Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 03/06/2015-16:45:00 PM
Đổi mới doanh nghiệp nhà nước trong thời đại kỹ thuật số (Xem tin ảnh)
(MPI Portal) – Trong hai ngày 02 và 03/6/2015, tại Hà Nội, diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Đổi mới doanh nghiệp nhà nước trong thời đại kỹ thuật số” do trường Đại học Kinh tế quốc dân và Hiệp hội Kinh doanh châu Á – Thái Bình Dương phối hợp tổ chức. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội thảo.

Tham dự Hội thảo còn có đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, 120 đại biểu là các nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia trên thế giới và nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu của các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước.

GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân khẳng định, trong nền kinh tế toàn cầu năng động hiện nay, đổi mới là một yêu cầu cấp thiết. Đổi mới có nghĩa là triển khai thực tế những ý tưởng mới để tạo ra những giá trị hơn những phương thức sẵn có. Đổi mới đòi hỏi sự thông thái của nhân loại và những người có tay nghề cao. Tại những nền kinh tế phát triển nhanh trong đó có Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước là động cơ của sự phát triển kinh tế.

Nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Quá trình chuyển đổi này đòi hỏi phải tái cơ cấu nền kinh tế với 3 trọng tâm: Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc đầu tư và cơ cấu lại thị trường tài chính. Trong đó, tái cơ cấu lại thị trường tài chính đã có nhiều bước tiến nhờ quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại, song nội dung tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và tái cấu trúc đầu tư chưa có nhiều chuyển biến. Trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh hiện nay, doanh nghiệp nhà nước chịu áp lực thay đổi phương thức kinh doanh và quản trị công ty bằng cách cổ phần hóa. Do vậy, cần phấn đấu hơn nữa cho sự đổi mới và trở thành ưu thế trong cạnh tranh, hướng tới sự tăng trưởng kinh tế.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới như chiếc chìa khóa vàng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhận thức tầm quan trọng của đổi mới, trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, Chính phủ Việt Nam đã chỉ rõ sự cần thiết của đổi mới khoa học công nghệ trong nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững. Cần phải cải cách hệ thống đổi mới quốc gia, nâng cao năng lực của các viện nghiên cứu phát triển, sự phối hợp giữa các viện nghiên cứu và doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất, sức cạnh tranh, phát triển các cơ chế tài chính công – tư thích hợp hỗ trợ sự đổi mới.

Tuy nhiên, thực tế năng lực đổi mới của Việt Nam còn rất hạn chế. Theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2014-2015, sự sẵn sàng ứng dụng công nghệ của Việt Nam xếp thứ 99 trong số 144 nền kinh tế, tính đổi mới xếp thứ 87. Trong Báo cáo chỉ số đổi mới toàn cầu 2014, Việt Nam đứng thứ 71 trong số 143 nền kinh tế về chỉ số đổi mới, trong khi đó Singapore đứng thứ 7, Malaysia 33 và Thái Lan 48. Do vậy, Việt Nam cần phải phát huy tiềm năng sáng tạo, nâng cao năng lực đổi mới và đưa nền kinh tế Việt Nam sang giai đoạn tăng trưởng nhanh.

Trong đó, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang dần khẳng định vai trò quan trọng tạo ra công ăn việc làm và nâng cao thu nhập, tạo thành xương sống của sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tiềm năng đổi mới và ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, chỉ có 10% số doanh nghiệp thử áp dụng và ứng dụng thành công một bằng sáng chế trong 3 năm gần đây, hầu hết các doanh nghiệp không sở hữu một bằng sáng chế sáng tạo nào. Đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào đổi mới công nghệ bình quân chiếm 0,2-0,3% thu nhập, trong khi đó Ấn Độ là 5% và Hàn Quốc là 10%.

Với áp lực của hội nhập kinh tế quốc tế và kỷ nguyên đổi mới, doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa tinh thần sáng tạo và đổi mới, tiến hành cải cách, tái cấu trúc, xác định tầm nhìn và chiến lược dài hạn, đầu tư mạnh hơn vào công nghệ, tạo ra những sản phẩm cạnh tranh và vị thế tốt hơn trên thị trường. Ngoài những chương trình hỗ trợ vốn nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ để cung cấp vốn cho các doanh nghiệp hướng tới sự đổi mới và những người thu nhập thấp với mong muốn những nỗ lực và hành động này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam đưa ra nhiều ý tưởng mới, những phát minh, sáng chế được thực tế và thương mại hóa.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Các tham luận tại Hội thảo tập trung thảo luận về bối cảnh kinh tế vĩ mô và môi trường chính sách ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp nhà nước nói riêng và nền kinh tế nói chung. Những vấn đề văn hóa, tài chính và kinh doanh quốc tế được thảo luận cho thấy sự khác biệt về văn hóa và những khó khăn cũng như lợi ích khi kinh doanh quốc tế. Hội thảo dành nhiều nội dung để bàn về sự đổi mới, sáng tạo trong doanh nghiệp, ảnh hưởng của nó tới quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp và tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Hội thảo chỉ ra vấn đề tinh thần doanh nhân có ảnh hưởng đến động lực phát triển của cả hệ thống doanh nghiệp, với hệ thống chính sách phù hợp, nền kinh tế nói chung sẽ được bứt phá khỏi những giới hạn tiềm năng tĩnh, thúc đẩy cải cách, nâng cao hiệu quả. Nền tảng cho sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung là sự nghiệp giáo dục đào tạo nhằm tạo ra lực lượng lao động có chất lượng phù hợp và đội ngũ doanh nhân chuyên nghiệp.

Trong thời đại ngày nay, quản trị doanh nghiệp, kinh doanh và tiêu dùng đang chịu nhiều ảnh hưởng của kỹ thuật số. Doanh nghiệp nếu đón đầu và áp dụng công nghệ kỹ thuật số, mạng Internet sẽ tạo ra được lợi thế cạnh tranh cho sự phát triển. Tại Hội thảo, những vấn đề thảo luận sâu về quản trị doanh nghiệp như quản trị nhân sự, marketing, tài chính, lãnh đạo tổ chức cũng được bàn luận và đưa ra những khuyến nghị đối với Việt Nam. Kết quả của Hội thảo sẽ đúc rút những khuyến nghị, chính sách cụ thể cho Việt Nam, cũng như cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước để thúc đẩy quá trình tái cấu trúc được triển khai có hiệu quả./.

Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 4285
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)