Mùa mưa năm nay, tỉnh Đắk Lắk có kế hoạch trồng mới trên 500 ha cacao, đưa tổng diện tích cacao của tỉnh lên trên 3.000 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm là 965 ha, với năng suất 15 tạ/ha và sản lượng đạt 1.449 tấn hạt khô lên men.
|
Vườn cacao chuẩn bị thu hoạch của một hộ dân ở xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. (Ảnh: TTXVN)
|
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, với tiến độ trồng cacao như hiện nay, thì tỉnh khó có khả năng đạt 6.000 ha cacao vào năm 2015 theo như đề án đã đưa ra.
Hiện nay, việc phát triển cây cacao ở Đắk Lắk chủ yếu là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa của các huyện Lắk, Ea Kar, Krông Ana, Cư M’gar và hình thành các vùng sản xuất tập trung trên các diện tích càphê chuyển đổi hoặc các hộ nông dân trồng xen cacao dưới tán cây điều, cây ăn quả.
Các ngành chức năng cũng đã hướng dẫn các hộ nông dân tuyển chọn các giống mới cacao ghép như TC5, TC7, TC11, TC12, TD1, TD2, TD3, TD5, TD6, TD8, TD10, TD14 … vào trồng đại trà, với mật độ từ 952 cây đến 1.111 cây/ha, trồng cây che bóng, chắn gió, tỉa thưa hợp lý nhằm bảo đảm mức độ ánh sáng phù hợp cho cacao sinh trưởng, phát triển, cho năng suất cao.
Một trong những nguyên nhân tăng diện tích cây cacao trên địa bàn tỉnh chậm là do đây là cây trồng mới, các hộ nông dân, doanh nghiệp chưa có nhiều thông tin về kỹ thuật trồng, chăm sóc, sơ chế nên các hộ nông dân còn thận trọng, dè dặt khi tham gia chương trình phát triển cây cacao.
Một số địa phương chưa thật sự xem cây cacao là cây xoá đói giảm nghèo để chỉ đạo phát triển cacao một cách quyết liệt, chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể của Trung ương và địa phương cho phát triển cây cacao./.