(MPI Portal) – Sáng ngày 14/4/2015, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị tập huấn Luật Đầu tư năm 2014 cho các bộ, ngành, địa phương.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Mai Phương (MPI Portal)
Luật Đầu tư năm 2014 được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2014 tại Kỳ họp thứ 7, có hiệu lực từ ngày 01/7/2015, thay thế Luật Đầu tư năm 2005 với nhiều thay đổi quan trọng, đặc biệt là các quy định về cấm đầu tư, đầu tư có điều kiện và cải cách thủ tục hành chính về đầu tư.
Luật quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
Thay đổi quan trọng nhất của Luật Đầu tư năm 2014 là việc tạo lập cơ sở pháp lý minh bạch để bảo đảm thực hiện nguyên tắc Hiến định về quyền tự do đầu tư kinh doanh của công dân trong các ngành, nghề mà Luật không cấm thông qua các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư và đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Việc tập hợp, rà soát và quy định cụ thể Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư 2014 theo phương pháp loại trừ (chọn bỏ) đã góp phần đổi mới căn bản nguyên tắc áp dụng pháp luật, từ việc nhà đầu tư chỉ được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật cho phép sang nguyên tắc được tự do đầu tư kinh doanh tất cả các ngành, nghề mà Luật này không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.
Luật đã hoàn thiện các quy định của Luật Đầu tư hiện hành về ngành, nghề ưu đãi đầu tư cũng như các nguyên tắc, điều kiện áp dụng ưu đãi nhằm bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, tập trung vào các ngành sử dụng công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại, dự án sản xuất có quy mô lớn, dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng nhiều lao động, dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, dự án thực hiện trong các các lĩnh vực xã hội hóa đầu tư (y tế, giáo dục, dạy nghề, văn hóa…).
Đồng thời, để khắc phục việc áp dụng ưu đãi đầu tư tràn lan đối với tất cả các dự án thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư, Luật bổ sung quy định không áp dụng ưu đãi đầu tư theo tiêu chí địa bàn đối với các dự án khai thác khoáng sản; dự án sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Cải cách thủ tục hành chính gắn liền với việc nâng cao trách nhiệm của nhà đầu tư
Luật Đầu tư 2014 đã cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, đơn giản và đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư như: Luật đã bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước (Điều 36); Luật đã đơn giản hóa hồ sơ, trình tự, thủ tục và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài (Điều 37).
Cùng với đó là cải cách quy trình thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài theo hướng bãi bỏ yêu cầu cấp giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để tách bạch hoạt động đầu tư theo dự án với hoạt động đăng ký kinh doanh. Theo hướng này, sau khi thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh như nhà đầu tư trong nước.
Ngoài ra, Luật đã cải cách quy trình góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài theo hướng cho phép nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp thực hiện thủ tục thay đổi thành viên theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp mà không phải thực hiện thủ tục đầu tư.
Hoàn thiện chế độ phân cấp và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư
Điểm mới trong nội dung này là chuẩn hóa và đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với một số dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, cơ quan quản lý đầu tư thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư song song với việc xem xét thẩm tra nhu cầu sử dụng đất, điều kiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Ngoài ra, Luật đã chuyển thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sang Sở Kế hoạch và Đầu tư; bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,…trong quản lý hoạt động đầu tư, đồng thời hoàn thiện các quy định về chế độ báo cáo đầu tư, giám sát và đánh giá hoạt động đầu tư.
Cải cách thủ tục đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài
Các quy định về vấn đề này được thiết kế trên cơ sở sửa đổi, bổ sung một số nội dung tương ứng của Luật Đầu tư trước đây; đồng thời, luật hóa và hoàn thiện một số quy định tại Nghị định 78/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006 của Chính phủ về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Luật cũng quy định trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc huy động các nguồn vốn (bao gồm cả ngoại tệ) để thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của nhà đầu tư, cũng như cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và các cơ quan liên quan trong việc quyết định đầu tư, quản lý hoạt động đầu tư ở nước ngoài; đồng thời, bổ sung một số quy định về thủ tục triển khai hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm tạo cơ chế giám sát và quản lý chặt chẽ nguồn vốn chuyển ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư.
Luật đã bổ sung hình thức đầu tư ra nước ngoài thông qua mua, bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác và đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài mà không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư và giao cho Chính phủ hướng dẫn để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động đầu tư theo hình thức này./.
Minh Hậu
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư