(MPI Portal) – Ngày 27/10/2015, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo Tham vấn Tăng cường năng lực lập kế hoạch cho tăng trưởng các bon thấp tại các nước đang phát triển ở châu Á.
|
Bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Phó Chánh Văn phòng Phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu khai mạc Hội thảo.
Ảnh: Minh Trang (MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Phó Chánh Văn phòng Phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, phát triển các bon thấp đang trở thành xu hướng tất yếu trên thế giới, trong bối cảnh nguồn năng lượng truyền thống ngày càng cạn kiệt, giá cả biến động thất thường, thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan diễn biến phức tạp. Phát triển các bon thấp sẽ góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu (BĐKH), đồng thời tạo ra nguồn tài chính đáng kể nhờ sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm và giảm thiểu ô nhiễm. Tăng trưởng các bon thấp là hướng đi hiệu quả và bền vững cho cuộc chiến ứng phó với BĐKH đối với các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, một trong những mục tiêu của Chiến lược là hướng đến nền kinh tế các bon thấp, giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính. Chính phủ Việt Nam phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và đã hoàn thành, gửi Ủy ban Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về BĐKH (UNFCCC) Báo cáo Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC). INDC thể hiện nỗ lực cao nhất của quốc gia trong góp phần giảm nhẹ BĐKH toàn cầu bằng việc thực hiện mục tiêu của Công ước BĐKH.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI Portal)
|
Trình bày về INDC của Việt Nam, GS.TS Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban Quốc gia về BĐKH, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và BĐKH cho biết, tính đến ngày 01/10/2015 đã có 120 INDC của 147 quốc gia nộp cho UNFCCC, chiếm 89,9% lượng phát thải toàn cầu. Lần đầu tiên, hầu hết các bên đã đưa ra “dự kiến” đóng góp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Đây cũng là mức “đóng góp” cao nhất so với các cam kết cũng như thông báo trước đây của các bên và các INDC đã nộp có thể giảm bớt sự nóng lên khoảng 0,5oC đến 1oC so với các chính sách đang được thực hiện.
Về INDC của Việt Nam trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, mức đóng góp vô điều kiện bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, trong đó, giảm 20% cường độ phát thải trên một đơn vị GDP so với năm 2010, tăng độ che phủ rừng thành 45%. Với mức đóng góp có điều kiện, đóng góp có thể tăng lên 25% khi nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế trong Thỏa thuận khí hậu toàn cầu mới, trong đó giảm 30% cường độ phát thải trên một đơn vị GDP so với năm 2010.
Để đạt được các mục tiêu trên, Việt Nam cần tăng cường vai trò chủ đạo của Nhà nước trong ứng phó với BĐKH, nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng. Đồng thời, thay đổi cơ cấu nhiên liệu trong công nghiệp và giao thông vận tải, khai thác có hiệu quả và tăng tỉ trọng các nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thông qua phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh trong sản xuất nông nghiệp; Quản lý và phát triển rừng bền vững, tăng cường hấp thu các bon và dịch vụ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển sinh kế và nâng cao thu nhập cho cộng đồng và người dân phụ thuộc vào rừng, quản lý chất thải, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tăng cường hợp tác quốc tế.
Trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với ADB triển khai Dự án hỗ trợ kỹ thuật vùng để tăng cường năng lực lập kế hoạch phát triển các bon thấp cho các quốc gia đang phát triển ở châu Á.
|
Ông David Raizer, Chuyên gia kinh tế ADB phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI Portal)
|
Tại Hội thảo, ông David Raizer, Chuyên gia kinh tế ADB cho biết, Dự án kỹ thuật hỗ trợ cho 5 nước châu Á: In-đô-nê-xi-a, Ma-lay-si-a, Phi-líp-pin, Thái Lan và Việt Nam được tài trợ bởi ADB, Nhật Bản, Vương quốc Anh. Dự án nhằm tạo điều kiện cho các quốc gia tham gia chuyển đổi sang tăng trưởng các bon thấp thông qua việc xây dựng và ứng dụng các mô hình lập kế hoạch tăng trưởng, các công thức phù hợp với đặc thù của quốc gia, phân tích các chính sách và cung cấp các đầu vào cho các kế hoạch phát triển, đào tạo, tăng cường năng lực cho các cơ quan liên quan trong việc duy trì và sử dụng các mô hình các bon thấp. Hiện nay Dự án đã đi vào giai đoạn kết thúc, trong khuôn khổ Dự án, các chuyên gia đã xây dựng và phát triển các công cụ, mô hình các bon thấp nhằm hỗ trợ cho việc lựa chọn chính sách tăng trưởng các bon thấp của Việt Nam. Báo cáo tổng hợp nghiên cứu của Dự án hỗ trợ kỹ thuật vùng đã được hoàn thành với các kịch bản phác thảo và các gợi ý chính sách cho mỗi quốc gia tham gia Dự án./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư