(MPI Portal) – Ngày 09/3/2015, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương và GS. Sang-Woo Nam, Nguyên Viện trưởng Trường quản lý và chính sách công (KDI), Hàn Quốc đã diễn ra cuộc Đối thoại chính sách cấp cao giữa Bộ và Đoàn đại biểu Hàn Quốc về Chương trình chia sẻ tri thức của Hàn Quốc với Việt Nam.
|
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương phát biểu tại cuộc Đối thoại. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal) |
Phát biểu tại cuộc Đối thoại, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết, Chương trình chia sẻ tri thức (KSP) là sáng kiến của Hàn Quốc nhằm hỗ trợ cho phát triển của các nước đối tác thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc. KSP bao gồm nghiên cứu chính sách, tham vấn phát triển và tăng cường năng lực nhằm phục vụ mục tiêu hỗ trợ các quốc gia đối tác phát triển thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thông qua kinh nghiệm của Hàn Quốc. Mục tiêu bao trùm của Chương trình là hỗ trợ tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia và các nỗ lực tái cơ cấu thể chế của các quốc gia đối tác phát triển thông qua chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc. Chương trình KSP không có ý định đưa ra bất kỳ một giải pháp cuối cùng hoặc cách thức rõ ràng nào để phát triển kinh tế một cách cụ thể mà phân tích các vấn đề kinh tế của một quốc gia từ phía cầu và đưa ra các phương án chính sách mang tính thực tế và hữu ích cũng như tham khảo dựa trên cơ sở những trường hợp và kinh nghiệm tương tự của Hàn Quốc.
Với hơn 40 nghiên cứu về các lĩnh vực kinh tế - xã hội mà Việt Nam còn nhiều vướng mắc và mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc, KSP đã hoàn thành với những khuyến nghị có giá trị, là đầu vào quan trọng cho các nghiên cứu hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội trung và dài hạn của Việt Nam, đặc biệt là cho xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. Các nghiên cứu đã hoàn thành xuất bản dưới dạng sách (tiếng Anh và tiếng Việt): KSP 2004-2005 và KSP 2009-2011, được độc giả đánh giá cao. Cuốn sách tập hợp các nghiên cứu trong khuôn khổ KSP 2009-2011 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Bộ trưởng Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc Bank Jaewan viết lời tựa.
GS. Sang-Woo Nam, Nguyên Viện trưởng KDI tại buổi Đối thoại. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
Tại cuộc đối thoại, GS. Sang-Woo Nam, Nguyên Viện trưởng KDI cho biết, trong năm 2014, có 04 chủ đề nghiên cứu được thực hiện trong khuôn khổ của Chương trình KSP với chủ đề lớn “Các chiến lược thúc đẩy tiến bộ công nghệ và định cư quốc gia bền vững ở Việt Nam”. Trong đó, chủ đề 1: “Chính sách phát triển kinh tế vùng bền vững: Kinh nghiệm của Hàn Quốc và bài học cho Việt Nam; Chủ đề 2: “Nghiên cứu Hệ thống thẩm định công nghệ như một phương pháp cấp vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ mang tính đổi mới sáng tạo: Chỉ dẫn cho xây dựng mô hình của Việt Nam”; Chủ đề 3: “Nghiên cứu chính sách cung cấp kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin nhằm thúc đẩy sử dụng giao dịch trực tuyến ở Việt Nam; Được đề xuất bởi Bộ Xây dựng Việt Nam, Chủ đề 4: “Bán nhà theo hình thức góp vốn xây dựng và các cơ chế bảo lãnh nhà ở đối với Việt Nam bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc”.
Về các chính sách phát triển kinh tế vùng bền vững: Kinh nghiệm của Hàn Quốc và bài học cho Việt Nam, GS. Jeongho Kim, KDIS cho biết, nghiên cứu này sẽ rà soát và so sánh các chính sách vùng của Hàn Quốc và Việt Nam để xác định những bài học có thể rút ra cho Việt Nam từ kinh nghiệm của Hàn Quốc. Tiếp đó, nghiên cứu này xem xét mang tính xây dựng đối với chính sách vùng của Việt Nam thông qua việc rà soát các Chiến lược 10 năm về kinh tế - xã hội được xây dựng cho 02 vùng kinh tế có ảnh hưởng lớn nhất về mặt kinh tế và địa lý tại Việt Nam là vùng Đồng bằng sông Hồng ở miền Bắc và Đông Nam Bộ ở miền Nam.
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
Chia sẻ về các chính sách cung cấp kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin nhằm thúc đẩy sử dụng giao dịch trực tuyến ở Việt Nam tập trung vào hệ thống đăng ký dân sự (hộ tịch) quốc gia, ông Ji Woong Yoon, Đại học Kyung Hee cho biết, nghiên cứu này đưa ra những gợi ý chính sách cho việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu công dân quốc gia, có thể dựa trên cơ sở chứng minh thư nhân dân và sổ hộ khẩu ở Việt Nam. Kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc sử dụng công nghệ thông tin để hệ thống hóa và cải cách hệ thống đăng ký dân sự được sử dụng làm chuẩn để thực hiện công việc này./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư