Báo cáo số 177/BCTH-CTK ngày 20 tháng 3 năm 2014 của Cục Thống kê tỉnh Đồng Tháp.
Sau 3 tháng triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 trong bối cảnh kinh tế - xã hội của tỉnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của kinh tế thế giới. Tuy có nhiều nỗ lực và quyết tâm cao các cấp các ngành và người dân nhưng tình hình kinh tế của tỉnh vẫn gặp rất nhiều khó khăn mà biểu hiện rõ nhất là giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ của tỉnh trong 3 tháng đầu năm 2014 đều tăng trưởng thấp so với 3 tháng đầu năm 2013 (Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 1,27% - Giá cố định 1994; Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 2,68% - giá thực tế). Như vậy sau nhiều năm liên tục tăng trưởng ở mức khá cao, trong hai năm qua (2013 và 2014) sản xuất công nghiệp và thương mại dịch vụ của tỉnh đã tăng trưởng chậm lại, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh đến tăng trưởng kinh tế trong năm 2014 của tỉnh. Tình hình kinh tế - xã hội cụ thể của các ngành, các lĩnh vực như sau:
A- PHÁT TRIỂN KINH TẾ:
1. Thu, Chi ngân sách, Ngân hàng:
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 2 tháng đầu năm 2014 tuy gặp nhiều khó khăn nhưng ước tính vẫn đạt 576.407 triệu đồng, so với dự toán đạt 14,50%; Thu nội địa ước tính đạt 539.946 triệu đồng, đạt 16,14% dự toán; Thuế xuất nhập khẩu ước tính 36.461 triệu đồng, đạt 5,79% dự toán. Một số khoản thu nội địa đạt tỷ lệ thu cao so với dự toán năm là: Thu từ DNQDĐP quản lý 29,45%; Thu từ khu vực đầu tư nước ngoài 36,68%; Thu phí, lệ phí 19,0%; Thu tiền thuê đất, thuê mặt nước 19,99%.
Chi ngân sách địa phương 2 tháng đầu năm 2014 đã đáp ứng được các nhu cầu chi thiết yếu của tỉnh như chi cho đầu tư xây dựng cơ bản, chi thường xuyên, chi cho sự nghiệp văn xã ... Ước thực hiện chi ngân sách địa phương 2 tháng đầu năm 2014 đạt 1.700.399 triệu đồng (trong đó ngân sách cấp tỉnh chi 690.270 triệu đồng, ngân sách cấp huyện, xã chi 1.010.129 triệu đồng), đạt 24,47% so với dự toán năm 2014. Các khoản chi chủ yếu gồm: Chi đầu tư phát triển 418.261 triệu đồng, đạt 54,11% dự toán năm; Chi thường xuyên đạt 859.423 triệu đồng, đạt 16,44% dự toán năm; Chi sự nghiệp văn xã 511.807 triệu đồng, đạt 15,31% dự toán năm; Chi quản lý hành chính – Đảng – Đoàn thể 175.111 triệu đồng, đạt 23,01% dự toán năm.
Nhìn chung trong những tháng đầu năm ngành tài chính đã huy động được các khoản thu đề ra, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi ngân sách của tỉnh theo dự toán và tiến độ chi góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo hoạt động của bộ máy Nhà nước, đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội ...
Nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh (tính đến 10/03/2014) ước đạt 19.144 tỷ đồng, giảm 643 tỷ đồng (giảm 3,25%) so với cuối năm 2013;
Dư nợ cho vay (tính đến 10/03/2014) đạt 31.799 tỷ đồng giảm 1.496 tỷ đồng (giảm 4,49%) so với cuối năm 2013; Trong tổng số dư nợ thì dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 6.951 tỷ đồng, chiếm 21,86% tổng dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ là 1,47%, tương ứng 469 tỷ đồng.
Dư nợ cho vay ở một số lĩnh vực chính của tỉnh như sau:
- Dư nợ cho vay Phát triển nông nông thôn: 17.995 tỷ đồng;
- Cho vay nuôi trồng và chế biến thủy sản 6.728 tỷ đồng;
- Dư nợ cho vay xuất khẩu: 4.008 tỷ đồng;
- Cho vay thu mua lúa gạo: 3.066 tỷ đồng.
2. Sản xuất Nông nghiệp:
Về trồng trọt: Vụ Đông xuân 2013-2014 toàn tỉnh xuống giống được 217.597 ha, tăng 584 ha so với vụ Đông xuân 2012-2013; Trong đó diện tích Lúa 207.430 ha, giảm 751 ha so vụ Đông xuân năm trước. So với kế hoạch gieo trồng vụ Đông xuân năm 2013-2014 diện tích lúa đạt 100,69%. Hoa màu, rau đậu và các loại cây công nghiệp ngắn ngày khác xuống giống được 10.167 ha, bằng 115,12% so với vụ Đông xuân năm trước. Ngoài nhóm cây công nghiệp ngắn ngày, các cây hoa màu xuống giống chủ yếu trong vụ gồm bắp 1.272 ha; khoai lang 1.278 ha; rau các loại 2.993 ha; dưa hấu 717 ha; đậu tương 27 ha.
Đến ngày 15/3, Lúa đông xuân đang ở vào giai đoạn thu hoạch chính vụ, toàn tỉnh đã thu hoạch được 118.350 ha, bằng 59,72% so với cùng kỳ năm trước và đạt 57,06% diện tích gieo trồng. Thu hoạch vụ Đông xuân năm nay chậm hơn vụ Đông xuân năm trước do vụ Thu đông năm 2013 được xuống giống với diện tích lớn nên đã ảnh hưởng đến thời gian và tiến độ xuống giống vụ Đông xuân 2013-2014. Năng suất lúa bình quân vụ Đông xuân 2013-2014 ước đạt 70,62 tạ/ha, thấp hơn vụ Đông xuân năm trước 0,12 tạ/ha. Hiện tại diện tích lúa vụ Đông xuân 2013-2014 còn lại đang trong giai đoạn làm đòng 1.947 ha, trỗ chín 87.224 ha, dự kiến thu hoạch diện tích lúa Đông xuân còn lại còn kéo dài đến giũa tháng 4-2014. Cùng với thu hoạch lúa đến ngày 15/03 toàn tỉnh đã thu hoạch được 4.648 ha hoa màu vụ Đông xuân bằng 72,07% so với cùng kỳ năm trước.
Song song với việc thu hoạch lúa Đông xuân đến ngày 15-03 bà con nông dân trong tỉnh đã xuống giống được 61.307 ha lúa hè thu, bằng 55,49% so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn 49.172 ha so với cùng kỳ năm trước) và đạt 31,4% kế hoạch xuống giống. Tiến độ xuống giống vụ Hè thu chậm hơn nhiều so cùng kỳ nguyên nhân chủ yếu do lúa Đông xuân năm nay thu hoạch trễ hơn đã ảnh hưởng đến thời vụ xuống giống vụ Hè thu. Diện tích hoa màu vụ Hè thu xuống giống đến 15/03 đạt 6.135 ha bằng 92,70% vụ Hè thu 2013, các loại cây xuống giống chính gồm: Đậu nành, Bắp, ớt, dư hấu, rau dưa các loại.
Hiện nay tuy nhu cầu đã gia tăng để sử dụng cho vụ Hè thu, cùng với sự điều chỉnh giá giá xăng dầu, tuy nhiên do một lượng lớn vật tư nông nghiệp đã được sản xuất trong nước nên giá các loại vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp vẫn tương đối ổn định. Trong khi đó giá lúa Đông xuân do tình hình xuất khẩu gạo không thuận lợi (nguyên nhân được cho là do có thông tin Thái Lan sẽ bán ra lượng hàng tồn kho lớn với giá thấp) nên các Doanh nghiệp xuất khẩu hạn chế mua vào vì sợ không ký được hợp đồng xuất khẩu vì vậy giá lúa đã giảm mạnh trong tuần gần đây và hiện ở mức lúa loại II từ 5.100 – 5.200 đồng/kg, lúa loại I từ 5.600 – 5.700 đồng/kg, thấp hơn so với tháng trước từ 300- 500đồng/kg. Hiện nay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Hiệp hội lương thực Việt Nam đang chuẩn bị tiến hành mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa từ ngày 15/03/2014), thời gian tạm trữ 4 tháng với lãi suất trần 7%, điều này đã phần nào làm cho bà con nông dân yên tâm gieo trồng vụ Hè thu và tạo tâm lý phấn khởi cho người trồng lúa. Do giá lúa xuống thấp tình hình tiêu thụ gặp nhiều khó khăn nên ở các vùng trồng lúa có sự liên kết giữa Doanh nghiệp và Nông dân số lượng thực hiện mới chỉ bằng 60% so với trước đây.
Về sâu bệnh trên cây lúa, trên trà lúa Đông xuân diện tích bị rầy nâu gây hại là 1.600 ha, trong đó gây hại nặng là 1 ha, gây hại ở mức trung bình là 174 ha; Bệnh đạo ôn gây hại nhẹ 297 ha; Lem lép hạt 1.205 ha; Ngoài ra còn một số tác nhân gây hại khác như chuột, bệnh đốm vằn, cháy bìa lá, nhện gié … Trên trà lúa Hè thu giai đoạn mạ và đẻ nhánh bị nhiễm rầy nâu 2.600 ha, trong 400 ha nhiễm trung bình, còn lại nhiễm nhẹ. Ngoài rầy nâu, trên cây lúa còn xuất hiện rải rác một số loại bệnh khác như sâu cuốn lá diện tích nhiễm 847 ha; Đạo ôn lá 580; Muỗi hành 378 ha và một số bệnh khác như Bệnh vàng lùn, Bù lạch, ốc bưu vàng … xuất hiện rải rác và mức độ gây hại nhẹ. Ngoài sâu bệnh gây hại trên cây lúa, trên diện tích màu đã xuống giống ở vụ Hè thu cũng gặp một số đối tượng gây hại như: bọ trĩ, rầy mềm, sâu ăn tạp, sương mai, héo rũ, thán thư ... xuất hiện rải rác và gây hại nhẹ. Đặc biệt trong vụ Đông xuân 2013-2014 do một số diện tích lúa bị thiệt hại nặng bởi dịch muỗi hành nên UBND tỉnh đã cấp kinh phí cho 05 huyện Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình và Tháp Mười để hỗ trợ kinh phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân có diện tích lúa vụ Đông Xuân 2013-2014 bị dịch muỗi hành gây hại, mức hỗ trợ đối với diện tích lúa bị thiệt hại trên 70% là 2,5 triệu đồng/ha; diện tích lúa bị thiệt hại từ 30-70% được hỗ trợ 1,75 triệu đồng/ha; Tổng kinh phí hỗ trợ trên 9,8 tỷ đồng.
Tháng 3 là tháng cao điểm nắng nóng trong mùa khô tại Đồng bằng sông Cửu Long, mực nước trên sông Tiền và sông Hậu hiện đang ở mức thấp, nhưng do nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long chảy vào Việt Nam nên tuy có bị ảnh hưởng nhưng việc thiếu nước ngọt đối với sản xuất và sinh hoạt của người dân không xảy ra và không gây ra tác động nhiều đến sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và đời sống người dân trong tỉnh.
Ngành chăn nuôi hiện gặp khá nhiều thuận lợi, nhất là chăn nuôi Heo, giá thức ăn và con giống không tăng, giá heo hơi hiện đang đứng ở mức khá cao từ 5.000.000- 5.100.000 đồng/tạ, cao hơn so với cùng kỳ năm trước 1.200.000 – 1.300.000 đồng/tạ, với giá xuất chuồng như hiện nay người nuôi heo đang đạt lợi nhuận khá cao. Giá heo hơi tăng do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do sức tiêu thụ của thị trường trong nước ổn định, nguồn cung không tăng nhiều, không phát sinh dịch bệnh trong thời gian dài. Đàn gia cầm của tỉnh tăng chậm nhưng đã từng bước được khôi phục được số lượng như nhũng năm trước đây. Ước tính số lượng đàn gia súc, gia cầm đến tháng 03/2014 gồm: Trâu 2.421 con; Bò 21.175 con; Lợn 270.800 con; gia cầm 5.298 ngàn con. Về tình hình bệnh dịch, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao về tái bùng phát bệnh dịch trên đàn gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh, nguyên nhân do trong thời gian qua có nhiều tỉnh thành trong cả nước đã xảy ra dịch cúm gia cầm, trong đó có 03 tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt có tỉnh Long An giáp giới với tỉnh Đồng Tháp. Hiện tại, công tác phòng chống dịch cúm gia cầm đang được các ngành chức năng tích cực, chủ động nhằm ngăn ngừa lây lan và phát triển dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh. Nhằm chủ động ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh và lây lan trên địa bàn tỉnh, ngày 27/02/2014 UBND tỉnh có Công văn số 87/UBND-KTN chỉ đạo các đơn vị, địa phương phối hợp triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng khẩn cấp để phòng, chống dịch cúm gia cầm. Các nội dung thực hiện, gồm: thường xuyên vệ sinh, quét dọn nơi công cộng và định kỳ tổ chức phun tiêu độc, khử trùng; tổ chức phun tiêu độc, khử trùng tất cả xe cộ, phương tiện đi qua cửa khẩu; bố trí hố khử trùng có chứa vôi bột hoặc thuốc sát trùng tại các lối ra vào khu vực buôn bán, tập kết, thu gom gia cầm; tổ chức phun thuốc khử trùng khu vực buôn bán, tập kết, thu gom gia cầm và các vật dụng liên quan vào cuối mỗi buổi chợ v.v.
Trong thời gian qua cơ quan chức năng đã tổ chức tiêm phòng cho đàn heo, trâu, bò các bệnh: Bệnh tụ huyết trùng: 40.914 con heo và 3.500 con trâu, bò; LMLM: 5.915 con trâu, bò; Bệnh phó thương hàn: 39.280 con heo; Dịch tả heo 44.932 con; Cúm gia cầm trên gà 293.866 con, cúm gia cầm trên vịt: 2.558.682 con mũi 1 và 549.093 con mũi 2. Ngoài ra ngành chức năng thực hiện tốt khâu cấp sổ quản lý đối với các đàn vịt chạy đồng nhằm kiểm soát được dịch bệnh, tính từ đầu năm đến nay đã cấp được 782 sổ, gồm 733 sổ vịt đẻ (số vịt là 987.870 con) và 49 sổ vịt thịt (số vịt là 54.945 con).
3. Ngành lâm nghiệp:
Do đang ở cao điểm của mùa khô nên trọng tâm của công tác lâm nghiệp trong thời gian này là công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng. Công tác phòng chống cháy rừng được tăng cường nhất là ở rừng Quốc gia Tràm Chim, nơi có diện tích rừng lớn nhất của tỉnh và là nơi đã có vụ cháy lớn xảy ra trước đây. Vườn Quốc gia Tràm Chim hiện có khoảng 3.000 ha rừng tràm, hiện một số khu vực đang đứng trước nguy cơ cháy báo động cấp 4 – cấp nguy hiểm. Dự báo vào những tháng tiếp theo của mùa khô, nguy cơ cháy có thể sẽ tăng lên cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Hiện trong Vườn quốc gia Tràm chim có 18 trạm bảo vệ, 6 đài quan sát với nhiều thiết bị phòng cháy, chữa cháy được trang bị nhằm đảm bảo tốt nhất công tác phòng chống cháy tại địa bàn. Công tác tuần tra, kiểm soát địa bàn cũng được ngành kiểm lâm, quân sự, công an huyện thực hiện thường xuyên.
Do làm tốt công tác công tác tuyên truyền giáo dục cho người dân sống xung quanh Vườn, trong đó chú trọng đến các đối tượng thường xuyên xâm nhập trái phép vào Vườn để chăn thả gia súc và đánh bắt thủy sản đồng thời rút kinh nghiệm của những năm trước đây, nên từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy hay thiệt hại nào về rừng.
Ước tính trong qúi I/2014 sản lượng gỗ khai thác đạt 22.652 m3; củi khai thác đạt 66.250 m3.
4. Nuôi trồng Thủy sản:
Nuôi trồng và chế biến thủy sản vẫn tiếp tục là thế mạnh của tỉnh được các cấp chính quyền, các ngành, các doanh nghiệp và người dân đặc biệt quan tâm, là ngành góp phần quan trọng đưa kinh tế nông thôn của tỉnh phát triển mạnh trong nhũng năm qua. Tuy vậy, trong những năm gần đây giá cá tra nguyên liệu đứng ở mức thấp, giá xuất khẩu không cao, tiêu thụ khó khăn đã ảnh hưởng nhiều đến lĩnh vực là thế mạnh này của tỉnh. Hiện giá cá nguyên liệu đang ở mức từ 23.500 – 24.000 đồng/kg (cá tra thịt trắng loại 0,7-0,9 kg/con), xấp xỉ ở mức giá thành nên người nuôi trồng đang lâm vào tình cảnh khó khăn. Do tình hình khó khăn như vậy nên diện tích và sản lượng cá nuôi của tỉnh qúy I/2014 hầu như không tăng so với cùng kỳ năm trước: Diện tích 2.780 ha, tăng 1,39%; Sản lượng 95.503 tấn, tăng 0,65%. Việc Chính phủ Hoa kỳ ký ban hành Đạo luật Nông trang chắc chắn sẽ làm cho tình hình nuôi trồng và tiêu thụ cá tra trong thời gian tới càng thêm khó khăn. Đứng trước tình hình đó ngày 04/03/2014 UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Dự thảo Kế hoạch phát triển ngành cá tra thích ứng những tác động của Đạo luật này, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực khi Đạo luật này được đưa vào áp dụng.
Tính đến nay diện tích thả nuôi tôm càng xanh của tỉnh là 54 ha với lượng giống đã thả nuôi là 7.461 ngàn con. Trên diện tích thả nuôi tôm đang phát triển tốt, hầu như không xảy ra dịch bệnh. Cuối năm 2013 và đầu năm 2014 một số huyện, thị đã bắt đầu nuôi loại tôm thẻ chân trắng với diện tích thả nuôi là 26 ha.
5. Sản xuất Công nghiệp:
Giá trị sản xuất công nghiệp ước tính Qúi I-2014 chỉ tăng 1,27% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này thấp hơn mức tăng 2,17% của Quí I/2013 và thấp hơn rất nhiều mức tăng 12,88% của Qúi I/2012. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng không cao trong quí I-2014 so với các năm trước do nhiều nguyên nhân: Thứ nhất, trong qúi I/2014 các cơ sở sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn như hàng tồn kho lớn, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, phí vận tải, điện, lương tối thiểu đều tăng; Thứ 2, trong 3 tháng đầu năm 2014 chỉ có 01 doanh nghiệp có khối lượng sản phẩm sản xuất lớn, có giá trị kinh tế cao đi vào hoạt động; Thứ 3, do qui mô sản xuất các ngành công nghiệp là thế mạnh của tỉnh đã tăng lên nhiều lần trong những năm qua … nên sản lượng sản xuất đã đã không thể tăng mạnh như các năm trước đây. Dự kiến trong các tháng tiếp theo sản xuất công nghiệp của tỉnh sẽ còn gặp nhiều khó khăn do đầu ra của các sản phẩm chủ lực là Thủy sản chế biến và Thức ăn gia súc, thủy sản vẫn chưa có dấu hiệu khả quan hơn.
Giá trị sản xuất toàn ngành Công nghiệp quí I-2014 ước tính 3.307.312 triệu đồng (theo giá cố định 1994), tăng 1,27% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng là của ngành Công nghiệp chế biến có mức tăng trưởng 1,21% so với cùng kỳ năm 2013. Thành phần kinh tế Nhà nước thực hiện giá trị sản xuất 129.166 triệu đồng, giảm 17,34% so với cùng kỳ; Thành phần kinh tế ngoài nhà nước thực hiện giá trị sản xuất 3.060.519 triệu đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 0,84%; Thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện được giá trị 117.627 triệu đồng, so cùng kỳ năm trước tăng 57,92%. Các sản phẩm chủ yếu trong quí I-2014, có sản lượng tăng so với cùng kỳ như: Thủy sản chế biến ước tính tăng 9,19%; Bánh phồng tôm tăng 16,50%; Thuốc lá bao đầu lọc tăng 47,80%; Trang in opsep tăng 4,26%; Gạch xây dựng tăng 1,62%. Còn lại các sản phẩm khác đều giảm sản lượng hoặc tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Đối với 02 sản phẩm chủ lực của tỉnh là Thủy sản chế biến và Thức ăn gia súc, 01 sản phẩm đạt mức tăng không cao và 01 sản phẩm giảm sản lượng: Thủy sản chế biến tốc độ tăng chỉ đạt 9,19% so với cùng kỳ, nguyên nhân là do một số nhà máy chế biến gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, bên cạnh đó không có nhà máy mới đi vào sản xuất trong các tháng đầu năm; Với sản phẩm Thức ăn gia súc, thủy sản bị ảnh hưởng bởi ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản nên các nhà máy đã giảm sản lượng sản xuất, mặc dù mới có 01 nhà máy đi vào sản xuất trong năm 2014 nhưng cũng không đủ bù đắp số bị sụt giảm vì vậy trong 3 tháng đầu năm ước tính sản lượng sản xuất vẫn giảm 10,89% so với cùng kỳ 2013.
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tháng 03/2014 so với bình quân năm 2010 tăng 39,12%; so với tháng 02/2014 tăng 17,20% (do tháng 02/2014 có thời gian nghỉ tết); so với tháng 03/2013 giảm 3,88%; chỉ số cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng 03/2014 so với đến cuối tháng 03/2013 tăng 1,44%.
Số lượng Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới từ đầu năm 2014 tính đến ngày 28/02/2014 là 62 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 245.590 triệu đồng. Trong đó, DNTN 21 doanh nghiệp, vốn đăng ký 19.000 triệu đồng; Công ty cổ phần 4, vốn đăng ký 69.8000 đồng. Đặc biệt, sáng ngày 03/03, tại Khu Công Nghiệp Trần Quốc Toản (thành phố Cao Lãnh), đã diễn ra lễ động thổ xây dựng (giai đoạn 1) Nhà máy sản xuất và xuất khẩu giày thuộc Công ty TNHH Liên doanh Nghị Phong với vốn đầu tư 211 tỷ đồng, dự kiến khi hoàn thành toàn bộ, tổng vốn đầu tư của dự án là 40 triệu USD, sản phẩm sản xuất 12 triệu đôi giày, giải quyết việc làm cho 15.000 lao động.
6. Vốn đầu tư phát triển thuộc nhà nước quản lý:
Kế hoạch vốn đầu tư năm 2014 của tỉnh là 2.309.699 triệu đồng, trong đó các nguồn vốn chủ yếu là: vốn ngân sách tập trung, vốn xổ số kiến thiết, Chi đầu tư xây dựng cơ bản, Vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu.
Tổng mức vốn đầu tư phát triển thuộc khu vực nhà nước quản lý thực hiện quí I-2014 ước tính 436.532 triệu đồng, thấp hơn với cùng kỳ năm 2013 là 9,41%, trong đó riêng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước thực hiện 366.765 triệu đồng, bằng 102,08% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với vốn đầu tư thuộc trung ương quản lý trong 3 tháng đầu năm tuy các đơn vị có kế hoạch vốn nhưng chưa thực hiện. Như vậy toàn bộ vốn đầu tư thực hiện trong 3 tháng đầu năm đều thuộc các đơn vị địa phương quản lý.
7. Thương mại - Dịch vụ:
Thương mại: Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ quí I-2014 ước đạt 13.269 tỷ đồng, tăng 2,68% so với cùng kỳ. Trong đó thương mại ước đạt 11.020 tỷ đồng tăng 1,04% so với cùng kỳ năm trước; Khách sạn – nhà hàng ước đạt 1.966 tỷ đồng tăng 13,04% so với cùng kỳ năm trước.
Thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thu mua lúa gạo tạm trữ trong vụ Đông xuân 2013-2014, các Doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp đang làm công tác chuẩn bị để có thể tiến hành thu mua ngay sau khi được giao chỉ tiêu.
Dịch vụ: Các hoạt động dịch vụ tiếp tục được mở rộng và phát triển trên địa bàn tỉnh, nhất là dịch vụ vận tải, dịch vụ Bưu chính viễn thông, dịch vụ du lịch, dịch vụ ngân hàng... Các hoạt động dịch vụ đã đáp ứng được cơ bản các nhu cầu của dân cư trong dịp tết Nguyên đán Qúy Tỵ 2014. Đặc biệt họat động vận tải trong quí I/2014 đã đáp ứng được nhu cầu vận tải tăng cao trong dịp tết Nguyên đán Quý Tỵ cả về hàng hóa và hành khách. Khối lượng hàng hóa vận chuyển quí I-2014 ước tính 1.204 ngàn tấn, tăng 1,86% so với cùng kỳ, khối lượng hành khách vận chuyển ước tính 5.816 ngàn lượt người, tăng 1,73% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ vận tải và bốc xếp ước đạt 317.514 triệu đồng, tăng 2,69% so với cùng kỳ năm trước.
8. Hoạt động Xuất - Nhập khẩu:
Xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu trong quí I-2014 của tỉnh ước tính đạt 177.467 triệu USD, giảm 6,0% so với cùng kỳ năm trước (giảm khoảng 11 triệu USD). Trong đó, thành phần Kinh tế Nhà nước giảm 23,70%; Thành phần Kinh tế Tư nhân tăng 4,70%; Thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 85,20%. Nếu không tính hàng tạm nhập tái xuất thì kim ngạch xuất khẩu qúi I/2014 chỉ đạt 115.767 ngàn USD, bằng 78,42% so với cùng kỳ năm 2013. Ngoại trừ Sản phẩm Thuỷ sản chế biến có giá trị xuất tăng 4,30% và Sản phẩm may có giá trị xuất khẩu tăng 3,70% trong qúi I/2014; các mặt hàng xuất khẩu chính còn lại đều có giá trị xuất khẩu giảm hoặc không tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó giảm nhiều nhất là mặt hàng gạo, giá trị xuất chỉ đạt 78,0% so với cùng kỳ năm trước.
Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh là thủy sản chế biến trong qúi I/2014 ước đạt 43.859 tấn và 112.936 ngàn USD, tăng 4,30% về giá trị nhưng giảm 1,50% về lượng so với cùng kỳ năm 2013. Nguyên nhân giá trị và khối lượng xuất khẩu thủy sản tăng không cao là do tình hình khó khăn ở các thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản chế biến (khủng hoảng kinh tế chưa chấm dứt, khủng hoảng nợ công kéo dài), cùng với các biện pháp kiểm soát gắt gao (phi thuế quan) của các nước sở tại, ở trong nước các đơn vị lại gặp khó khăn trong khâu nguyên liệu và chi phí sản xuất (chi phí tiền lương, điện, vận tải ..) tăng cao. Về khối lượng xuất khẩu, do trong 3 tháng qua không có nhà máy chế biến thủy sản mới nào đi vào sản xuất, các nhà máy đang hoạt động không tăng công suất chế biến, thị trường tiêu thụ sản phẩm không duy trì được nên khối lượng xuất khẩu đã giảm mặc dù giá trị xuất vẫn tăng.
Mặt hàng gạo xuất khẩu trong qúi I-2014 ước đạt 20.098 tấn về khối lượng và 8.182 ngàn USD về giá trị, giảm 23,20% về khối lượng và 22,0% về giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng gạo xuất khẩu trong qúi I-2014 giảm nguyên nhân chủ yếu là do thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam những tháng đầu năm 2014 cũng như các năm trước hiện đang trầm lắng do một số nước nhập khẩu gạo lớn ở Châu Á đang giảm, giãn khối lượng nhập, bên cạnh đó là sự cạnh tranh mạnh của một số nhà xuất khẩu gạo như Thái Lan, Ấn Độ, Bangladet đã ảnh hưởng đáng kể thị trường gạo thế giới và thị trường gạo Việt Nam. Theo nhận định của các nhà chuyên môn thị trường xuất khẩu gạo trong năm 2014 sẽ còn gặp nhiều khó khăn do nguồn cung gạo dồi dào, đặc biệt là nguồn cung có khối lượng lớn từ lượng gạo dự trữ của Thái Lan.
Mặt hàng bánh phồng tôm có khối lượng xuất khẩu trong qúi I-2014 tăng 3,30% và giá trị xuất khẩu tăng 0,80% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động nhập khẩu, nhập khẩu chủ yếu của tỉnh vẫn là xăng dầu và một số vật tư, nguyên liệu phục vụ các ngành sản xuất nội địa. Tổng trị giá hàng nhập khẩu quí I-2014 ước tính 133.228 ngàn USD, giảm 21,10% so với cùng kỳ năm 2013. Thành phần kinh tế ngoài nhà nước có giá trị nhập giảm 40,10%, thành phần kinh tế Nhà nước có giá trị nhập khẩu giảm 16,90%. Nếu tính theo mặt hàng nhập khẩu thì Xăng dầu giảm 12,80% về khối lượng và 17,3% về kim ngạch; Nguyên, phụ liệu sản xuất tân dược tăng 20,20% về kim ngạch; Vải may mặc tăng 15,20% về kim ngạch; Hàng hóa khác có kim ngạch nhập khẩu tăng 46,70%.
9. Giá cả thị trường:
Giá vật tư, nguyên liệu trong các tháng đầu năm tương đối ổn định. Hiện giá một số mặt hàng như sau: xăng A92: 24.690 đồng/lít; Dầu diezel (0,05S): 22.840 đồng/lít; Phân urê 8.600 – 9.000 đồng/kg; Phân DAP: 10.500-12.800 đồng/kg; Phân Kali: 8.100-8.600 đồng/kg; Thức ăn gia súc thủy sản khoảng 11.000 đồng/kg; Xi măng Hà Tiên giá khoảng 86.000 – 88.00 đồng/bao; Giá thép xây dựng khoảng 16,5 triệu đồng/tấn; Giá gạo nguyên liệu loại một từ 7.050 - 7.150 đồng/kg, gạo nguyên liệu loại hai giá từ 6.750 – 6.850 đồng/kg. Giá vật tư nguyên liệu, xăng dầu khá ổn định nên nhu cầu cho tiêu dùng và sản xuất của người dân vẫn tăng nhẹ trong tình hình hiện nay.
Đối với mặt hàng nông sản, giá lúa dao động từ 5.250- 5.350 đồng/kg tùy loại (lúa IR50404); Lúa khô đạt chất lượng xuất khẩu từ 5.550-5.650 đồng/kg; giá Heo hơi từ 51.000-52.000 đồng/kg cao hơn so với cùng kỳ năm trước 12.000-13.000 đồng/kg; Cá tra nguyên liệu 23.500- 24.000 đồng/kg cao hơn so với cùng kỳ năm trước từ 2.000-2.500 đồng/kg (cùng kỳ năm trước 21.000 - 21.500 đồng/kg). Cả giá cả các loại vật tư, nguyên liệu và giá hàng hóa nông sản đều không biến động nhiều so với cùng kỳ năm trước; Riêng mặt Cá tra nguyên liệu và Heo hơi tăng giá đã mang lại nhiều lợi nhuận cho người nuôi trong góp phần giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi sau một hời gian dài giá đúng ở mức thấp.
Tương tự như năm trước, sau hai tháng tăng giá so với tháng trước, bước qua tháng 03/2014giá hàng hóa đã giảm nhẹ (giảm 0,43%), nguyên nhân do nhiều nhóm hàng giảm giá trong tháng này, cụ thể: nhóm hàng Lương thực giảm 1,36%; Thực phẩm giảm 1,01%; Nhà ở điện nước, chất đốt, VLXD giảm 0,43%. Các nhóm hàng còn lại đều đứng giá hoặc tăng rất ít góp phần làm cho chỉ số giá chung giảm 0,43%. Nếu so với tháng 12/2013 tính chung từ đầu năm đến nay chỉ số giá tiêu dùng mới tăng 0,81%, đây là mức tăng khá thấp nếu so mức tăng của các năm trước.
Giá Vàng biến động nhiều trong những tháng đầu năm, giá vàng tháng 3-2014 so với tháng 3-2013 giảm 19,36%, nếu so với tháng 12-2013 giảm 0,57% và tăng 3,15% so với tháng trước. Tuy giá vàng có biến động trong thời gian qua nhưng hầu như không ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa tiêu dùng trên thị trường và tâm lý của người dân.
Chỉ số giá USD tháng 3-2014 tăng 0,67% so với cùng kỳ năm trước, so với tháng 12-2013 giảm 0,04% và so với tháng trước tăng 0,07%.
II/ TÌNH HÌNH XÃ HỘI:
1. Công tác chính sách xã hội và lao động - việc làm:
Công tác trọng tâm trong công tác chính sách xã hội quí I-2014 của tỉnh là chăm lo đời sống cho các gia đình chính sách, các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh, bảo đảm cho các đối tượng vui xuân, đón Tết đầy đủ, không để xảy ra tình trạng lang thang, cơ nhỡ. Trong những ngày Tết và trước tết UBMTTQ tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh cùng với các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, Thành phố Cao Lãnh và các đoàn thể, tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh đã tích cực tham gia thăm hỏi và tặng quà cho các đối tượng là người có công với cách mạng, hộ gia đình nghèo, gia đình khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội nhằm giúp cho các gia đình vui xuân đón tết. Đã có tổng số 112.524 lượt đối tượng được tặng quà trong dịp Tết với tổng số tiền là 22.698 triệu đồng, trong đó có 38.993 Người có công với cách mạng được tặng quà với trị giá quà tặng 9.716 triệu đồng. Trong những ngày tết Nguyên đán các huyện, thị đã tổ chức đi thăm viếng các Nghĩa trang Liệt sĩ trong tỉnh.
Công tác giải quyết việc làm: Đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 03 phiên giao dịch việc làm, có 86 đơn vị, doanh nghiệp dự tuyển và có 4.674 người lao động tham gia, các trường dạy nghề tham gia đã tuyển trực tiếp 3.643 lao động làm việc; Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh tư vấn 10.129 lượt người, trong đó tư vấn việc làm 5.819 lượt người, học nghề 392 người, xuất khẩu lao động 216 người, tư vấn tại sàn giao dịch việc làm 2.505 lượt người. Tính chung từ đầu năm đến nay đã có 9.129 lao động được giải quyết việc làm. Về công tác trợ cấp thất nghiệp trong 3 tháng đầu năm đã tiếp nhận 1.472 hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, Sở Lao động đã thẩm định và quyết định cho 1.044 người hưởng chế độ, 70 người được giới thiệu việc làm.
Công tác đào tạo nghề: Công tác đào tạo nghề đã được triển khai thực hiện sớm từ đầu năm, trong 3 tháng đầu năm, các trường, cơ sở dạy nghề đã tổ chức tuyển mới dạy nghề cho 1.282 người, trong đó cao đẳng nghề 109, hệ trung cấp nghề 25 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng là 1.148 người; báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn Tỉnh, trình UBND Tỉnh phê duyệt kế hoạch đào tạo nghề năm 2014 và phân bổ chỉ tiêu đào tạo cho các đơn vị, cơ sở dạy nghề của tỉnh.
Công tác giảm nghèo: Kết quả rà soát hộ nghèo trên toàn tỉnh trong năm 2013 theo chuẩn nghèo mới qua số liệu tổng hợp tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh qua điều tra là: số hộ nghèo là 31.908 chiếm tỷ lệ 7,48% (giảm 2,53% so với năm 2012), số hộ cận nghèo 29.636 chiếm tỷ lệ 6,95% (giảm 0,56 % so với năm 2012). Thực hiện chương trình giảm nghèo các huyện, thị, TP hỗ trợ, chăm lo cho các hộ nghèo, đề nghị kinh phí hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo trong quý I năm 2014.
2. Hoạt động văn hóa - thông tin, thể dục - thể thao:
Công tác thông tin - tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được các huyện, thị, thành phố thực hiện với nhiều hình thức như băng rôl, kẻ khung chữ, trồng cờ các loại, trang trí xe hoa ... Bên cạnh đó các Đội thông tin lưu động tỉnh, huyện, thị, thành phố tổ chức biểu diễn phục vụ tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh với chủ đề: Mừng Đảng – Mừng Xuân Giáp Ngọ năm 2014, 84 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tuyên truyền cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tuyên truyền các thành tựu đạt được trong năm 2013 của địa phương, tuyên truyền về an toàn giao thông… phục vụ hàng chục ngàn lượt người xem.
Bên cạnh công tác thông tin, tuyên truyền, trong dịp Tết nguyên đán Qúy Tỵ 2014, ngành Văn hóa thông tin đã chỉ đạo các Trung tâm văn hóa Huyện, Thị và Trung tâm văn hóa Tỉnh nhất là Thị xã Sa Đéc (địa điểm có tổ chức bắn pháo hoa vào đêm 30 tết) có kế hoạch chu đáo về địa điểm tổ chức và chuẩn bị kỹ nội dung các chương trình văn hóa - văn nghệ với chủ đề “Mừng Đảng - Mừng xuân” lồng ghép với công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Cùng với các hoạt động thể dục - thể thao, văn hóa - văn nghệ mừng Đảng, mừng xuân, Ngành đã tổ chức thành công lễ hội giao thừa tại TP. Cao Lãnh, Lễ hội giao thừa và bắn pháo hoa Thị xã Sa Đéc với hàng trăm ngàn người tham dự.
Về hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, trong quí I đã có nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh về diễn phục vụ nhân dân trong tỉnh. Trong đó, Đoàn Văn Công Đồng Tháp biểu diễn phục vụ nhân dân trong tỉnh, gây quỹ “Vì người nghèo”, Lễ hội giao thừa, họp mặt Hội đồng hương tỉnh Đồng Tháp tại TP.Hồ Chí Minh...
3. Công tác giáo dục:
Trong qúi I-2014 Ngành Giáo dục đã tổ chức sơ kết học kỳ I và triển khai kế hoạch giảng dạy học kỳ 2 của năm học 2013-2014 song song với việc tăng cường chất lượng đội ngũ giáo viên để đảm bảo lực lượng giáo viên đứng lớp. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Hệ thống trường lớp các bậc học tiếp tục được nâng cấp và củng cố, đáp ứng được nhu cầu học tập của xã hội. Toàn tỉnh hiện có 504 trường phổ thông . Trong đó tiểu học 319, trung học cơ sở 129, trung học phổ thông 40, phổ thông cơ sở (cấp 1, 2) 13 trường và 03 trường THCS-THPT.
Theo số liệu giữa năm học, toàn ngành có 275.472 học sinh phổ thông các cấp, tăng 0,83% so với năm học trước. Trong đó: Học sinh tiểu học 146.381 học sinh tăng 1,44%; Học sinh THCS 91.350 học sinh tăng 2,57%; Học sinh THPT 37.741 học sinh giảm 5,29%.
Số học sinh phổ thông bỏ học ở học kỳ I năm học 2013-2014 là 1.487 học sinh, giảm 1.052 học sinh so với cùng kỳ năm học trước; Trong đó : Tiểu học 95 học sinh, giảm 298 học sinh; THCS 660 học sinh giảm 608 học sinh; THPT 669 học sinh, giảm 209 học sinh.
Năm học 2013-2014 biên chế của toàn ngành giáo dục có 14.822 giáo viên phổ thông trực tiếp giảng dạy. Trong tổng số giáo viên phổ thông, Giáo viên tiểu học có 7.296 người; Giáo viên THCS có 5.017 người; Giáo viên THPT có 2.509 người. Để nâng cao chất lượng giáo dục, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ nghiệp vụ theo tiêu chuẩn nghề nghiệp được ngành giáo dục thực hiện tích cực, đến nay có gần 100% đã đạt chuẩn theo qui định.
Sau 08 ngày thi đấu (09-16/3) sôi nổi và hấp dẫn, chiều ngày 16/3, tại Khu liên hợp Thể dục Thể thao tỉnh, Hội khỏe Phù đổng tỉnh Đồng Tháp lần XIX - năm 2014 đã kết thúc. Theo Ban Tổ chức, so với các kỳ trước, Hội khỏe Phù đổng tỉnh năm nay có quy mô lớn nhất với hơn 2.300 VĐV, tham gia thi đấu ở 12 nội dung: điền kinh, bóng bàn, cầu lông, cờ vua, đá cầu, bơi lội, kéo co, bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá, Vovinam, Taekwondo. Đây là dịp để phát hiện những năng khiếu thể thao của học sinh, tuyển chọn và đào tạo bổ sung cho đội tuyển học sinh năng khiếu của tỉnh tham dự Hội khỏe Phù đổng toàn quốc lần IX năm 2015, tại tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa
4. Công tác Y tế:
Trong quí I/2014 không có bệnh dịch không diễn ra trên địa bàn tỉnh. Các bệnh do virus có khuynh hướng giảm so với cùng kỳ, không có nguy có biến thành dịch, tuy vậy vẫn có một vụ nhiễm cúm tại huyện Thanh Bình đã tử vong với kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A H5N1. Công tác phòng chống các bệnh gây dịch với mục tiêu: kiểm soát các bệnh truyền nhiễm có khả năng xảy ra dịch, khống chế không để dịch lớn phát sinh trên địa bàn được thực hiện tốt. Nhiệm vụ trọng tâm được ngành Y tế đề ra trong năm 2014 như: tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch trong nhân dân; theo dõi, điều trị kịp thời cho các ca mắc; xử lý đúng quy trình các ổ dịch; đảm bảo cơ số thuốc và hoá chất chống dịch v.v.. nhằm đảm bảo sức khỏe người dân, hạn chế khả năng lây lan của các bệnh truyền nhiễm.
Về tình hình bệnh dịch (2 tháng đầu năm), một số loại bệnh truyền nhiễm tuy xảy ra nhưng không phát triển thành dịch và đã được điều trị kịp thời như Sốt xuất huyết 88 cas mắc; Bệnh Tay chân miệng 461 cas mắc. Tình hình lây nhiễm HIV tiếp tục có diễn biến phức tạp, trong 3 tháng đầu năm đã phát hiện thêm nhiều cas bệnh, đến nay toàn tỉnh đã có 5.721 cas nhiễm HIV, trong đó đã có 2.648 cas chuyển thành AIDS, đã tử vong 1.166 cas.
Ngày 10/3, UBND tỉnh ban hành công văn số 54/UBND-VX yêu cầu các đơn vị có liên quan triển khai kế hoạch phòng, chống dịch sởi trên địa bàn tỉnh. Tại Công văn này, UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chủ trì xây dựng và chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch tiêm vắc xin phòng, chống sởi; tiêm vét vắc xin sởi cho trẻ dưới 02 tuổi; tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến của bệnh sởi, phát hiện sớm các ca bệnh, tổ chức điều tra và xử lý kịp thời, triệt để, không để dịch lan rộng; duy trì hoạt động tiêm chủng tất cả các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt đảm bảo tỷ lệ tiêm vắc xin sở.
Ngày 03/3, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch Ứng phó khẩn cấp với các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người năm 2014. Mục tiêu của kế hoạch nhằm chủ động phát hiện và sẵn sàng ứng phó kịp thời, ngăn chặn chủng vi rút A/H7N9, A/H5N1 và các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm phát sinh, gây bệnh trên đàn gia cầm; giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho người và tác động bất lợi nếu các chủng vi rút cúm gia cầm xâm nhập vào địa bàn tỉnh.
5. Tình hình trật tự và an toàn giao thông:
Trong các tháng đầu năm ngành công an đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể các cấp tổ chức phổ biến, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông cho người dân, kết hợp với Đài phát thanh truyền hình xây dựng và phát hình các chuyên mục về an toàn giao thông, đặc biệt là tăng cường tuyên truyền, vận động và kiểm tra việc chấp hành các qui định của Pháp luật khi lưu thông bằng xe gắn máy, tuyên truyền thực hiện Nghị định 71 của Chính phủ về xử phạt an toàn giao thông. Tuy nhiên tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp do số lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng lớn, ý thức chấp hành Luật giao thông của người dân chưa cao. Theo số liệu thống kê của Ban an toàn giao thông ngày 16/12/2013 đến ngày 12/03/2014 toàn tỉnh đã xảy ra 32 vụ tai nạn giao thông, làm 34 người chết và bị thương 10 người, so với cùng kỳ năm trước giảm 05 vụ, giảm 06 người chết, giảm bị thương 01 người. Cũng trong qúy I/2014 cũng xảy ra 6 vụ cháy, làm thiệt hại khoảng 844 triệu đồng.
Nhìn chung, Qua 3 tháng triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2014 của tỉnh, với nhiều cố gắng, nỗ lực của các ngành các cấp cũng như người dân trong tỉnh, sản xuất kinh doanh của tỉnh vẫn duy trì được tăng trưởng nhưng mức tăng trưởng đã thấp hơn nhiều so với những năm trước; Sản lượng lúa vụ Đông xuân 2013-2014 dự báo sẽ đạt tương đương vụ Đông xuân 2012-2013; Giá trị sản xuất công nghiệp vẫn duy trì được mức tăng trưởng, tuy nhiên mức tăng trưởng không cao như những năm trước đây chỉ đạt 1,27%. Tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội ổn định. Do ảnh hưởng khó khăn của kinh tế thế giới các ngành sản xuất của tỉnh sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới, nhất là trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản đông lạnh và các ngành sản xuất có liên quan. Hy vọng với sự nỗ lực cao độ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Đảng bộ và nhân dân Đồng Tháp sẽ đạt được kết quả cao nhất đối với những mục tiêu đặt ra trong năm 2014 góp phần cho việc hoàn thành tốt nhất kế hoạch 5 năm 2011-2015./.
Cục Thống kê tỉnh Đồng Tháp