Thời gian qua, thị trường bất động sản cả nước nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng chứng kiến sự đầu tư mạnh mẽ của các đối tác nước ngoài với hàng loạt chủ đầu tư, dự án trong nước được “bơm vốn” hoặc mua cổ phiếu. Điều đó đã góp phần làm cho thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh sôi động trở lại sau khoảng thời gian dài “ngủ Đông.”
Dự án căn hộ cao cấp The Sun Avenue, quận 2. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)
“Bơm” hàng trăm triệu USD
Ngày 26/7, Quỹ đầu tư Creed Group-Nhật Bản (tổng tài sản hơn 5 tỷ USD) công bố “rót” 200 triệu USD vào Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia (An Gia Investment) để mua cổ phần cũng như đầu tư dự án nhà ở nhằm cung cấp những sản phẩm đạt “chất lượng Nhật Bản” tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Có được nguồn vốn dồi dào này, ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc An Gia Investment, cho biết công ty sẽ phát triển, xây dựng và đưa ra thị trường khoảng 2.000 căn hộ trung cao cấp, để đến năm 2020 cung cấp 10.000 căn hộ cao cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Lợi thế đó cũng khiến An Gia tự tin đàm phán để mua lại 10 khu đất nằm ở các quận trung tâm, có vị trí đắc địa như quận 4, 2, 7 và Tân Bình.
Theo ông Toshihiko Muneyoshi, Chủ tịch Quỹ đầu tư Creed Group, 200 triệu USD chỉ là bước khởi đầu trong hợp tác, nếu thị trường bất động sản Việt Nam phát triển tốt, Creed Group “bơm” tiếp hàng trăm triệu USD.
Trước đó, Creed Group cũng đầu tư 70 triệu USD vào dự án City Gate (quận 8) của Công ty cổ phần đầu tư 577. Lý giải về việc đầu tư này, ông Toshihiko Muneyoshi cho biết từ năm 2011, Creed Group đã chuyển hướng sang đầu tư ở châu Á với khoảng 5.000 căn hộ trị giá hơn 300 triệu USD.
Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhận thấy thị trường phát triển, Creed Group đã lập văn phòng năm 2014 và sau một năm tìm hiểu đã quyết định đầu tư tại đây. Mặt khác, Việt Nam có dân số đông, trẻ, nhu cầu nhà ở cao, nền kinh tế phát triển năng động. Chính phủ đang "phá bỏ" các rào cản để hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế. Đặc biệt, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản cho phép người nước ngoài mua, sở hữu và cho thuê nhà đã khiến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam gia tăng, qua đó giúp ngành bất động sản mạnh lên.
Trước đó, cũng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Quỹ đầu tư Tập đoàn Global Emerging Market (GEM) của Hoa Kỳ đã rót vào Công ty cổ phần địa ốc Hoàng Quân 20 triệu USD bằng việc mua cổ phiếu trên sàn trong vòng 30 tháng.
Trong khi đó, Tập đoàn bất động sản Novaland được VinaCapital đầu tư 15 triệu USD mua 45 triệu cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi.
Tiếp đến, Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) cũng vừa đón một số quỹ đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu về các dự án doanh nghiệp đang triển khai.
Tháng 6/2015, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty trách nhiệm hữu hạn liên doanh Empire City thực hiện dự án khu phức hợp tháp quan sát trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm với số vốn đăng ký 1,2 tỷ USD. Dự án bao gồm trung tâm thương mại cao cấp, khách sạn 5 sao, văn phòng làm việc, căn hộ và căn hộ dịch vụ, bãi xe ngầm theo tiêu chuẩn quốc tế; trong đó có một tòa nhà đa chức năng cao 86 tầng.
Liên quan đến dự án bất động sản trọng điểm này, theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, sáu tháng đầu năm 2015 đã có 30 lượt nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu về quy hoạch và cơ hội hợp tác, đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho hay từ đầu năm đến ngày 15/7, đã có 284 dự án có vốn đầu tư FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn 2,02 tỷ USD (chưa tính 450 triệu USD vốn điều chỉnh thêm); trong đó lĩnh vực bất động sản chiếm đến 1,3 tỷ USD (65%).
Đón đầu cơ hội
Tại hội thảo “Bất động sản Việt Nam - Cơ hội vươn ra thế giới” do website batdongsan.com.vn và Tập đoàn Propety Guru (Singapore) tổ chức mới đây tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Anson Tay - Giám đốc mảng thị trường quốc tế của Propnex International - cho biết Singapore đang tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Việt Nam vì giá bất động sản thấp hơn nhiều so với Singapore nhưng tỷ suất lợi nhuận lại cao hơn.
Tại Singapore, người dân phải trả thêm 5% giá trị căn hộ cho lần sở hữu thứ 2 và 7% cho lần thứ 3, còn người nước ngoài muốn sở hữu nhà phải trả mức thuế cao hơn. Đơn cử như tại trung tâm Singapore, một căn hộ 45m2 gồm hai phòng ngủ có giá 1 triệu USD thì tại trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh chỉ từ 3-5 tỷ đồng.
Với việc gia tăng số lượng người sở hữu trên 1 triệu USD, hiện đã có gần 3 tỷ USD mà người dân Singapore mang ra khỏi lãnh thổ để đầu tư tại Australia, Anh, Malaysia, Thái Lan, Campuchia. Riêng tại Campuchia, đã có 1.700 căn hộ do người dân Singapore đầu tư và đã bán được 95%. Trong khi đó Việt Nam có nhiều lợi thế, tiềm năng hơn Campuchia; nhất là chính sách nhà ở mới đây trở nên thông thoáng, cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà hoặc cho thuê lại bất động sản.
Còn theo ông Lewis Ng, Giám đốc điều hành Propety Guru, hiện tại Singapore không còn là thị trường bất động sản hấp dẫn, tỷ suất lợi nhuận giảm 30-50% so với trước. Trong bối cảnh đó, Việt Nam với luật mới về nhà ở, kinh doanh bất động sản cũng như sự tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế, đang là điểm đến của giới đầu tư Singapore. Vì thế thị trường mới nổi Việt Nam cần có những bước đón đầu nhà đầu tư ngoại. Muốn vậy, Việt Nam cần khai mở thông tin ra thế giới thông qua các chi nhánh, văn phòng, đại sứ quán.
Theo bà Võ Thị Phương Mai, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Công ty Cushman & Wakefiled Việt Nam, xu hướng đầu tư của doanh nghiệp FDI vào Việt Nam là tìm kiếm các dự án đang hoạt động có dòng tiền ổn định, chủ yếu thuộc phân khúc trung và cao cấp, tại khu vực trung tâm, nghỉ dưỡng ven biển và có đầy đủ cơ sở pháp lý, hoàn tất giải phóng mặt bằng.
Dưới góc độ quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng Luật Kinh doanh bất động sản đã thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam - hình thức xuất khẩu nhập khẩu bất động sản tại chỗ. Đặc biệt, những năm tới, nhu cầu nhà ở đô thị tại Việt Nam rất lớn, mỗi năm Việt Nam cần phát triển thêm 35 triệu m2 nhà ở đô thị để đạt 29 m2/người vào năm 2020.
Cùng với đó, nhu cầu cho thuê văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại tăng nhanh, nhất là hạng A, hạng B, căn hộ cao cấp cũng như nhu cầu phát triển các khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Điều này khiến tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp bất động sản trong và ngoài nước trở nên khả quan hơn.
Giám đốc Đầu tư Công ty Savills Việt Nam Sử Ngọc Khương cũng cho rằng nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đang tăng cường rót vốn vào thị trường Thành phố Hồ Chí Minh dưới những hình thức đa dạng; trong đó có việc đầu tư vào các công ty niêm yết và chưa niêm yết, “bơm vốn” trực tiếp vào các dự án đang triển khai xây dựng.
Ngoài ra, dòng vốn FDI còn tham gia đầu tư dưới hình thức cho vay “vốn trung gian” với các khoản vay có khả năng chuyển đổi thành vốn cổ phần trong tương lai. Hình thức này có những điều khoản linh hoạt hơn vốn vay ngân hàng, chi phí thấp hơn vốn chủ sở hữu.
Về khả năng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, ông Sử Ngọc Khương cho rằng cả hai đều có những thế mạnh riêng biệt; nếu nhà đầu tư nội địa hiểu biết chính sách, thị trường thì chính họ cũng có điểm yếu về vốn, kỹ thuật, nguồn khách hàng quốc tế trong khi đấy lại là thế mạnh của doanh nghiệp FDI. Vì lẽ đó, doanh nghiệp nội địa cần chủ động bổ sung, khắc phục hạn chế để tăng sức cạnh tranh trên thị trường thay vì đi so sánh hoặc đối kháng. Việc mua bán sáp nhập (M&A) có thể là một trong nhiều lựa chọn hiệu quả để tăng vốn, tăng sức mạnh đầu tư./.
Trần Xuân Tình
TTXVN/Vietnam+