Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố đang theo dõi 15 dự án sử dụng vốn ODA thực hiện với tổng vốn đầu tư gần 110.000 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 93.000 tỷ đồng.
|
Lắp đặt dầm cầu đầu tiên của dự án xây dựng đường sắt đô thị số 1-Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)
|
Trong 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn ODA của các dự án đạt 44% kế hoạch vốn được giao; trong đó ngành hạ tầng đạt 43,5%, ngành môi trường là 58,3%.
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân tốc độ giải ngân còn thấp là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, di dời các công trình tiện ích gặp nhiều khó khăn.
Việc thi công một số gói thầu gặp khó do phân luồng giao thông, phải xử lý các công trình ngầm. Bên cạnh đó, một số dự án phải điều chỉnh thiết kế phù hợp với tình hình thực tế cũng như xử lý một số tình huống trong đấu thầu.
Đơn cử, dự án cải thiện môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh lưu vực kênh Tàu Hủ-Bến Nghé-Đôi-Tẻ (giai đoạn 2) giải ngân được 10% vốn ODA so với Hiệp định vay đã ký. Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) giải ngân được 49%, dự án tuyến số 2 (Bến Thành-Tham Lương) giải ngân được 6%; trong khi đó, tiểu dự án nâng cấp đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đã giải ngân được 97,3% so với hiệp định vay đã ký.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA cho các dự án, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ xây dựng tiến độ thực hiện dự án cụ thể cho từng hạng mục chủ yếu và cơ chế phối hợp giữa các đơn vị có liên quan, nhất là khâu đền bù, giải phóng mặt bằng; chỉ đạo chủ dự án và ban quản lý dự án ODA nghiên cứu ban hành quy định nội bộ về những biện pháp phòng, chống tham nhũng.
Ngoài ra, thành phố kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tăng cường công tác tập huấn quy định về quản lý ODA, đặc biệt là các văn bản quy định mới (Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu,...); sớm nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ phù hợp với Luật Đầu tư công.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ thành phố trong việc vận động nguồn ODA tài trợ cho các dự án ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng, giao thông, môi trường có quy mô lớn như dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị, nhà ga trung tâm Bến Thành, nhà máy xử lý nước thải và dự án quản lý rủi ro ngập nước./.
Trần Xuân Tình
TTXVN/Vietnam+