(MPI Portal) - Ngày 13/4/2015, tại Xin-ga-po, Ngân hàng Thế giới công bố Báo cáo Cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, theo báo cáo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay của các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sẽ giảm nhẹ, mặc dù khu vực này được hưởng lợi từ việc giá dầu giảm và kinh tế tiếp tục phục hồi tại các nước phát triển.
Các nền kinh tế đang phát triển khu vực Đông Á được dự báo tăng trưởng 6,7% trong năm 2015 và 2016, giảm nhẹ so với tốc độ 6,9% trong năm 2014. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại ở mức khoảng 7% trong 2 năm tới so với tốc độ tăng trưởng 7,4% trong năm 2014. Dự kiến tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển còn lại của khu vực Đông Á tăng thêm nửa điểm phần trăm đạt 5,1% vào năm nay, chủ yếu do cầu nội địa ở các nền kinh tế Đông Nam Á lớn nhờ vào tâm lý lạc quan của người tiêu dùng và giá dầu giảm. Một vài nền kinh tế nhỏ hơn, đặc biệt là những nước chuyên xuất khẩu hàng hóa thô như Mông Cổ, sẽ có tốc độ tăng trưởng thấp hơn.
Theo ông Axel van Trotsenburg, Phó Chủ tịch phụ trách Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới, mặc dù tăng trưởng chậm lại đôi chút ở khu vực Đông Á, khu vực này vẫn góp tới một phần ba tăng trưởng toàn cầu, gấp hai lần so với tổng mức đóng góp của tất cả các khu vực đang phát triển khác cộng lại. Giá dầu giảm sẽ kích thích cầu nội địa ở phần lớn các quốc gia trong khu vực và sẽ đem lại cho các nhà hoạch định chính sách cơ hội có một không hai để thúc đẩy các cải cách tài khóa giúp tăng thu ngân sách và tái định hướng chi tiêu công theo hướng tập trung vào cơ sở hạ tầng và các chi tiêu khác cho năng lực sản xuất. Những cải cách này có thể cải thiện năng lực cạnh tranh cho khu vực Đông Á và giúp khu vực này duy trì vị thế của mình là động cơ tăng trưởng kinh tế của thế giới.
Mức giá dầu thô thấp trên toàn cầu sẽ đem lại lợi ích cho phần lớn các quốc gia đang phát triển ở Đông Á, đặc biệt là Cam-pu-chia, Lào, Phi-lip-pin, Thái Lan và các quốc đảo Thái Bình Dương. Nhưng các quốc gia xuất khẩu nhiên liệu ròng của khu vực này, trong đó có Ma-lai-xi-a và Pa-pua Niu Ghi-nê sẽ chứng kiến tăng trưởng chậm lại và thu ngân sách giảm. Tại In-đô-nê-xi-a, tác động ròng đối với tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào mức độ sụt giảm xuất khẩu than và khí đốt của nước này.
Những khó khăn mà nền kinh tế thế giới đang đối mặt sẽ tiếp tục tạo ra những rủi ro đối với các nền kinh tế đã hội nhập toàn cầu của khu vực Đông Á. Sự phục hồi kinh tế ở các quốc gia thu nhập cao vẫn còn chậm và không đồng đều và một cuộc suy thoái ở khu vực đồng euro và Nhật Bản sẽ làm suy yếu thương mại toàn cầu. Việc lãi suất tại Mỹ tăng và đồng đô-la Mỹ lên giá, cùng với các định hướng chính sách tiền tệ rất khác nhau giữa các nền kinh tế tiên tiến, có thể sẽ làm tăng chi phí đi vay, tạo ra biến động tài chính và giảm dòng vốn chảy vào Đông Á. Việc đồng đô-la Mỹ tiếp tục mạnh lên so với các đồng tiền chủ chốt khác có thể gây tổn hại đến những nền kinh tế có mức độ đô-la hóa cao như Cam-pu-chia và Đông Ti-mo.
Ông Sudhir Shetty, Chuyên gia Kinh tế Trưởng Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới cho biết, khu vực Đông Á-Thái Bình Dương đã tăng trưởng tốt trong thời gian qua bất chấp sự phục hồi thiếu ổn định trên toàn cầu từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, tuy nhiên rủi ro đối với khu vực này vẫn còn nhiều, cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Để khắc phục những rủi ro này, điều mấu chốt là cải thiện chính sách tài khóa. Với giá dầu xuống thấp, các quốc gia dù là xuất khẩu hay nhập khẩu dầu nên cải cách cơ chế định giá năng lượng của mình để có được những chính sách tài khóa bền vững và công bằng hơn.
Theo báo cáo đa số các nền kinh tế Đông Á có quy mô lớn hơn, các nỗ lực cải thiện thu ngân sách và tái cấu trúc chi ngân sách có thể giúp khắc phục sự thiếu hụt trong đầu tư cơ sở hạ tầng và tạo nguồn kinh phí cho các chương trình bảo hiểm và an sinh xã hội vốn là những nhiệm vụ chi đã chịu nhiều áp lực do tốc độ già hóa dân số nhanh trong khu vực. Ở những quốc gia xuất khẩu nhiên liệu chính và Mông Cổ, củng cố tài khóa là việc làm cần thiết.
Đặc biệt việc giá dầu giảm tạo ra một cơ hội cho các chính phủ cắt giảm trợ giá nhiên liệu và tăng thuế năng lượng. Ở phần lớn các nước trong khu vực, trợ giá nhiên liệu và các miễn giảm thuế liên quan đã gây khó khăn cho tài chính công và làm suy yếu cán cân vãng lai. Một số quốc gia, trong đó có In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a, gần đây đã tiến hành cắt giảm trợ giá nhiên liệu, nhưng ông Shetty cho rằng đà cắt giảm trợ giá nhiên liệu này phải tiếp tục được duy trì và mở rộng, ngay cả nếu giá dầu bắt đầu phục hồi.
Cũng theo báo cáo, trong trung hạn các quốc gia nên mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cải thiện khả năng tiếp cận của công chúng đối với giáo dục đại học và chăm sóc y tế. Trong dài hạn, các quốc gia cần tìm ra những cách thức để duy trì tăng năng suất, kiềm chế chi phí chăm sóc y tế và mở rộng nguồn thu cho an sinh xã hội./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư