Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 16/07/2015-00:55:00 AM
Tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2015 tỉnh Quảng Nam

1. Về thực hiện mục tiêu ổn định phát triển kinh tế

Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp trong những năm trở lại đây[1]. Tăng trưởng tín dụng cao hơn so với cùng kỳ[2]. Lãi suất huy động trong 6 tháng đầu năm tương đối ổn định. Lãi suất cho vay bình quân ở mức 7%-8%/năm đối với ngắn hạn; 9,5%-10,5%/năm đối với trung dài hạn.

Tổng vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh gần 22.400 tỷ đồng, tăng 8,3% so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế hơn 29.000 tỷ đồng, tăng 8,7% so với đầu năm và tăng 14,5% so với cùng kỳ. Dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn chiếm tỷ lệ 30%, tăng hơn 4% so với đầu năm. Tổng nợ xấu trên địa bàn tỉnh hơn 221 tỷ đồng, chiếm gần 0,8% tổng dư nợ, giảm 12% so với đầu năm.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm hơn 6.320 tỷ đồng, đạt 69% dự toán năm, tăng hơn 65% so cùng kỳ. Trong đó thu nội địa hơn 4.000 tỷ đồng, đạt 63% dự toán năm, tăng 41%; tăng thu chủ yếu ở khu vực ngoài quốc doanh, lệ phí trước bạ và thuế thu nhập cá nhân; đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nguồn thu giảm hơn 13% so cùng kỳ, chủ yếu giảm ở các doanh nghiệp khai thác vàng. Thu xuất nhập khẩu gần 2.140 tỷ đồng, bằng 89% dự toán, tăng gấp 2,5 lần so cùng kỳ. Thu nội địa, thu xuất nhập khẩu tăng khá cao, đây là dấu hiệu tích cực, thể hiện sự nỗ lực cao để hoàn thành và phấn đấu vượt dự toán thu cho cả năm 2015. Tổng chi ngân sách địa phương hơn 5.930 tỷ đồng, bằng 42% dự toán năm, tăng hơn 5,0% so với cùng kỳ. Trong đó, chi thường xuyên 3.800 tỷ đồng, bằng gần 51% dự toán.

Đầu tư và xây dựng, nổi bật nhất trong 6 tháng đầu năm là nhiều công trình trọng điểm của 5 năm qua được khánh thành, đưa vào sử dụng nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Nam như: Mở rộng và nâng cấp Quốc lộ 1A, Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, Bảo tàng tỉnh, cầu Kỳ Phú 1&2, nhà khách tỉnh, Quảng trường 24/3, Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, cầu Ái Nghĩa,... Thúc đẩy khởi công một số công trình mới quan trọng như: Cầu Giao Thủy, dự án khu liên hợp Sợi – Nhộm - Dệt – May tại khu công nghiệp Đông Quế Sơn[3], hạ tầng khu công nghiệp Tam Thăng, dự án sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Khe Tân; thúc đẩy tiến độ các dự án nước giải khát Number One, bia; thu hút và cấp phép đầu tư dự án du lịch Nam Hội An,....

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên 7.970 tỷ đồng, bằng 43% kế hoạch năm, chiếm 26,3% GRDP, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước[4]. Trong đó, vốn Nhà nước hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 4,2%; vốn ngoài nhà nước hơn 2.450 tỷ đồng, tăng 12,4%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gần 520 tỷ đồng, tăng gần 12,7%. Mặc dù tốc độ tăng không cao và thực hiện còn thấp so với kế hoạch, nhưng tất cả các nguồn vốn đều tăng so với cùng kỳ[5], đây là cố gắng lớn trong thực hiện giải pháp trong huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước gần 4.270 tỷ đồng. Trong đó, 3.110 tỷ đồng Trung ương giao kế hoạch đầu năm; Trung ương bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn khác hơn 321 tỷ đồng; ngân sách tỉnh huy động hơn 836 tỷ đồng (chưa kể nguồn vốn của 15 dự án Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đang triển khai trong năm 2015).

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đến 15/6/2015 đạt 50%; trong đó ngân sách tỉnh giải ngân 39%, ngân sách huyện giải ngân 54%, ngân sách cấp xã giải ngân 61%; nguồn vốn trái phiếu chính phủ (đã trừ tạm ứng 243 tỷ năm 2014) giải ngân 69%; chương trình hỗ trợ theo mục tiêu 40%; chương trình mục tiêu quốc gia 43%. Tiếp tục rà soát, thúc đẩy hoàn chỉnh các thủ tục để giải ngân, đồng thời xem xét điều chuyển nguồn vốn đối với dự án không đảm bảo đúng các yêu cầu.

Cấp phép các dự án cho nhà đầu tư trong và ngoài nước ngày càng đi vào thực chất hơn. Số lượng doanh nghiệp mới trong nước tăng, doanh nghiệp giải thể, doanh nghiệp ngừng hoạt động giảm đáng kể so với cùng kỳ [6]. Rà soát, đánh giá, tổng hợp toàn diện tình hình thực hiện các cơ chế ưu đãi đầu tư vượt trội từ 31/12/2005 trở về trước, trình Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh xem xét cho ý kiến. Số tiền ưu đãi tính từ khi dự án bắt đầu đến hết thời gian được hưởng ưu đãi hơn 461 tỷ đồng, trong đó đến hết năm 2014 hơn 105 tỷ đồng; từ năm 2015 đến hết thời gian hưởng ưu đãi hơn 356 tỷ đồng. Xây dựng cơ chế đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn giai đoạn 2015-2020. Cấp mới 06 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 522 triệu USD, riêng dự án du lịch Nam Hội An (giai đoạn 1) 500 triệu USD; nâng tổng số dự án Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh còn hiệu lực là 112 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 1,7 tỷ USD. Tiếp nhận 37 chương trình dự án các tổ chức viện trợ phi Chính phủ với tổng giá trị hơn 40 tỷ đồng. Rà soát cấp đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do thay đổi đơn vị hành chính từ huyện lên thị xã Điện Bàn[7].

Trong thực hiện mục tiêu ổn định phát triển kinh tế, một số các cân đối lớn nền kinh tế chưa đảm bảo. Nhu cầu chi đầu tư phát triển lớn, nhất là yêu cầu đối với các công trình trọng điểm của nhiệm kỳ 2011-2015 phải hoàn thành, việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển tuy có cải thiện nhưng đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, một số công trình, dự án lớn, vướng và chậm công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến chậm tiến độ như: Dự án đường Điện Biên Phủ, đường Tam Kỳ - Phú Ninh. Mặt khác do áp lực phải bàn giao mặt bằng với khối lượng lớn để triển khai các dự án như: Khu liên hợp Sợi - Nhộm - Dệt - May Đông Quế Sơn; dự án Pamko - Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Tam Thăng, .... Vì vậy các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và các địa phương, tập trung thực hiện công tác bồi thường, tái định cư, bàn giao mặt bằng, đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án. Tăng trưởng tín dụng thấp ở 5 tháng đầu năm (4,5%). Tỷ trọng xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước chưa cao (chiếm 30%). Thu nội địa có tốc độ tăng khá cao nhưng thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm so với cùng kỳ, do hoạt động sản xuất không ổn định, đồng thời nợ thuế còn lớn của hai công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu[8].

Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, các ngành, địa phương, tập trung rà soát, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2011-2015, bổ sung xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020. Thực hiện Luật Đầu tư công, đã tổ chức xây dựng lấy ý kiến các nội dung về tiêu chí nhóm C trọng điểm; tiêu chí phân bổ nguồn vốn đầu tư. Khó khăn trong xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn là nguồn vốn Trung ương dự kiến sơ bộ thấp hơn rất nhiều so với dự kiến nhu cầu tối thiểu của tỉnh; nguồn vốn tăng thu, vượt thu ngân sách tỉnh phụ thuộc vào tình hình phát triển kinh tế xã hội từng năm, nên thiếu tính ổn định, khó dự báo cho cả thời kỳ trung hạn. Chính phủ chưa ban hành Quyết định tiêu chí và định mức phân bổ nguồn vốn thời kỳ 2016-2020 để các địa phương căn cứ xây dựng và thực hiện. Bên cạnh đó, thời hạn đảm bảo hoàn chỉnh thủ tục đối với công trình mới năm 2016 đang đến gần (31/10), để hoàn chỉnh thủ tục công trình mới theo Luật đầu tư công cần nhiều thời gian, từ khâu lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, thành lập Hội đồng thẩm định, thẩm định chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn, quyết định chủ trương đầu tư; vì vậy các ngành, địa phương tập trung rà soát, khẩn trương thực hiện đảm bảo các thủ tục theo quy định.

2. Về mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng tăng 11,46% so với 6 tháng đầu năm 2014[9]. Mức tăng này cao hơn mức tăng so với cùng kỳ, xấp xỉ đạt so với mức tăng của chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho cả năm 2015[10]. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng khu vực công nghiệp xây dựng và dịch vụ chiếm gần 84,3%; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm hơn 15,7%, tuy nhiên mức độ chuyển dịch còn chậm[11].

Tỷ trọng riêng ngành công nghiệp chiếm gần 37% trong cơ cấu kinh tế. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp hơn 23.400 tỷ đồng, tăng 16% so với 6 tháng cùng kỳ năm 2014, mức tăng này cao hơn mức tăng cùng kỳ[12].

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên 16.180 tỷ đồng, tăng trên 16% so với cùng kỳ. Hoạt động du lịch diễn ra sôi động, đặc biệt là từ khi khánh thành Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, đã thu hút được nhiều lượt khách đến với tour du lịch Tam Kỳ - Phú Ninh. Tổng lượt khách tham quan lưu trú gần 1,7 triệu lượt, tăng 7,5% so với cùng kỳ[13]; khách lưu trú hơn 968 ngàn lượt, tăng hơn 12%. Doanh thu khách sạn, nhà hàng hơn 3.800 tỷ đồng, tăng trên 10%; doanh thu du lịch lữ hành hơn 132 tỷ đồng, tăng trên 35%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 247 triệu USD, bằng 98% so với cùng kỳ. Bên cạnh một số mặt hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá như: Dệt may, sản phẩm từ giấy, mây tre, sản phẩm gỗ, linh kiện điện; hàng thủy sản[14]. Các mặt hàng còn lại hầu hết đều có giá trị xuất khẩu giảm nên tổng giá trị giảm so với cùng kỳ. Xuất khẩu quặng và khoáng sản giảm sâu; một số doanh nghiệp thuộc ngành giầy da, có giá trị xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn như: Giày Rieker, Groz-Beckert, có đơn đặt hàng ít, hợp đồng chưa nhiều, nên giá trị xuất khẩu giảm[15]. Nhập khẩu tăng trên 36% so với cùng kỳ, giá trị 525 triệu USD. Nhập khẩu tăng cao trở lại nhằm đảm bảo cung cấp máy móc thiết bị và nguyên phụ liệu cho sản xuất, đây là dấu hiệu tích cực cho tình hình sản xuất công nghiệp trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên nhập khẩu tăng chủ yếu là linh kiện ô tô, điện tử tăng cao; riêng nhập khẩu phụ liệu da giầy, may mặc liên tục giảm trong những tháng gần đây, cùng với hợp đồng xuất khẩu chưa nhiều, nên dự kiến sẽ ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu mặt hàng này trong những tháng tiếp theo[16].

Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp hơn 6.500 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ[17]. Vụ Đông xuân 2015, mặc dù cuối vụ gặp mưa, gây thiệt hại ở một số diện tích, tuy nhiên không ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp, nhìn chung vẫn được mùa, năng suất lúa bình quân 55,3 tạ/ha[18]. Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc đã được kiểm soát. Đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định và có tăng so với cùng kỳ[19]. Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng hơn 50.700 tấn, tăng 5,8%; trong đó sản lượng khai thác thủy sản gần 42.600 tấn; sản lượng thủy sản nuôi trồng hơn 8.100 tấn. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng 372.000 m3, tăng hơn 6,6%.

Tuy mục tiêu tăng trưởng kinh tế có cao hơn so với cùng kỳ và xấp xỉ đạt mức tăng của kế hoạch đề ra, nhưng chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, xuất khẩu có xu hướng giảm, nhập khẩu các mặt hàng giải quyết lao động như dệt may, da giầy giảm, tình hình hạn hán, thiên tai diễn biến phức tạp, cùng với các khó khăn của mục tiêu ổn định phát triển kinh tế nêu trên, dự báo sẽ khó khăn cho giải quyết việc làm, sản xuất và kinh doanh của các ngành kinh tế trong những tháng cuối năm.

3. Văn hoá xã hội tiếp tục được quan tâm, tích cực triển khai các giải pháp về đảm bảo an sinh xã hội

Nhiều hoạt động văn hóa diễn ra trong 6 tháng đầu năm nhân sự kiện các ngày lễ lớn. Tổ chức trọng thể kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam, 40 năm ngày giải phóng quê hương và khánh thành Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều ngày lễ lớn khác. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, tìm hiểu kiến thức, phổ biến pháp luật diễn ra sôi nổi, thiết thực. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với việc xây dựng nông thôn mới.

Tổng kết năm học 2014-2015, chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào trường THPT chuyên; kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2015. Trong 6 tháng đầu năm đã hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị tiếp tục công nhận 37 trường đạt chuẩn quốc gia[20].Toàn tỉnh hiện có 395 trường đạt chuẩn, đạt tỷ lệ hơn 49%. Trong đó: Mầm non 107 trường, tỷ lệ hơn 44%; Tiểu học 182 trường, tỷ lệ hơn 68%; Trung học cơ sở 106 trường, tỷ lệ 49,5%; Trung học phổ thông có 06 trường đạt chuẩn, tỷ lệ gần 11%, đồng thời đã hoàn chỉnh hồ sơ trình phê duyệt thêm 06 trường đạt chuẩn, như vậy số trường Trung học phổ thông đạt chuẩn năm 2015 dự kiến 12 trường, tỷ lệ 22%, vượt chỉ tiêu đề ra[21].

Tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm theo kế hoạch; đã đưa 111 lao động làm việc theo hợp đồng tại nước ngoài. Hơn 2.000 người được trợ cấp thất nghiệp với số tiền trên 14 tỷ đồng. Tổng số lao động được tuyển sinh học nghề hơn 12.500 người, chủ yếu là sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng[22].

Kịp thời thực hiện chính sách người có công và an sinh xã hội. Phân bổ, chi tặng quà của Chủ tịch nước và của lãnh đạo tỉnh thăm Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015 cho hơn 214 ngàn trường hợp với tổng kinh phí hơn 60 tỷ đồng. Rà soát các trường hợp người có công thuộc diện được hỗ trợ nhà ở. Phân bổ chỉ tiêu điều dưỡng người có công với cách mạng năm 2015 với gần 27.400 lượt người. Tổ chức vận động phụng dưỡng 649 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống mới được phong tặng nhưng chưa được phụng dưỡng[23]. Xác nhận, thực hiện chế độ gần 10.000 trường hợp, thẩm định, di chuyển hồ sơ, giải quyết đơn thư công dân liên quan đến chính sách người có công, giới thiệu giám định, xác định danh tính liệt sỹ. Cấp sổ ưu đãi học sinh - sinh viên con gia đình chính sách hơn 1.800 trường hợp. Thực hiện chi trả trợ cấp đối với 91.000 trường hợp bảo trợ xã hội tại cộng đồng và trên 9.000 hộ gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trợ cấp xã hội với tổng kinh phí 175 tỷ đồng. Phân bổ kinh phí Trung ương và địa phương 23 tỷ đồng hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp 27 nghĩa trang liệt sĩ cấp xã, huyện năm 2015[24].

Công tác kiểm tra, giám sát, chủ động phòng ngừa các bệnh xã hội được duy trì thường xuyên, nhờ vậy, tình hình các loại dịch bệnh tương đối ổn định, khống chế tốt, không xảy ra loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nào. Đặc biệt, tổ chức các biện pháp phòng chống dịch bệnh gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông do virus Corona (Mers-Cov) theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ[25].

4. Phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, chương trình nông thôn mới tiếp tục thực hiện và đạt một số kết quả

Thực hiện tốt các chính sách về ưu đãi vốn vay phục vụ cho phát triển sản xuất, đồn điền đổi thửa, cơ giới hóa từ khâu sản xuất đến thu hoạch sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu thuyền khai thác, đánh bắt xa bờ. Tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, đồng thời động viên, khuyến khích ngư dân thường xuyên bám biển sản xuất. Thực hiện Nghị Định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh đã phân bổ chỉ tiêu cho 06 huyện, thị xã, thành phố đóng mới tàu thuyền[26]. Các ngân hàng thương mại đã tiếp cận 68 chủ tàu được UBND tỉnh phê duyệt phân bổ, ký kết 8 hợp đồng tín dụng cho vay với tổng giá trị cam kết gần 81 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 10 tỷ đồng, đồng thời đang tiếp tục hướng dẫn và hoàn tất hồ sơ để cho vay đối với các trường hợp đủ điều kiện. Hỗ trợ kinh phí bảo hiểm cho 61 tàu và gần 2.000 thuyền viên với tổng kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã huy động nhiều nguồn lực, với mục tiêu phấn đấu 20% xã hoàn thành vào năm 2015. Giai đoạn 2011-2015 ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh huy động hơn 700 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2015 đã cân đối hơn 260 tỷ đồng[27]; nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình dự án hơn 3.000 tỷ đồng; hơn 30% nguồn vốn tín dụng hàng năm cho vay phát triển nông nghiệp và nông thôn; đồng thời huy động đóng góp từ các doanh nghiệp và nhân dân. Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình, các tiêu chí ở các xã trên địa bàn tỉnh được tăng lên đáng kể, tuy nhiên vẫn còn thấp hơn so với bình quân chung cả nước[28]. Ngoài 10 xã đã được công nhận đạt chuẩn năm 2014, số nhóm các xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí hiện đang có 31 xã; từ 10 đến 14 tiêu chí có 35 xã; dưới 9 tiêu chí có 129 xã. Riêng năm 2015, phấn đấu có thêm khoảng 40 xã đạt chuẩn nông thôn. Như vậy toàn tỉnh dự kiến đến cuối năm 2015 dự kiến có khoảng 50/205 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ hơn 24%, dự kiến vượt chỉ tiêu đề ra (20%).

Năm 2015, kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo hơn 318 tỷ đồng, tăng hơn 16,5% so với năm 2014. Nguồn vốn này tập trung thực hiện các mục tiêu hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, chăm sóc bảo vệ rừng, hỗ trợ giáo dục đào tạo và dạy nghề tại các địa bàn nông thôn, miền núi, các xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển để phân bổ cho các công trình hạ tầng thiết yếu. Ngoài ra ngân sách tỉnh hỗ trợ 35 tỷ đồng cho 3 huyện nghèo (chương trình 30c) theo Nghị quyết HĐND tỉnh. Phân bổ ngân sách Trung ương hỗ trợ 3,5 tỷ đồng cho 243 hộ trong tổng số 3.563 hộ để thực hiện Đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt trên địa bàn tỉnh.

Đã hỗ trợ các địa phương 100 tỷ đồng từ nguồn vốn vay tín dụng, để thực hiện kiên cố hóa kênh mương, trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, hạ tầng làng nghề và gần 240 km đường giao thông nông thôn; cùng với ngân sách cấp huyện và đóng góp của nhân dân, tiếp tục thực hiện đề án phát triển giao thông nông thôn, phấn đấu hoàn thành đề án theo Nghị Quyết HĐND tỉnh đề ra, đường giao thông nông thôn được bê tông hóa từ hơn 2.760 km năm 2010, lên hơn 4.260 km dự kiến cuối năm 2015, trong tổng số hơn 6.410 km, nâng tỷ lệ từ 49% lên 66,5%. Với nhiều chương trình mục tiêu từ ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh, tập trung đầu tư, hỗ trợ cho khu vực khó khăn, nông thôn, miền núi nên kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đạt mục tiêu đề ra.

Tồn tại trong phát triển nông thôn, miền núi là vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới chưa được phát huy cao; nguồn vốn tuy đã được huy động nhưng còn thấp so với nhu cầu bức thiết về tiến độ hoàn thành các tiêu chí; một số cán bộ trực tiếp thực hiện chương trình cấp xã triển khai sai nội dung, phương án sản xuất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, dẫn đến một số sai phạm phải xác minh xử lý. Việc triển khai các nội dung thực hiện Nghị định 67 từ lúc phê duyệt danh sách chủ tàu đến vay vốn đóng tàu còn chậm, giải ngân thấp (hơn 10 tỷ đồng), phần lớn các chủ tàu vỏ thép đều có nhu cầu điều chỉnh thiết kế mẫu nên kéo dài thời gian thực hiện; tính toán đánh giá phương án vay chưa thống nhất giữa chủ tàu và ngân hàng; chưa có quy trình thẩm định cho vay chung giữa các ngân hàng; nhiều lúng túng trong hướng dẫn hồ sơ, thủ tục, xác định đối tượng đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu thuyền.

5. Quản lý tài nguyên môi trường được quan tâm, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư được tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt

Tập trung tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, trọng tâm là dự án mở rộng Quốc lộ 1A và dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Nam. Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cấp phép thăm dò khoáng sản; khai thác nguyên liệu phục vụ dự án đường cao tốc.

Thúc đẩy tiến độ một số dự án ODA về môi trường ở những vùng quan trọng, trước hết là xử lý nước thải, rác thải khu vực đô thị Tam Kỳ, Hội An; cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; khôi phục rừng và phát triển bền vững. Tổ chức đánh giá môi trường chiến lược theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và thực hiện thí điểm về đánh giá phát thải khí nhà kính theo kịch bản của quy hoạch. Triển khai dự án đánh giá tác động biến đổi khí hậu đến nguồn nước mặt lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.

Tình trạng phá rừng, khai thác rừng và vận chuyển trái phép lâm sản, khoáng sản từng bước được ngăn chặn. Các ngành chức năng và các địa phương triển khai phương án kiểm tra, truy quét các địa bàn trọng điểm về khai thác cát, sạn trái phép lòng sông Vu Gia - Thu Bồn; tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng tại các lưu vực hồ thủy điện nên diện tích rừng bị chặt phá trong 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm 2014.

Nhìn chung, qua 6 tháng đầu năm 2015, các ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, của HĐND về nhiệm vụ năm 2015 và đã đạt được những kết quả tích cực. Tập trung công tác bồi thường, tái định cư, bàn giao mặt bằng để xây dựng các dự án lớn. Tổ chức đẩy nhanh tiến độ thi công để khánh thành đưa vào sử dụng và khởi công một số công trình quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng. Giá cả, thị trường, chỉ số giá ổn định; Vụ Đông xuân nhìn chung được mùa, dịch bệnh được kiểm soát. Lãi suất cho vay có giảm và tiếp tục ổn định. Thu nội địa, thu xuất nhập khẩu tăng khá cao, nhiều khả năng hoàn thành và vượt dự toán sớm trong năm.


[1] Sáu tháng đầu năm 2014 Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng bình quân 4,3%; 6 tháng đầu năm 2015 tăng gần 0,7% so với tháng 12/2014 và tăng gần 1% so với cùng kỳ.

[2] Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2015 hơn 8,7% so với đầu năm; 6 tháng 2014 tín dụng tăng 6,3%.

[3] Tổng mức Cầu Giao thủy 823 tỷ đồng; Dệt – Nhộm Đông Quế Sơn 1.200 tỷ đồng

[4] Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng năm 2014 hơn 7.400 tỷ đồng.

[5] Cùng kỳ năm 2014, vốn ngân sách nhà nước tăng hơn 10%; ngoài nhà nước tăng 9%; FDI tăng 4,3%.

[6] Cấp phép 23 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn gần 724 tỷ đồng. Đã có 340 doanh nghiệp trong nước đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 1.400 tỷ đồng; thu hồi 230 giấy phép doanh nghiệp ngừng hoạt động; 32 doanh nghiệp giải thể, 34 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. So với cùng kỳ, số doanh nghiệp đăng ký mới tăng 6%, doanh nghiệp giải thể giảm 46%, doanh nghiệp dừng hoạt động giảm 80%. Cùng kỳ năm 2014 đăng ký mới 321 doanh nghiệp; giải thể 59 doanh nghiệp;dừng hoạt động 163 doanh nghiệp.

[7] Đã cấp đổi hơn 230/tổng số 560 doanh nghiệp tại thị xã Điện Bàn.

[8] Thu từ khu vực FDI 5 tháng 173 tỷ đồng, bằng 29% dự toán, giảm 13% so với cùng kỳ.

[9] GRDP tăng 11,46%, trong đó: Nông lâm thủ sản tăng 3,48%; Công nghiệp – Xây dựng tăng 13,56%; Dịch vụ tăng 12,25%.

[10] Cùng kỳ 6 tháng năm 2014 GRDP tăng 11%; Chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2015 là 11,5%.

[11] Tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 41,8% (+0,56% so với cùng kỳ); khu vực dịch vụ chiếm 42,49% (giảm 0,2%); khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 15,72% (giảm 0,35%).

[12] Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng năm 2014 tăng 15,5%.

[13] Khách du lịch 6 tháng đầu năm 2014 gần 1, 6 triệu lượt, tăng 5%.

[14] Mặt hàng xuất khẩu tăng như: Dệt may tăng 22%; sản phẩm từ giấy tăng 70%; mây tre tăng 9%; sản phẩm gỗ tăng 7%; linh kiện điện tăng 73%; hàng thủy sản tăng 1,6%.

[15] Xuất khẩu quặng và khoáng sản giảm 45% so với cùng kỳ; Giày Rieker giảm 27%; Groz-Beckert giảm 18,4%.

[16] Nhập khẩu linh kiện ô tô tăng 79%, linh kiện điện tử tăng 44%; phụ liệu giầy da, may mặc giảm17%.

[17] Nông nghiệp 4.372 tỷ đồng, tăng 3,1 %; lâm nghiệp 481 tỷ đồng, tăng 6,8%; thuỷ sản 1.656 tỷ đồng, tăng 5,5%.

[18] Do mưa lớn vào cuối tháng 3/2015, diện tích lúa bị thiệt hại trên 30% khoảng 3.500 ha nên sản lượng bình quân giảm 1,2 tạ/ha so với vụ Đông Xuân năm trước.

[19] Tổng đàn gia súc gần 736.000 con, tăng 4,2%; tổng đàn gia cầm hơn 5,1 triệu con.

[20] Đề nghị công nhận trường chuẩn quốc gia: 06 trường Mầm non, 17 trường Tiểu học, 04 trường Trung học cơ sở, 10 trường Trung học phổ thông.

[21] Tỷ lệ trường đạt chuẩn Nghị quyết Đại hội XXI đề ra: Mầm non 30%; Tiểu học 60%, Trung học cơ sở 40%; Trung học phổ thông 15%.

[22] Trung cấp nghề: 28 người, sơ cấp nghề: 4.089 người, dạy nghề dưới 3 tháng: 8.472 người.

[23] Toàn tỉnh có có 11.659 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 2.541 Mẹ được phong tặng; hiện còn sống 1.105 Mẹ. Đã có 456 Mẹ được các cơ quan đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng.

[24] Nâng cấp sửa chữa nghĩa trang: Trung ương hỗ trợ 17 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 6 tỷ đồng.

[25] Công điện số 790/CĐ-TTg ngày 03/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

[26] Chỉ tiêu số lượng đóng mới 92 tàu, gồm 83 tàu khai thác, 9 tàu dịch vụ hậu cần.

[27] Vốn Nông thôn mới 2015 gồm: 145 tỷ đồng Trái phiếu Chính phủ, 60 tỷ đồng ngân sách tỉnh; 40 tỷ đồng tăng thu, vượt thu, 16,5 tỷ đồng nguồn ngân sách hỗ trợ từ Trung ương.

[28] Bình quân chung, đến 4/2015, tiêu chí đạt của 205 xã là 8,8 tiêu chí/xã, tăng gần 4 tiêu chí/xã so với năm 2010; bình quân chung của cả nước 10,5 tiêu chí/xã.


Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam

    Tổng số lượt xem: 1828
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)