(MPI Portal) – Ngày 19/5/2015, tại Hà Nội, Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức buổi Đối thoại đặc biệt với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh với chủ đề: “Liệu Việt Nam có trở thành con hổ tiếp theo của ASEAN?”
|
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đại diện EuroCham thảo luận trước buổi Đối thoại.
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Tham dự Đối thoại có Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Việt Nam Franz Jessen; ông Oliver Massmann, Giám đốc Duane Morris Việt Nam, Ủy viên Hội đồng quản trị EuroCham; bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; cùng đại diện của hơn 50 doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc quyết liệt thực hiện cải cách, Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Việt Nam Franz Jessen cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đối tác, đầu mối then chốt của cộng đồng quốc tế và các đối tác nước ngoài trong việc hợp tác thương mại – đầu tư cũng như hỗ trợ cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam. Việt Nam đã và đang làm tốt công cuộc cải cách và hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Đại sứ mong rằng, trong thời gian tới, Việt Nam và Liên minh Châu Âu sẽ sớm kết thúc đàm phán FTA, mang lại lợi ích cho cả hai bên, đồng thời cam kết sẽ duy trì hỗ trợ tài chính mức cao cho Việt Nam trong những năm tới.
Thay mặt EuroCham trình bày về những điểm mới trong thể chế, chính sách của Việt Nam, ông Oliver Massmann cho biết, hai đạo luật mới của Việt Nam là Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2015 với cách tiếp cận hiện đại, điều chỉnh giảm còn 6 hoạt động kinh doanh bị cấm, 267 hoạt động kinh doanh có điều kiện và thể hiện rõ hơn sự minh bạch trong quy định quy trình, thủ tục cấp giấy phép đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, đại diện EuroCham cũng nêu lên một số bất cập trong quy trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hoạt động M&A của Việt Nam, cũng như những cơ hội và thách thức đặt ra cho Việt Nam khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN sắp tới.
|
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu tại Đối thoại. Ảnh: Đức Chuyên(VCCI)
|
Phát biểu tại Đối thoại, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, Việt Nam đang ngày càng quan tâm hơn tới hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, mang đến những cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Quá trình hội nhập luôn đi kèm với sự cạnh tranh, nếu không nỗ lực hết mình và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ, rủi ro cao, thậm chí là thua ngay trên sân nhà.
Bộ trưởng khẳng định, kinh tế Việt Nam đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất, đang phục hồi một cách vững chắc với đà tăng trưởng 6,03% trong quý I năm nay. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chính phủ Việt Nam đang quyết liệt trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016, phấn đấu đến hết năm 2015 đạt mức trung bình của Nhóm nước ASEAN-6. Cải cách thể chế kiên định mục tiêu kinh tế thị trường đầy đủ hiện đại, định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế thị trường nhiều lĩnh vực: khoa học, nhân lực, lao động, dịch vụ công, y tế… Năm 2014, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII đã thông qua rất nhiều đạo luật quan trọng, trong đó Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo, góp phần gỡ bỏ rào cản đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch và nhiều cơ hội rộng mở đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh như vị trí địa lý, an ninh chính trị… song cũng tồn tại những hạn chế chủ quan cần phải vượt qua. Do vậy, những hiệp định thương mại tự do đã và sẽ ký kết trong thời gian tới đòi hỏi sự đổi mới, bứt phá để Việt Nam có thể thu được lợi ích từ những cơ hội này.
|
Toàn cảnh buổi Đối thoại. Ảnh: Đức Chuyên (VCCI)
|
Tại phiên thảo luận với các doanh nghiệp Châu Âu, Bộ trưởng cho biết, nông nghiệp là lĩnh vực được quan tâm thu hút đầu tư tại Việt Nam, thể hiện rõ qua Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hạn chế lớn nhất nằm ở tỷ lệ cổ phần hóa còn thấp, không thể mang lại những thay đổi tích cực trong cơ chế quản trị, nhân lực, đây là vấn đề được Chính phủ Việt Nam quan tâm và thực hiện quyết liệt trong thời gian tới.
Về sản xuất ôtô trong nước, Bộ trưởng bày tỏ trăn trở sau 15 năm từ khi những cơ sở liên doanh đầu tiên được cấp phép, chính sách phát triển ngành sản xuất ôtô Việt Nam đã thất bại, nếu không có những chính sách ưu đãi hỗ trợ kịp thời thì sắp tới ngành sản xuất ôtô trong nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ bị thu hẹp, nhường chỗ cho những nhà phân phối xe nhập khẩu và triệt tiêu hoàn toàn ngành công nghiệp phụ trợ ôtô.
Kết luận buổi Đối thoại, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đề cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế và các đối tác nước ngoài đối với sự phát triển của Việt Nam trên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Đại diện EuroCham đánh giá cao phương pháp tiếp cận trực tiếp và thẳng thắn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và bày tỏ tin tưởng rằng với những định hướng và chính sách phát triển đúng đắn, kịp thời nêu trên, Việt Nam sẽ vươn lên, trở thành con hổ tiếp theo của ASEAN như kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước./.
Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư