(MPI Portal) – Ngày 14/7/2015, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Trung tâm Asean – Hàn Quốc (AKC) tổ chức Hội thảo đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc và kết nối doanh nghiệp. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương; Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Jun Dae Joo; Tổng thư ký AKC Kim Young Sun; đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cùng các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực điện tử.
|
Tổng thư ký AKC Kim Young Sun, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Jun Dae Joo chủ trì Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Phát biểu tại Hội thảo, Tổng thư ký AKC Kim Young Sun cho biết, trong bối cảnh hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước đang ngày càng phát triển, các ngành công nghiệp mũi nhọn đang được ưu tiên, Hội thảo mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực điện tử và công nghiệp phụ trợ giá trị gia tăng cao, góp phần phát triển sâu rộng hơn các hoạt động kinh tế của hai nước.
Bày tỏ quan tâm tới sự phát triển của Việt Nam, Tổng thư ký AKC đánh giá Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng, với tỷ lệ dân số vàng và truyền thống hiếu học, người trẻ Việt Nam được đánh giá không thua kém người trẻ ở bất kỳ quốc gia nào. Gần đây, các chuyên gia kinh tế thế giới gọi Việt Nam là “Con rồng Châu Á”.
Thiết lập quan hệ ngoại giao trên 20 năm, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Hàn Quốc đạt 30 tỷ USD vào năm 2014, gấp 30 lần so với thời điểm ban đầu, hơn 4.400 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam và đang cùng Việt Nam mở rộng thị trường ra thế giới. Thời gian qua, các lĩnh vực hợp tác hai nước chủ yếu là may mặc, giày dép và công nghiệp nhẹ, hiện hai nước tiếp tục mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực giá trị gia tăng cao, điện tử, công nghệ thông tin, hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 70 tỷ USD vào năm 2020.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương phát biểu tại Hội thảo.
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal) |
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, kinh tế vĩ mô ổn định. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2015 ước tính tăng 6,28% so với cùng kỳ năm 2014, dự kiến cả năm tăng 6,5%, GDP đạt 2.200 USD/ người, kim ngạch thương mại tăng 15%/năm, dự kiến đạt 350 tỷ USD năm 2015, tổng vốn cam kết nước ngoài tại Việt Nam đạt 257 tỷ USD với hơn 18.500 dự án đang hoạt động. Năm 2014, Việt Nam xếp thứ 9 trên thế giới về chỉ số hấp dẫn đầu tư.
Việt Nam đang nỗ lực góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN với tổng số dân trên 600 triệu người và GDP gần 3.000 tỷ USD, đến 2030 dự kiến GDP đạt trên 10.000 tỷ USD. Tháng 5/2015, Việt Nam chính thức ký kết Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á - Âu, đang sớm kết thúc đàm phán với Liên minh châu Âu, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… mở ra quan hệ thương mại tự do giữa Việt Nam và 55 quốc gia đối tác, trong đó có 15 quốc gia thành viên G20.
Hàn Quốc là đối tác đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với 39,16 tỷ USD vốn đăng ký, trong đó có hơn 240 dự án với 16 tỷ USD đầu tư vào công nghiệp điện tử, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi cơ cấu trong công nghiệp chế tạo, tăng trưởng kinh tế, ổn định cán cân thương mại. Để tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi nhất với các nước trong khu vực, Việt Nam đang tích cực hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan… phấn đấu đến năm 2015 đạt mức trung bình của Nhóm nước ASEAN-6 và ASEAN-4 trong năm 2016.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal) |
Chia sẻ về hợp tác đầu tư thương mại Việt Nam – Hàn Quốc thời gian qua, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài Hàn Quốc tại Việt Nam chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản, xây dựng… Các mặt hàng chủ yếu Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc gồm có dệt may, thủy sản, đồ gỗ, điện tử - linh kiện… và nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng, máy tính, điện tử, điện thoại, linh kiện, vải các loại… từ Hàn Quốc.
Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện tử ở Việt Nam hiện nay có khoảng 600 dự án, hơn 20 tỷ USD tổng vốn đầu tư đăng ký sản xuất các sản phẩm: điện thoại di động, linh kiện điện tử, thiết bị vi xử lý, điện gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị tự động, phụ tùng, thiết bị mạng. Năm 2014, giá trị xuất khẩu do khu vực này tạo ra gần 35 tỷ USD, chiếm 23% tổng giá trị xuất khẩu cả nước, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, có vai trò lớn trong xuất khẩu (cân bằng cán cân thương mại), bước đầu đưa Việt Nam vào danh sách quốc gia sản xuất sản phẩm điện tử trên bản đồ thế giới.
Về định hướng trong lĩnh vực công nghiệp điện tử, Việt Nam sẽ tạo bước đột phá trong thu hút FDI, đặc biệt từ các nước có nền công nghiệp điện tử phát triển cũng như các nước G20, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hình thành các cụm công nghiệp điện tử tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Thu hút các dự án lớn từ các Tập đoàn đa quốc gia, qua đó thu hút các doanh nghiệp vệ tinh – phụ trợ, tạo giá trị lan tỏa. Phát triển công nghiệp hỗ trợ, xây dựng Nghị định về công nghiệp hỗ trợ, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với các chính sách ưu đãi đột phá. Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nhân lực, cải thiện hạ tầng giao thông, năng lượng, logistics…
Hội thảo là dịp để doanh nghiệp hai nước tìm hiểu và xúc tiến các hoạt động hợp tác đầu tư. Tại đây, các đại biểu, đại diện doanh nghiệp đã đưa ra ý kiến trao đổi về môi trường đầu tư tại Việt Nam, cũng như bày tỏ nhu cầu và mong muốn của doanh nghiệp về đầu tư lĩnh vực công nghiệp điện tử. Tại Hội thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết hỗ trợ hết mình cho các doanh nghiệp Hàn Quốc nói chung và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử nói riêng khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam./.
Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư