Việc chuyển dịch các dòng vốn từ nước ngoài vào Việt Nam sẽ tác động mạnh mẽ đến doanh nghiệp (DN), tạo ra nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn. Cần đa dạng hóa dịch vụ gắn liền với minh bạch thông tin, tăng cường niềm tin giữa ngân hàng và DN.
|
Diễn đàn “Định chế tài chính đồng hành cùng doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập”.
Ảnh: DDDN |
Đây là các ý kiến được nêu ra tại Diễn đàn “Định chế tài chính đồng hành với doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng tiến trình hội nhập kinh tế sâu rộng đã, đang và sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam, cùng với đó là nhiều thách thức. Những thách thức ở nhiều khía cạnh như quản trị, nhân lực, công nghệ… đặc biệt, việc chuyển dịch các dòng vốn từ nước ngoài vào Việt Nam sẽ tác động mạnh mẽ đến DN (đặc biệt là DN vừa và nhỏ) để làm sao tiếp cận nguồn vốn đa dạng với lãi suất thấp.
Thực tế, theo thống kê của lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt nam (DNNVV), thì DNNVV nhỏ hiện nay chiếm tới gần 98% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo đánh giá, phần lớn số DNVVN đang rất yếu về năng lực tín nhiệm tín dụng và sức cạnh tranh. Tổng nguồn vốn sản xuất kinh doanh của DNVVN giai đoạn 2010-2015 chỉ tương đương khoảng 36-38% tổng nguồn vốn của toàn bộ khối DN Việt Nam, nghĩa là không đầy 3% số DN còn lại có qui mô vốn tự có tới 64-68%.
Ông Nguyễn Đại Lai, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) cho rằng đây là những những nghịch lý và thách thức rất lớn đối với gần 98% là các DNVVN của Việt Nam. Theo đánh giá của Hiệp hội Ngân hàng và CIC, thực tế nợ xấu của ngân hàng đối với các khoản tín dụng của DNVVN rất thấp, nhưng DNVVN lại rất thiếu các điều kiện đảm bảo tín dụng cho mình.
Trên thực tế, các DNVVN khó khăn trong tiếp cận tín dụng chủ yếu là do tính minh bạch thông tin tài chính còn thấp. Ngân hàng không thiếu vốn nhưng lại thiếu niềm tin trong quan hệ tín dụng. Thực tế, nhiều DNVVN chưa tạo dựng được sự tin tưởng cho đối tác ngân hàng về tình hình tài chính và khả năng tạo dòng tiền của mình.
Ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (NFSC) cho rằng, vấn đề lớn của hệ thống ngân hàng được nói tới hiện nay là thực trạng nợ xấu của các ngân hàng. Ông xem đây là rào cản rất lớn trong việc các ngân hàng có cho vay vốn được hay không, có đồng hành được với DN hay không.
Giải đáp một số vướng mắc của DN về vấn đề lãi suất, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ tín dụng NHNN cho biết: Tính đến bây giờ lãi suất đầu vào đang ở mức từ 5-5,6%, lãi suất đầu ra từ 9-10% (trừ các lĩnh vực cho vay ưu tiên dưới 7%). Chênh lệnh lãi suất đầu vào và ra của các ngân hàng hiện nay chỉ ở mức 3%.
Bà Lê Minh Hương, Giám đốc Sở Giao dịch Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các DN xuất khẩu, VietinBank đã ban hành những chính sách dành riêng đối với DN xuất khẩu. Cụ thể, về tín dụng USD, đối với những DN hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, VietinBank thiết kế riêng chương trình cho vay USD với việc giảm lãi suất cho vay từ 2-3%/năm so với mặt bằng lãi suất chung của thị trường.
Đối với những doanh nghiệp xuất khẩu không có cam kết ngoại tệ, VietinBank áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất riêng với mức lãi suất cho vay thấp hơn từ trung bình 0,5-1,0%/năm so với mặt bằng lãi suất chung của thị trường…
VietinBank cũng xây dựng các sản phẩm tín dụng dành cho từng ngành nghề chuyên biệt như: Sản phẩm cho vay làng nghề truyền thống, cho vay tín chấp trên cơ sở quản lý dòng tiền từ các hợp đồng xuất khẩu; chuỗi thủy sản, nông nghiệp nhằm hỗ trợ tài chính cho các DN xuất khẩu với thủ tục nhanh gọn, tài sản bảo đảm là chính hàng hóa luân chuyển hay các khoản phải thu của DN…
Tuy nhiên, bà Lê Minh Hương cũng cho rằng, với việc triển khai các chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi cho vay hỗ trợ DN xuất khẩu, hiệu quả vẫn còn tương đối thấp so với cho vay thông thường. So với các khoản vay sản xuất kinh doanh thông thường, ngân hàng đã chấp nhận giảm lợi nhuận (do mức lãi suất cho vay thông thường cao hơn 2-3%/năm).
Do đó, kiến nghị NHNN có thể xem xét để ban hành các chính sách hỗ trợ NHTM nguồn vốn với giá hợp lý, để các ngân hàng hoà chung với nguồn vốn huy động phục vụ cho vay DN xuất khẩu với lãi suất phù hợp.
Lưu ý các ngân hàng, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính-ngân hàng, cho rằng các tổ chức tín dụng cần chú ý cải cách thủ tục hành chính, quy trình; nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa chất lượng dịch vụ ngày càng gần hơn với các định chế tài chính hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.
Ngoài ra, tiếp tục đổi mới công nghệ, tạo ra nhiều sản phẩm-dịch vụ thiết thực, hiện đại phục vụ cho các hoạt động xuất-nhập khẩu, đầu tư; nâng cao khả năng hội nhập, mở rộng màng lưới trong khu vực, tăng cường kết nối với hệ thống định chế tài chính trong khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung.
Cần nghiên cứu sâu tác động của các hiệp định thương mại tự do nhằm tư vấn cho DN về hoạt động, chiến lược kinh doanh, xúc tiến đầu tư-thương mại… Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng khả năng quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro theo thông lệ./.
Anh Minh
Cổng thông tin điện tử Chính phủ