Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thừa nhận “không tránh khỏi sự lúng túng” trong tháng đầu tiên triển khai Luật Doanh nghiệp mới, doanh nghiệp vẫn gặp một số vướng mắc cơ bản, trong khi cơ quan quản lý cũng chịu không ít sức ép.
|
Bà Trần Thị Hồng Minh
|
Trao đổi với Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia, bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết: Trong tháng đầu tiên thực hiện Luật Doanh nghiệp 2014 (tính từ 01/7 đến 30/7/2015), số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã tăng cao so với cùng kỳ.
Số liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy có 7.662 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trên 43,8 nghìn tỷ đồng, tăng 66,2% về số doanh nghiệp và tăng 49,4% về số vốn so với cùng kỳ 2014. So cùng thời điểm của tháng trước (từ ngày 01-30/6/2015), số doanh nghiệp thành lập mới tăng 15,7%.
“Như vậy, tình hình đăng ký doanh nghiệp của cả nước trong 4 tuần đầu thi hành Luật Doanh nghiệp 2014 tiếp tục duy trì được tốc độ tăng về số doanh nghiệp thành lập và số vốn đăng ký. Tất nhiên, tốc độ tăng này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô, kỳ vọng của cộng đồng, đồng thời cần sự đánh giá “dài hơi” hơn thế để nhìn nhận tính hiệu quả của Luật. Nhưng với những số liệu khả quan như trên, có thể thấy rằng Luật đang được cộng đồng đón nhận và có ý nghĩa tích cực lên môi trường kinh doanh”, bà Trần Thị Hồng Minh nhận định.
Dưới tác động của Luật Doanh nghiệp mới, cộng đồng và doanh nghiệp đã có những thuận lợi cụ thể gì?
Bà Trần Thị Hồng Minh: Một số thuận lợi mà cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD) ghi nhận được đó là: Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp đã giảm hơn; doanh nghiệp được chủ động quyết định về con dấu; số lượng giấy tờ cần nộp được cắt giảm hơn; đơn giản hóa việc xem xét hồ sơ của doanh nghiệp do không còn yêu cầu chứng chỉ hành nghề, vốn pháp định.
Doanh nghiệp cũng thuận lợi hơn khi con dấu được công bố trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp chỉ với thủ tục thông báo mẫu dấu đơn giản. Trước đây doanh nghiệp sẽ phải đăng ký mẫu dấu và lấy Giấy Chứng nhận mẫu dấu từ cơ quan công an. Nay, doanh nghiệp được hoàn toàn tự quyết hình thức, nội dung con dấu và có thể chủ động khắc dấu. Trước khi sử dụng, doanh nghiệp chỉ cần gửi thông báo mẫu dấu cho cơ quan ĐKKD. Việc đăng tải công khai mẫu con dấu của doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp giúp cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội có thông tin đầy đủ, chính xác, cập nhật về thông tin đăng ký doanh nghiệp nói chung và thông tin về mẫu con dấu của doanh nghiệp nói riêng.
Bên cạnh những thuận lợi, chắc chắn vẫn còn những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải khi tham gia vào thị trường, đặc biệt là khi Nghị định hướng dẫn Luật chưa được ban hành. Trong 1 tháng đầu triển khai, đó là những khó khăn gì thưa bà?
Bà Trần Thị Hồng Minh: Cùng với những thuận lợi kể trên, doanh nghiệp vẫn còn gặp phải một số những vướng mắc cơ bản như: trong tuần đầu tiên thực hiện Luật Doanh nghiệp, một số doanh nghiệp mới gặp khó khăn khi làm con dấu do nhiều cơ sở khắc dấu từ chối khắc dấu cho doanh nghiệp; nhiều doanh nghiệp khi nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vẫn yêu cầu cơ quan ĐKKD in bổ sung những nội dung đã không còn được ghi trên giấy chứng nhận như ngành, nghề kinh doanh; danh sách cổ đông sáng lập. Tuy nhiên, đến nay những khó khăn này cơ bản đã được hướng dẫn giải quyết.
Nhìn chung trong tháng đầu tiên triển khai Luật Doanh nghiệp mới, không tránh khỏi sự lúng túng, chưa sẵn sàng của một bộ phận doanh nghiệp khi tiếp cận với các quy định mới của Luật. Đây là điều là hoàn toàn có thể dự đoán được, đặc biệt là khi Chính phủ chưa ban hành Nghị định hướng dẫn Luật. Hiện nay, các cơ quan ĐKKD địa phương vẫn đang thực hiện nghiệp vụ theo hướng dẫn tại Công văn 4211/BKHĐT-ĐKKD ngày 26/6/2015 và vẫn chủ động trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, việc triển khai Luật Doanh nghiệp có gặp khó khăn gì đáng kể? Nhiều địa phương phản ánh bị quá tải trong những ngày đầu triển khai?
Bà Trần Thị Hồng Minh: Mặc dù đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, nhưng thực tế triển khai Luật Doanh nghiệp những tuần đầu tiên cho thấy nhiều địa phương phải chịu sức ép quá tải trong giải quyết hồ sơ, thủ tục cho doanh nghiệp. Thực tế này có nhiều lý do.
Thứ nhất là do sức ép về thời gian giải quyết thủ tục. Hiện nay thời gian cấp đăng ký doanh nghiệp đã giảm xuống còn 03 ngày theo quy định tại Luật, trong khi số lượng doanh nghiệp lại tăng lên đáng kể trong tháng 7/2015. Bên cạnh đó, một số quy định mới như thông báo mẫu dấu cũng làm khối lượng công việc tăng cao, trong khi số lượng cán bộ ĐKKD không thay đổi.
Thứ hai là mã số doanh nghiệp chưa được cơ quan thuế cấp tự động cũng ảnh hưởng đến thời gian thực hiện đăng ký doanh nghiệp, tạo áp lực không nhỏ đến các cán bộ ĐKKD. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn quán triệt anh em làm ĐKKD là dù khó khăn vẫn phải cố gắng, làm tăng ca, thêm giờ để trả kết quả, hồ sơ đúng hẹn cho doanh nghiệp.
Thứ ba là phần lớn doanh nghiệp chưa thực sự chủ động trong việc tìm hiểu các thông tin thay đổi, hoặc chưa hiểu đúng, hiểu rõ tinh thần cải cách của Luật nên việc chuẩn bị hồ sơ còn thiếu sót. Đây là hạn chế lớn khiến cho việc hướng dẫn của cơ quan đăng ký kinh doanh mất thêm nhiều thời gian.
Nhìn chung, thời gian đầu triển khai Luật là tương đối thách thức đối với anh em làm ĐKKD. Qua tiếp xúc và ghi nhận phản ánh từ doanh nghiệp cũng như từ cơ quan ĐKKD địa phương, chúng tôi thấy vẫn cần phải cố gắng cải tiến nhiều hơn nữa để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Về mặt kỹ thuật, chúng tôi cũng sẽ tập trung sửa đổi quy trình ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo xử lý hồ sơ được thân thiện cho người dùng; khắc phục kịp thời các sự cố về đường truyền mạng để đẩy nhanh tốc độ xử lý hồ sơ. Có thể nói trong những ngày qua, dù hết sức bận rộn và chịu nhiều sức ép, nhưng cơ quan ĐKKD cũng đã hết sức nỗ lực, cầu thị và không ngừng hoàn thiện chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật để đáp ứng tốt hơn kỳ vọng của cộng đồng.
Cơ quan quản lý nhà nước sẽ có những biện pháp gì để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong thời gian tới? Đồng thời, theo bà cần có những biện pháp gì để phát huy tinh thần cải cách của Luật trong thực tiễn đời sống?
Bà Trần Thị Hồng Minh: Cần nhìn nhận khách quan rằng, việc triển khai thực hiện Luật trên phạm vi rộng bao giờ cũng cần thời gian để thích ứng cho cả cộng đồng lẫn cơ quan quản lý nhà nước. Đối với Luật Doanh nghiệp 2014, không tránh khỏi việc doanh nghiệp lúng túng chưa quen với tinh thần cải cách của Luật. Phần lớn các doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị để thay đổi cách thức, phương thức tiến hành hoạt động kinh doanh phù hợp. Một hạn chế khác của doanh nghiệp trong nước là việc thiếu chủ động trong tìm hiểu, khai thác thông tin từ những nguồn dữ liệu tin cậy như Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (địa chỉ: https://congthongtin.dkkd.gov.vn/).
Đối với cơ quan quản lý nhà nước, tôi cho rằng Luật Doanh nghiệp 2014 chỉ thực sự phát huy được hiệu quả khi tất cả các cơ quan quản lý liên quan cũng hiểu rõ, hiểu đúng nội dung của Luật và chủ động thay đổi phương thức, cách thức quản lý nhà nước để hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện đúng những quyền và nghĩa vụ của mình, nâng cao lòng tin của doanh nghiệp vào tinh thần cải cách của Luật. Do đó, việc triển khai Luật như thế nào phụ thuộc rất lớn vào sự sẵn sàng, chủ động áp dụng của cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong thời gian tới.
Với những vấn đề nêu trên, Bộ KHĐT đã có báo cáo Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật tháng 7, trong đó đề nghị Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về việc triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Bộ KHĐT kiến nghị Chính phủ cần đẩy nhanh việc ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật trong tháng 8/2015. Đồng thời, Bộ KHĐT sẽ tăng cường phổ biến, tuyên truyền, tập huấn Luật tới mọi đối tượng liên quan để nâng cao nhận thức, hiểu biết về Luật. Bên cạnh đó, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo thực hiện việc theo dõi, rà soát, hướng dẫn và đánh giá việc thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Bộ KHĐT cũng kiến nghị Chính phủ xem xét thành lập Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư với thành phần gồm đại diện Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Bộ KHĐT, Bộ Tư pháp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Xin trân trọng cám ơn bà!
Thành Đạt
Cổng thông tin điện tử Chính phủ