Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 15/10/2015-14:43:00 PM
Hướng tới tăng cường liên kết Việt Nam – Nhật Bản (Xem tin ảnh)
(MPI Portal) - Đây là chủ đề của Diễn đàn kinh tế Việt Nam – Nhật Bản 2015 diễn ra ngày 14/10/2015, tại Hà Nội dưới sự phối hợp tổ chức của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO). Diễn đàn là hoạt động có ý nghĩa quan trọng góp phần thúc đẩy sự hợp tác ngày càng sâu rộng giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản 2015 (VJEF 2015) thu hút sự tham gia của hơn 300 đại biểu là quan chức chính phủ Việt Nam, Nhật Bản cùng đông đảo lãnh đạo Hiệp hội ngành nghề, các tổ chức và doanh nghiệp hai nước. Diễn đàn được tổ chức với mục đích nhằm đánh giá về hiện trạng, kiến nghị các giải pháp tăng cường quan hệ đầu tư và thương mại giữa Việt Nam – Nhật Bản. Diễn đàn cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp hai nước được đối thoại trực tiếp với đại diện lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương Việt Nam và các tổ chức của Nhật Bản.

Tại VJEF 2015, các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề chính sách và kiến nghị các định hướng tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa kết thúc đàm phán, quá trình hội nhập đang diễn ra ngày càng sâu rộng. Trong đó có 3 lĩnh vực thảo luận chính, hợp tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản trong bối cảnh tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam – Nhật Bản (EPAs) và TPP sẽ chỉ ra những ảnh hưởng của các Hiệp định này tới hợp tác kinh tế song phương Việt Nam – Nhật Bản, đưa ra đề xuất của giới doanh nghiệp Việt Nam đối với giới kinh tế và chính phủ Nhật Bản nhằm tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và những giải pháp của các địa phương nhằm thu hút đầu tư từ Nhật Bản. Lĩnh vực tăng cường hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ đưa ra hiện trạng nông nghiệp của Việt Nam, các chương trình hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản cho phát triển nông nghiệp và các hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam. Vấn đề hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam đưa ra thực trạng và kết quả của việc cải cách doanh nghiệp nhà nước, tác động của TPP tới quá trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước, đánh giá về thị trường M&A, cơ hội cho doanh nghiệp Nhật Bản và ý nghĩa của việc doanh nghiệp Nhật Bản tham gia đầu tư chiến lược vào doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phát biểu tại Diễn đàn.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải khẳng định, Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ và các doanh nghiệp Nhật Bản trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, để Việt Nam tiếp tục là điểm đầu tư hấp dẫn.

Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam mong muốn cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục quan tâm, mở rộng đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là 6 ngành công nghiệp trong kế hoạch hành động hợp tác đến 2020 giữa hai nước và các lĩnh vực khác như: Nông nghiệp, giáo dục, hạ tầng giao thông, môi trường, y tế, công nghiệp chế biến, chế tạo tập trung vào công nghiệp hỗ trợ, hình thức đầu tư PPP và các hình thức khác Nhật Bản có thế mạnh phù hợp với nhu cầu và trình độ phát triển của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng (thứ 4 từ trái sang) phát biểu tại Diễn đàn.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Phát biểu tại Diễn đàn, trong phiên họp về những chính sách của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, để đạt được mục tiêu trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020 theo hướng hiện đại, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, buộc Việt Nam phải cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, tập trung giải quyết ba khâu đột phá là: (1) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; (2) Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; (3) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020 của Việt Nam đã đề ra./.

Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3853
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)