Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 26/08/2015-10:20:00 AM
Việt Nam còn nhiều cơ hội xuất khẩu gạo

Lượng tiêu thụ gạo toàn cầu dự báo đạt 500 triệu tấn vào 10 năm tới, tăng 10% so với hiện nay và đạt khoảng 535 triệu tấn vào năm 2030. Các loại gạo chất lượng cao sẽ được ưa chuộng hơn.

Đây là thông tin Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) đưa ra tại hội thảo “Góp ý Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo và Dự thảo Thông tư quản lý cây ngắn ngày” diễn ra sáng 25/8.

TS. Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Ipsard nhận định, nhu cầu nhập khẩu gạo tiếp tục tăng lên, với mức tăng bình quân 1,5%/năm. Cơ hội rộng mở cho thị trường lúa gạo khi Việt Nam tham gia ngày càng nhiều vào các hiệp định thương mại tự do. Đồng thời, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ về giống, kỹ thuật canh tác, bảo quản, chế biến cũng là cơ hội tốt để đẩy mạnh phát triển ngành sản xuất lúa gạo…

Về xuất khẩu, 10 năm tới Thái Lan và Việt Nam sẽ chiếm hơn 47% xuất khẩu gạo thế giới và đóng góp 87% vào tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này trên toàn cầu. Ngoài Thái Lan, các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam sẽ gồm Ấn Độ, Pakistan, Mỹ. Myanmar cũng có triển vọng trở thành một nước xuất khẩu gạo lớn tại châu Á nhưng khả năng cạnh tranh với Việt Nam là chưa rõ ràng.

Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Từ đầu năm đến nay, gạo xuất khẩu gặp không ít khó khăn và dự kiến tình trạng này không có nhiều biến chuyển nhiều trong 1-2 năm tới. Tuy nhiên, nếu xét tầm trung và dài hạn thì cơ hội xuất khẩu còn khá rộng mở.

Để đón đầu triển vọng xuất khẩu này, Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo được xây dựng theo hướng vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tập trung các giống chất lượng cao hướng tới xuất khẩu là chính, đồng thời quan tâm đúng mức đến thị trường nội địa. Vùng đồng bằng sông Hồng và các vùng sản xuất lúa hàng hóa còn lại tập trung cho thị trường trong nước.

Giải pháp trong tổ chức sản xuất là thu hút doanh nghiệp xây dựng vùng chuyên canh; hình thành liên kết lâu dài giữa các hợp tác xã với doanh nghiệp nòng cốt và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này tham gia xuất khẩu.

Mục tiêu đặt ra đến năm 2020 là bảo đảm lợi nhuận cho người trồng lúa ở vùng sản xuất lúa hàng hóa từ 30% trở lên; tỉ lệ sử dụng giống xác nhận chiếm trên 75% diện tích; giảm lượng giống gieo sạ ở các tỉnh phía Nam xuống bình quân còn 80 kg/ha.

Ngoài ra, giảm 30% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật so với hiện nay; giảm tổn thất sau thu hoạch dưới 8%; giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính 10% so với hiện nay. Tại vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa, diện tích liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu chiếm từ 20% trở lên./.

Đỗ Hương
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1159
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)