(MPI Portal) – Ngày 23/7/2015, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 244/TB – VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.
|
Ảnh: Internet
|
Qua 02 năm thực hiện Quyết định số 899/QĐ –TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, các bộ, ngành và địa phương đã rà soát, điều chỉnh 24 quy hoạch ngành, phân ngành cả nước và từng vùng; có 12 tỉnh đã xây dựng đề án hoặc kế hoạch thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp; công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, nhận thức của người dân, các cấp ủy đảng, chính quyền có chuyển biến tích cực và đã đạt được những kết quả cụ thể trong một số lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, cơ giới hóa nông nghiệp và tổ chức sản xuất.
Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu ngành được đẩy mạnh, trở thành phong trào lan rộng, có hiệu quả, làm thay đổi bộ mặt nông thôn (toàn vùng có 1.284 xã, bình quân đạt chuẩn 12,02 tiêu chí xã nông thôn mới).
Bên cạnh các thành tựu đạt được, việc triển khai thực hiện Đề án còn một số hạn chế, tồn tại như: Các đề án, kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ở các địa phương chưa chi tiết về giải pháp, lộ trình, phương án lồng ghép kết hợp các nguồn vốn; nhiều địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm, triển khai chậm, chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ; chưa có bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nên khó đánh giá địa phương nào làm tốt, chưa tốt; sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún. Hợp tác xã hoạt động hiệu quả chưa cao; liên kết nông dân – doanh nghiệp, hợp tác xã – doanh nghiệp chưa chặt chẽ; thị trường tiêu thụ không ổn định; triển khai thực hiện các chính sách chậm và còn nhiều bất cập, chưa đạt hiệu quả cao.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nông nghiệp trọng điểm, có lợi thế so sánh tốt nhất của cả nước; trong bối cảnh nước ta đã, đang và sẽ hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, đồng nghĩa với cạnh tranh ngày càng lớn và gay gắt hơn. Để tiếp tục phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và thực hiện Đề án tái cơ cấu, Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xác định đây là công việc quan trọng, lâu dài; rà soát, quy hoạch các vùng chuyên canh phát triển. Bên cạnh cơ chế chính sách chung, các địa phương cần ưu tiên bố trí vốn cho tái cơ cấu nông nghiệp; tuyên truyền vận động nông dân cho thuê đất, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất với doanh nghiệp để hợp tác liên kết sản xuất. Đẩy mạnh các ứng dụng khoa học công nghệ cao, đưa cơ giới hóa vào các lĩnh vực, khâu công đoạn để nâng cao năng suất, chất lượng.
Phó Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể đối với các bộ, ngành liên quan gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Ngân hành Nhà nước trong việc thực hiện thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long./.
File đính kèm: Thong_bao_244-_VPCP.pdf
Minh Trang
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư