Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 21/06/2015-09:39:00 AM
Định hướng chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam, giai đoạn 2016-2020 tầm nhìn đến năm 2035
(MPI Portal) – Ngày 20/6/2015, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo quốc tế Định hướng chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam, giai đoạn 2016-2020 tầm nhìn đến năm 2035 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, Ban Kinh tế Trung ương, Ngân hàng Thế giới. Tham dự Hội thảo có hơn 250 chuyên gia, các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, Việt Nam hiện là nước có thu nhập trung bình, quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tăng lên, dự kiến GDP năm 2015 đạt khoảng 204 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người 2.300 USD/năm. Phát triển công nghiệp đạt được những kết quả quan trọng: tỷ trọng ngành công nghiệp trong GDP đang chuyển dịch một cách tích cực, cơ cấu công nghiệp trong GDP tăng từ 20,03% năm 1995 đến năm 2000 là 31,4% và 2014 đạt khoảng 38,5%. Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân nhiều năm liền đều đạt mức hai con số.

Cơ cấu và tỷ trọng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp khai khoáng đang giảm dần, trong khi tỷ trọng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng. Năm 2005, giá trị sản xuất của ngành công nghiệp khai khoáng đạt 11,2% giá trị sản xuất toàn ngành, năm 2010 còn 8,6% và 8,3% vào năm 2014. Năm 2005, tỷ trọng sản xuất của ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt 82,8% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành, năm 2010 là 86.5% và 88% vào năm 2014.

Thành phần kinh tế trong công nghiệp cũng có sự chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng của khu vực kinh tế nhà nước, tăng tỷ trọng của khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài, dẫn đến chuyển dịch trong cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng lao động trong lĩnh vực xây dựng, dịch vụ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu lao động, thể hiện vai trò chủ đạo của Ngành. Một số ngành công nghiệp có sự phát triển nhanh thời gian qua như năng lượng (điện, than, khí đốt, năng lượng tái tạo) hay hóa chất phân bón chuyển từ nhập khẩu sang tự sản xuất. Các ngành công nghiệp phát triển tương đối đồng đều, nhanh chóng và tự chủ (như ngành luyện kim, điện tử, điện thoại, công nghệ thông tin…), đảm bảo cung ứng nhu cầu mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng.

Bên cạnh những thành công, ngành công nghiệp Việt Nam còn tồn tại nhiều yếu kém. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp còn chậm, giá trị sản xuất cao nhưng giá trị gia tăng và hiệu quả chưa cao, phát triển theo chiều rộng, chủ yếu là gia công, lắp ráp. Bình quân ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tăng khoảng 36% so với 60-70% của các nước trong khu vực. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo và sản xuất phục vụ nông nghiệp còn thiếu đồng bộ, dẫn đến những hạn chế nhất định đối với ngành nông nghiệp. Phân bố không gian công nghiệp bước đầu được hình thành theo hướng khai thác lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng của các địa phương nhưng chưa có sự phân bố hợp lý trên phạm vi toàn quốc, còn thiếu sự đồng bộ và gắn kết. Năng suất, trình độ lao động công nghiệp của Việt Nam thấp so với các nước có nền công nghiệp tiên tiến trên thế giới và trong khu vực, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến mà chủ yếu tập trung vào các ngành sản xuất gia công như dệt may, da giày. Trình độ lao động công nghiệp vẫn ở mức thấp và tỷ lệ phân bố trình độ đào tạo mất cân đối. Trình độ công nghệ của ngành công nghiệp hiện lạc hậu khoảng 2-3 thế hệ công nghệ so với các nước trong khu vực.

Nhận định nhiều tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại là thách thức vô cùng lớn, Phó Thủ tướng đánh giá, chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp tuy nhiều nhưng không đồng bộ, hiệu quả kém. Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035 được ban hành nhằm huy động hiệu quả mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để phát triển tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, kỷ luật, năng lực sáng tạo và ưu tiên phát triển, chuyển giao công nghệ với các ngành, các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh và công nghệ hiện đại, tiên tiến như: chế biến nông – lâm – thủy sản, điện tử viễn thông, năng lượng tái tạo, cơ khí chế tạo, hóa dầu… Mục tiêu tổng quát đến năm 2025, phát triển hợp lý theo cơ cấu ngành nghề và lãnh thổ, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập, đội ngũ lao động có trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển nền sản xuất hiện đại; đến năm 2035 phát triển được đa số các ngành có công nghệ tiên tiến, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, nhiều chiến lược quy hoạch theo ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt và ban hành về phát triển năng lượng quốc gia, xuất nhập khẩu hàng hóa, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững… Đường lối chiến lược và quy hoạch đã được xác định phục vụ giai đoạn phát triển mới, tuy nhiên, chính sách phát triển công nghiệp còn nhiều hạn chế, cần nhận định đúng các cơ hội và thách thức để đưa ra những chính sách bảo đảm hiệu quả hơn trong giai đoạn tới.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Hội thảo là cơ hội để đánh giá cụ thể hơn các nguyên nhân, tồn tại, và các hạn chế của phát triển công nghiệp trong giai đoạn vừa qua, xác định tổng thể định hướng chung về chính sách phát triển công nghiệp, thực hiện đồng bộ qua các thời kỳ, đảm bảo mục tiêu chiến lược ngành công nghiệp nói riêng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung. Các ý kiến tại Hội thảo cũng đưa ra nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này như phân bố thiếu gắn kết, đầu tư công nghệ chậm, chưa đồng bộ, còn thiếu nguồn nhân lực cao, đồng thời khuyến nghị nên có chính sách thúc đẩy kinh tế tư nhân phù hợp hơn so với kinh tế nhà nước. Hội thảo dành 4 phiên để phân tích các vấn đề liên quan đến hệ thống hóa lí luận về chính sách công nghiệp, kinh nghiệm quốc tế, phân tích thực trạng ngành công nghiệp Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa và hội nhập kinh tế, theo đó, đề xuất chính sách với mục tiêu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại./.

Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3246
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)