Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 11/08/2015-08:42:00 AM
Hội thảo tham vấn dự thảo báo cáo Quốc gia thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ 2015 (Xem tin ảnh)
(MPI Portal) – Ngày 07/8/2015, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Báo cáo Quốc gia thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) 2015.

Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương; Điều phối viên thường trú của Liên Hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam Pratibha Mehta cùng đại diện một số bộ, ngành, địa phương, tổ chức của LHQ, cơ quan đại diện đối tác phát triển của Việt Nam, tổ chức Phi Chính phủ và các Viện Nghiên cứu.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết, từ năm 2001 đến năm 2015, Việt Nam đã thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001-2010) và 3 Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Việt Nam đã trải qua những dấu mốc quan trọng cũng như vượt qua không ít khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội để khẳng định quyết tâm thực hiện thành công các Mục tiêu MDG. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, điển hình là gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 cùng với việc mở rộng các quan hệ thương mại, đầu tư cho phát triển sản xuất trong nước và hoạt động xuất nhập khẩu tạo động lực để xóa đói giảm nghèo và phát triển xã hội.

Trên nền tảng quan điểm tăng trưởng kinh tế là điều kiện cần và đủ để phát triển xã hội, xóa đói giảm nghèo, Việt Nam đã thu được nhiều thành quả trong việc thực hiện các Mục tiêu MDG. Cụ thể, trong lĩnh vực giảm nghèo, Việt Nam tiếp tục duy trì thành tựu giảm nghèo đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Tỷ lệ nghèo đã giảm mạnh, từ 58,1% năm 1993 xuống 8,4% theo chuẩn quốc gia. Thành công trong giảm nghèo ở Việt Nam là kết quả của tăng trưởng kinh tế nhanh cùng với nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong việc luôn đặt giảm nghèo là một mục tiêu hàng đầu của quốc gia.

Về phổ cập giáo dục tiểu học, Việt Nam đã sớm hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học theo chuẩn quốc gia. Cùng với việc đạt mục tiêu về phổ cập giáo dục tiểu học, Việt Nam đang nỗ lực hướng tới việc phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở đúng độ tuổi. Về tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ, Việt Nam tiếp tục củng cố những thành tựu đã đạt được, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, việc làm và các hoạt động chính trị. Bất bình đẳng về giới trong tiếp cận giáo dục tiểu học đã được xóa bỏ; bình đẳng giới về việc làm đã đạt được bước tiến rõ rệt. Việt Nam hiện là một trong 5 nước đang phát triển có tỷ lệ nữ giới trong Quốc hội cao nhất châu Á.

Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)

Vấn đề đảm bảo bền vững về môi trường, với nhận thức về khả năng phục hồi của môi trường là yếu tố quan trọng của phát triển bền vững, Việt Nam đã tăng cường lồng ghép các nguyên tắc bền vững vào các chính sách và chương trình quốc gia, cũng như thể hiện vai trò tích cực đối với các nỗ lực của cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể như cải thiện tiếp cận với nước sạch đáp ứng nhu cầu của phần đông dân số và các nhóm yếu thế.

Trong quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Những năm qua quá trình tự do hóa thương mại sâu rộng, phản ánh rõ mức độ hội nhập kinh tế sâu sắc hơn của Việt Nam. Nhờ có tự do thương mại, hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam tăng nhanh chóng, mặc dù vẫn còn tồn tại như tăng thâm hụt thương mại, các hàng rào phi thuế quan tạo ra bởi thị trường quốc tế.

Những thành công của Việt Nam được đúc kết của nhiều nhân tố. Bài học kinh nghiệm sau gần 15 năm thực hiện cho thấy Việt Nam có những cam kết mạnh mẽ và nỗ lực vượt bậc trong việc thực hiện các Mục tiêu MDG; huy động sự tham gia chủ động và tích cực của các cấp chính quyền, sự đoàn kết và ủng hộ của người dân đối với những chủ trương và chính sách phát triển của Nhà nước; cuối cùng là sự hợp tác chặt chẽ và linh hoạt của các đối tác phát triển quốc tế đa phương và song phương, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, mà nổi bật là các tổ chức của LHQ.

Năm 2015 là thời điểm kết thúc thực hiện các Mục tiêu MDG. LHQ và các quốc gia trên thế giới đã có nhiều nỗ lực, phối hợp để xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015, hình thành nên bộ các mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Việt Nam đã chủ động và tích cực phối hợp với các tổ chức của Liên hợp quốc trong các sự kiện thảo luận và xây dựng định hướng cho Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 trên quan điểm phát huy những kết quả đạt được của quá trình thực hiện các Mục tiêu MDG, đồng thời xây dựng một chương trình phát triển mang tính tổng hợp và phù hợp với điều kiện cụ thể của các quốc gia, tập trung vào các giải pháp thực hiện.

Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của LHQ phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)

Phát biểu tại Hội thảo, bà Pratibha Mehta đánh giá cao những thành tựu đáng kể của Việt Nam trong thực hiện MDG và được cộng đồng quốc tế công nhận. Việt Nam đã đạt được thành công lớn trong việc hoàn thành các mục tiêu MDG1, MDG2, MDG3, và MDG5 về các lĩnh vực giảm nghèo, giáo dục, bình đẳng giới và sức khỏe bà mẹ. Những kết quả rõ rệt cũng đạt được đối với MDG4 về giảm tử vong trẻ em. Với vai trò điều phối của Bộ Kế hoạch và Đầu tư không chỉ giúp Việt Nam giảm nghèo và cải thiện tình trạng y tế, giáo dục cơ bản mà còn xây dựng năng lực quốc gia và địa phương cũng như kinh nghiệm quý giá.

Các đại biểu tại Hội thảo được nghe phần trình bày của ông Trần Quốc Phương, Phó Vụ trưởng, Vụ Lao động văn hóa và xã hội giới thiệu dự thảo Báo cáo Quốc gia thực hiện các Mục tiêu MDG 2015. Dự thảo gồm 4 chương: bối cảnh kinh tế - xã hội giai đoạn 2001-2015; kết quả thực hiện các mục tiêu MDG của Việt Nam (gồm 08 mục tiêu MDG); bài học kinh nghiệm từ thực hiện MDG và hậu MDG - thách thức và triển vọng.

Báo cáo MDG 2015 ra đời tại thời điểm quan trọng và được kỳ vọng sẽ cung cấp thông tin giúp xác định những ưu tiên phát triển cũng như giải pháp giúp hoàn thành chương trình MDG còn dở dang, đồng thời giúp thực hiện các mục tiêu SDGs sẽ được thông qua chính thức tại Đại hội đồng LHQ (UNGA) tháng 9 năm nay. Báo cáo có vai trò quan trọng trong cung cấp thông tin định hướng cho xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới.

Tại Hội thảo, các đại biểu trong nước và các đối tác quốc tế đã đóng góp những ý kiến hữu ích nhằm hoàn thiện dự thảo Báo cáo. Đây sẽ là tài liệu quan trọng phục vụ tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ được tổ chức vào tháng 9 này, thể hiện thành quả của quốc gia trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam với LHQ./.

Mai Phương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3880
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)