(MPI Portal) – Trong khuôn khổ hợp phần hỗ trợ kỹ thuật thuộc Dự án Cấp nước và Nước thải đô thị do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, ngày 11/6/2015, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Xây dựng và WB tổ chức Hội thảo "Nâng cao hiệu quả đầu tư và vận hành trong lĩnh vực cấp, thoát nước đô thị tại Việt Nam". Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung, cùng đại diện các bộ, ban, ngành địa phương, các doanh nghiệp cấp thoát nước đô thị.
Hội thảo là cơ hội để các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nước đô thị chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời làm rõ các vấn đề còn tồn tại trong thực tế khi triển khai thực hiện những giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, vận hành trong ngành nước đô thị và đề xuất những giải pháp tháo gỡ nhằm khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào lĩnh vực này.
|
Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung tại Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal) |
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung mong muốn các đại biểu nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về quản lý và vận hành các công trình cấp nước đô thị và tham gia đánh giá thực trạng về đầu tư, quản lý, vận hành các công trình cấp thoát nước; đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, vận hành trong lĩnh vực cấp, thoát nước đô thị Việt Nam; các giải pháp khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân để nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực cấp thoát nước đô thị.
Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Đến năm 2025, dự báo dân số đô thị là 52 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 50%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và sự gia tăng mạnh về dân số đô thị đã đặt ra thách thức lớn về phát triển hạ tầng đô thị. Trong đó, nhu cầu cải thiện dịch vụ cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải đô thị ngày càng trở nên cấp thiết.
Ông Lê Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền cho biết, về khung chính sách và các văn bản pháp luật chưa quy định phân biệt rõ vai trò của chủ sở hữu và đơn vị quản lý vận hành và bảo dưỡng. Đồng thời mẫu hợp đồng quản lý và vận hành, bảo dưỡng sơ sài, đơn giản, chủ yếu chú trọng vào công tác xử lý, chưa quan tâm tới hiệu quả của công tác sửa chữa, bảo dưỡng.
Theo kinh nghiệm về các công trình thoát nước đô thị ở Việt Nam của đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng đưa ra ba vấn đề chính trong vệ sinh đô thị đó là tăng cường năng lực thực hiện dự án của chính quyền địa phương; tăng cường huy động các nguồn lực tài chính công và tư; tăng cường năng lực quản lý và vận hành. Để thực hiện những điều đó, JICA đưa ra giải pháp gồm 3 bước là: Thành lập Trung tâm thoát nước thải; Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh đô thị nhằm đảm bảo cho cả nguồn lực tài chính quốc gia và quốc tế; Sắp xếp tài trợ tài chính cho các Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng cách tiếp cận chương trình.
|
Đại biểu Ronnie Lim chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal) |
Về vấn đề cải cách trong lĩnh vực cấp thoát nước đô thị Việt Nam, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng chia sẻ các công ty nước vẫn tập trung chủ yếu vào quản lý kỹ thuật, ít chú ý đến sản xuất nước, phân phối và dịch vụ khách hàng, dẫn tới khấu hao tài sản nhanh trong khi chất lượng dịch vụ vẫn tiếp tục kém hiệu quả.
Đại biểu Ronnie Lim đến từ công ty Manila water cũng chia sẻ kinh nghiệm về Hợp đồng nhượng quyền trong lĩnh vực cấp, thoát nước ở Phi-líp-pin. Theo đó, cần nhân rộng việc áp dụng hình thức hợp đồng dựa trên kết quả thực hiện và các loại hình hợp đồng PPP khác như BOO, BOT, O&M, PBC. Xây dựng Khung pháp lý cho phép áp dụng loại hình hợp đồng nhượng quyền tại một số thành phố với sự tham gia của khu vực tư nhân trong nước và nước ngoài. Khuyến khích các chương trình xây dựng năng lực qua việc hợp tác với các đơn vị công ích khác.
|
Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal) |
Tại Hội thảo, bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Nghị định 15/2015/NĐ-CP ngày14/02/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công – tư ra đời đã thể chế hóa những nội dung được định hướng tại các Luật vừa được Quốc hội thông qua như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật đấu thầu, Luật Xây dựng. Nghị định đã tiệm cận với các khuyến nghị chính sách phát triển kết cấu hạ tầng của Diễn đàn kinh tế Thế giới trong 3 năm 2012, 2013 và 2014. Hướng đổi mới này nhằm thu hút mạnh mẽ đầu tư tư nhân nước ngoài, nguồn vốn từ các thị trường tài chính quốc tế tham gia dự án hạ tầng, bên cạnh việc tiếp tục khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư trong nước. Song song với đó, Nghị định yêu cầu công khai, minh bạch hóa thông tin dự án và danh mục dự án nhằm tạo lập môi trường đầu tư lành mạnh. Bên cạnh đó, Nghị định 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư ra đời bổ sung cơ chế cạnh tranh hướng tới hiệu quả tối ưu của các dự án. Những ý kiến góp ý của các đại biểu tại Hội thảo nhằm góp phần giúp cho những nhà hoạch định chính sách có những kinh nghiệm, sớm hoàn thiện hệ thống chính sách đi vào cuộc sống có hiệu quả./.
Minh Hậu
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư