Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 11/09/2015-17:29:00 PM
Đoàn doanh nghiệp tỉnh Gifu Nhật Bản tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam
(MPI Portal) – Ngày 10/9/2015, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng có buổi làm việc với đoàn doanh nghiệp tỉnh Gifu, Nhật Bản do ông Yoshinori Niwa, Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến kinh tế và công nghiệp tỉnh Gifu dẫn đầu nhằm trao đổi thông tin, chính sách về đầu tư nước ngoài và tình hình đầu tư vào khu công nghiệp (KCN) hỗ trợ Nam Hà Nội.

Ông Yoshinori Niwa, Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến kinh tế và công nghiệp tỉnh Gifu.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào Việt Nam, Trưởng đoàn doanh nghiệp tỉnh Gifu cho biết, chuyến thăm lần này nhằm thị sát và thăm quan môi trường đầu tư Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở ngoại thành Hà Nội. Ấn tượng sau chuyến công tác tại KCN hỗ trợ Nam Hà Nội (thuộc xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên), đoàn doanh nghiệp tỉnh Gifu đánh giá, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại đây hoạt động rất tốt, sản phẩm có kỹ thuật và độ chính xác, lao động có tay nghề cao. Do vậy, Đoàn mong muốn thúc đẩy hợp tác đầu tư để giúp Việt Nam phát triển hơn nữa ngành công nghiệp phụ trợ.

Đánh giá về xu hướng và mối quan tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản khi hợp tác đầu tư tại Việt Nam, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa sở hữu công nghệ cao, dây chuyền sản xuất, quy trình quản lý tốt, đưa ra những sản phẩm chất lượng, giá thành hợp lý, số lượng lớn, không chỉ cung cấp cho những tập đoàn lớn của Nhật Bản mà có thể cung cấp cho các tập đoàn khác trên thế giới. Rất nhiều đoàn doanh nghiệp Nhật Bản với các lĩnh vực ngành nghề khác nhau đã đến tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thông tin về cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư, giấy phép đầu tư – kinh doanh, giấy phép xây dựng… được các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu.

Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Để giải bài toán đầu ra sản phẩm, đại diện VCCI nhấn mạnh, cần tăng cường kết nối chuỗi sản phẩm đầu ra giữa các tập đoàn lớn, điển hình như Mitsubishi, Toyota, Honda… đang rất cần các linh phụ kiện để lắp ráp, sản xuất sản phẩm hoàn thiện cho thị trường Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam có khả năng phù hợp để liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất các sản phẩm phụ trợ.

Ngoài tay nghề kỹ thuật tốt của lao động Việt Nam, doanh nghiệp Nhật Bản cũng rất quan tâm đến các KCN chuyên sâu dành cho các ngành công nghiệp phụ trợ như mô hình KCN Việt Nam đang đầu tư phát triển, qua đó tạo ra chuỗi giá trị ngay trong các KCN.

Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản ngày càng phát triển tốt đẹp, đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững. Hai nước đã chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trên mọi lĩnh vực chính trị, văn hóa, du lịch, quốc phòng – an ninh… Nhật Bản không chỉ là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong đầu tư trực tiếp nước ngoài, viện trợ ODA, hợp tác thương mại song phương, mà hai nước còn là đối tác tin cậy bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau ổn định, thịnh vượng, góp phần đảm bảo hòa bình khu vực và thế giới. Đánh giá cao các nhà đầu tư Nhật Bản nói chung, các doanh nghiệp tỉnh Gifu nói riêng, Thứ trưởng tin tưởng rằng, trên nền tảng nhu cầu nội tại của Việt Nam và định hướng đầu tư của Nhật Bản, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp Nhật Bản, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, đặc biệt đối với ngành công nghiệp, công nghiệp phụ trợ.

Phát triển ngành công nghiệp là chủ trương nhất quán của Chính phủ Việt Nam nhằm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, song hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Do vậy, phát triển ngành công nghiệp, trong đó có công nghiệp phụ trợ là nhu cầu cấp bách hiện nay. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam còn nhiều hạn chế về vốn đầu tư, công nghệ, tiếp cận thị trường, do vậy các doanh nghiệp Nhật Bản hoàn toàn có thể hỗ trợ và bổ sung cho Việt Nam.

Trong khi ưu thế của doanh nghiệp Nhật Bản là công nghệ cao, khả năng tài chính tốt, mô hình quản lý hiệu quả, thị phần cho các sản phẩm đầu ra thì Việt Nam sẵn có hệ thống luật pháp tương đối đầy đủ, đồng bộ, chủ trương khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ, thủ tục hành chính đang được cải cách, hạ tầng được cải thiện đáng kể, nguồn nhân lực qua đào tạo tay nghề tốt, giá đất và điện rẻ hơn các nước trong khu vực… tạo nên môi trường kinh doanh thuận lợi, tính cạnh tranh cao.

KCN hỗ trợ Nam Hà Nội được chấp thuận bổ sung vào quy hoạch phát triển các KCN của cả nước tại Công văn số 1150/2010/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu xây dựng và phát triển KCN này nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong ngành công nghiệp hỗ trợ cho các ngành dệt may, da giày, điện tử, cơ khí, máy nông nghiệp, ô tô, phụ tùng, đóng tàu… Hiện tại, giai đoạn I với quy mô diện tích 71 ha gồm khu nhà máy 49 ha và khu đô thị 23 ha đã cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Dự kiến đến quý IV/2015 đảm bảo hạ tầng đồng bộ để các nhà đầu tư có mặt bằng triển khai các dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Theo kế hoạch, đến năm 2020 sẽ hoàn thành xây dựng 640 ha và thu hút bố trí mặt bằng nhà xưởng cho các doanh nghiệp tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng nhấn mạnh, hai bên cần thúc đẩy hợp tác đầu tư, trao đổi, thảo luận tìm ra phương thức hợp tác thuận lợi nhất, xây dựng chiến lược dài hạn, kết nối các doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam, tìm đầu ra cho sản phẩm và mang lại lợi ích tốt nhất cho cả hai bên./.

Tính đến tháng 8/2015, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư 1.220 dự án, chiếm 20,4% tổng các dự án đầu tư nước ngoài vào KCN, KKT Việt Nam. Tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án FDI từ Nhật Bản là 26,1 tỷ USD, chiếm 23,4% tổng vốn đầu tư đăng ký vào KCN, KKT.

Một số dự án đầu tư lớn của Nhật Bản tại các KCN, KKT Việt Nam là sản xuất lốp xe Bridge Stone (575 triệu USD), sản xuất thép Sumikin (1,1 tỷ USD), Canon, Yamaha, Panasonic, Kyocera, Idemitsu Kosan, Mitsui…

Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3145
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)