Trong chín tháng qua, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thu hút tám dự án đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn 11 dự án với tổng mức huy động đạt 3.330 tỷ đồng.
|
Lễ khởi công Khu công nghiệp Phong Điền-Viglacera. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN) |
Như vậy, đến thời điểm hiện nay đã có 94 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp tỉnh với tổng nguồn vốn đăng ký 22.926 tỷ đồng.
Cuối tháng 9, tại Thừa Thiên-Huế vừa khởi công xây dựng Khu công nghiệp Phong Điền-Viglacera có tổng diện tích là hơn 284ha, với tổng mức đầu tư xây dựng hơn 680 tỷ đồng.
Đây là khu công nghiệp thành phần thứ 3 thuộc quy hoạch Khu công nghiệp Phong Điền, được xác định là khu công nghiệp hỗn hợp đa ngành, công nghệ cao, hướng tới các ngành công nghiệp ít gây ô nhiễm như công nghiệp điện, điện tử công nghệ thông tin, chế biến nông-lâm, thủy sản, thực phẩm và đồ uống, dệt may, vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản, khai thác và chế biến cát...
Khu công nghiệp Phong Điền là một trong sáu khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch tổng thể định hướng phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.
Khu công nghiệp Phong Điền-Viglacera có lợi thế lớn về giao thông, chỉ cách thành phố Huế khoảng 37km về phía Bắc, cách sân bay Phú Bài 45km và cảng Thuận An 40km, cảng nước sâu Chân Mây 70km về phía Nam, gần Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc Nam, rất thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa; hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản.
Khu công nghiệp Phú Bài cũng vừa khởi công xây dựng nhà máy sản xuất lon nhôm hai mảnh và nắp lon của Công ty trách nhiệm hữu hạn Baosteel Can Making (Việt Nam) với tổng vốn đầu tư 75 triệu USD.
Baosteel Can Making trực thuộc Tập đoàn Baosteel hoạt động trên lĩnh vực kinh doanh đa ngành nghề có nhà máy đặt tại nhiều quốc gia khác. Dự án sản xuất lon nhôm hai mảnh và nắp lon phục vụ cho ngành công nghiệp giải khát được xây dựng trên diện tích 5,6ha, với công suất 700 triệu lon/năm.
Theo kế hoạch, Nhà máy sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động vào tháng 4/2016, cung cấp sản phẩm chủ yếu cho thị trường các tỉnh khu vực miền Trung.
Với mục tiêu lấp đầy chỗ trống tại các khu công nghiệp, hiện Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế đang tiếp tục hướng dẫn và thẩm định thêm ba dự án đầu tư mới, trình Ủy ban Nhân dân tỉnh cấp phép; trong đó có hai dự án sản xuất hàng dệt may có tổng mức đầu tư 627 tỷ đồng tại khu công nghiệp Phú Bài; một dự án sản xuất sợi và phụ kiện dệt may tại khu công nghiệp Phú Đa với tổng vốn 50 tỷ đồng.
Ngoài ra, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh đang hướng dẫn cho Công ty Scavi Huế và một số doanh nghiệp sản xuất sợi triển khai dự án mở rộng quy mô đầu tư tại các khu công nghiệp Phong Điền, Phú Bài và Phú Đa.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng mở hội nghị xúc tiến đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút nhiều doanh nghiệp ký biên bản ghi nhớ với tổng vốn đầu tư khoảng 1.818 tỷ đồng.
Ông Phan Văn Xuân, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2015, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp đạt giá trị 4.100 tỷ đồng, bằng 160% kế hoạch năm./.