Ảnh minh họa Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy nhiều doanh nghiệp, công chức và thậm chí cả một số Bộ vẫn còn chưa nhận thức được rõ ràng và đầy đủ những nội dung cải cách trong 2 luật mới về kinh doanh …
Bộ KHĐT vừa có báo cáo chính thức về tình hình sau tháng đầu tiên triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư từ 1/7/2015. Mọi việc diễn ra khá suôn sẻ, song Bộ KHĐT cũng ghi nhận đã phát sinh nhiều vướng mắc.
Nhiều Bộ vẫn ban hành điều kiện kinh doanh
Về Luật Đầu tư, do có sự thay đổi cơ bản về quy trình, thủ tục thực hiện dự án đầu tư nên trong tuần đầu tiên, cơ quan đăng ký đầu tư còn trì hoãn xử lý hồ sơ dự án đầu tư đã tiếp nhận trước ngày 1/7/2015 và lúng túng trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án thuộc ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện, việc xác định các điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài gặp phải một số vướng mắc chủ yếu, chủ yếu do các tiếp cận khác nhau trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Ví dụ, hiệp định đầu tư song phương với Nhật Bản không hạn chế đầu tư của Nhật trong ngành giáo dục, nhưng theo cam kết của Việt Nam trong WTO, nhà đầu tư nước ngoài lại bị hạn chế trong ngành này.
Quy trình rà soát cũng cho thấy trong số 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, có 16 ngành nghề vẫn chưa có quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh. Ngoài ra, một số Bộ vẫn đang tiếp tục soạn thảo, ban hành các thông tư có quy định về điều kiện kinh doanh không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư về thẩm quyền ban hành.
Việc triển khai Luật Đầu tư cũng gặp khó khăn do sự không thống nhất giữa các quy định của Luật này với các luật khác. Chẳng hạn, Luật Bảo vệ môi trường yêu cầu phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư là không khả thi, dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư nếu dự án không được chấp thuận.
Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp đã bãi bỏ quy định về việc ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số quy định tại luật chuyên ngành lại chưa thay đổi kịp thời. Chẳng hạn, quy định hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh phải có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ghi ngành nghề kinh doanh đó.
Trong tuần đầu tiên thực hiện Luật Doanh nghiệp, một số doanh nghiệp mới thành lập đã gặp khó khăn khi làm con dấu do nhiều cơ sở khắc dấu từ chối khắc dấu cho doanh nghiệp. Thủ tục trả lại con dấu cũ cho cơ quan công an thường kéo dài hàng tuần nên đã gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc làm con dấu mới. Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã thành lập trước ngày 1/7/2015 chưa thể làm dấu mới do chưa có mã số doanh nghiệp.
Mã số doanh nghiệp chưa được cơ quan thuế cấp tự động cũng ảnh hưởng đến thời gian thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
Cán bộ “phòng vệ”, doanh nghiệp “phòng thủ”
Về nguyên nhân, ngoài việc các Nghị định hướng dẫn 2 luật chưa được ban hành, Bộ KHĐT cho biết một số cán bộ, công chức còn chưa nhận thức đầy đủ những nội dung đổi mới, cải cách của luật hoặc không chủ động thực hiện những cải cách này mà thụ động chờ hướng dẫn. Một số thay đổi về kỹ thuật đã gây lúng túng, tăng thao tác và thời gian xử lý cho cán bộ quản lý.
Cũng theo Bộ KHĐT, cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn chịu áp lực không hợp lý nhưng rất lớn là thường bị quy trách nhiệm nếu có doanh nghiệp vi phạm pháp luật. Áp lực này dẫn đến tâm lý phòng vệ, từ chối giải quyết thủ tục thay vì hỗ trợ doanh nghiệp.
Ngược lại, một số doanh nghiệp cũng chưa nhận thức được rõ ràng và đầy đủ những nội dung cải cách. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp còn lúng túng với quy định được làm tất cả những gì mà luật không cấm, do đã quen với môi trường chỉ làm được những gì luật cho phép.
Một số doanh nghiệp thể hiện tâm lý phòng thủ và lo lắng có thể bị gây khó khăn nếu cơ quan nhà nước không hiểu rõ, hiểu đúng nội dung cải cách của luật. Thực tế trong những tuần đầu thực hiện luật, một số doanh nghiệp vẫn yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh xác nhận những thông tin không còn được ghi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (như ngành nghề kinh doanh, danh sách cổ đông sáng lập…)
Lập tổ công tác thi hành 2 luật
Để bảo đảm thực hiện có hiệu quả Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, Bộ KHĐT đề nghị Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về việc triển khai thi hành hai luật này, với các công việc và mốc thời gian cụ thể.
Trong đó, đáng chú ý là việc ban hành các Nghị định hướng dẫn 2 luật phải xong trong tháng 8/2015.
Trong tháng 9/2015, rà soát, kiến nghị Thủ tướng xem xét bãi bỏ các văn bản pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh do các bộ ngành, địa phương ban hành. Việc nghiên cứu, đề xuất ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh với 16 ngành nghề chưa có quy định phải hoàn thành trong quý III/2015. Riêng các điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài và nguyên tắc áp dụng phải được công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài trong tháng 8/2015.
Đồng thời, thực hiện ngay việc cấp mã số doanh nghiệp tự động theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 19/NQ-CP. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan để bảo đảm tính thống nhất với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, nhất là về con dấu.
Đối với các quy định về đất đai, xây dựng, tài nguyên, môi trường còn “vênh” với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, việc rà soát và đề xuất phương án hoàn thiện sẽ được thực hiện trong tháng 12/2015.
Đặc biệt, Bộ KHĐT đề xuất thành lập tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư; xây dựng cơ chế theo dõi, giám sát và ngăn ngừa việc ban hành trái thẩm quyền các quy định về điều kiện kinh doanh…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ đồng tình với các nội dung được nêu trong Báo cáo của Bộ KHĐT, trong đó có các kiến nghị đối với Chính phủ; đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả 2 luật này trên thực tế./.