Nhà máy nhiệt điện Na Dương II có quy mô công suất 110 MW, tổng mức đầu tư xây dựng gần 192 triệu USD, dự kiến sau khi hoàn thành sẽ cung cấp khoảng 650 triệu kWh/năm vào lưới điện quốc gia.
|
Hình ảnh tại lễ khởi công. Ảnh: VGP/Phan Trang |
Sáng 16/10, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) chính thức khởi công xây dựng Nhà máy nhiệt điện Na Dương II.
Nhà máy nằm trên khu vực xưởng sàng hiện có của mỏ than Na Dương, thuộc thôn Toòng Giá, xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Diện tích chiếm đất khoảng 11 ha, trong đó khu vực nhà máy chính là 7,56 ha và diện tích chiếm đất tạm thời là 3,62 ha nhằm phục vụ thi công dự án, trong 3 năm (2015-2018).
Nhà máy sẽ sử dụng nguồn than tại mỏ than Na Dương trong khoảng 30 - 40 năm kể từ khi đi vào vận hành, với mức tiêu thụ vào khoảng 500.000 tấn/năm.
Ông Ngô Trí Thịnh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Vinacomin cho biết, hiện nhu cầu phụ tải tỉnh Lạng Sơn năm 2015 với công suất/sản lượng điện năng là 175 MW/703 GWh, năm 2020 là 325 MW/1.417 GWh. Trong khi đó, tại tỉnh Lạng Sơn, ngoài thuỷ điện nhỏ Cấm Sơn (công suất 3x1,5 MW) thì chỉ có nhà máy nhiệt điện Na Dương I (công suất 2x50 MW) đang vận hành.
Bên cạnh đó, tại miền Bắc, mỗi năm sẽ cần phải bổ sung trung bình 4.000 MW công suất nguồn từ các nhà máy nhiệt điện than bắt đầu từ năm 2016 cho tới năm 2025. Do đó, việc xây dựng Nhà máy nhiệt điện Na Dương II là cần thiết và cấp bách, góp phần bảo đảm cung cấp điện cho tỉnh Lạng Sơn và miền Bắc.
“Nhà máy nhiệt điện Na Dương II đi vào vận hành sẽ giảm công suất truyền tải từ các vùng khác đến lưới điện khu vực Lạng Sơn và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, góp phần bảo đảm chất lượng điện áp trong chế độ truyền tải cao, giảm tổn thất công suất chung của toàn hệ thống điện, tăng cường độ tin cậy cung cấp điện”, ông Ngô Trí Thịnh nói.
Theo ông Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, khi chưa có Nhà máy Nhiệt điện Na Dương I, Công ty Than Na Dương hoạt động rất khó khăn, người lao động không có thu nhập. Tuy nhiên, việc xây dựng Nhà máy Na Dương I và bây giờ là Nhà máy nhiệt điện Na Dương II, sử dụng công nghệ tiên tiến và nguồn nhiên liệu sẵn có của địa phương sẽ góp phần tăng ngân sách và giải quyết nhiều lao động cho địa phương.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, mặc dù đây là dự án không lớn nhưng có vai trò đặc biệt quan trọng với ngành than trong quá trình chuyển dịch cơ cấu.
Trong quá trình thi công, Tập đoàn TKV phải bảo đảm an toàn lao động và môi trường, quan tâm đến việc giải quyết lao động việc làm cho tỉnh; động viên nhân dân quanh vùng dự án tích cực hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng và có cơ chế đền bù thỏa đáng cho người dân.
Cũng tại buổi lễ, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn TKV cam kết sẽ tập trung cao độ các nguồn lực, sớm hoàn thành các công tác đền bù, giải phóng một phần mặt bằng, rà phá bom mìn, san lấp mặt bằng, xây lắp hệ thống cấp điện, nước thi công, lựa chọn nhà thầu EPC, thu xếp vốn cho dự án bảo đảm khởi công gói thầu EPC nhà máy chính vào cuối quý II/2016, hoàn thành xây dựng và đưa nhà máy phát điện thương mại vào năm 2018./.
Phan Trang
Cổng thông tin điện tử Chính phủ