(MPI Portal) – Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 05/5/2015.
|
Hội nghị giới thiệu Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư ngày 25/3/2015. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Nghị định gồm 10 chương, 99 điều, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Khoản 3 Điều 1 Luật Đấu thầu. Những điểm mới cơ bản của Nghị định này gồm: góp phần hoàn thiện cơ chế thu hút vốn đầu tư tư nhân; tăng cường công khai minh bạch; làm rõ các hình thức lựa chọn nhà đầu tư; đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu; ưu đãi cho nhà đầu tư đề xuất dự án PPP; kiểm soát “đầu ra” thay cho “đầu vào”; chi tiết hóa phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư; xác định danh mục dự án sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai và rút gọn thủ tục đối với dự án quy mô nhỏ.
Nghị định số 30/2015/NĐ-CP bổ sung cơ chế cạnh tranh hướng tới hiệu quả tối ưu của các dự án trong lĩnh vực này. Nghị định này chi tiết hóa các nội dung liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư dự án sử dụng các khu “đất vàng”, đồng thời hướng dẫn chi tiết về công khai hóa, minh bạch hóa thông tin trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư từ danh mục dự án, kế hoạch đấu thầu, thông báo mời thầu tới kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
Nghị định số 30/2015/NĐ-CP còn quy định rõ hồ sơ mời thầu phải nêu các tiêu chí đánh giá về chất lượng công trình, dịch vụ được cung cấp. Đây là điểm khác biệt cơ bản với hồ sơ mời thầu đối với nhà thầu. Với nhà đầu tư, hồ sơ mời thầu không chỉ định công nghệ để phát huy tối đa sự năng động, sáng tạo và năng lực kỹ thuật của nhà đầu tư. Nghị định này mở ra cơ chế huy động tối đa sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân trong việc triển khai các dự án hạ tầng tại các vị trí đất cần chỉnh trang đô thị. Theo đó, nhà đầu tư góp nguồn lực với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; sau đó đầu tư xây dựng công trình. Với cơ chế này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể khai thác tối đa nguồn lực từ lợi thế vị trí của quỹ đất, đồng thời đảm bảo lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực triển khai dự án theo đúng công năng, mục đích đã quy hoạch.
Nghị định được ban hành để kịp thời triển khai thi hành nội dung mới quan trọng của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), dự án đầu tư có sử dụng đất; giúp hoàn thiện khung pháp lý lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP và nhà đầu tư dự án sử dụng đất mà các văn bản quy phạm pháp luật trước đó chưa giải quyết được triệt để./.
Minh Hậu
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư