1. Về thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô
- Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,35% so với tháng trước[1]; so với tháng 12/2014, CPI tháng 6 tăng 0,55%. So với cùng kỳ năm trước: CPI tháng 6 tăng 1%. Bình quân 6 tháng đầu năm tăng 0,86%.
- Về thu - chi ngân sách nhà nước: Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng thu NSNN ước đạt 446,12 nghìn tỷ đồng, bằng 49% dự toán, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2014; tổng chi NSNN ước đạt 545,18 nghìn tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Bội chi NSNN bằng 43,8% dự toán năm.
- Về đầu tư phát triển: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2015 ước thực hiện đạt 553,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 8,2%), bằng 31,1% GDP, trong đó: vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN thực hiện 86,6 nghìn tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ đạt khoảng 30 nghìn tỷ đồng. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm ước đạt 6,3 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 0,9%). Vốn ODA và vay ưu đãi giải ngân trong 6 tháng đầu năm ước đạt 2.500 triệu USD, bằng 82,5% cùng kỳ năm trước.
2. Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế
- Tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong 5 năm qua: Tốc độ tăng GDP Quý II ước đạt 6,44%, cao hơn mức tăng 6,08% của Quý I và cao hơn mức tăng cùng kỳ 5 năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm GDP tăng 6,28%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 5 năm trước; trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,36% (cùng kỳ năm 2014: 2,96%); khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 9,09% (cùng kỳ năm 2014: 5,93%); dịch vụ ước tăng 5,9% (cùng kỳ năm 2014: 5,56%).
Tốc độ tăng trưởng GDP Quý II và 6 tháng đầu năm đạt cao cho thấy, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, nền kinh tế nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi và đang lấy lại đà tăng trưởng cao.
- Tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng 6 tháng đầu năm ước đạt 9,09%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm từ 2011 trở lại đây[2]; trong đó: công nghiệp tăng 9,53% (cùng kỳ 2014 tăng 5,88%); xây dựng tăng 6,6% (cùng kỳ 2014 tăng 6,24%).
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm ước tăng 9,6%[3], cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước (cùng kỳ năm 2013: 5,3%; 2014: 5,8%). Đáng chú ý là sự phục hồi mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với chỉ số IIP tăng 10% (cùng kỳ 2014 tăng 7,8%); tiếp đến là ngành khai khoáng, IIP tăng 8,2% (cùng kỳ 2014 giảm 1,5%).
- Tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 2,36%, thấp hơn mức tăng 2,96% của cùng kỳ năm 2014; trong đó: nông nghiệp tăng 1,9% (cùng kỳ tăng 2,24%); thủy sản tăng 3,3% (cùng kỳ tăng 5,89%); lâm nghiệp tăng 8,07% (cùng kỳ tăng 5,63%).
- Khu vực dịch vụ: Tăng trưởng khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm ước đạt 5,9%, cao hơn cùng kỳ năm trước (5,82%). Một số ngành dịch vụ kinh doanh có tỷ trọng lớn có tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước, như: Thương mại tăng 8,35%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5,85%; hoạt động kinh doanh bất động sản có cải thiện hơn, đạt mức tăng 2,72%.
- Về xuất nhập khẩu: 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 77,75 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2014; Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 81,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2014; Nhập siêu là 3,75 tỷ USD, bằng 4,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
3. Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường, lao động việc làm, y tế, văn hóa và các lĩnh vực xã hội khác đều đạt kết quả khá, an sinh xã hội được quan tâm, bảo đảm.
- Trong 6 tháng đầu năm, ước tạo việc làm khoảng 785 nghìn người, đạt 49% kế hoạch, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: tạo việc làm trong nước cho 732 nghìn người, đạt 48,5% kế hoạch, tăng 4,1%; xuất khẩu lao động khoảng 53 nghìn người, đạt 58,8% kế hoạch, bằng 96,4% so với cùng kỳ năm trước.
- So với cùng kỳ năm trước, tai nạn giao thông 6 tháng đầu năm đã giảm cả 3 tiêu chí: Số vụ giảm 12,85%, số người chết giảm 4,5% và số người bị thương giảm 17,24%.
Đánh giá chung, trong 6 tháng đầu năm 2015, nền kinh tế tiếp tục phục hồi và đạt kết quả cao hơn cùng kỳ năm trước. Kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp. Tăng trưởng GDP Quý II cao hơn Quý I và tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao. Khu vực dịch vụ tăng trưởng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiếp tục tăng cao về lượng, cho thấy các tín hiệu tích cực về sự phục hồi sức mua, tổng cầu. Tín dụng tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước; mặt bằng lãi suất duy trì ở mức ổn định và giảm so với cuối năm 2014, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động thêm nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh; cán cân thanh toán tổng thể thặng dư. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng cao hơn cùng kỳ năm trước. Giải ngân vốn FDI đạt khá. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng, nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị phục vụ cho đầu tư sản xuất kinh doanh và xuất khẩu tăng. Hoạt động phát triển doanh nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực; số doanh nghiệp và số vốn đăng ký thành lập mới tăng cao, trong khi số doanh nghiệp gặp khó khăn, tạm ngừng hoạt động và giải thể đều giảm so với cùng kỳ. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững; công tác bảo đảm an toàn giao thông tiếp tục đạt kết quả tích cực, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí (số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương).
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt thấp hơn cùng kỳ năm trước; xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước giảm so với cùng kỳ; khách quốc tế đến Việt Nam giảm. Diễn biến phức tạp của thời tiết (nắng hạn, xâm nhập mặn...) đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân. Kết quả giảm nghèo ở một số địa phương chưa thực sự bền vững./.
[1] CPI so với tháng trước từ tháng 01 đến tháng 5, lần lượt: (-) 0,2%; (-) 0,05%; 0,15%; 0,14%; 0,16%.
[2] Tăng trưởng khu vực CN-XD 6 tháng đầu năm các năm 2011-2014 tăng lần lượt: 6,63%; 5,59%; 5,18%; 5,93%.
[3] Quý I tăng 9,3%; Quý II tăng 10,2%.
File đính kèm: PL.T06.2015.xlsx
Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân - Bộ Kế hoạch và Đầu tư