(MPI Portal) – Ngày 24/4/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Tọa đàm “Xây dựng Luật Quy hoạch để nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững – Những quan điểm chủ đạo”. Tham dự Tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông; Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cùng các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
|
Ông Vũ Quang Các trình bày báo cáo tại Tọa đàm. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Tại Tọa đàm, ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày báo cáo khái quát về công tác quy hoạch và quan điểm soạn thảo Luật Quy hoạch”. Theo báo cáo cho biết, hiện nay hoạt động quy hoạch đang được điều chỉnh tại 53 luật, 07 pháp lệnh và 61 nghị định hướng dẫn luật, pháp lệnh với gần 20.000 quy hoạch các loại được lập để đáp ứng yêu cầu quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, thời gian qua công tác quy hoạch còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém gây khó khăn trong việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội, lãng phí nguồn lực đất nước và cản trở việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Cụ thể: Quy hoạch được lập quá nhiều nhưng chất lượng quy hoạch thấp, thiếu tính khả thi gây lãng phí nguồn lực; Quy hoạch thiếu gắn kết, không thống nhất và còn nhiều chồng chéo; Quy hoạch chưa thể hiện được vị trí, vai trò và sự kết nối giữa chiến lược với kế hoạch dẫn đến sự thiếu gắn kết trong định hướng phát triển và giải pháp thực hiện; Phương pháp và nội dung quy hoạch chưa đổi mới cho phù hợp với nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch bị buông lỏng, chưa xử lý kịp thời và thiếu kiên quyết trong chỉ đạo điều hành.
Ông Vũ Quang Các cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức 23 cuộc hội thảo báo cáo ở các vùng miền, 9 cuộc tọa đàm với các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, 9 buổi làm việc với các bộ, ngành liên quan, 18 nghiên cứu độc lập để lấy các ý kiến góp ý dự thảo Luật Quy hoạch.
|
Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại Tọa đàm.
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Phát biểu tại Tọa đàm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có sự quản lý của nhà nước, cần hội nhập và phải nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Vì vậy, quy hoạch quốc gia rất cần thiết. Tiến sỹ Liêm đã lấy ví dụ về Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan là những nước đã thực hiện quy hoạch quốc gia rất tốt và kết quả là đất nước phát triển.
Theo PGS TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch và Đầu tư, “cơ chế thẩm định độc lập, tập trung” sẽ tạo điều kiện đảm bảo nâng cao tính khoa học của quy hoạch cũng như tính thống nhất của các mục tiêu, phương hướng phát triển và tính nhất quán của các giải pháp. Khi đã có quy hoạch, việc giám sát thực hiện quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng. Vì thế, cần có chế tài đảm bảo các quy hoạch đã được duyệt sẽ được triển khai trên thực tế và loại trừ tình trạng phá vỡ quy hoạch một cách tùy tiện. Muốn vậy, bên cạnh những biện pháp tăng cường chất lượng quy hoạch, việc tham gia của cộng đồng trong quản lý, theo dõi, giám sát quá trình thực hiện quy hoạch là giải pháp hữu hiệu.
Bà Phạm Thúy Hạnh, Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cũng có bài tham luận về “mối quan hệ của luật quy hoạch và các luật liên quan”. Theo đó, để có cơ sở pháp lý cho việc ban hành các quy hoạch cụ thể, cần quy định rõ mục tiêu, thẩm quyền, phạm vi của các cơ quan có thẩm quyền ban hành quy hoạch trong Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương. Đồng thời, các quy định liên quan đến quy hoạch phải đồng bộ và có các chế tài phù hợp.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông phát biểu tại Tọa đàm.
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng đánh giá cao những bài tham luận, những sáng kiến góp ý của các nhà nghiên cứu, các đại biểu và cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp thu có chọn lọc, bổ sung hoàn chỉnh Dự thảo trình Chính phủ vào kỳ họp tháng 6 tới. Luật quy hoạch ra đời sẽ góp phần quan trọng vào việc tiếp tục hoàn thiện thể chế xã hội, đồng thời thúc đẩy hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đảm bảo công bằng cho các nhà đầu tư và người dân./.
Minh Hậu
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư