Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 19/06/2015-17:06:00 PM
Chương trình hợp tác giai đoạn 2016-2020 giữa Việt Nam và ADB
(MPI Portal) – Ngày 18/6/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức buổi họp giữa Đoàn Chương trình quốc gia ADB với các bộ, ban ngành liên quan về việc xây dựng chương trình, danh mục dự án hợp tác giữa Việt Nam và ADB giai đoạn 2016-2020.

Tham dự buổi họp, về phía Việt Nam có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đại diện các đơn vị thuộc Bộ và các bộ, ngành liên quan; về phía ADB có Tổng Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á James Nugent, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Tomoyuki Kimura và các cán bộ, chuyên gia.

Đoàn Chương trình quốc gia ADB. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Phát biểu tại buổi họp, Tổng Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á của ADB James Nugent cảm ơn các cơ quan chức năng Việt Nam nói chung và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng đã hợp tác, hỗ trợ ông Tomoyuki Kimura hoàn thành tốt công việc trong nhiệm kỳ làm Giám đốc quốc gia tại Việt Nam. Ngoài ra, đại diện của ADB cũng thông báo một số thay đổi lớn của ADB trong giai đoạn sắp tới.

Đánh giá giữa kỳ chiến lược đến 2020 của ADB tái khẳng định tầm quan trọng của chương trình hợp tác quốc gia, sẽ trao quyền nhiều hơn cho văn phòng đại diện của ADB tại các quốc gia. Việt Nam là một trong 6 nước có văn phòng đại diện lớn nhất của ADB và lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Danh mục dự án dành cho Việt Nam chiếm 50-60% trong Khu vực. Nhận được sự đánh giá cao từ Chính phủ Việt Nam dành cho đội ngũ cán bộ của mình, ADB luôn ưu tiên bố trí nguồn lực đầy đủ và phù hợp cho văn phòng quốc gia, hỗ trợ công tác quản lý đấu thầu, xây dựng các chương trình, danh mục dự án. ADB sẵn sàng lắng nghe những ý kiến góp ý, khuyến nghị từ phía Việt Nam nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác trong thời gian tới.

Ngoài ra, ADB sẽ sát nhập Quỹ Phát triển châu Á (ADF) và nguồn vốn thông thường (OCR), quyết định này chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, mở ra những cơ hội mới cho Việt Nam trong quá trình triển khai các dự án ADB tại Việt Nam thời gian tới. Điều này giúp ADB linh hoạt hơn trong việc phân bổ nguồn vốn tại Việt Nam, thậm chí có thể tăng 25% so với dư nợ hiện nay và hơn nữa. ADB mong rằng sẽ phần nào đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong quá trình tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn vốn ODA.

Về định hướng hợp tác trong giai đoạn mới, ADB đang tiến hành những nghiên cứu, phân tích xây dựng chiến lược hợp tác phát triển với Việt Nam. Dự kiến đến năm 2022, tất cả các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á sẽ là nước có thu nhập trung bình. Trong trung hạn, ADB tập trung tái định vị chiến lược nhằm đáp ứng nhu cầu của các quốc gia có thu nhập trung bình trong giai đoạn từ nay đến năm 2022, đồng thời hỗ trợ đưa Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập trung bình cao hơn. Đại diện ADB khẳng định, những chương trình, dự án ADB tài trợ trong giai đoạn 2016-2018 cần bám sát kế hoạch phát triển 5 năm tới của Việt Nam, trên nền tảng xác định những thay đổi đang diễn ra trong những chính sách liên quan đến hoạt động ODA từ cả hai phía.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu tại buổi họp. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Chào mừng Đoàn công tác đến thăm và làm việc tại Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thông báo một số thành tựu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Từ một nước nghèo, lạc hậu, đến nay Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Đạt được điều này, bên cạnh nỗ lực của Việt Nam còn có sự hỗ trợ nhiệt tình từ cộng đồng quốc tế và các đối tác phát triển, trong đó có ADB. Bộ trưởng đánh giá cao những chương trình, dự án ADB tài trợ cho Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng. Trung hạn 5 năm tới, Việt Nam mong muốn ADB sẽ mở rộng quy mô vốn ODA, lựa chọn những dự án, hợp phần dự án cần thiết để sử dụng ADF, còn những dự án có khả năng thu hồi vốn sẽ sử dụng nguồn OCR.

Thay mặt Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng khẳng định 5 lĩnh vực ưu tiên sắp tới cho các chương trình hợp tác đầu tư sử dụng nguồn vốn ODA bao gồm: phát triển cơ sở hạ tầng về giao thông vận tải – đây là lĩnh vực hai bên đã hợp tác và triển khai rất thành công thời gian qua, cũng là lĩnh vực đầu tư nhận được sự ủng hộ từ tất cả các bộ, ban, ngành và người dân, mang lại lợi ích thiết thực trong giao thương, đi lại, kết nối kinh tế các vùng miền; năng lượng – là lĩnh vực ADB đang tài trợ và Việt Nam có nhu cầu lớn; hỗ trợ Quỹ phát triển dự án đối tác công tư, chuẩn bị cho sự thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực phát triển khu vực tư nhân ; tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển hiện đại và ứng phó với biến đổi khí hậu…

Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng (thứ hai từ phải sang) phát biểu khai mạc phiên họp khởi đầu với các bộ, ngành. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Phát biểu tại phiên họp Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, ADB là đối tác quan trọng của Việt Nam trong quá trình phát triển, là một trong ba nhà tài trợ lớn nhất cung cấp ODA cho Việt Nam. Sự hỗ trợ của ADB đã góp phần không nhỏ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như trên các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, xây dựng thể chế, hoạch định chính sách, không chỉ về nguồn lực mà có sự chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, công nghệ, mô hình quản lý… Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục coi ODA là nguồn vốn nước ngoài quan trọng, hỗ trợ ngân sách phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tập trung vào các dự án trọng điểm, tạo ra cú hích và có sức lan tỏa lớn.

Liên quan đến xây dựng danh mục dự án đầu tư vay vốn ADB giai đoạn 2016-2020, đại diện Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu lên một số nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên, tập trung chủ yếu cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình thiết yếu theo quy hoạch; việc vay vốn cho các hoạt động chi thường xuyên, kể cả chi quản lý dự án phải đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm và không trùng lắp với kinh phí trong nước đã bố trí. Các dự án có khả năng thu hồi vốn khuyến khích đầu tư bằng hình thức PPP. ODA ưu tiên dành cho các dự án mang tính liên kết vùng nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh của từng vùng góp phần tổ chức lại sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh vùng và từng bước nâng cao thu nhập của người dân, xóa đói giảm nghèo bền vững; trong lĩnh vực giao thông, ưu tiên các dự án kết nối với các trục đường cao tốc như Nội Bài – Lào Cai, đường kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để phát huy hiệu quả của các dự án đã được tài trợ… Các dự án đề xuất sử dụng nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của ADB ngoài việc đảm bảo tiêu chí hiệu quả, bền vững, phải mang lại giá trị mới như chuyển giao kiến thức, có yếu tố đổi mới sáng tạo, cải cách thể chế phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tạo đòn bẩy cho sự tham gia của khu vực tư nhân cũng như các thành phần kinh tế. Các cơ quan, địa phương có dự án cần phải xác định nhu cầu vốn đối ứng cho từng dự án và khả năng cấn đối nguồn vốn đối ứng. Thực hiện đúng nguyên tắc phải cân đối được vốn đối ứng mới được đàm phán ký kết với nhà tài trợ nước ngoài.

Đại diện ADB trình bày các vấn đề then chốt trong danh mục dự án, chương trình giai đoạn 2016-2020, theo đó, cơ sở hình thành, lựa chọn danh mục dự án cần theo sát các tiêu chí và ưu tiên lựa chọn dự án của Chính phủ Việt Nam; kiểm tra tính chủ động của Cơ quan chủ quản (EA) đối với các dự án/ hỗ trợ kỹ thuật đề xuất, khả năng hấp thu, tình hình chuẩn bị dự án, kết quả thực hiện dự án hiện tại; đánh giá mức độ sẵn sàng của ADB bao gồm kinh nghiệm chuyên môn cho dự án được đề xuất và nguồn lực sẵn có. Tuy nhiên, các bên cũng cần đưa ra các giải pháp cho những hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện chương trình, dự án.

Tại buổi họp, các bên thống nhất với chương trình làm việc của Đoàn ADB với các bộ, ngành tiếp theo và tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kết đưa ra danh mục chương trình, dự án giai đoạn 2016-2020./.

ADF thành lập năm 1973, cung cấp vốn vay ưu đãi (kỳ hạn vay dài hơn và lãi suất thấp hơn) cho các nước nghèo. OCR cung cấp nguồn vốn vay thông thường, dành cho các nước có thu nhập trung bình. Tháng 5/2015, Hội đồng quản trị ADB đã phê duyệt một sáng kiến đột phá để kết hợp các hoạt động cho vay của Quỹ Phát triển châu Á (ADF) với bảng cân đối nguồn vốn thông thường (OCR). Việc sát nhập sẽ tăng tổng số chấp thuận cho vay và tài trợ hàng năm của ADB lên mức 20 tỷ USD, tăng 50% so với hiện tại. Hỗ trợ ADB cho các nước nghèo sẽ tăng 70%. Theo đó, vốn OCR sẽ tăng lên gấp ba, từ 18 tỷ USD lên 53 tỷ USD vào tháng 01/2017. Sáng kiến này mang lại lợi nhuận cho cả ba bên: tăng hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo, mở rộng năng lực cho các hoạt động ở các nước thu nhập trung bình và khu vực tư nhân, giảm gánh nặng cho các nhà tài trợ ADF.

Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3598
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)