Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 22/09/2015-10:20:00 AM
WB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam quản lý nợ công một cách hiệu quả
Ngày 21/9, tại Hà Nội, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại-Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo Đánh giá Luật Quản lý nợ công sau 5 năm triển khai, với mục đích nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý nợ công cho phù hợp với bối cảnh tình hình mới, đặc biệt phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Giám đốc WB tại Việt Nam, bàVictoria Kwakwa. (Nguồn: TTXVN)

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung, việc đánh giá Luật Quản lý nợ công sau 5 năm triển khai thực hiện là rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới.

Thứ trưởng cho rằng, Luật Quản lý nợ công cần phải luật hóa một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về quản lý nợ công; từ đó vận dụng phù hợp với thực tiễn Việt Nam, bảo đảm công tác quản lý nợ công từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, sau 5 năm triển khai, Việt Nam vẫn cần tham khảo, vận dụng tốt kinh nghiệm quốc tế, tăng cường chính sách tài khóa nhằm bảo đảm quản lý nợ công hiệu quả.

“Ngân hàng Thế giới sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Tài chính Việt Nam nâng cao hiệu quả quản lý nợ công nhằm bảo đảm an toàn nợ và an ninh tài chính quốc gia,” bà Victoria Kwakwa nói.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng cũng tham luận những vấn đề cơ bản trong Luật Quản lý nợ công, tập trung vào việc tạo lập một môi trường pháp lý đồng bộ về quản lý nợ công, cũng như hướng tới quy trình quản trị tốt việc vay nợ.

Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Luật Quản lý nợ công đã từng bước công khai, minh bạch hoạt động vay, trả nợ công; tạo môi trường pháp lý quan trọng cho việc huy động nguồn vốn phục vụ đầu tư phát triển kinh tế-xã hội.

Ông Long nhấn mạnh, điều quan trọng là chỉ tiêu về nợ công nằm trong giới hạn quy định. Cụ thể, nợ công cuối năm 2014 ở mức 2.347 nghìn tỷ đồng, bằng 59,6% GDP năm 2014 và dự kiến cuối năm 2015 khoảng 62,3% GDP. Mức nợ công này vẫn nằm trong giới hạn được Quốc hội cho phép không quá 65% GDP.

Ngoài ra, Luật Quản lý nợ công cũng góp phần thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu trong nước. Quy mô của thị trường trái phiếu tăng từ mức 2,8% GDP năm 2001 lên mức 19% GDP năm 2011 và 21,2% GDP năm 2014. Riêng thị trường trái phiếu Chính phủ và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh chiếm khoảng 19% GDP năm 2014.

Mặc dù vậy, ông Long cũng cho rằng vẫn còn một số tồn tại như phạm vi nợ công chưa hài hòa với thông lệ quốc tế; chồng chéo giữa các khoản nợ; về phạm vi nợ công; mục tiêu, trần nợ công; nghiệp vụ quản lý nợ chủ động; quan hệ giữa quản lý nợ công và chính sách tài khóa…

Để giải quyết các vấn đề này, ông Long cho rằng, cần hoàn thiện chính sách quản lý nợ công nhằm tăng cường huy động vốn cho cân đối ngân sách nhà nước và đầu tư phát triển kinh tế-xã hội. Cùng với đó, làm rõ hơn quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan lập pháp, hành pháp và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và đơn vị sử dụng nợ công; Giảm thiểu tối đa các nội dung cần hướng dẫn để thực hiện sau khi ban hành luật mới…/.

TC
TTXVN/Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 1186
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)