Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Xuân Việt khẳng định, sau bốn năm, triển khai thực hiện ba chương trình, năm đề án phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn về nuôi trồng thủy sản, lúa hàng hóa chất lượng cao, hoa cây cảnh, rau an toàn, chăn nuôi, chè và cơ giới hóa bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, năng suất và chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.
|
Sản xuất rau an toàn tại Hoàng Mai. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
|
Phát biểu tại hội nghị Tổng kết bốn năm thực hiện các chương trình, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp của Hà Nội được tổ chức ngày 18/8, ông Trần Xuân Việt cho biết một số vùng chuyên canh, quy mô lớn về nuôi trồng thủy sản đã hình thành tập trung tại các huyện Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thanh Trì, Chương Mỹ, Thường Tín, Thanh Oai... với trên 9.600ha diện tích mặt nước có khả năng nuôi thâm canh.
Đến nay, sản lượng thủy sản các huyện Ba Vì đạt trên 8.000 tấn/năm, Phú Xuyên 7.000 tấn/năm, Ứng Hòa là 16.000 tấn/năm, tăng 250-300% so với năm 2009, chiếm trên 40% tổng sản lượng thủy sản thành phố. Bên cạnh đó, quy mô nuôi thủy sản đặc sản giá trị kinh tế cao được mở rộng và đa dạng về các loài như trắm đen, cá lăng, trắm giòn, chép giòn..
Hà Nội hiện đã hình thành và phát triển 69 xã chăn nuôi trọng điểm và 3.232 trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Hàng năm, các xã trọng điểm và trang trại chăn nuôi quy mô lớn cung cấp cho thị trường 160.000 tấn thịt hơi, 610 triệu quả trứng, 35 triệu gia cầm, thủy cầm...
Sản xuất rau an toàn mang lại hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái. Giá rau ở các vùng sản xuất rau an toàn cao hơn so với vùng rau thông thường 10-20%. Rau an toàn được tiêu thụ ổn định đem lại thu nhập cao gấp nhiều lần so trồng lúa, ngô và một số cây ngắn ngày khác.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tế các chương trình, đề án, những tồn tại, hạn chế đã bộc lộ. Cụ thể, việc xây dựng chương trình thực hiện trước khi Luật Thủ đô và Quy hoạch thủy sản được phê duyệt nên còn nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nằm xen khẽ trong khu dân cư. Trình độ nông dân không đồng đều, e dè khi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Việc sản xuất còn nhỏ lẻ manh mún, thiếu cán bộ kỹ thuật chuyên sâu, thông tin tuyên truyền về các dự án. Công tác quản lý, xây dựng vùng nuôi trồng còn ít, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia vào đầu tư phát triển nông nghiệp quy mô lớn, thủ tục pháp lý về đất đai còn bất cập.
Trước thực tế này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Xuân Việt yêu cầu, các huyện, thị xã và hợp tác xã cần thực hiện tốt nội dung, phương pháp trong quá trình xây dựng dự án phát triển sản xuất nông nghiệp; xây dựng mô hình. Cán bộ chỉ đạo chương trình, dự án phải có chuyên môn sâu về kỹ thuật, quy hoạch sản xuất, chính sách hỗ trợ của nhà nước, có khả năng thẩm định các phương án sản xuất...
Cán bộ được giao làm dự án phải có trách nhiệm thông báo cho người dân biết nội dung dự án, kế hoạch, chính sách hỗ trợ của nhà nước, xác định điều kiện, trách nhiệm của hộ nông dân khi tham gia dự án, tổ chức thăm quan mô hình, giúp các hộ dân tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng... Đặc biệt, cán bộ kỹ thuật không sử dụng chính sách hỗ trợ làm phương tiện để xây dựng mô hình triển khai dự án. Hộ nông dân không lấy việc hỗ trợ nhà nước qua chính sách làm mục tiêu xây dựng mô hình và thực hiện dự án./.