Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 04/02/2015-14:02:00 PM
Tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp với người tiêu dùng
Ngày 3/2, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Quản lý cạnh trạnh (Bộ Công thương) phối hợp Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng Hàn Quốc (Korea Consumer Agency) tổ chức hội thảo "Tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng-kinh nghiệm của Hàn Quốc."
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, Cục Quản lý cạnh tranh đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, vấn đề này còn khá mới mẻ, trong khi đó, sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường, hội nhập nhanh, sâu rộng vào nền kinh tế thế giới làm xuất hiện hành vi, vi phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng với quy mô, hình thức tinh vi, phức tạp.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia trên thế giới được đánh giá cao về công tác bảo vệ người tiêu dùng. Hội thảo lần này là cơ hội để các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc chia sẻ thông tin pháp lý về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng.
Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, trách nhiệm doanh nghiệp trong cung cấp thông tin, giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp chưa nắm bắt đầy đủ các quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, mạng lưới cơ quan bảo vệ người tiêu dùng từ Trung ương đến địa phương chưa hoàn thiện. Một số Sở Công thương các địa phương thiếu quan tâm tới tới vấn đề này, chưa có cán bộ phụ trách bảo vệ quyền lợi, tiếp nhận đơn thư khiếu nại của người tiêu dùng. Hiện, chỉ có 50 tỉnh, thành phố thành lập tổ chức xã hội, nguồn lực cho hoạt động bảo vệ người tiêu dùng còn hạn chế.
Ông Lee Chang Huyn, Giám đốc đơn vị giáo dục-thông tin thuộc Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng Hàn Quốc lại cho rằng, Khi xảy ra sự việc ảnh hưởng đến quyền lợi, người tiêu dùng Việt Nam khó tiếp cận được với những dịch vụ hỗ trợ cần thiết và mất nhiều thời gian. Hệ thống bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam mới chỉ áp dụng ở các doanh nghiệp trong nước.
Ông Lee Chang Huyn, nhấn mạnh: Người tiêu dùng Việt Nam cần phải nâng cao nhận thức về quyền lợi của cá nhân, và có những nỗ lực bảo vệ, tránh xảy ra trường hợp quyền lợi bị xâm phạm.
Tại hội thảo, các đại biểu chỉ ra rằng, doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn thiếu tính chủ động trong công tác bảo vệ người tiêu dùng. Vì vậy, hành vi vi phạm Luật Bảo vệ người tiêu dùng liên quan đến trách nhiệm cung cấp thông tin, bảo hành sản phẩm cũng như về đăng ký hợp đồng mẫu vẫn xảy ra.
Từ thực tế trên, ông Phan Thế Thắng, Phó Trưởng phòng Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đề xuất, hệ thống tiếp nhận khiếu nại, tư vấn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp cần được xây dựng.
Doanh nghiệp chủ động phối hợp với cơ quan, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng nhanh chóng giải quyết khiếu nại, xây dựng bộ phận chuyên trách để tư vấn hỗ trợ, xây dựng tiêu chí văn hóa kinh doanh "doanh nghiệp lấy người tiêu dùng làm trung tâm." Bên cạnh đó, Tổng đài tư vấn cần được xây dựng, có tài liệu hướng dẫn thực hiện bản cam kết bảo vệ người tiêu dùng...
Bà Choi Yoon Seon, Trưởng nhóm Hỗ trợ doanh nghiệp, Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng Hàn Quốc cho biết, doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng chính sách chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp, trong đó bao gồm chương trình bảo trì bảo hành sản phẩm, dịch vụ, cơ chế tiếp nhận khiếu nại và giải quyết tranh chấp người tiêu dùng. Việt Nam cần xây dựng hệ thông quản lý người tiêu dùng làm trung tâm (như CCM của Hàn Quốc đang làm) để thúc đẩy tính cạnh tranh và gia tăng lợi ích tiêu dùng./.

TTXVN

    Tổng số lượt xem: 1917
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)