Trên thực tế, việc cải thiện TTHC đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, nhưng những kết quả đạt được vẫn chưa thực sự mang tính tổng thể. Nhiều cơ quan hành chính vẫn giành thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Vẫn còn tư tưởng cục bộ của các Bộ, ngành khi xây dựng và ban hành TTHC. Do đó, TTHC vẫn còn không ít phiền hà, phức tạp, gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, đôi khi làm lỡ cơ hội đầu tư và cản trở sức sản xuất của các thành phần kinh tế trong xã hội. Đây chính là rào cản đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo kẽ hở cho nhũng nhiễu, tiêu cực, kìm hãm sự phát triển hợp tác, đầu tư. Vì vậy, việc đơn giản hóa TTHC, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp theo hướng cắt giảm chi phí, xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi tiếp tục là vấn đề mang tính thời sự.
Thủ tục hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Sau giai đoạn I và giai đoạn II triển khai Đề án 30, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như các Bộ, ngành, địa phương khác đang trong quá trình thực thi các phương án đơn giản hóa TTHC (giai đoạn III). Chỉ rà soát, công bố bộ TTHC thôi chưa đủ, thách thức lớn nhất của công cuộc cải cách hành chính là việc thực thi các phương án đơn giản hóa gần 5.000 TTHC. Theo tính toán của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, cấp trung ương sẽ phải sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ trên 1.000 văn bản pháp luật, trong đó bao gồm các văn bản từ Luật đến Pháp lệnh, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định, Thông tư của Bộ trưởng và các văn bản khác. Cấp địa phương ước tính có gần 3.000 văn bản cần được sửa đổi, bổ sung. Đây là một khối lượng công việc khổng lồ, đòi hỏi sự vào cuộc chủ động, tích cực không chỉ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành mà còn cả Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với việc sẽ giữ nguyên 79 thủ tục trong tổng số 503 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ, chiếm 15,7%; đơn giản hóa là 424 thủ tục (chiếm 84,3%), trong đó tổng số TTHC sửa đổi là 388 thủ tục chiếm 77,1%; tổng số TTHC bãi bỏ là 36 thủ tục, chiếm 7,2%; tổng chi phí tuân thủ dự kiến cắt giảm theo phương án đơn giản hóa TTHC của Bộ là 362,3 tỷ đồng (giảm 42,8% so với chi phí tuân thủ hiện nay 845,9 tỷ đồng), nhiệm vụ cũng vô cùng nặng nề, đòi hỏi quyết tâm lớn của toàn thể cán bộ, công chức trực thuộc Bộ (Quyết định số 463/QĐ-BKH ngày 30 tháng 3 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông qua phương án đơn giản hóa thủ tụa hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Để thực thi các phương án đơn giản hóa quy định tại 25 Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần đơn giản hóa 334/503 TTHC gồm: 306 TTHC cần sửa đổi và bãi bỏ 28 TTHC.
Trong số 306 TTHC cần sửa đổi, bổ sung để thực thi các phương án đơn giản hóa TTHC quy định tại 25 Nghị quyết của Chính phủ, có 291 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được thống kê và công bố trong Quyết định số 1086/QĐ-BKH. Các TTHC khác (15) thuộc phạm vi chức năng quản lý của các Bộ, ngành khác.
Số TTHC cần phải sửa đổi, bổ sung liên quan đến trực tiếp đến hoạt động đầu tư kinh doanh của cá nhân, doanh nghiệp (đăng ký kinh doanh, đầu tư) chiếm gần 54% tổng số TTHC của Bộ (186/345).
Số TTHC cần bãi bỏ là 28, gồm: 24 TTHC thuộc lĩnh vực thành lập và phát triển doanh nghiệp và 04 TTHC thuộc lĩnh vực thành lập và phát triển hợp tác xã.
Số văn bản quy phạm pháp luật được giao thực thi theo 25 Nghị quyết của Chính phủ là 30 văn bản gồm: 05 Luật, 13 Nghị định, 02 Quyết định của Thủ tướng, 02 Thông tư liên tịch, 05 Thông tư và 03 Quyết định của Bộ trưởng.
Kết quả thực hiện các phương án đơn giản hóa TTHC của Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Tính đến hết Quý IV năm 2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đơn giản hóa được 193/291 TTHC để thực hiện các phương án đơn giản hóa theo các Nghị quyết của Chính phủ. Một số TTHC khác đang trong quá trình triển khai nhưng còn nhiều ý kiến khác nhau nên chưa thực thi được như: dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 131/2006/NĐ-CP, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 101/2006/NĐ-CP,...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực đẩy nhanh việc hoàn thiện các văn bản sửa đổi để thực thi các phương án đơn giản hóa TTHC theo các Nghị quyết của Chính phủ. Năm 2011, Bộ đã rà soát, ký ban hành 04 Quyết định công bố TTHC sửa đổi, bổ sung. Theo đó, Bộ TTHC của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rút xuống còn 396 so với 503 như đã công bố trước đây (xem bảng số liệu trên đây).
Việc đơn giản hóa TTHC thuộc lĩnh vực đầu tư
a/ Để đơn giản hóa các TTHC thuộc lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã có kế hoạch đã khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ ban hành gồm: Nghị định số 24/2011/NĐ-CP ngày 05/4/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư đang được hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét, ban hành. Theo đó, các TTHC trong lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam đã được sửa đổi cơ bản theo hướng quy định rõ ràng, cụ thể về thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, hồ sơ cấp, cấp điều chỉnh, các thủ tục khác quản lý đầu tư tại Việt Nam.
Bên cạnh 04 mã hồ sơ TTHC (08 TTHC thực hiện ở các cấp) được giữ nguyên, dự thảo Nghị định quy định bổ sung thêm 03 mã hồ sơ TTHC mới (06 TTHC thực hiện tại 02 cấp UBND và cấp Ban Quản lý dự án), gồm các mã hồ sơ thủ tục: Chuyển đổi doanh nghiệp nước ngoài thành doanh nghiệp trong nước; Chuyển trụ sở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang tỉnh, thành phố khác và Thành lập văn phòng điều hành Hợp đồng hợp tác kinh doanh của Bên nước ngoài.
Số thủ tục sửa đổi, bổ sung so với quy định hiện hành là mã hồ sơ 20 TTHC (gồm 56 TTHC thực hiện ở tại 2 cấp, có những thủ tục thực hiện tại cả 3 cấp). Đó là việc quy định cụ thể, rõ ràng về đầu mục hồ sơ, thủ tục giải quyết, thẩm quyền giải quyết; điều chỉnh thời hạn giải quyết cho phù hợp với thời hạn xử lý hồ sơ trên thực tế; quy định cụ thể yêu cầu đối với việc thẩm tra lĩnh vực đầu tư có điều kiện; giúp nhà đầu tư dễ thực hiện thủ tục hơn (TTHC thành lập doanh nghiệp gắn với cấp giấy chứng nhận đầu tư); giúp quản lý chặt chẽ hơn hoạt động đầu tư đối với những trường hợp thua lỗ nhiều năm việc điều chỉnh dự án (TTHC thông báo điều chỉnh dự án đầu tư); giúp hợp lý hóa hồ sơ, chỉ yêu cầu những tài liệu cần thiết và quy định cụ thể thủ tục điều chỉnh địa điểm; giúp cơ quan quản lý đầu tư có thể cập nhật được tình hình mới nhất về hoạt động đầu tư, phụ vụ việc hoạch định các chính sách vĩ mô trong quản lý đầu tư (TTHC báo cáo hoạt động của dự án đầu tư).
Sau khi đơn giản hóa các TTHC được quy định tại Nghị định 108, chi phí tuân thủ TTHC dự kiến giảm được gần 25% so với hiện nay.
b/ Để đơn giản hóa các TTHC thuộc lĩnh vực đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và đăng ký lại doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã có kế hoạch đã khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 78/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ quy định về hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.
Dự thảo Nghị định này sửa đổi cơ bản các TTHC trong lĩnh vực đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài theo hướng quy định rõ ràng, cụ thể về thủ tục cấp phép, hồ sơ xin cấp, cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài và một số thủ tục khác quản lý đầu tư ra nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư ra nước ngoài, đồng thời bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước. Các nội dung sửa đổi bao gồm: quy định cụ thể thành phần hồ sơ phải nộp, nội dung hoặc biểu mẫu cụ thể của từng thành phần hồ sơ phải nộp. Đồng thời, Nghị định cũng cụ thể hóa quy trình xin chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài cũng như quy định cụ thể về thời gian xử lý hồ sơ ở cấp Thủ tướng Chính phủ. Những nội dung sửa đổi, bổ sung đã đáp ứng được hầu hết các yêu cầu về đơn giản hóa TTHC tại các Nghị quyết số 25/NQ-CP và Nghị quyết số 70/NQ-CP của Chính phủ.
Dự thảo Nghị định bãi bỏ 04 TTHC gồm: Chấp thuận dự án đầu tư ra nước ngoài, Chấp thuận điều chỉnh dự án đầu tư ra nước ngoài, Thông báo thực hiện dự án đầu tư tại nước ngoài, Báo cáo tình hình hoạt động củ dự án đầu tư tại nước ngoài; có 06 TTHC được sửa đổi, bổ sung và 01 TTHC.
Sau khi Chính phủ sửa đổi bổ sung nghị định số 78/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1775/2007/QĐ-BKH ngày 10/10/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành mẫu các văn bản thực hiện thủ tục đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.
Đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 101/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc đăng ký lại, chuyển đổi và đăng ký đổi giấy chứng nhận đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn số 7412/BKHĐT-ĐTNN ngày 31/10/2011 xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi thời hạn ban hành Nghị định này sau khi các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế và Luật Chứng khoán được sửa đổi. Theo quy định đến ngày 01/7/2011 thời hạn 5 năm cho việc đăng ký lại của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã hết. Việc kéo dài thời hạn đăng ký lại không thuộc thẩm quyền của Chính phủ nên không thể sửa đổi tại Nghị định số 101/2006/NĐ-CP. Mặt khác, việc triển khai thực hiện đăng ký lại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian qua không nảy sinh nhiều vướng mắc về quy trình và thủ tục mà chủ yếu vướng mắc về nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Chứng khoán.
Việc đơn giản hóa TTHC thành lập và phát triển doanh nghiệp
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 tháng 2010 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp thay thế cho Nghị định số 139/2007/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp; Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp thay thế Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh. Đồng thời Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng ban hành Thông tư số 14/2010/TT-BKH ngày 04/6/2010 hướng dẫn một số quy định tại Nghị định số 43/2010/NĐ-CP thay thế Thông tư số 03/2006/TT-BKH hướng dẫn một số nội dung về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh.
Sau khi rà soát, thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký ban hành Quyết định số 1665/QĐ-BKHĐT ngày 02/11/2011 công bố TTHC sửa đổi, bổ sung và TTHC mới. Theo đó, số TTHC liên quan đến việc thành lập và phát triển doanh nghiệp chỉ còn lại 125 so với 257 TTHC trước đây với việc hủy bỏ 11 TTHC đăng ký đối với doanh nghiệp có vốn sở hữu nhà nước và bãi bỏ 122 TTHC tại Ban quản lý tỉnh.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn một số quy định tại Nghị định số 43/2010/NĐ-CP và Nghị định số 102/2010/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp thay thế Thông tư số 14/2010/TT-BKH ngày 04/6/2010. Theo đó một số TTHC tiếp tục được đơn giản hóa nhằm làm tăng tính minh bạch, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức thực hiện thuận lợi nhưng đồng thời cũng đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước. Ngoài ra một số TTHC mới được bổ sung nhằm hoàn thiện hơn hệ thống TTHC thông qua việc quy định rõ ràng để giải quyết những vấn đề tồn tại trước đây chưa được xử lý thống nhất trên phạm vi cả nước và những vấn đề chưa được hướng dẫn để xử lý, ví dụ như các TTHC “Đăng ký thay đổi chủ sở hữu do thừa kế theo pháp luật”; “Tặng, cho doanh nghiệp”,... Dự thảo Thông tư cũng quy định rõ việc đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử, đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với tổ chức tín dụng, tổ chức khoa học và công nghệ.
Và với việc sửa đổi, bổ sung một số Luật bao gồm: Luật Đầu tư số 59/2005/QH11 ngày 29/11/2005; Luật số 38/2009/QH12 ngày 19/6/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản; Luật Đầu tư công, mua sắm công (sửa đổi toàn diện Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 ngày 29/11/2005); Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29/11/2005 và Luật Hợp tác xã số 18/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội, các TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục được đơn giản hóa theo hướng cắt giảm chi phí, xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân./.