Theo Tổng cục Thống kê, nhập siêu tháng 8/2015 ước tính đạt 100 triệu USD và nhập siêu 8 tháng đầu năm 2015 ước tính 3,6 tỉ USD, tương đương 3,4% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.
Cụ thể hơn, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 13 tỉ USD (tăng 44% so với mức 9 tỉ USD của cùng kỳ năm 2014, cho thấy sự phụ thuộc lớn của sản xuất và tiêu dùng trong nước vào nguyên liệu nhập khẩu); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 8 tháng xuất siêu 9,4 tỉ USD.
Kim ngạch xuất khẩu tăng 9%
Tính chung 8 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 106,3 tỉ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 31,7 tỉ USD, giảm 2,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 74,6 tỉ USD, tăng 14,7%. Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Điện thoại các loại và linh kiện đạt gần 20 tỷ USD, tăng 31,1%; hàng dệt may đạt 15 tỉ USD, tăng 10,9%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 9,9 tỉ USD, tăng 51,8%; giày dép đạt 8,1 tỉ USD, tăng 20,9%...
Một số mặt hàng giảm mạnh cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm trước: Cà phê giảm 32,4% về lượng và giảm 32,8% về kim ngạch do nguồn cung trên thị trường thế giới tăng mạnh; gạo giảm 6,5% và giảm 11% do Trung Quốc (chiếm 35% thị phần xuất khẩu) giảm nhập khẩu; riêng dầu thô lượng giảm 0,6% nhưng do giá dầu thô thế giới giảm mạnh nên kim ngạch giảm tới 48,7%.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 8 tháng năm nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 22,1 tỉ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là EU đạt 20,2 tỉ USD, tăng 12,3%; ASEAN đạt 12,3 tỉ USD, giảm 3%; Trung Quốc đạt 10,4 tỉ USD, tăng 5,6%; Nhật Bản đạt 9,3 tỉ USD, giảm 4,9%; Hàn Quốc đạt 5,1 tỉ USD tăng 16,5%.
Cẩn trọng sức ép nhập siêu
Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu 8 tháng ước tính đạt 109,9 tỉ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 44,7 tỉ USD, tăng 7,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 65,2 tỉ USD, tăng 23,2%.
Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu 8 tháng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhiều mặt hàng là nguyên phụ liệu đầu vào và máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất: Ô tôđạt 3,8 tỉ USD, tăng 80,2% (ô tô nguyên chiếc tăng 132,1%, trong đóô tô dưới 9 chỗ tăng 63,3%); máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 18,9 tỉ USD, tăng 33,4%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 15,1 tỉ USD, tăng 35,3%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 7,1 tỉ USD, tăng 36,3%; vải đạt 6,8 tỉ USD, tăng 11%...
Trong tháng 8, NHNN đã tiến hành đợt điều chỉnh tỷ giá kép, nới rộng biên độ tỷ giá, giúp hạn chế phần nào khó khăn cho xuất khẩu, hạn chế thâm hụt. Tuy nhiên, trong 8 tháng, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 32,7 tỉ USD, chiếm 29,8% tổng kim ngạch nhập khẩu và tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Hàn Quốc 18,8 tỉ USD, tăng 34,8%; ASEAN 16 tỉ USD, tăng 5,3%...
Tổng cục Thống kê phân tích: Giá dầu thôđang giảm mạnh sẽ làm kim ngạch xuất khẩu giảm; tăng trưởng xuất khẩu luôn thấp hơn nhập khẩu nhất là trong bối cảnh nhu cầu thế giới giảm do tác động của tình hình Trung Quốc đang gây áp lực lớn đến mục tiêu kiểm soát nhập siêu những tháng cuối năm 2015.
Chính phủ đã có nhiều biện pháp để về lâu dài cải thiện cán cân thanh toán. Trong đó, đáng chúý, ngày 24/8, Thủ tướng Chính phủđã ban hành Quyết định số 1467/QĐ-TTg phê duyệt Đềán phát triển các thị trường khu vực thời kỳ 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 đạt 300 tỉ USD; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân từ 11-12%/năm trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020; phấn đấu cân bằng thương mại ổn định vào năm 2020 vàđạt thặng dư thương mại bền vững từ năm tiếp theo./.
Huy Thắng
Cổng thông tin điện tử Chính phủ