Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 17/09/2015-09:12:00 AM
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương tiếp các Đại sứ, Đại biện các nước: Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Niu Di-lân, Thụy Sỹ và Phần Lan tại Việt Nam
(MPI Portal) – Ngày 15/9/2015, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương đã có buổi làm việc với các Đại sứ, Đại biện các nước: Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Niu Di-lân, Thụy Sỹ và Phần Lan do Đại sứ Niu Di-lân làm Trưởng đoàn.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Mục đích buổi làm việc nhằm trao đổi và tìm kiếm sự đồng thuận của Việt Nam với đề xuất Thông cáo về Cải cách Trợ giá Năng hoá thạch (dự kiến đưa ra tại Hội nghị các bên lần thứ 21 – COP21) và tin rằng sự ủng hộ này sẽ có lợi cho những nỗ lực cải cách và thực hiện các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có việc tăng cường triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng Xanh của Việt Nam.

Phát biểu tại buổi tiếp Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết, Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc trong việc cung cấp năng lượng trong thời gian qua. Chỉ từ 14%/năm 1992, Việt Nam đã cố gắng tăng tỷ lệ tiếp cận nguồn điện cho người dân lên tới 96% hộ gia đình và 98% số xã vào năm 2009. Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực để đáp ứng nhu cầu của 1 triệu hộ dân còn lại.

Với kết quả như trên, Việt Nam đã gần hoàn thành mục tiêu phổ cập tiêu thụ điện năng với nhiều tác động tích cực thúc đẩy phát triển con người và là nhân tố giúp Việt Nam thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Từ đó, việc tiếp cận sử dụng điện đã mang lại những dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân về sức khỏe và giáo dục.

Việt Nam đã xây dựng cơ chế đặc thù để đảm bảo các hộ nghèo được sử dụng điện ở mức giá hợp lý thông qua những cơ chế giá hợp lý. Đồng thời, sử dụng cơ chế kiểm soát giá đối với các nhiên liệu khác nhau để bảo vệ người nghèo và đảm bảo năng lượng với giá hợp lý cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, Việt Nam nhận thấy đây là việc trợ cấp gián tiếp, cần thay thế bằng các nguồn năng lượng sáng tạo và tái tạo hơn là dùng nhiên liệu hóa thạch. Việt Nam đang tái cấu trúc nền kinh tế trong đó có các doanh nghiệp năng lượng nhà nước và đang chuyển dần sang thị trường năng lượng cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh của đất nước.

Việc theo đuổi chính sách năng lượng bền vững cho tất cả mọi người là khả thi và bền vững. Hiện nay, Việt Nam đang triển khai thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, tập trung nhiều vào hiệu quả năng lượng và sử dụng nhiều loại năng lượng tái tạo. Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam là một phần nỗ lực chung để tái cấu trúc và tăng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế./.

Diễn đàn “Những người bạn của cải cách trợ giá sử dụng nhiên liệu hóa thạch” được thành lập tháng 6/2010, Diễn đàn là hình thức hợp tác không chính thức của Nhóm các nước phát triển ngoài G20 thúc đẩy việc cải cách trợ cấp trong sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Diễn đàn diễn ra trong khuôn khổ các hoạt động của APEC, OECD, UNFCCC và nhận được sự ủng hộ từ các nước Mê-xi-cô, In-đô-nê-xi-a, Ê-ti-ô-pi-a, Cốt-xta Ri-ca, A-rập Ai Cập, Ôn-đu-rat, U-crai-na, Gióoc-đa-ni và Ăng-gô-la

Tháng 4/2015, Diễn đàn và Chính phủ Pháp đã Công bố chính thức Báo cáo trợ giá nguyên liệu hóa thạch nhằm thúc đẩy xóa bỏ trợ giá nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả, một trong những sáng kiến sẽ được đưa ra tại Hội nghị các bên tham gia Công ước UNFCCC lần thứ 21 tại Paris vào cuối năm 2015.

Mai Phương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2330
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)