Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 04/02/2015-17:30:00 PM
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về sắp xếp ưu tiên các dự án đầu tư công
(MPI Portal) - Ngày 03/02/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về sắp xếp ưu tiên các dự án đầu tư công. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu và ông Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam.

Báo cáo tại Hội thảo, nhóm nghiên cứu của Bộ KH&ĐT đã chỉ ra những vấn đề thường gặp của đầu tư công trên thế giới như: quy hoạch không gắn với các dự án, ngân sách trên thực tế, bộc lộ nhiều yếu kém trong thẩm định và lựa chọn dự án đầu tư công, không tách biệt được lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội, nhiều dự án đầu tư công chậm tiến độ, không hoàn thành hoặc chất lượng kém, hiệu quả sử dụng thấp. Nếu đầu tư công thiếu hiệu quả được tài trợ bởi vay nợ sẽ làm tăng nợ công; bởi tiền thuế sẽ làm tăng áp lực thu ngân sách, gánh nặng cho khu vực doanh nghiệp và người dân; bởi nguồn thu tài nguyên hữu hạn sẽ làm giảm phúc lợi ròng, ảnh hưởng tới sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 10 đề xuất chủ trương đầu tư và 20 bản báo cáo khả thi (FS) của dự án đầu tư với quy định pháp lý và thông lệ thực tiễn tốt trên thế giới cho thấy, những dự án đầu tư công được ghi trong danh mục kế hoạch hàng năm đồng nghĩa với việc chủ trương đầu tư thực tế đã được quyết định, tỷ lệ loại bỏ các dự án ở mức thẩm định là rất thấp. Trên thực tế, hầu như không có sự phân tích yếu tố lợi ích, chi phí dự án (CBA), không có quy định về các phương pháp phân tích chi phí hiệu quả (CEA) hay phân tích đa tiêu chuẩn (MCA), thiếu tính hiệu lực, khách quan, khoa học, chính xác trong khâu thẩm định.

Do vậy, sự ra đời của Luật Đầu tư công là một bước tiến quan trọng và cơ bản trong hoàn thiện quy trình quản lý đầu tư công, gồm các bước: phác thảo dự án và chọn lọc sơ bộ, thẩm định dự án, lựa chọn dự án và phân bổ ngân sách, triển khai và điều chỉnh, vận hành và đánh giá dự án. Luật Đầu tư công đã bổ sung và chi tiết hóa các quy định về lập, thẩm định chủ trương đầu tư, báo cáo tiền khả thi (PFS), FS trong các văn bản hiện hành, giúp quy trình quản lý đầu tư công trở nên chặt chẽ hơn, tiếp cận sát với thông lệ quốc tế về lập, thẩm định báo cáo chủ trương đầu tư, PFS, FS. Theo đó, việc đổi mới và xây dựng một hệ thống thẩm định, đánh giá dự án từ khâu chủ trương đầu tư, thẩm định dự án đầu tư, đánh giá dự án sau đầu tư và việc gia tăng các đánh giá định lượng về chi phí và lợi ích là một công việc cần thiết không thể thay thế để nâng cao hiệu quả đầu tư; việc phân tích định lượng lợi ích – chi phí (CBA) của các dự án là nền tảng của thẩm định dự án đầu tư và hoàn toàn khả thi tại Việt Nam, bao gồm cả việc định lượng các lợi ích xã hội.

Để xác định thứ tự ưu tiên trong kế hoạch đầu tư trung hạn, cần xây dựng một hệ thống tiêu chí mang tính sáng tạo, phù hợp theo Luật Đầu tư công và thực tế cung – cầu; cấp Trung ương ban hành một văn bản hướng dẫn chung hoặc sổ tay hệ thống các chỉ tiêu chính và khung biến thiên; tạo tính linh hoạt tối đa cho các địa phương và ngành trong việc tự ban hành văn bản pháp lý, trong khuôn khổ của Luật để xác định trọng số cụ thể của các tiêu chí lựa chọn và sắp xếp thứ tự ưu tiên. Bên cạnh đó, quy hoạch cần có tính điều phối giữa các cấp, ngành và xác định rõ mục tiêu và ưu tiên chiến lược của đầu tư công để có cơ sở sớm loại bỏ những đề xuất không thích hợp.

Chuyên gia tư vấn của WB trình bày Báo cáo tại Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Hương (MPI Portal)

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chuẩn bị đầu tư công, đại diện WB cho biết, các yếu tố của một chương trình đầu tư công tốt là một khung pháp lý hiệu quả, định hướng chiến lược về chủ trương chính sách, sự phối hợp giữa các bộ chính sách tổng hợp, các bộ quản lý ngành và các doanh nghiệp nhà nước, hệ thống chính thống về lựa chọn và phê duyệt đầu tư, giám sát triển khai và đánh giá kết quả chính sách. Phân tích một số mô hình lập kế hoạch đầu tư tại các nước như Chi-lê có cơ cấu Chính phủ và các thủ tục hành chính rất giống bối cảnh ở Việt Nam, tập trung về hoạch định chính sách nhưng phân cấp trong triển khai; Hàn Quốccó Viện Phát triển Hàn Quốc đóng vai trò tham mưu kinh tế cho Chính phủ và nhóm 8 chuyên gia chịu trách nhiệm thẩm định dự án; tại Canada, Hội đồng Ngân khố ban hành hướng dẫn về thẩm định đầu tư, việc phân bổ ngân sách do Bộ Tài chính thực hiện, mỗi bộ ngành đều có bộ phận đánh giá dự án, phối hợp với Hội đồng ngân khố để lựa chọn dự án…

Áp dụng trong bối cảnh Việt Nam, chuyên gia của WB đã chỉ ra những vấn đề lớn về quản lý đầu tư công tại Việt Nam cần được giải quyết là xây dựng các hướng dẫn, quy định về phân tích kinh tế; phân tích kinh tế phải bao gồm đánh giá và đo lường lợi ích và chi phí xã hội; xây dựng hướng dẫn cho từng ngành về cách thức lượng hóa chi phí và lợi ích kinh tế của dự án; áp dụng cơ chế hiệu quả để cấp vốn thực hiện các nghiên cứu tiền khả thi và khả thi. Do vậy, các biện pháp trong ngắn hạn trước mắt là xây dựng khung cơ bản để sàng lọc các ý tưởng dự án dựa trên yêu cầu về dịch vụ và chi phí dự kiến; xây dựng các thông số dữ liệu chi tiết và hướng dẫn về thu thập dữ liệu cho các ngành thí điểm; tập huấn nhóm cán bộ thí điểm về sử dụng và áp dụng khung, hướng dẫn này; áp dụng khung sắp xếp ưu tiên các dự án thí điểm.

Hội thảo là dịp để các đại biểu trao đổi, thảo luận về cách tiếp cận thí điểm xây dựng công cụ sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư công tại một số ngành, địa phương. Qua đó, đề cao những điểm mới của Luật Đầu tư công, cùng với việc tổ chức triển khai thực hiện một cách thống nhất kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả cao cho lĩnh vực đấu thầu mua sắm công nói riêng và sự tăng trưởng bền vững cho kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung./.

Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3424
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)