(MPI Portal) – Tại buổi Đối thoại với các doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, doanh nghiệp tư nhân chính là nền tảng, động lực của nền kinh tế Việt Nam.
Trong bối cảnh Việt Nam đang tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới thể chế kinh tế và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, ngày 30/3/2015, tại Hà Nội, Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Công ty KPMG tổ chức chương trình Đối thoại với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2015: Cơ hội và thách thức”. Tham dự chương trình có Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty KPMG Việt Nam Warrick Cleine, Tổng Biên tập Báo Đầu tư Nguyễn Anh Tuấn, lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ, cùng đại diện khoảng 150 doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đối thoại cùng doanh nghiệp.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đánh giá cao những đóng góp của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong thời gian qua. Bộ trưởng khẳng định, Chính phủ Việt Nam gần đây có những thay đổi quyết liệt và tích cực, không chỉ ở các văn bản chỉ đạo mà còn đưa vào thực tế sao cho năm 2015 Việt Nam nằm trong nhóm nước ASEAN 4 về môi trường đầu tư kinh doanh, thay cho ASEAN 6 như mục tiêu trước đó.
Trong khi đó, năm 2015 Việt Nam đứng trước rất nhiều cơ hội và thách thức. Thuận lợi trước mắt là Chính phủ đã thành công trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô những năm gần đây, giúp Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng vững chắc, lạm phát cơ bản luôn ở mức dưới 3% chứng minh cho sự ổn định của chính sách tiền tệ của Chính phủ. CPI tăng thấp cho thấy kinh tế vẫn đang tăng trưởng, biểu hiện của sự phục hồi một cách rõ nét. Năm 2014, tăng trưởng GDP 5,98%, đây là năm đầu tiên vượt kế hoạch sau 3 năm không đạt. Năm 2015, GDP Quý I tăng trưởng 6,03%, đây là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm qua, dự báo GDP cả năm 6,2-6,3% hoàn toàn khả thi.
Thuận lợi thứ hai là Việt Nam đang khởi xướng quá trình tái cấu trúc nền kinh tế một cách quyết liệt, mang lại hiệu quả thực sự cho người dân và doanh nghiệp. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh bằng cải cách hệ thống luật pháp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới đã và đang nỗ lực tìm giải pháp, hướng đi tốt nhất cho việc cải cách và chứa đựng nhiều tư tưởng đổi mới, thể hiện trong Báo cáo Việt Nam 2035 và các dự án nghiên cứu khác…
Bên cạnh đó, Việt Nam đang đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích và tạo điều kiện cho sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân. Minh bạch, rõ ràng là yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với các cấp, các bộ ngành, từ Trung ương đến địa phương và đối với từng cán bộ thực thi. Bộ trưởng nhấn mạnh, mỗi cơ quan đoàn thể, cán bộ, nhân dân cần phải vượt qua chính mình để đẩy lùi tham nhũng, yếu tố đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới môi trường đầu tư kinh doanh cũng như cản trở sự tiếp cận của doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam, qua đó đưa nền kinh tế Việt Nam đi lên bằng nội lực.
Về những thách thức của Việt Nam, Bộ trưởng cho biết, tăng trưởng kinh tế ổn định nhưng chất lượng còn kém, nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và năng suất tổng hợp rất thấp, trong khi đây là những chỉ số của một nền kinh tế cạnh tranh, tiên tiến, hiện đại… Trong năm 2015, Việt Nam sẽ ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do, cũng như tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, cơ hội và thách thức mở ra rất lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu, phân tích kỹ lưỡng, cũng như chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình hội nhập để tránh tình trạng thua ngay trên sân nhà trước các doanh nghiệp ngoại có năng suất cao, công nghệ tiên tiến.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề cập đến chính sách trọng dụng người tài, đồng thời bày tỏ trăn trở tại sao Việt Nam có dân số vàng, dân tộc Việt Nam cần cù, thông minh, năng động, sáng tạo nhưng kinh tế Việt Nam chỉ xếp hạng thấp trong khu vực.
|
Toàn cảnh buổi Đối thoại. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Tại buổi Đối thoại, đại diện các doanh nghiệp đã đưa ra những câu hỏi thiết thực về các vấn đề đang được quan tâm, hay những lĩnh vực, trở ngại gặp phải trong quá trình đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, như: hiệu quả áp dụng thực tế của các quy định về cải cách thủ tục hành chính và chính sách ưu đãi hàng hóa nội địa trong đấu thầu; vấn đề về thị thực, xuất nhập cảnh không chỉ gây ra hạn chế đối với nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng tới việc trọng dụng người tài và phát triển du lịch Việt Nam; các giải pháp thúc đẩy hơn nữa tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; vai trò của đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam; đề xuất về việc miễn thuế thu nhập để thu hút nhân tài…
Kết luận buổi Đối thoại, Bộ trưởng khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, khối doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng đều có vai trò quyết định cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Bộ trưởng nhấn mạnh, doanh nghiệp tư nhân chính là nền tảng, động lực của nền kinh tế Việt Nam và minh bạch là đòi hỏi sống còn của nền kinh tế Việt Nam./.
Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư