làm cho giá trị sản xuát công nghiệp của tháng 5-2012 chỉ bằng 97,97% so với cùng kỳ năm 2011.
Ước tính 5 tháng đầu năm 2012 giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh (tính theo giá cố định 1994) đạt 5.409.717 triệu đồng tăng 8,40% so với cùng kỳ. Thành phần kinh tế Ngoài quốc doanh có mức tăng tưởng cao nhất đạt 8,84%, kế đến là thành phần kinh tế Nhà nước có mức tăng 4,71%, riêng thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài giảm 0,28% so với cùng kỳ năm trước. Trong các sản phẩm công nghiệp chính của tỉnh ngoại trừ Cát khai thác và Bánh phồng tôm có sản lượng sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, các sản phẩm công nghiệp chính còn lại trong 5 tháng đầu năm 2012 đều có tăng trưởngso với cùng kỳ năm 2011 nhưng mức tăng trưởng không cao. Hai sản phẩm chủ lực của tỉnh có mức tăng là: Thủy sản đông lạnh tăng 3,12%; Thức ăn gia súc, thủy sản tăng 10,18%. Nguyên nhân tăng trưởngthấp của sản phẩm Thủy sản đông lạnh là do chi phí sản xuất tăng, các doanh nghiệp không được đáp ứng đủ nguồn vốn, các đơn hàng xuất khẩu sang một số thị trường(Châu Âu, châu Á, các nước Ả Rập) giảm và nhỏ lẻ. Đối với mặt hàng Thức ăn gia súc, thủy sản do sản lượng thủy sản nuôi trồng gia tăng ít, chăn nuôi heo bị đình trệ trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng mạnh đến sản lượng sản xuất của các nhà máy chế biến thức ăn gia súc, thủy sảnmột số nhà máy đã phải giảm sản lượng sản xuất do tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, sản phẩm tồn kho nhiều.
Tăng trưởng sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm của tỉnh không cao, ngoài các khó khăn trong sản xuất mà các doanh nghiệp phải đối mặt còn có một nguyên nhân nữa là do qui mô sản xuất công nghiệp của tỉnh không tăng trong thời gian qua. Nguyên nhân là do ở các tháng cuối năm 2011 và các tháng đầu năm 2012 không có doanh nghiệp sản xuất công nghiệp mới nào đi vào hoạt động như những năm trước đây, đây chính là nguyên nhân đã góp phần lớn vào việc tăng trưởng chậm lại của sản xuất công nghiệp.
Trong những năm gần đây một số doanh nghiệp chế biến thủy sản đã tự chủ được từ 20-30% nguồn nguyên liệu chế biến, điều này đã giúp cho các doanh nghiệp chủ động trong sản xuất kinh doanh, tuy nhiên nó cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải bỏ ra một nguồn vốn lưu động khá lớn đáp ứng việc nuôi trồng,trong khi hiện nay chi phí vốn đang là một gánh nặng cho hầu hết các doanh nghiệp vì vậy các doanh nghiệp cũng cần phải xem xét lại hiệu quả và tỷ lệ cần thiết của việc tự cân đối nguồn nguyên liệu cho sản xuất để giảm thiểu chi phí vốn, tăng nhanh vòng quay vốn từ đó góp phần giảm giá thành sản xuất.
5. Vốn đầu tư thuộc khu vực nhà nước quản lý:
Trong các tháng đầu năm 2012, giá vật liệu xây dựng tương đối ổn định, nhưng giá điện, giá xăng dầu tăng cùng với lãi suất ngân hàng cao đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh. Tổng mức vốn đầu tư thực hiện tháng 5 ước tính 186.830 triệu đồng tăng 11,02% so với tháng trước nhưng chỉ bằng 96,54% so với cùng kỳ 2011; Trong đó các công trình thuộc trung ương quản lý thực hiện 3.890 triệu đồng, bằng 122,75% tháng trước và bằng 64,54% so với cùng kỳ năm trước; Các công trình thuộc địa phương quản lý thực hiện 182.940 triệu đồng, bằng 110,80% tháng trước và bằng 97,57% so với cùng kỳ năm trước.
Ước tính 5 tháng đầu năm, tổng mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện 785.523 triệu đồng, giảm 10,46% so với cùng kỳ năm 2011. Khó khăn lớn nhất trong thi công các công trình xây dựng cơ bản vẫn là khâu giải phóng và bàn giao mặt bằng thi công, chi phí vốn cao, chi phí nhân công tăng cũng đã làm ảnh hưởng không nhỏ tiến độ thực hiện các công trình.
6. Thương mại - dịch vụ:
Sau 2 lần tăng và một lần giảm ở các tháng đầu năm 2012, giá bán lẻ xăng dầu trong tháng 5-2012 được duy trì mức Xăng A92 giá 23.300 đồng/lít (cao hơn so với cuối năm 2011 là 2.500 đồng/lít), dầu Diêzen 0,05 giá 21.600 đồng/lít, cộng với việc tăng giá điện cuối năm 2011 nhưng lạm phát ở các tháng đầu năm 2012 vẫn tiếp tục hạ nhiệt, giá cả hàng hóa không tăng nhiều, nhất là giá vật liệu xây dựng. Giá nông sản hàng hóa (lúa) sau khi giảm xuống đã tăng nhẹ trở lại (nhưng vẫn ở mức thấp) nhờ chủ trương thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo của VFA, trong khi đó vụ Đông xuân trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch xong, bà con nông dân đã bước vào gieo cấy, chăm sóc vụ Hè thu. Các nguyên nhân này đã ảnh hưởng đáng kể đối với sức mua hàng hóa trên thị trường. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa nói chung và tổng mức bán lẻ hàng hóa - dịch vụ tiêu dùng nói riêng trong tháng 5-2012 đều tăng nhưng không cao so với cùng kỳ năm trước. Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa - dịch vụ tiêu dùng trong tháng 05-2012 đạt 3.351 tỷ đồng, bằng 100,61% so với tháng trước, và tăng 5,42% so với cùng kỳ năm 2011. Tổng mức bán lẻ của ngành Thương nghiệp trong tháng 5-2012 đạt 2.748 tỷ đồng, bằng 100,25% so với tháng trước và tăng 4,82% so với cùng kỳ năm trước; Tổng mức bán lẻ của ngành Khách sạn nhà hàng trong tháng 04-2012 đạt 533 tỷ đồng, bằng 102,44% so với tháng trước và tăng 4,16% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm tổng mức bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 17.064 tỷ đồng tăng 18,99% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động dịch vụ vận tải trong các tháng đầu năm 2012 chịu ảnh hưởng rất lớn do giá xăng dầu được điều chỉnh trong thời gian này. Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 5 ước tính 309 ngàn tấn, tăng 1,98% so với tháng 4 và tăng 2,66% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng vận tải hàng hóa 5 tháng đầu năm ước tính 1.314 ngàn tấn, tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 5 ước tính 1.482 ngàn hành khách, tăng 3,20% so với tháng 4 và tăng 1,44% so với cùng kỳ; Khối lượng vận tải hành khách 5 tháng đầu năm ước tính 7.587 ngàn hành khách, tăng 1,54% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu dịch vụ vận tải và bốc xếp trong tháng 5 ước tính 86.124 triệu đồng và 5 tháng đầu năm ước tính 430.016 triệu đồng, tăng 12,21% so với cùng kỳ năm 2011.
7. Hoạt động xuất - nhập khẩu:
Nhập khẩu, các mặt hàng chủ yếu nhập khẩu trong tháng 5 và năm tháng đầu năm 2012 vẫn là xăng dầu và nguyên liệu tân dược. Do giá xăng dầu thế giới biến động tăng giảm nhiều trong thời gian qua nên tổng trị giá nhập khẩu trong tháng 5-2012 ước đạt 56.315 ngàn USD bằng 98,01% so với tháng trước và bằng 64,70% so với cùng kỳ năm 2011. Tổng trị giá hàng nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2012 ước tính 290.831 ngàn USD, giảm 10,10% so với cùng kỳ năm trước. Xăng, Dầu vẫn là mặt hàng nhập khẩu chính chiếm tỷ trọng 93,0%; Nguyên phụ liệu sản xuất tân dược chiếm tỷ trọng 5,20% trong tổng trị giá hàng nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2012.
Trị giá hàng nhập khẩu trong những tháng đầu năm 2012 giảm chủ yếu là do nhập khẩu xăng dầu giảm. Cụ thể nhập khẩu xăng dầu ước tính giảm 14,90% về lượng và giảm 9,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, trong khi tổng giá trị nhập khẩu toàn tỉnh giảm 10,10%.
Xuất khẩu Hoạt động xuất khẩu của tỉnh trong tháng 05-2012 tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là mặt hàng Gạo khối lượng và giá trị xuất khẩu thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước. Đối với mặt hàng Thủy sản chế biến tuy khối lượng xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ nhưng giá trị xuất khẩu lại tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Tổng trị giá hàng xuất khẩu tháng 5 ước tính 78.362 ngàn USD, tăng 4,31% so với tháng trước và tăng 3,80% so với cùng kỳ năm 2011; Trong đó Thủy sản chế biến tháng 5 ước tính xuất 15.387 tấn trị giá 43.216 ngàn USD, so với tháng trước tăng 3,02% về khối lượng xuất và tăng 1,64% về trị giá, so cùng kỳ năm trước tăng 33,10% về khối lượng và tăng 21,70% về giá trị; Sản lượng Gạo tháng 5 ước tính xuất 24.476 tấn trị giá 10.450 ngàn USD, so với tháng trước tăng 40,32% về khối lượng và 38,74% về giá trị, so với cùng kỳ năm trước giảm 42,20% về khối lượng xuất và giảm 44,80% về trị giá; Sản lượng Bánh phồng tôm tháng 5 ước tính xuất 830 tấn trị giá 1.382 ngàn USD, so với tháng trước tăng 8,64% về khối lượng xuất và tăng 25,64% về trị giá, so với cùng kỳ năm trước tăng 52,30% về khối lượng và tăng 49,90% về giá trị; Sản phẩm may ước xuất 1.000 ngàn USD, tăng 0,20% so với tháng trước và tăng 32,80% so với cùng kỳ năm 2011; Hàng hóa khác ước xuất 22.314 ngàn USD giảm 2,89% so với tháng trước và tăng 15,20% so với cùng kỳ năm trước.
Ước tính 5 tháng đầu năm 2012 kim ngạch xuất khẩu đạt 350.303 ngàn USD, so với cùng kỳ năm 2011 giảm 2,30%. Trong đó mặt hàng Thủy sản chế biến có kim ngạch xuất khẩu ước tính tăng 18,80% và khối lượng xuất khẩu tăng 22,30%; Mặt hàng gạo có kim ngạch xuất khẩu ước tính giảm 47,80% và khối lượng xuất khẩu giảm 47,30%.
8. Giá cả:
Giá xăng dầu được Nhà nước điều chỉnh nhiều lần trong các tháng đầu năm 2012 do giá dầu thô trên thị trường thế giới biến động nhiều, chênh lệch giữa giá xăng, dầu trong nước và các nước có cùng biên giới Việt Nam khá lớn. Hiện xăng A92 có giá 23.300 đồng/lít, dầu Diêzen 0,05 giá 21.600 đồng/lít, dầu hỏa 21.400 đồng/lít, Mazut giá 19.200 đồng/lít. Bên cạnh việc điều chỉnh giá xăng dầu, từ tháng 12-2011 giá điện cũng được điều chỉnh tăng với mức tăng bình quân 5,0% (từ 1.242 đồng/kw lên 1.304 đồng/kw). Tuy giá xăng, dầu, điện trong nước tăng nhưng giá các loại vật tư khác không biến độngnhiều. Giá các loại vật tư nông nghiệp tương đối ổn định: Urê ở mức 11.200 – 11.300 đồng/kg: DAP giá từ 13.700 – 17.100 đồng/kg; NPK giá từ 9.000 – 14.200 đồng/kg tùy loại. Riêng giá vật liệu xây dựng không biến động nhiều do sức mua trên thị trường yếu trong thời gian gần đây.
Giá nông sản hàng hóa tiếp tục đứng ở mức thấp, nhất là giá lúa và giá cá tra nguyên liệu. Giá Cá tra nguyên liệu từ đầu tháng 04-2012 đến nay liên tục duy trì ởmức 23.000 – 24.500 đồng/kg (đối với cá tra thịt trắng, trọng lượng từ 0,7-0,9 kg/con) và hiện tại chưa có dấu hiệu sẽ tăng giá trong thời gian tới, với mức giá này người nuôi trồng chỉ có thể hòa vốn, không có lãi; Giá lúa thường trên địa bàn tỉnh được thu mua từ 4.500 – 4.700 đồng/kg (lúa IR50404 khô), lúa chất lượng cao được thu mua cao hơn từ 800 – 1000 đồng/kg; Giá Heo hơi trên địa bàn tỉnh hiện dao động ở mức 4,3 triệu – 4,5 triệu đồng/tạ; Giá tôm càng xanh loại I từ 230.000 – 250.000 đồng/kg, loại II từ 200.000 – 220.000 đồng/kg.
Giá tiêu dùng trong tháng 5 tăng nhẹ so với tháng 04-2012, mức tăng là 0,39%. Đây là mức tăng rất thấp so với tháng 05-2011 và tương đương với mức tăng tháng 5-2009 và 5-2010.Nhóm hàng có mức giá tăng cao nhất trong tháng 5-2012 so với tháng 4-2012 là Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,31%, kế đến là Ăn uống ngoài gia đình tăng 1,63%. Chỉ duy nhất có nhóm hàng Nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD có chỉ số giá giảm 0,91%.
Nếu so với tháng 12-2011 thì mức tăng giá tiêu dùng của tháng 05-2012 là 2,75% thấp hơn nhiều mức tăng 11,13% của tháng 05-2011. So với tháng 12 năm trước nhóm hàng có chỉ số tăng cao nhất là nhóm hàng Ăn uống ngoài gia đình tăng 10,17%, kế đến là Giao thông tăng 6,97%. Có 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm so với tháng 12-2011 là Lương thực giảm 6,18% và Bưu chính viễn thông giảm 0,13%. Tuy chỉ số giá không tăng cao nhưng sức mua trên thị trường vẫn yếu do giá các mặt hàng nông sản chính của tỉnh sụt giảm trong các tháng đầu năm 2012.
Tính bình quân chung 5 tháng đầu năm chỉ số giá tăng 12,81% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2012, nhóm hàng có chỉ số giá tăng cao nhất là Ăn uống ngoài gia đình tăng 20,59%, kế đến là nhóm hàng Nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 19,91%, thứ 3 là nhóm hàng Thực phẩm tăng 18,03%.
Giá Vàng trong tháng tiếp tục biến động, chỉ số giá vàng giảm 3,39% so với tháng trước và giảm 4,71% so với tháng 12-2011, tuy nhiên bình quân 5 tháng đầu năm 2012 giá vàng tăng 18,89% (vàng 99,9%).
Tỷ giá USD Mỹ tăng 0,02% so với tháng trước và tăng 0,07% so với tháng 12-2011, bình quân 5 tháng đầu năm 2012 giảm 1,11%.
9. Tình hình xã hội tháng 5:
Ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trong những tháng đầu năm, hoạt động văn hóa thông tin và thể dục thể thao thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đó là thông tin tuyên truyền và tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí đáp ứng yêu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật, đẩy mạnh phong trào luyện tập thể dục thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại. Đối với công tác thông tin, tuyên truyền được tập trung vào các hoạt động thông tin tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, nhà nước với nhiều hình thức như kết hợp với các hoạt động văn hóa văn nghệ, cắt dán băng rol khẩu hiệu, kẻ vẽ panô... trong đó trọng tâm là công tác tuyên truyền ngày thành lập Đảng 03/02, Tết cổ truyền, ngày giải phóng Miền Nam 30/4... nổi bật là các ngành đã kết hợp tổ chức thành công Lễ hội đón giao thừa và các hoạt động Thể thao, Văn hóa, Văn nghệ Mừng Đảng - Mừng Xuân Nhâm Thìn năm 2012
Ngành Y tế : Ngành Y tế đảm bảo tốt công tác khám chữa bệnh đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe của dân cư đồng thời thực hiện tốt công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất và kinh doanh hàng thực phẩm nhằm hạn chế việc lưu thông hàng kém chất lượng đặc biệt là các loại thực phẩm tươi sống để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Trong dịp Tết Nguyên đán, ngành Y tếchỉ đạo cho các cơ sở y tế tổ chức trực cấp cứu 24/24 giờ trong những ngày Tết để đảm bảo tất cả các trường hợp cấp cứu, phẫu thuật, sinh đẻ cũng như nhu cầu về chăm sóc sức khỏe của dân cư được phục vụ kịp thời. Về tình hình bệnh dịch trong những tháng đầu năm đã không để dịch lớn xảy ra, đặc biệt là 1 số bệnh lây nhiễm như Sốt xuất huyết, tiêu chảy, nhiễm HIV... Bệnh sốt xuất huyết trong các tháng đầu năm đã có 577 cas, giảm so với cùng kỳ năm 2011, không có cas nào tử vong (cùng kỳ năm trước là 871 cas). Riêng bệnh tay chân miệng đang phát triển nhanh đến 15/05 toàn tỉnh có 1.592 cas mắc có 2 trường hợp tử vong (cùng kỳ có 779 cas mắc, không có tử vong).
Ngành giáo dục trong tháng 5 đã hoàn thành chương trình giảng dạy của năm học 2011-2012 và tổ chức thi học kỳ 2 năm học 2011-2012, hiện các trường học trên địa bàn tỉnh đang tiến hành kết thúc năm học 2011-2012 và chuẩn bị cho năm học 2012-2013. Song song ngành đang khẩn trương chuẩn bị cơ sở vật chất và lực lượng cán bộ coi thi cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông diễn ra vào các ngày đầu tháng 6-2012, đồng thời xây dựng kế hoạch tuyển sinh vào lớp 6 và lớp 10 trình UBND tỉnh.
Ngành Lao động - Thương binh & xã hội thực hiện tốt công tác chính sách xã hội và Lao động, việc làm. Trong các tháng đầu năm đã tổ chức 2sàn giao dịch việc làm và đang chuẩn bị tổ chức sàn giao dịch việc làm lần thứ 3 tại TP Cao Lãnh, qua đó đã tạo điều kiện cho 46 lượt đơn vị, doanh nghiệp và các trường dạy nghề đã tuyển trực tiếp 194 lao động làm việc, gần 220 lao động đăng ký học nghề và xuất khẩu lao động; các Trung tâm đã tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, tuyên truyền, cung ứng, giới thiệu việc làm cho hơn 7.600 lao động đi làm việc trong, ngoài tỉnh; chương trình vốn vay hỗ trợ việc làm đã được triển khai thực hiện sớm; ngoài ra công tác đào tạo nghề nông thôn góp phần giải quyết việc làm cho khá đông người lao động ở địa phương . . . Kết quả từ đầu năm đến nay đã giải quyết việc làm cho 16.210 lao động, trong đó xuất khẩu lao động 40 người.
Công tác giảm nghèo: Trong những tháng đầu năm công tác giảm nghèotiếp tục được triển khai thực hiện đồng bộ, nhiều chương trình, dự án đã được triển khai sớm, cụ thể: Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai hỗ trợ tín dụng cho 4.209 hộ nghèo vay vốn làm ăn, với số tiền 32 tỷ đồng; triển khai thực hiện chính sách trợ giúp cho các hộ nghèo thuộc 8 xã vùng biên giới theo quyết định 102 của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ tiền điện cho 49.209 hộ nghèo.
Về tình hình bảo đảm an toàn giao thông: Công tác tuyên truyền, tuần tra kiểm soát các tuyến giao thông được ngành Công an tăng cường tối đa, một số trọng điểm giao thông trên địa bàn tỉnh được lắp đặt camera giám sát, nhờ vậy, trong tháng 4 tuy có dịp nghỉ lễ kéo dài vào cuối tháng, lưu lượng giao thông tăng mạnh nhưng tai nạn giao thông đã giảm xuống. Theo số liệu của Ban ATGT tỉnh trong tháng 04 năm 2012 trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông đường bộ (giảm 4 vụ so tháng trước) làm 7 người chết và bị thương 02 người.
PHẦN 2: ƯỚC TÍNH CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2012:
Trên cơ sở kết quả đạt được 5 tháng đầu năm và tình hình hiện tại, ước tính một số chỉ tiêu chủ yếu 6 tháng đầu năm như sau:
Sản xuất Nông nghiệp: Sản lượng lúa thu hoạch 6 tháng đầu năm ước tính 1.951.010 tấn, tăng 3,39% so với cùng kỳ, do giá lúa giảm khi vào thu hoạch vụ Đông xuân nên đã làm giảm lợi nhuận của người sản xuất; Sản lượng Heo hơi xuất chuồng 17.922 tấn tăng 0,72% so với cùng kỳ, tuy nhiên do giá giảm mạnh nên lợi nhuận của người nuôi cũng giảm theo; Đàn gia cầm 5.064 ngàn con giảm 4,88% so với cùng kỳ; Sản lượng Vừng đạt 4.222 tấn tăng 15,13% so với cùng kỳ; Sản lượng Đậu tương đạt 15.999 tấn tương đương cùng kỳ năm trước; Sản lượng Rau đậu các loại đạt 142.323 tấn bằng 100,15% cùng kỳ.
Ngành nuôi trồng Thuỷ sản gặp nhiều khó khăn do giá cá giảm các tháng đầu năm 2012, sản lượng thủy sản nuôi trồng 6 tháng đầu năm ước tính đạt 178.506 tấn, tăng 8,69% so với cùng kỳ 2011. Trong đó sản lượng cá tra ước đạt 159.910 tấn tăng 8,76% so với cùng kỳ năm trước. Giá cá giảm trong khi các chi phí chăn nuôi không giảm nên lợi nhuận của người nuôi trồng hầu như không có, vì vậy người nuôi trồng rất thận trọng trong việc tăng sản lượng và diện tích nuôi trồng.
Thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản mặc dù vẫn gặp nhiều khó khăn do chi phí nhân công và các loại chi phí khác đều tăng. Tổng mức vốn đầu tư XDCB thực hiện 6 tháng đầu năm ước tính 961 tỷ đồng, bằng 89,73% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất Công nghiệp 6 tháng đầu năm 2012 đạt mức tăng trưởng không cao. Giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm ước tính 6.579 tỷ đồng (theo giá cố định 1994), tăng 6,78% so với cùng kỳ 2011 (cùng kỳ năm 2011 tăng 35,13% so với năm 2010), đây là mức tăng khá thấp của ngành công nghiệp trong nhiều năm lại đây. Do khu vực công nghiệp - xây dựng hiện nay có tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh nên mức độ ảnhđến tăng trưởng chung của tỉnh cũng nhiều hơn so với những năm trước đây.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa & dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm ước tính 20.495 tỷ đồng, tăng 17,59% so với cùng kỳ 2011.
Tổng trị giá hàng nhập khẩu 6 tháng đầu năm ước tính 347.146 ngàn USD, giảm 10,12% so với 6 tháng đầu năm 2011,nguyên nhân giảm chủ yếu là do giảm khối lượng xăng dầu nhập. Tổng trị giá hàng xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước tính 428.665 ngàn USD, giảm 1,08% so với 6 tháng đầu năm 2011 và đạt 65,95% kế hoạch cả năm; Trong đó mặt hàng Thủy sản chế biến xuất khẩu ước tính đạt 85.150 tấn với kim ngạch 236.739 ngàn USD, tăng 18,56% về lượng và 15,68% về giá trị so với 6 tháng đầu năm 2011; Mặt hàng gạo xuất khẩu ước đạt 101.922 tấn với kim ngạch 46.267 ngàn USD giảm 39,58% về lượng và 40,93% về giá trị so với 6 tháng đầu năm 2011.
Dựa trên các kết quả của các ngành sản xuất - dịch vụ, ước tính tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm tăng 8,26% so với 6 tháng đầu năm 2011 (6 tháng đầu năm 2011 tăng 12,96%), trong đó khu vực Nông - Lâm - Thủy sản tăng 3,37% (6 tháng đầu năm 2011 tăng 4,40%), khu vực Công nghiệp - Xây dựng tăng 9,37% (6 tháng đầu năm 2011 tăng 26,50%) và khu vực Dịch vụ tăng 14,28% (6 tháng đầu năm 2011 tăng 15,97%). Như vậy tăng trưởng của cả 3 khu vực đều giảm xuống so với 6 tháng đầu năm 2011 do đó đã làm cho tốc độ tăng trưởng chung giảm xuống so với cùng kỳ 2011. Đóng góp cho tăng trưởng chung của tỉnh ở từng khu vực 6 tháng đầu năm 2012 như sau:
- Khu vực Nông – Lâm – Thủy đóng góp :1,47% (năm 2011 đóng góp 2,07%).
- Khu vực Công nghiệp – Xây dựng đóng góp:2,43% (năm 2011 đóng góp 6,14%).
- Khu vực Thương mại – Dịch vụ đóng góp :4,36% (năm 2011 đóng góp 4,75% Cộng 8,26%
Như vậy có thể thấy tăng trưởng ở khu vực Công nghiệp – xây dựng giảm nên đã ảnh hưởng mạnh nhất đến tăng trưởng chung của cả tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2012.
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu GDP của năm 2012, nhiệm vụ còn lại 6 tháng cuối năm 2012 tăng trưởng GDP phải đạt 18,58%, trong đó khu vực Nông Lâm Thủy sản phải tăng 7,58%; khu vực Công nghiệp - Xây dựng phải tăng 30,41% và khu vực Thương mại - Dịch vụ phải tăng 18,30%.
Các lĩnh vực Xuất khẩu, xuất khẩu thủy sản, sản lượng lúa có khả năng sẽ hoàn thành mục tiêu kế hoạch của cả năm.
Về nhiệm vụ của từng khu vực 6 tháng cuối năm cho thấy khả năng hoàn thành là không cao, vì:
Đối với khu vực Nông Lâm Thủy sản, hiện nay giá lúa, giá cá tra và giá heo (là các sản phẩm chính của khu vực nông – lâm - thủy) đều đang đứng giá ở mức thấp không có lợi cho người sản xuất. Khả năng tăng diện tích và sản lượng lúa, diện tích thả nuôi và sản lượng cá tra ở các tháng cuối năm là không nhiều, do đó khả năng hoàn thành nhiệm vụ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của khu vực này là không cao.
Đối với khu vực công nghiệp - xây dựng, tốc độ tăng trưởng ở 6 tháng cuối năm dự báo sẽ đạt tương đương 6 tháng đầu năm, do thị trường xuất khẩu Thủy sản chế biến đang gặp nhiều khó khăn, bên cạnh đó khó khăn của ngành nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi heo sẽ kìm hãm tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến thủy sản và chế biến thức ăn gia súc, thủy sản, trong khi đó trong năm 2012 dự báo sẽ không có nhà máy công nghiệp mới nào đi vào sản xuất (đây là các tác nhân chính đóng góp cho tăng trưởng công nghiệp của tỉnh trong thời gian qua). Nếu không có các biến động lớn xảy ra cho nền kinh tế của tỉnh thì khả năng khu vực Công nghiệp – Xây dựng sẽ không đạt mức tăng trưởng theo kế hoạch đề ra.
Đối với khu vực thương mại - dịch vụ, tuy lạm phát ở các tháng đầu năm đã giảm nhiều, nhưng khu vực này vẫn có tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ ở các tháng cuối năm 2012, đặc biệt khi mà giá nông sản (lúa, heo, cá) khó có thể tăng cao sẽ làm ảnh hưởng đến thu nhập của đại bộ phận của người dân trong tỉnh vốn sống bằng nghề nông. Với diễn biến như hiện nay, trong những tháng cuối năm khu vực thương mại - dịch vụ chỉ có khả năng duy trì được tốc độ tăng trưởng như 6 tháng đầu năm .
Tóm lại, qua 5 tháng đầu năm triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012, do tình hình khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nuớc, mặc dù đã nỗ lực và quyết tâm cao, với tinh thần vượt khó của các cấp các ngành và nhân dân trong tỉnh tăng trưởng kinh tế của tinh vẫn không đạt được như mong muốn, đặc biệt là sản xuất Công nghiệp ngành đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng GDP của năm 2011 đã đạt mức tăng trưởng không cao trong 6 tháng đầu năm 2012. Nhiệm vụ còn lại trong những tháng cuối năm của tỉnh rất nặng nề,vì vậy đòi hỏi phải có sự chỉ đạo, điều hành tập trung với quyết tâm rất cao của các cấp các ngành để 6 tháng cuối năm các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh có thể đạt ở mức cao nhất, trong đó trọng tâm là các lĩnh vực sản xuất Công nghiệp, Nông nghiệp và nuôi trồng Thủy sản./.