Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 21/10/2015-14:23:00 PM
Luật Thương mại sửa đổi cần phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế

Sau 10 năm thực thi, Luật Thương mại 2005 đã góp phần hình thành khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại, tuy nhiên hiện nay trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và thị trường tự do hóa thương mại.

Đây là nhận định của ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương tại hội thảo "Tổng kết thực tiễn thi hành Luật Thương mại 2005," tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20/10.

Thống kê của Viện Khoa học xét xử, Toà án nhân dân tối cao, chỉ tính riêng từ năm 2008 đến nay, Toà án nhân dân các cấp đã thụ lý hơn 81.000 vụ án kinh doanh thương mại và đã giải quyết được gần 65.000 vụ.

Trong thời gian tới, khi Việt Nam chính thức là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do, số vụ án kinh doanh thương mại được dự báo sẽ tăng nhanh hơn.

Do đó, đại diện Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, Toà án nhân dân Tối cao cho rằng, việc điều chỉnh Luật Thương mại để tránh tình trạng trùng lắp với các bộ luật khác, đồng thời tạo hành lang pháp lý đầy đủ để giải quyết tốt hơn tranh chấp thương mại là rất cần thiết.

Cũng theo đại diện Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, Toà án nhân dân Tối cao, trước hết cần sửa đổi khái niệm thương nhân theo hướng mở rộng các chủ thể tham gia hoạt động thương mại; quy định trách nhiệm và nghĩa vụ của các thương nhân trong hoạt động khuyến mại để đảm bảo tính trung thực về giải thưởng.

Riêng liên quan đến quy định gỡ bỏ hoàn toàn mọi quy định liên quan đến mức phạt vi phạm tối đa cần phải cân nhắc cẩn trọng vì dễ tạo điều kiện cho các hành vi lạm dụng đặc biệt trong hoạt động xét xử.

Đặc biệt, cần bổ sung những chế tài nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm khuyến mại, kể cả xử lý hình sự…

Đánh giá về Luật Thương mại 2005, Giáo sư Đỗ Văn Đại, Trưởng khoa Luật dân sự, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, hiện tại đang có sự chồng chéo về việc áp dụng Luật dân sự và Luật Thương mại trong việc xử lý vụ việc vi phạm kinh doanh thương mại giữa toà án nhân nhân các cấp.

Điều này xuất phát thực tế có những điều khoản, quy định, cùng tồn tại song song trong Luật dân sự và Luật Thương mại.

Đơn cử, trong hai bộ luật này có quy định về đối tượng giống nhau nhưng quy định về mức phạt vi phạm lại rất khác nhau.

Nếu theo Luật Thương mại quy định đó là tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến thương mại, thì Luật Dân sự là những tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận…

Bà Trần Đỗ Quyên, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương cho biết, trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Luật Thương mại 2005, Bộ Công Thương sẽ dự kiến trình Chính phủ Luật Thương mại (sửa đổi) vào năm 2017 và thông qua vào năm 2018.

Đồng thời, Bộ cũng đề xuất dự án Luật Quản lý ngoại thương, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 5/2016. Theo đó, dự kiến sẽ có thêm các quy định mới về hàng hóa, dịch vụ, phạm vi độc quyền Nhà nước trong lĩnh vực thương mại; chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh./.

Mỹ Phương
TTXVN/Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 1709
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)