(MPI Portal) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 260/QĐ-TTg ngày 27/02/2015 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
|
Ảnh: Internet
|
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, chiến lược phát triển bền vững Việt Nam, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, thống nhất với quy hoạch các ngành, lĩnh vực của cả nước..
Quyết định đưa ra mục tiêu tổng quát phát triển đến năm 2020, xây dựng Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại là trung tâm của vùng Trung du và Miền núi phía Bắc về phát triển công nghiệp, dịch vụ, nhất là dịch vụ giáo dục – đào tạo, cơ cấu kinh tế hiện đại, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững với các sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Thực hiện tăng trưởng xanh với mức độ phát triển các – bon giảm dần, tiến tới tạo dựng nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Là khu vực phòng thủ vững chắc, địa bàn trọng yếu góp phần giữ vững quốc phòng – an ninh cho cả vùng Trung du và Miền núi phía Bắc.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10-11,0%/năm; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 80,0-81 triệu đồng, tương đương 3.100 USD. Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 47-48,0% khu vực dịch vụ chiếm khoảng 39,5-40,5% và khu vực nông – lâm – thủy sản chiếm khoảng 11,5-14,0%. Về văn hóa, xã hội phấn đấu giảm tỷ suất sinh hàng năm khoảng 0,01-0,02%, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 1,8-2,0%/năm. Về bảo vệ môi trường, phát triển đô thị sử dụng công nghệ xanh, sạch với tỷ lệ ngày càng tăng trong sản xuất công, nông nghiệp và trong dịch vụ, nhất là trong khai thác tài nguyên thiên nhiên, giá trị các ngành sản phẩm công nghệ cao, công nghệ xanh chiếm 30-32% GDP tỉnh. Phấn đấu trên 80% khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 95% rác thải sinh hoạt, rác thải y tế được xử lý, 60% nước thải sinh hoạt được xử lý đạt tiêu chuẩn B, cường độ phát thải khí nhà kính giảm ít nhất 8-10% so với năm 2010, môi trường không khí tại các đô thị, khu công nghiệp được kiểm soát. Về quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội, tăng cường công tác quản lý nhà nước về quốc phònp, an ninh, bảo đảm là khu vực phòng thủ vững chắc, địa bàn trọng yếu góp phần giữ vững an ninh quốc phòng cho cả khu vực.
Quyết định cũng đưa ra mục tiêu tổng thể và các định hướng phát triển đến năm 2030, phấn đấu Thái Nguyên là tỉnh công nghiệp phát triển, trung tâm kinh tế của vùng Trung du và Miền núi phía Bắc với nền kinh tế hiện đại, hội tụ những yếu tố của nền kinh tế tri thức với các ngành định hướng phát triển mạnh về công nghiệp công nghệ tiên tiến, dịch vụ chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao và môi trường an toàn, bền vững, là trung tâm đào tạo, y tế chuyên sâu và khoa học công nghệ có uy tín lớn trong nước, có các trung tâm văn hóa, nghệ thuật tiên tiến, hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc vùng Việt Bắc, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao. Xây dựng thành phố Thái Nguyên là thành phố sinh thái, có chức năng tổng hợp…Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 khoảng 10-10,5%/năm, GDP bình quân đầu người năm 2025 khoảng 150 triệu đồng, năm 2030 khoảng 265 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, khu vực công nghiệp, dịch vụ chiếm khoảng 90% vào năm 2030.
Bên cạnh đó, phấn đấu Thái Nguyên thực sự là trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao với trường đại học Thái Nguyên là trung tâm và một số cơ sở nghiên cứu và triển khai trực thuộc tạo môi trường gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, 100% trường mầm non và phổ thông các cấp đạt chuẩn quốc gia, hệ thống cơ sở y tế hiện đại, không gian văn hóa đặc trưng, hội tụ đầy đủ bản sắc văn hóa đặc trưng của Vùng. Tiếp tục, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại trên tất cả các lĩnh vực giao thông, điện, cấp, thoát nước…đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phát triển hệ thống đô thị hợp lý, bảo đảm không gian xanh…
Ngoài ra, Quyết định cũng nêu rõ định hướng phát triển một số ngành, lĩnh vực như: phát triển công nghiệp, phát triển nông, lâm, thủy sản và xây dựng nông thôn mới, phát triển dịch vụ, du lịch, kết cấu hạ tầng, phát triển các lĩnh vực xã hội…
Cũng tại Quyết định này quy định rõ việc quy hoạch định hướng phát triển không gian lãnh thổ. Cụ thể, cần tập trung phát triển các tiểu vùng và một số xã của huyện Đồng Hỷ, thị xã Sông Công, huyện Phú Bình, huyện Phổ Yên, huyện Phú Lương. Thêm vào đó, định hướng phát triển hệ thống đô thị chú trọng xây dựng các cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, phân bố cơ cấu chức năng hợp lý, bảo vệ các vùng cảnh quan thiên nhiên, các vùng sản xuất, bảo vệ môi trường và sinh thái tự nhiên. Quy hoạch xây dựng phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, văn hóa và sắc thái đặc thù của từng vùng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, chất lượng đô thị, giàu bản sắc, văn minh, hiện đại. Tập trung huy động các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn./.
File đính kèm: QD_260.pdf
Mai Phương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư