(MPI Portal) – Ngày 06/10/2015, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Lễ khởi động triển khai Sáng kiến Hợp đồng công khai dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Đào Quang Thu, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Victoria Kwakwa. Tham dự Hội thảo có đại diện các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội và các cơ quan báo chí.
|
Thứ trưởng Đào Quang Thu phát biểu tại Lễ Khởi động. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Ngày 18-21/5/2015, tại Hội thảo về Khởi động Sáng kiến Hợp đồng công khai (OC) cho Khu vực châu Á do WB tổ chức, Việt Nam đã đưa ra dự thảo sơ bộ Kế hoạch hành động triển khai Sáng kiến OC tại Việt Nam đến năm 2017. Cũng tại đây, các chủ thể đến từ các quốc gia ưu tiên tại châu Á gồm: Việt Nam, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin và Mông Cổ đã có cam kết thực hiện các hoạt động OC trong vòng hai năm tới.
OC là một sáng kiến được phát triển tập trung vào tăng cường tính công khai và sự tham gia giám sát trong tất cả các giai đoạn từ lựa chọn nhà thầu đến thực hiện và quản lý hợp đồng. Sáng kiến OC được triển khai tại Việt Nam nhằm mục đích tăng cường việc công khai các dự án, gói thầu sử dụng vốn nhà nước phù hợp với mục tiêu nâng cao tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả trong đấu thầu. Đồng thời, huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội dân sự, nghề nghiệp vào quá trình theo dõi, giám sát quá trình thực hiện hợp đồng trong và sau đấu thầu để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.
Phát biểu tại lễ Khởi động, Thứ trưởng Đào Quang Thu cho biết, Việt Nam đã có những quy định về đăng tải thông tin trong đấu thầu. Cụ thể, Điều 8, Khoản 1, Luật đấu thầu quy định các thông tin cần phải công khai trên Báo Đấu thầu, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia như: Kế hoạch lựa chọn nhà thầu; Thông báo mời quan tâm, thông báo mời sơ tuyển; Thông báo mời chào hàng, thông báo mời thầu; Danh sách ngắn; Kết quả lựa chọn nhà thầu.
Tuy nhiên, các thông tin nêu trên mới tập trung vào giai đoạn lựa chọn nhà thầu mà chưa bao gồm giai đoạn triển khai thực hiện hợp đồng. Để đáp ứng nhu cầu về theo dõi, giám sát của các bên liên quan và của cộng đồng thì các thông tin trong quá trình lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng cần phải được công khai một cách cụ thể, chi tiết và có hệ thống.
|
Toàn cảnh Lễ Khởi động. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Trong Kế hoạch triển khai thực hiện OC tại Việt Nam, ông Trần Đăng Quang, Trưởng phòng Đấu thầu, Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu ra tầm nhìn đến năm 2025, mục tiêu giai đoạn năm 2017, 2020, 2025 và kế hoạch hành động đến năm 2017. Trong đó, 5 mục tiêu chính của Tầm nhìn bao gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách về e-GP, công khai thông tin và giám sát của cộng đồng; Phát triển đầy đủ tính năng của e-GP về dữ liệu OC (OCD); Phát triển đầy đủ tính năng của Hệ thống giám sát và đánh giá (M&E) có sử dụng định dạng chuẩn về OCD được tích hợp với hệ thống e-GP; Chuyên nghiệp hóa hoạt động đấu thầu cho cá nhân, tổ chức trực tiếp làm công tác đấu thầu; Các bên và người dân có thể truy cập và sử dụng thông tin trên hệ thống giám sát, đánh giá và phản ảnh về lựa chọn nhà thầu và thực hiện hợp đồng. Kế hoạch hành động đến năm 2017 bao gồm 14 hoạt động trong đó tập trung vào 4 hoạt động chính: Rà soát hệ thống e-GP hiện tại, xem xét sự phù hợp với định dạng chuẩn OCD và M&E, nâng cấp hệ thống e-GP hiện tại phù hợp với định dạng OCDS, xây dựng chính sách về M&E và phát triển giao diện M&E thử nghiệm.
Tại Lễ Khởi động, các chuyên gia đấu thầu quốc tế cũng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về OC hướng đến một tiêu chuẩn mới về tính công khai cũng như sự tham gia của cộng đồng trong việc giám sát, những ví dụ về OC từ các quốc gia khác và đo lường kết quả thực hiện trong đấu thầu./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư