Ngày 24/10, Ban chỉ đạo Tây Bắc và Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tọa đàm với chủ đề “Cơ chế chính sách thúc đẩy liên kết vùng Tây Bắc”.
|
Ảnh: VGP/Nguyệt Hà |
Tây Bắc là địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh và đối ngoại của cả nước; có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ.
Với nhiều sự tương đồng về địa hình, vị trí của khu vực biên giới, có thể nói 8 tỉnh Tây Bắc (gồm Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Tuyên Quang, Bắc Kạn) có chung tiềm năng và điều kiện phát triển kinh tế-xã hội.
Trong đó nổi bật là sự giàu có tài nguyên, khoáng sản, thủy điện, thủy sản; có ưu thế trong phát triển cây công nghiệp, cây dược phẩm, các loại rau quả cận nhiệt đới, ôn đới cũng như thế mạnh về chăn nuôi gia súc và phát triển kinh tế cửa khẩu.
Tuy nhiên đây vẫn là khu vực nghèo nhất cả nước; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nói chung còn yếu kém, đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn.
Những hạn chế này, theo Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ Tây Bắc Trương Xuân Cừ, còn do nhiều nguyên nhân chủ quan trong công tác quản lý điều hành, trong việc chậm cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt là cơ chế chính sách chưa đủ mạnh, môi trường chưa thông thoáng để có thể thu hút mạnh mẽ các nguồn lực, các thành phần kinh tế trong nước và quốc tế đầu tư phát triển nhằm khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh của vùng.
Vì vậy, Ban Tổ chức hy vọng hội thảo lần này là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà đầu tư và lãnh đạo địa phương gặp gỡ, đối thoại, trao đổi kinh nghiệm và thiết lập quan hệ hợp tác, trong đó tập trung bàn giải pháp và đề xuất cơ chế chính sách, định hướng mục tiêu chiến lược về liên kết mạng lưới giao thông, liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.
Tại Hội thảo, vấn đề chính được thảo luận để tìm ra giải pháp, cơ chế là tìm cách đẩy mạnh kết nối phát triển mạng lưới giao thông, từ đó mở đường cho du lịch phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo cho các tỉnh trong vùng.
Về kết nối, phát triển giao thông, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường trình bày báo cáo về các phương án, định hướng phát triển giao thông cũng như đề xuất về chính sách cơ chế huy động nguồn lực (cả ngân sách Nhà nước và xã hội hóa) để liên kết không gian vùng Tây Bắc.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn đề cập vấn đề tăng cường liên kết các tỉnh vùng Tây Bắc để phát triển du lịch bền vững.
Đại diện lãnh đạo các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng cũng đã có ý kiến đóng góp cho việc tìm ra giải pháp thúc đẩy liên kết vùng để phát triển du lịch từ đó khai thác phát huy được tiềm năng thế mạnh của Tây Bắc góp phần phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo để giữ gìn vững chắc khu vực biên cương, phên dậu của đất nước.
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ cho hay tất cả những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được thống nhất trong một báo cáo để trình Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đây cũng là cơ sở cho việc xây dựng hoạch định chính sách, xác định hướng phát triển lâu dài cho khu vực Tây Bắc giai đoạn 2016-2020 tầm nhìn 2030./.
Nguyệt Hà
Cổng thông tin điện tử Chính phủ